25
VỀ “ TỐ TÂM ” CỦA HOÀNG NGỌC PHÁCH Lê Duy Tân Lớp: Văn 3CN MSSV: K33606044 Tố Tâm là tiểu thuyết duy nhất của Hoàng Ngọc Phách được viết xong năm 1922, in lần đầu năm 1925 tại nhà xuất bản Châu Phương, Hà Nội. Tố Tâm xuất hiện “lập tức gây xôn xao, sôi nổi dư luận một thời” [2, 257], “từ Nam đến Bắc không mấy ai là không biết đến” [2, 87]. Tác phẩm được sùng bái đến mức trở thành cuốn sách gối đầu giường, thành tự điển cho những người “nhập môn hay muốn nhập môn vào tình yêu”. Với sự ra đời của mình, “Tố Tâm đã làm dậy lên một phong trào đi tìm

Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

Embed Size (px)

DESCRIPTION

V “ Ề T TÂM Ố ” C A HOÀNG NG C PHÁCH Ủ Ọ Lê Duy Tân L p: Văn 3CN ớ MSSV: K33606044 2. Lê Quang H ng (2003). ư Thi u S n toàn t p ế ơ ậ , Hà N i: Văn h c, 735 tr ộ ọ 3. Ph m Th Ngũ (1965), Vi t Nam văn h c s ạ ế ệ ọ ử gi n c tân biên, t p 3, Sài Gòn: Qu c h c ả ướ ậ ố ọ tùng th , 661 tr. ư Tài li u tham kh o: ệ ả

Citation preview

Page 1: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

VỀ “TỐ TÂM” CỦA HOÀNG NGỌC PHÁCH

Lê Duy Tân

Lớp: Văn 3CN

MSSV:

K33606044

Tố Tâm là tiểu thuyết duy nhất của Hoàng Ngọc

Phách được viết xong năm 1922, in lần đầu năm 1925

tại nhà xuất bản Châu Phương, Hà Nội. Tố Tâm xuất

hiện “lập tức gây xôn xao, sôi nổi dư luận một thời”

[2, 257], “từ Nam đến Bắc không mấy ai là không biết

đến” [2, 87]. Tác phẩm được sùng bái đến mức trở

thành cuốn sách gối đầu giường, thành tự điển cho

những người “nhập môn hay muốn nhập môn vào

tình yêu”. Với sự ra đời của mình, “Tố Tâm đã làm

dậy lên một phong trào đi tìm tự do cá nhân cho

thanh niên nam nữ” [3, 361].

Tố Tâm viết về chuyện tình trong sáng, say đắm

nhưng cũng không kém phần bi thảm của Tố Tâm và

Đạm Thủy. Đạm Thủy là sinh viên cao đẳng Sư phạm

có tài văn thơ. Tố Tâm là cô con gái lớn xinh đẹp, nết

na của bà Án, khi còn bé học chữ Nho, sau học

Page 2: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

trường Pháp – Việt, đỗ sơ học, rất yêu văn chương,

đã thầm yêu Đạm Thủy khi đọc văn thơ của chàng

đăng trên báo. Do tình cờ hội ngộ nên tình yêu giữa

hai người nảy nở và ngày càng trở nên sâu nặng hơn.

Song đó là một mối tình vô vọng bởi gia đình Đạm

Thủy đã hỏi vợ cho chàng và chàng không muốn trái

ý cha mẹ; còn Tố Tâm, mặc dù yêu tha thiết Đạm

Thủy nhưng cũng không muốn làm cho người vợ

chưa cưới của chàng đau khổ. Bà Án biết Tố Tâm và

Đạm Thủy yêu nhau, chỉ “có ý giữ gìn” chứ không

phản đối. Đến khi cậu tú B. dạm hỏi Tố Tâm, bà ưng

gả nhưng Tố Tâm không thuận.

Tố Tâm và Đạm Thủy thường xuyên trao đổi

những bức thư tình. Nhưng thư từ cũng không thể

làm nguôi nỗi nhớ thương, họ thực sự có nhu cầu gặp

nhau, cùng nhau trò chuyện. Hễ có điều kiện là hai

người đi chơi vùng ngoại ô, có khi còn đi biển Đồ Sơn.

