197

Click here to load reader

Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

Embed Size (px)

Citation preview

Page 1: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

TRẦN HỒNG QUẢNG

kinh tÕ n«ng th«n trong x©y dùng n«ng th«n míi ë huyÖn kim s¬n tØnh ninh b×nh

Chuyên ngành : Kinh tế chính trị

Mã số : 62 31 01 02

LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS HOÀNG THỊ BÍCH LOAN TS. NGUYỄN MINH QUANG

HÀ NỘI - 2015

Page 2: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa

học của riêng tôi. Các số liệu, tư liệu được sử dụng trong

luận án là trung thực, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng.

Những kết quả khoa học của luận án chưa được công bố

trong bất kỳ công trình nào.

Tác giả luận án

Trần Hồng Quảng

Page 3: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

MỤC LỤC Trang

MỞ ĐẦU 1

Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 5

1.1. Các công trình nghiên cứu ở nước ngoài có liên quan đến đề tài 5 1.2. Các công trình nghiên cứu ở Việt Nam có liên quan đến đế tài 10 1.3. Tổng quan kết quả nghiên cứu liên quan đến đề tài và vấn đề

đặt ra 24

Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ KINH TẾ NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI 26

2.1. Lý luận chung về kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới 26 2.2. Vai trò, nội dung, các chỉ tiêu đánh giá phát triển kinh tế nông

thôn trong xây dựng nông thôn mới 41 2.3. Kinh nghiệm của quốc tế và trong nước về phát triển kinh tế

nông thôn trong xây dựng nông thôn mới 57

Chương 3: THỰC TRẠNG KINH TẾ NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN KIM SƠN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2008 - 2013 74

3.1. Đặc điểm tự nhiên kinh tế - xã hội ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình ảnh hưởng đến kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới 74

3.2. Thực trạng kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình 81

3.3. Đánh giá chung 103

Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN KIM SƠN TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2020 115

4.1. Quan điểm cơ bản phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình 115

4.2. Những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 120

KẾT LUẬN 153 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ 156 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 157 PHỤ LỤC 170

Page 4: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

CĐML : Cánh đồng mẫu lớn

CNH, HĐH : Công nghiệp hóa, hiện đại hóa

CNH : Công nghiệp hóa

CNTB : Chủ nghĩa tư bản

CNTBNN : Chủ nghĩa tư bản nhà nước

CN, TTCN : Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

CN, TTCN - XD : Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng

GDP : Tổng sản phẩm kinh tế quốc dân

HĐND : Hội đồng nhân dân

HĐH : Hiện đại hóa

HTX : Hợp tác xã

KH - CN : Khoa học - công nghệ

KHHGĐ : Kế hoạch hóa gia đình

KTNT : Kinh tế nông thôn

KT - XH : Kinh tế - xã hội

LLSX : Lực lượng sản xuất

Nxb : Nhà xuất bản

QHSX : Quan hệ sản xuất

TBCN : Tư bản chủ nghĩa

UBND : Ủy ban nhân dân

VAC : Vườn ao chuồng

WTO : Tổ chức thương mại thế giới

XDNTM : Xây dựng nông thôn mới

XHCN : Xã hội chủ nghĩa

Page 5: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

DANH MỤC CÁC BẢNG

Trang Bảng 3.1: Tổng hợp giá trị, cơ cấu ngành nghề nông nghiệp,

lâm nghiệp, thủy sản qua các năm 82 Bảng 3.2: Tổng sản lượng thủy sản vùng ven biển huyện Kim

Sơn 2008-2013 83 Bảng 3.3: Chất lượng lao động huyện Kim Sơn 2008 - 2013 86 Bảng 3.4: Kết quả phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông

thôn của huyện Kim Sơn giai đoạn 2008 - 2013 88 Bảng 3.5: Kết quả phát triển hạ tầng thủy lợi nông thôn huyện