Đó là những tháng ngày say đắm và đẹp đẽ nhất của

Tố Tâm và Đạm Thủy. Trước tình yêu trong sáng của

Tố Tâm, đã có lúc Đạm Thủy muốn vứt bỏ sự nghiệp

cùng nàng trốn đến một nơi nào đó để cùng hưởng

hạnh phúc nhưng vì nghĩ đến gia thân nên lại thôi.

Page 3: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

Khi bà Án ốm nặng, bà muốn Tố Tâm nhận lời lấy

cậu tú B. để yên bề gia thất. Thương mẹ nên Tố Tâm

chiều theo ý bà mà ưng thuận. Lấy chồng xong, Tố

Tâm nhuốm bệnh, 36 ngày sau thì qua đời.

Tố Tâm được xem là cuốn tiểu thuyết hiện đại

đầu tiên của nền văn học Việt Nam viết theo lối kết

cấu tâm lý, kết tinh thành tựu của một giai đoạn có

tính chất giao thời của hai giai đoạn văn học. Tình

yêu nam nữ trong tác phẩm đã bắt đầu thoát ra khỏi

những ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến,

hướng tới một chân trời mới lạ của tình yêu tự do cá

nhân.

Với Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách đã có những

đổi mới trong quan niệm về hiện thực phản ánh. Nếu

các nhà văn khác cùng thời với ông có xu thế hướng

ngoại, khai thác những vấn đề xã hội, hướng đến

quan hệ giữa con người với con người để tố cáo xã hội

thì Hoàng Ngọc Phách lại hướng vào nội tâm, vào thế

giới bên trong, đi vào chiều sâu của tâm giới. Trong

tác phẩm, mọi trạng thái tâm lý đều có cơ sở, có quá

trình hình thành rất logic và hợp lý: để gặp và yêu

ngay Tố Tâm, tiềm thức của Đạm Thủy đã lưu giữ

Page 4: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

gương mặt ấy ngay từ lúc ở nhà quan huyện; Tố Tâm

đáp lại ngay chân tình của Đạm Thủy bởi nàng, vì

yêu thơ, đã yêu cả chàng thi sĩ tài hoa – chủ nhân của

những vần thơ bay bổng... Đi sâu vào khai thác thế

giới nội tâm phong phú và bí hiểm của con người là

mảnh đất mới mà nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật

hiện đại cần phải hướng đến. Chính sự đổi mới về

thiên hướng khai thác này đã dẫn đến sự đổi mới

trong nội dung phản ánh của Tố Tâm. Những sự kiện

của đời sống bên ngoài và những hành động của nhân

vật không còn giữ vai trò quan trọng hàng đầu nữa

mà chỉ là yếu tố phụ, nhường chỗ cho những suy tư,

những trạng thái tình cảm, những vui, buồn, lo âu,

thấp thỏm và những phân tích về quá trình tâm lý

của con người. Có thể nói, đi sâu vào thế giới bên

trong, vào đời sống nội tâm của nhân vật là một phát

hiện, một khám phá vô cùng mới mẻ của Hoàng Ngọc

Phách.

Tố Tâm đã đặt ra vấn đề quyền sống trong lĩnh

vực tình cảm của cá nhân con người trong xã hội hiện

đại. Đó là quyền được yêu, được lựa chọn người yêu,

quyền bảo vệ tình yêu chân chính của cá nhân. Tố

Page 5: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

Tâm đã đem đến cho văn học Việt Nam một nội dung

mới, mở ra một hướng phát triển mới. Tố Tâm đã lấy

cái “tôi” làm điểm xuất phát cho tình cảm yêu đương

và đã dám chung thủy đến cùng với tình cảm lãng

mạn tuyệt vời đó. Tình yêu của hai nhân vật chính là

mối tình chân thực, đẹp như mộng mà chỉ có tự do

hôn nhân mới có thể với tới được. “Đọc sách Tố Tâm

ta phải nhận thấy cái chỗ kém hèn của luân lý nước

nhà vì nó mà một giai nhân phải giã thế, từ trần để lại

một bậc tài tử phải sống mà nuốt lệ” [2, 377]. Nếu

như trước đây, Truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ xuất

hiện như tiếng kêu thương, khát khao quyền sống,

quyền hạnh phúc của con người, thì Tố Tâm đã

nghiễm nhiên trở thành một lời khẳng định. Nó báo

hiệu một thời đại mà ai ai cũng được quyền mưu cầu

hạnh phúc với tư cách con người cá nhân đích thực.

Trong tác phẩm, các tính cách nhân vật có sự

phát triển nội tại như chính trong cuộc đời thật. Đạm

Thủy là hình ảnh một thanh niên trí thức Tây học, Tố

Tâm là hình ảnh một cô gái “mới”, học chữ Tây, mê

văn chương, biết làm thơ. Khác với những câu

chuyện tình yêu tràn ngập chi tiết lãng mạn, trong tác

Page 6: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

phẩm, những mơ mộng về hạnh phúc lứa đôi chủ yếu

diễn ra trong nội tâm của nhân vật. Yêu nhau từ lúc

trộm nhớ thầm thương đến khi gặp gỡ nhau và cảm

thấy ý hợp tâm đầu, Tố Tâm và Đạm Thủy trở thành

đối tượng chiêm ngưỡng, tôn thờ của nhau. Họ lấy

thơ văn, một thú vui tao nhã, làm nhịp cầu giao cảm.

Tình yêu của họ, vì thế, cũng thật trong sáng, thanh

cao. Tố Tâm yêu văn rồi đến yêu người, hai yếu tố

thực, hư này làm cho hình ảnh của văn nhân càng

thêm lung linh, nhiều màu sắc. Bị thu hút bởi một

mối tình trinh nguyên, say đắm, Tố Tâm cũng như

Đạm Thủy ý thức rất rõ giá trị của những giờ phút

bên nhau. Thật tự nhiên và cũng thật mới mẻ, táo

bạo: Tố Tâm đã chủ động viết thư, làm thơ tặng Đạm

Thủy – những cánh tình thư, những trang nhật ký trở

thành nơi ký thác nỗi lòng. Hai người tâm tình với

nhau trong phòng riêng; lại còn giấu mẹ, hẹn nhau

trên bãi biển trước cảnh trời nước mênh mông hay

đến những vùng quê yên ả tiếng chuông chùa… Mối

tình của đôi lứa yêu nhau được khơi dậy từ hai trái

tim còn rất trẻ, luôn say sưa những xúc cảm yêu

Page 7: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

đương, bỏ mặc sau lưng mọi trở lực để hướng đến

một đóa hoa yêu cao khiết, vĩnh hằng.

Có thể nói, Tố Tâm đã hoàn thành sứ mệnh mở

đường cho sự đổi mới hệ thống thi pháp tiểu thuyết

Việt Nam hiện đại đầu thế kỷ XX. Tác phẩm là một

tiểu thuyết thuộc thể tài đời tư. Xây dựng Tố Tâm,

nhà văn đã tiếp cận thực tại từ góc nhìn đời tư – một

đặc trưng chủ yếu của tiểu thuyết hiện đại. Dưới góc

nhìn đời tư, với một quan niệm nghệ thuật mới về con

người, con người cá nhân đã xuất hiện trong tác

phẩm và nhân vật được soi sáng bằng một hệ quy

chiếu mới có khả năng khám phá, phát hiện những

vùng khuất tối mà những góc nhìn khác không có khả

năng nhìn thấy được.

Về phương diện ngôn ngữ và nghệ thuật kể

chuyện, Tố Tâm đã những bước tiến nhất định. Trong

tác phẩm, nhiều hình thức tổ chức ngôn ngữ được sử

dụng: đối thoại giữa các nhân vật, độc thoại nội tâm,

ngôn ngữ người kể chuyện… Nhìn chung, ngôn ngữ

trong Tố Tâm là một thứ ngôn ngữ chải chuốt, giàu

cảm xúc, đầy chất trữ tình, chất thơ... Nó mang đặc

điểm của ngôn ngữ tiểu thuyết lãng mạn. Trong bối

Page 8: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

cảnh quốc văn còn đang phôi thai, trình độ tiểu

thuyết còn thấp kém, với một kỹ thuật diễn đạt như

thế, Tố Tâm hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận

công lao gọt giũa, làm giàu chữ quốc ngữ.