Kim Sơn 89 Bảng 3.6: Kết quả phát triển hạ tầng nước sạch và môi trường

nông thôn huyện Kim Sơn 91 Bảng 3.7: Kết quả phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông nông

thôn huyện Kim Sơn 92 Bảng 3.8: Thu nhập bình quân lao động/năm và thu nhập bình

quân đầu người/năm ở nông thôn huyện Kim Sơn qua các năm 102

Page 6: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

DANH MỤC CÁC HÌNH

Trang

Hình 2.1: Cơ cấu tổng sản phẩm trong nước của nền kinh tế quốc dân 42

Hình 3.1: Cơ cấu kinh tế ngành ở huyện Kim Sơn qua các năm 81

Page 7: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

1

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài Ngày 5/8/2008, BCH trung ương Đảng (khoá X) ban hành Nghị quyết số

26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó yêu cầu: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo qui hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Theo yêu cầu này, phát triển kinh tế nông thôn là nội dung chủ yếu của quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Kim Sơn là huyện “đặc thù” của tỉnh Ninh Bình, thành lập năm 1829, là kết quả của công cuộc khẩn hoang dưới sự lãnh đạo tài tình của Doanh điền tướng công Nguyễn Công Trứ, bằng mồ hôi, sức lực của mình, người Kim Sơn đã kiên cường chiến thắng thiên nhiên tạo một vùng quê mới Kim Sơn - “Núi vàng”. Là huyện duy nhất của tỉnh có biển, là huyện trọng điểm về chính trị, kinh tế của tỉnh Ninh Bình, là nơi có đông đồng bào công giáo, với tỷ lệ đồng bào công giáo chiếm 46,7% số dân, trên địa bàn có Tòa Giám mục Phát Diệm, 31 giáo xứ, 156 giáo họ; 31 nhà thờ giáo xứ, 113 nhà thờ giáo họ, 5 nhà nguyện, 1 đền Đức Bà.

Trong những năm vừa qua, KTNT huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình đã có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đang dần phá thế thuần nông. Ngành nông nghiệp tăng trưởng khá và ổn định. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề, làng nghề ở nông thôn phát triển khá mạnh. Các hình thức tổ chức sản xuất trong kinh tế nông thôn được đa dạng hoá. Kết cấu hạ tầng KT - XH nông thôn từng bước được hoàn thiện. Thu nhập của nhân dân tăng dần, người dân có thêm điều kiện đầu tư phát triển các công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm, bộ mặt nông thôn được đổi mới, tiến bộ hơn trước.

Page 8: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

2

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của huyện. Trước yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, còn rất nhiều việc mà huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình phải làm. Công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong đó có quy hoạch phát triển kinh tế nông thôn chưa đạt yêu cầu, chậm tiến độ, chất lượng không cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, còn nhiều khó khăn cả đầu tư và hiệu quả khai thác; nghiên cứu chuyển giao khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm chưa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở nông thôn. Vấn đề việc làm và thu nhập lâu dài của một bộ phận dân cư đã và đang đặt ra, tính bền vững trong phát triển kinh tế nông thôn đang là trở ngại trên con đường xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Bình, nhất là ở vùng có đông đồng bào công giáo như huyện Kim Sơn. Vì vậy trong xây dựng nông thôn mới đặt trong bối cảnh ở vùng có đông đồng bào công giáo ở tỉnh Ninh Bình, thì vấn đề xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn bền vững là nội dung chủ yếu, cốt lõi mang tính chất quyết định.