Tố Tâm cũng có nhiều nét mới so với tiểu thuyết

truyền thống. Ở Tố Tâm, ta bắt gặp một lối kết cấu

mới. Lối kết cấu này được hình thành trên cơ sở đan

cài hai mảng hiện tại và quá khứ: nó vừa trở về theo

dòng hồi tưởng, vừa tái hiện trực tiếp câu chuyện qua

những bối cảnh và sự kiện sinh động. Tính đơn tuyến

quen thuộc bị phá vỡ thay vào đó, câu chuyện chủ yếu

được trình bày thông qua không gian hồi tưởng và

thời gian tâm lý. Những khi đôi bạn Đạm Thủy – Tố

Tâm gặp nỗi buồn hay có được niềm hạnh phúc ngây

ngất, đâu đâu thời gian tâm lý cũng trải kín một

màu…

Nếu “truyện thơ Nôm truyền thống thường

mượn cốt truyện nước ngoài để thể hiện những vấn

đề của cuộc sống Việt Nam […] thì ở đây, tính ước lệ

và tượng trưng, tính ám dụ và ẩn dụ được đẩy lên

hàng đầu nhằm giáo dục con người vươn tới cái cao

thượng của nhân cách theo chuẩn mực đạo lý luân

Page 9: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

thường” [1, 257]. Viết Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách đã

khai thác cốt truyện trong đời sống của thanh niên

thành thị Việt Nam lúc bấy giờ. Cốt truyện của Tố

Tâm không có vai trò đặc biệt như trong truyện Nôm

mà bị đẩy xuống bình diện sau, các sự kiện tình tiết

cũng giảm thiểu. Cốt truyện của tác phẩm đã được

nới lỏng, trọng tâm chuyển từ cốt truyện sang nhân

vật, từ những điều “trông thấy” sang những điều

“cảm thấy”, từ thế giới bên ngoài vào thế giới nội tâm

nhân vật. Tố Tâm chủ yếu xoay quanh một câu

chuyện duy nhất, không thiên về hành động bên ngoài

mà chủ yếu là thế giới nội tâm với những hành động

bên trong. Tiểu thuyết kết thúc bằng bi kịch tình yêu

đổ vỡ, bằng cái chết thương tâm của nhân vật chính

hoàn toàn khác xa so với kết thúc có hậu của truyện

Nôm. Với Tố Tâm, lối kết cấu chương hồi truyền

thống được thay thế bằng kiểu kết cấu theo quy luật

tâm lý. Tác giả thực sự có hứng thú khi “xét cái tình

trạng của lòng người”, “chép cái hành động của tâm

lý”, “tách bạch những nỗi éo le của ái tình” [4,2].

Nhiều tình huống tâm lý nhân vật được khai thác,

nhiều hành động của nhân vật được miêu tả. Tất cả

Page 10: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

đều hướng tới việc phô bày tâm lý nhân vật. Qua ngòi

bút của Hoàng Ngọc Phách, Đạm Thủy và Tố Tâm

thực sự có đời sống nội tâm phong phú, mỗi nhân vật

đã có được cuộc sống của riêng mình.

Khi xây dựng nhân vật, Hoàng Ngọc Phách cũng

không phân chia nhân vật thành hai tuyến đối lập

như trong văn học truyền thống. Nhà văn đã xây

dựng nhân vật bằng một phương pháp mới: không

tập trung vào các sự kiện, hành động bên ngoài của

nhân vật mà tập trung vào các quá trình tâm lý và

các trạng thái tình cảm của nhân vật. Trong tác

phẩm, nhà văn đã sử dụng thành công nhiều thủ

pháp miêu tả tâm lý nhân vật. Những biến thái tinh vi

của tâm hồn nhân vật đã được nhà văn miêu tả trong

môi trường hẹp, qua nhật ký, thư từ, qua ngoại hình

và hành động… Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật

là một trong những đóng góp quan trọng của Hoàng

Ngọc Phách cho kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết Việt

Nam đương đại.