Để góp phần vào giải quyết vấn đề bức xúc này, từ thực tiễn công tác trên địa bàn một huyện có đông đồng bào công giáo, tôi chọn đề tài: “Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình” để nghiên cứu làm luận án Tiến sĩ chuyên ngành kinh tế chính trị.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế nông thôn trong

quá trình xây dựng nông thôn mới; luận án phân tích, đánh giá thực trạng kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình, đề xuất quan điểm và giải pháp để phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhanh chóng xây dựng nông thôn mới có hiệu quả ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện mục đích trên, luận án tập trung làm rõ các nhiệm vụ sau:

Page 9: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

3

- Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về KTNT trong xây dựng nông thôn mới. - Phân tích và đánh giá thực trạng kinh tế nông thôn trong xây dựng nông

thôn mới ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua. - Đề xuất quan điểm và giải pháp phát triển kinh tế nông thôn trong quá

trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là KTNT trong quá trình xây dựng nông

thôn mới. Làm rõ vai trò của phát triển KTNT đối với xây dựng nông thôn mới. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về thời gian nghiên cứu: Luận án nghiên cứu KTNT trong xây dựng

nông thôn mới ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình chủ yếu từ năm 2008 đến năm 2013. Phần đề xuất quan điểm và giải pháp đến năm 2020.

- Về địa điểm nghiên cứu khảo sát: Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (nơi có tỷ lệ đồng bào công giáo trên 46,7% so với số dân).

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 4.1. Cơ sở lý luận nghiên cứu Luận án dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ

Chí Minh và các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam, chính sách của Nhà nước về kinh tế nông thôn trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và xây dựng nông thôn mới.

4.2. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu sinh sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp

luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp trừu tượng hoá khoa học, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp kết hợp lôgíc với lịch sử.

Ngoài ra, nghiên cứu sinh còn sử dụng một số phương pháp của kinh tế học gồm: phương pháp khảo sát, điều tra, phương pháp thống kê; ở đây tác giả luận án đặc biệt chú trọng phương pháp điều tra khảo sát dưới dạng các bảng hỏi và từ đó tổng hợp các ý kiến và đánh giá tổng hợp lại các ý kiến đã điều tra.

Page 10: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

4

Đồng thời có kế thừa kết quả nghiên cứu của một số công trình của các tác giả trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài luận án.

5. Đóng góp mới của luận án - Luận giải rõ nội dung và chỉ tiêu đánh giá phát triển kinh tế nông thôn

trong quá trình xây dựng nông thôn mới. - Luận giải rõ vai trò của phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông

thôn mới, nhất là đáp ứng các yêu cầu của xây dựng nông thôn mới, khai thác hiệu quả kết quả của chuyển dịch cơ cấu KTNT, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh cho huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình.

- Đánh giá thực trạng kinh tế nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2008 - 2013.

- Đề xuất quan điểm và giải pháp phát triển kinh tế nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đến năm 2020.

6. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, đề

tài được kết cấu gồm thành 4 chương, 11 tiết. Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài. Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế nông thôn trong xây dựng

nông thôn mới. Chương 3: Thực trạng kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở

huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2008 - 2013. Chương 4: Quan điểm và giải pháp phát triển kinh tế nông thôn trong xây

dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020.

Page 11: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

5

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU Ở NƯỚC NGOÀI CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.1.1. Các Tác phẩm kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin - Tác phẩm Tư phản [76] của C.Mác và Ph.Ăngghen là một công trình

nghiên cứu kinh tế hết sức vĩ đại. C.Mác đã phân tích một cách khoa học và triệt để chủ nghĩa tư bản với tính cách là một hình thái kinh tế xã hội, đã vạch ra các qui luật ra đời, phát triển và diệt vong của CNTB. Trong tác phẩm này C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề cập đến các lĩnh vực sau đây liên quan đến đề tài:

+ Về hiệp tác trong sản xuất Trong chương XI, C.Mác đã làm rõ hiệp tác giản đơn TBCN, ở đây

C.Mác đã khẳng định hiệp tác giản đơn TBCN là lao động tập thể chưa có phân công. C.Mác đã chỉ ra những ưu thế của hiệp tác so với sản xuất nhỏ cá thể như: tiết kiệm được tư liệu sản xuất; tạo ra một sức sản xuất mới, đó là một sức sản xuất tập thể trong phần lớn các công việc sản xuất, ngay sự tiếp xúc xã hội cũng đẻ ra sự thi đua; rút ngắn được thời gian lao động cần thiết để làm ra tổng sản phẩm; giải quyết những công việc khẩn cấp, mùa vụ ... Đồng thời C.Mác cũng làm rõ những điều kiện để tiến hành hiệp tác đó là: Hiệp tác lao động đòi hỏi phải có sự quản lý, điều khiển, kiểm soát; tích tụ một khối lượng tư liệu sản xuất vào tay những nhà tư bản riêng lẻ; Kế toán với tư cách là phương tiện kiểm soát và khái quát quá trình sản xuất trên ý niệm.

+ Về tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp với thị trường sức lao động Trong chương XIII, về máy móc và đại công nghiệp, C.Mác đã nghiên cứu

cuộc cách mạng về công cụ lao động, làm rõ sự phát triển của máy móc. C.Mác khẳng định: máy móc gồm ba bộ phận cấu thành là: máy động lực, máy truyền lực và máy công tác, trong đó bộ phận máy công tác có tính chất quyết định. Chính cái máy công tác là cái máy đã mở đầu cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỷ

Page 12: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

6

XVIII. Hệ thống máy móc hình thành, cơ sở kỹ thuật thay đổi dẫn đến tổ chức sản xuất thay đổi: hoặc là hiệp tác của nhiều máy cùng loại, hoặc là hệ thống máy có sự phân công như trong công trường thủ công. C.Mác đã làm rõ những ưu thế của máy móc.

+ Về sự lạc hậu tương đối của nông nghiệp so với công nghiệp Trong chương XXIV, cái gọi là tích lũy ban đầu, C.Mác đã phân tích sự ra

đời của CNTB ở Anh. Ở đây C.Mác đã làm rõ bí mật của tích lũy ban đầu, tích lũy ban đầu là việc tước đoạt ruộng đất của nông dân, tạo sự ra đời của các cơ sở sản xuất đầu tiên của tư bản. C.Mác đã trình bày những đòi hỏi về bạo lực để tước đoạt ruộng đất của dân cư ở nông thôn. Những luận điểm của C.Mác chỉ rõ xuất phát điểm ban đầu từ nông nghiệp, do có tiến bộ của công cụ lao động, công nghiệp dần tách khỏi nông nghiệp và nhanh chóng trở thành ngành sản xuất chính có nhiều ưu thế so với ngành nông nghiệp, chính vì lẽ đó nông nghiệp luôn lạc hậu tương đối so với công nghiệp.

- V.I.Lênin trong tác phẩm “những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền xô viết” [64] đã tập trung làm rõ:

Nâng cao năng suất lao động và ý nghĩa xã hội của nó là một bộ phận cấu thành quan trọng trong học thuyết của Lênin. Nâng cao năng suất lao động là điều kiện chủ yếu để nâng cao mức sống của nhân dân. Một bộ phận cấu thành kế hoạch hợp tác hoá của Lênin là nâng cao trình độ văn hoá của nông dân. Cách mạng văn hoá còn có ý nghĩa lớn hơn nữa, ngay cả trong điều kiện chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, nó vẫn cần thiết cho việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật thích hợp và nâng cao nhanh chóng trình độ văn hoá của nhân dân.

- V.I.Lênin trong tác phẩm “Bàn về thuế lương thực” [67], để thấy rõ hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, đã dành một phần quan trọng nói về tính tất yếu và vai trò của CNTB nhà nước trong nền kinh tế thời quá độ.