Xung đột chủ yếu của Tố Tâm là xung đột tình

cảm và lý trí giữa Tố Tâm và Đạm Thủy. Về mặt tình

cảm, Đạm Thủy tha thiết yêu Tố Tâm, nhưng lý trí lại

Page 11: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

ràng buộc anh kết hôn với cô gái mà chàng chưa hề

biết mặt. Về phía Tố Tâm, mặc dù say mê Đạm Thủy

nhưng lại không muốn làm tan vỡ hạnh phúc của cô

gái đã có lời hứa hôn với Đạm Thủy, và sau đó là

chiều theo ý mẹ lấy cậu tú B. Tuy cũng có lúc hai

người định “đem nhau trốn đi một chỗ thâm sơn cùng

cốc, hay chân trời góc biển nào không ai biết đến để

cùng hưởng cuộc ân ái trăm năm” [4, 98] nhưng đó

chỉ là ý nghĩ thoáng qua do “chịu ảnh hưởng ở các ái

tình tiểu thuyết Tây – Âu” [4, 3] chứ chưa đủ sức

thoát khỏi sự níu kéo của “tình gia quyến” cùng với

sự kiềm tỏa của chữ tín và chữ hiếu cứng nhắc của

đạo lý phong kiến. Có thể nói, Tố Tâm và Đạm Thủy

chưa thực sự là nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn.

Tình yêu của họ chỉ mới là một thứ tình yêu nửa vời

tuy có đắm say nhưng vẫn chưa thoát khỏi sự ràng

buộc của lễ nghĩa. Tố Tâm tuy yêu say đắm Đạm

Thủy nhưng vẫn chấp nhận lấy chồng để chiều theo ý

mẹ. Đạm Thủy tuy vô cùng đau khổ vì tình yêu tan vỡ

nhưng lại vẫn “cảm thấy nức lòng”, vẫn đầy hào

hứng trước công danh sự nghiệp.

Page 12: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

Tố Tâm là cuốn tiểu thuyết tâm lý đặc sắc có vai

trò mở đường cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại

song nó lại không phải là một viên ngọc toàn bích do

những hạn chế về thời đại và thế giới quan của tác giả

- một nhà văn xuất thân Nho học vốn đã quen với nếp

cũ.

Về nội dung, tác phẩm chưa xây dựng được điển

hình cho một tầng lớp, một giai cấp. Bản thân Đạm

Thủy chỉ là một cá nhân cô đơn. Bi kịch của chàng

thật cá biệt so với nhân vật ký giả và bạn bè cùng

hoàn cảnh xuất thân như anh. Ngoài tình yêu, Đạm

Thủy hoàn toàn xa lạ với đời sống chính trị - xã hội,

nghĩa là xa lạ với cái bối cảnh trực tiếp gây nên bi

kịch cho tình yêu, hạnh phúc của mình. Nếu người

đọc mong muốn tiểu thuyết phải là bức tranh khái

quát hiện thực thì Tố Tâm lập tức thiếu ngay cái sức

mạnh điển hình hóa. Nếu công chúng đòi hỏi tác

phẩm văn học phải đứng ở vũ đài đấu tranh giai cấp

thì Tố Tâm ngay tức khắc sẽ bị đánh đồng với các

sáng tác thoát ly hiện thực. Tất nhiên, chúng ta không

thể đòi hỏi một tiểu thuyết lãng mạn phải chứa đựng

nhiều chức năng xã hội. Song, giá như, ngoài cơ sở

Page 13: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

tâm lý, nhà văn còn dùng cơ sở xã hội để lý giải sự

biến động trong đời sống tinh thần nhân vật thì ý

nghĩa xã hội của tác phẩm còn lớn hơn nhiều. Thời

bấy giờ, công chúng chưa mạnh dạn kết thành làn

sóng ủng hộ tác phẩm, phải chăng, một phần cũng bởi

điều này?

Về nghệ thuật, một số sự kiện trong truyện còn

dài dòng, dàn trải, nhất là các đoạn đối thoại, những

phần trích dẫn thư từ, hay những câu thơ xướng

họa,... Điều này làm giảm đi độ “căng” cần thiết của

một tiểu thuyết vốn cần nhiều mâu thuẫn, xung đột, ít

nhiều gây cảm giác nhàm chán cho người đọc mà

những đoạn đối thoại giữa Đạm Thủy với thằng bé

người ở, hay những chỗ trích thư từ, nhật ký của Tố

Tâm là các ví dụ tiêu biểu.