Lênin cũng chỉ rõ tính tất yếu khách quan của sự tồn tại các quan hệ TBCN trong thời kỳ quá độ và đề ra nhiệm vụ phải hướng sự phát triển của chúng vào con đường CNTB nhà nước. Trong tác phẩm này Lênin cũng nêu những hình thức

Page 13: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

7

của CNTB nhà nước, đó là các hình thức: Tô nhượng, Chủ nghĩa tư bản hợp tác xã, đại lý, Nhà nước cho các nhà tư bản thuê xí nghiệp, vùng mỏ, khu rừng, khu đất…

- V.I.Lênin trong tác phẩm “Bàn về chế độ hợp tác xã” [69] đã chỉ ra ý nghĩa đặc biệt của chế độ hợp tác xã trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chính chế độ hợp tác xã cho phép kết hợp đúng đắn lợi ích cá nhân của người sản xuất hàng hoá nhỏ với lợi ích của xã hội, cho phép nhà nước thực hiện kiểm tra, kiểm soát, làm cho lợi ích tư nhân phục tùng lợi ích xã hội. Cái chính là chế độ hợp tác xã được bắt đầu bằng những hình thức đơn giản nhất: hợp tác xã cung tiêu, HTX mua bán, sau đó là hợp tác xã sản xuất - đó là hình thức đơn giản nhất, dễ tiếp thu và dễ hiểu nhất đối hàng triệu quần chúng nông dân.

Lênin đã xem xét chế độ hợp tác xã gắn liền với sự phát triển và củng cố nền kinh tế xã hội chủ nghĩa (nói riêng là nền nông nghiệp). Trong những năm đầu, khi nền nông nghiệp còn yếu ớt, hợp tác xã cung tiêu hoạt động kết hợp với chủ nghĩa tư bản nhà nước; khi nền kinh tế xã hội chủ nghĩa được củng cố, hợp tác xã gắn liền với ngành nông nghiệp xã hội chủ nghĩa, Lênin xác định hợp tác xã là một biện pháp hết sức quan trọng để giải quyết nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế nông nghiệp nhiều thành phần.

1.1.2. Các công trình khoa học của các học giả, tổ chức quốc tế Kinh tế nông thôn là một chủ đề đã được các nhà nghiên cứu ở nước ngoài

quan tâm nhiều, ở những góc độ khác nhau. Trong thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc (FAO) và ở các nước như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc... đã đưa ra một số công trình nghiên cứu về kinh tế nông thôn mà Việt Nam có thể tham khảo:

- Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: “Công nghiệp hóa nông thôn Hàn quốc: Bài học cho phát triển nông thôn Việt Nam” [116] gồm 24 bài viết của các học giả quốc tế và trong nước trình bày các nội dung công nghiệp hóa nông thôn ở Hàn Quốc; xu hướng phát triển nông thôn mới ở Hàn Quốc; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn trong phát triển bền vững ở Hàn Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; kinh nghiệm phát triển nông thôn mới ở Hàn Quốc và bài học cho phong trào nông thôn mới ở Việt Nam. Đặc biệt kỷ yếu phân tích rõ Saemaul

Page 14: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

8

Undong của Hàn Quốc (Phong trào đổi mới của cộng đồng Hàn Quốc hay là phong trào xây dựng làng mới).

- Bài viết của tác giả Junior Davis [143] đã phân tích kinh tế phi nông nghiệp tại nông thôn ở các nền kinh tế chuyển đổi (từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường) ở Đông và Trung Âu, bán đảo Balkans và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong giai đoạn từ 1991 - 2006. Theo kết quả nghiên cứu, kinh tế phi nông nghiệp chiếm từ (50 - 70)% thu nhập của nông dân các nước này, vì vậy không thể chỉ coi đó là cứu cánh tạm thời mà cần phải được xem xét trong chiến lược phát triển tổng thể. Nhiều hướng tiếp cận được gợi ý để phát triển khu vực kinh tế này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước trong việc cung cấp ổn định chính trị, kết cấu hạ tầng, giáo dục, hỗ trợ về tài chính và tín dụng…