Lời văn nghệ thuật của tác phẩm, bởi tập trung

miêu tả tầng lớp thượng lưu, lại được tác giả gọt giũa

quá bóng bẩy nên khó hấp thu được lời ăn tiếng nói

sống động của quần chúng nhân dân. Tác phẩm hoàn

toàn thiếu vắng vốn ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm

xúc, như người đọc đã từng gặp trong tiểu thuyết Hồ

Biểu Chánh. Nhiều đoạn văn lại theo vết mòn xưa,

Page 14: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

dùng câu văn biền ngẫu, quá đăng đối, quá ràng

buộc, khiến mạch văn thiếu phần co giãn, linh hoạt,

thậm chí lê thê, nặng nề.

Mặt khác, tác phẩm kể chuyện tình yêu thời hiện

đại, nhưng nhà văn lại để đôi trai gái tân thời gởi cho

nhau những câu đối, dòng thơ luật Đường khuôn sáo,

hình ảnh mòn cũ: “liễu ủ hoa sầu, năm canh giọt lệ,

sương sa gió thổi, tuyết phủ mây mờ,...”. Điều đó

khiến người đọc không khỏi liên tưởng về cuộc tình

của những văn nhân tài tử thời phong kiến ngày xưa.

Những nhà nho thủ cựu thấy nhân vật xa lạ với mình.

Nhưng thanh niên trí thức Tây học lại thấy nhân vật

dường như chưa hẳn là mình.

Ngoài ra, đôi chỗ, nhà văn, vì quá nôn nóng

muốn dùng văn chương “gây nên một nền luân lý”,

do đó, đã biến nhân vật Tố Tâm thành cái loa phát

ngôn, thuyết lý cho đạo đức: “Em là phận gái, cái

chức phẩm với đời, có cũng hay mà không cũng được,

chả ai nghị luận gì, ai trách chi nữ nhi nan hóa,

nhưng anh là bậc nam nhi hai vai nghĩa vụ, anh đừng

làm như em mà giữ lấy một mối tình vô hy vọng. Anh

là người có văn chương, có tư tưởng, anh nên nhớ

Page 15: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

rằng cái thân anh không phải của một mình anh, phải

làm việc cho nhà, cho nước, cho xã hội...” [4, 87].

Người đọc thật khó bị thuyết phục bởi một cô gái

đang đau khổ sụt sùi vì tình, lại bất ngờ tỉnh táo, nói

những lời mang màu sắc giáo huấn trang nghiêm như

thế!

Ngoài ra, Tố Tâm còn thể hiện thái độ nửa vời

của Hoàng Ngọc Phách trong việc giải quyết mâu

thuẫn, xung đột của con người trước hiện tại. Một

mặt, nhà văn ca ngợi, ủng hộ tình yêu tự do của thanh

niên nam nữ nhưng mặt khác lại để nhân vật của

mình bị ràng buộc bởi gia đình, bởi trách nhiệm, bởi

thứ đạo đức còn mang nhiều dấu tích của lễ giáo

phong kiến hủ lậu.

Mặc dù vậy, nhìn một cách tổng quát, những hạn

chế vừa nêu cũng không làm mờ được vẻ đẹp sáng

ngời của tác phẩm bởi những khiếm khuyết ấy, dù gì,

là hệ quả tất yếu của một quyển tiểu thuyết tâm lý đã

xuất hiện quá sớm so với bối cảnh thời đại.

Tài liệu tham khảo:

Page 16: Ve tieu thuyet To Tam cua Hoang Ngoc Phach

1. Phan Cự Đệ và những người khác (1998). Văn

học Việt Nam 1900 – 1945, TP HCM: Giáo dục,

668 tr.

2. Lê Quang Hưng (2003). Thiếu Sơn toàn tập, Hà

Nội: Văn học, 735 tr

3. Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản

ước tân biên, tập 3, Sài Gòn: Quốc học tùng thư,

661 tr.

4. Song An Hoàng Ngọc Phách (1988). Tố Tâm, Hà

Nội: Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, 124tr.

5. Trần Thị Trâm (1996). Tiểu thuyết Tố Tâm và vị

trí của tác phẩm trong quá trình phát triển của

tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, luận án phó tiến sĩ

khoa học Ngữ văn, Hà Nội: Đại học Sư phạm,

157 tr.