- Trong bài: “Cải cách chính sách nông nghiệp và điều chỉnh cấu trúc” tác giả: Hanho Kim, Yong-Kee Lee [140] đã phân tích chính sách nông nghiệp qua các thời kì ở Hàn Quốc (1950 - nay) và Nhật Bản (1860 - nay). Cả hai nước đều trải qua một thời kì dài bảo hộ nông nghiệp và an ninh lương thực được đề cao (đặc biệt với lúa gạo), sau đó là quá trình chuyển đổi mạnh mẽ hướng tới thị trường (từ cuối những năm 1980 đến nay) nhằm tăng cường năng suất lao động và tính cạnh tranh của nông nghiệp trong nước. Đồng thời, bài viết cũng đã làm rõ sự khác biệt về chính sách nông nghiệp ở hai nước trên cơ sở phân tích những điểm khác nhau về điều kiện tự nhiên, tính chất cơ cấu nông nghiệp… từ đó đưa ra những gợi ý cho những điều chỉnh chính sách trong tương lai.

- Trong bài: “Cải cách hệ thống và cấu trúc nông nghiệp của Trung Quốc tiến tới gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO” [135], tác giả DuYing đã điểm lại những thành tựu của nông nghiệp Trung Quốc sau 20 năm tiến hành chuyển dịch cơ cấu và cải cách nông nghiệp (1978 - 1999). Đồng thời, tác giả cũng nhận định những cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Trung Quốc một khi nước này gia nhập WTO, trong đó thách thức được coi là nhiều hơn trong ngắn hạn và chỉ có thể vượt qua bằng một nỗ lực lớn từ phía nhà nước trong việc đưa ra các chính sách nông nghiệp hợp lý. Những chính sách được

Page 15: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

9

gợi ý bao gồm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sang những loại nông sản có lợi thế so sánh, phát triển công nghiệp chế biến, giải quyết lao động thừa ở nông thôn…

- Trong bài: "Những việc không bao giờ kết thúc: Nông nghiệp Ấn Độ theo cải cách cấu trúc” [145] Servaas Storm đã phân tích những tác động trong trung hạn của chính sách tự do hóa thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp ở Ấn Độ giai đoạn 1985 - 1990, đặc biệt là tác động đến động cơ làm việc của nông dân vì sự thiếu thốn những khuyến khích được coi là cản trở chính đối với đầu tư tư nhân vào nông nghiệp và nỗ lực tăng năng suất lao động. Theo đó, can thiệp chủ động và tích cực của nhà nước trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, dỡ bỏ những hàng rào đối với đầu tư tư nhân vào nông nghiệp… được các tác giả gợi ý và ủng hộ mạnh mẽ.

1.2. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU Ở VIỆT NAM CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.2.1. Nhóm các công trình khoa học nghiên cứu về kinh tế nông thôn - Đề tài: "Nghiên cứu sự hình thành và phát triển làng nghề mới gắn với

chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá vùng đồng bằng sông Hồng" [4]. Đề tài khoa học của Ban Kinh tế trung ương nghiên cứu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú ý làm rõ vai trò quan trọng của việc hình thành và phát triển làng nghề.

- Tác giả Nguyễn Huy Oánh trong đề tài: “Nông nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế” [84] đã tập trung phân tích làm rõ những thành tựu và hạn chế của nông nghiệp Việt Nam sau 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời cũng làm rõ những cơ hội và thách thức của nông nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất một số phương hướng và giải pháp để đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển bề vững trong điều kiện hội nhập.

- Tác giả Nguyễn Tiến Dũng trong: “Phát triển kinh tế nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng trong quá trình hình thành nền kinh tế thị trường định hướng

Page 16: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

10

XHCN” [33] đã làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của KTNT trong quá trình hình thành nền kinh tế rhị trường định hướng XHCN. Từ việc phân tích thực trạng phát triển kinh tế nông thôn đồng bằng sông Hồng trong những năm đổi mới. Tác giả đã đề xuất những quan điểm cơ bản và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển KTNT vùng đồng bằng sông Hồng, trong quá trình hình thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên luận án này chưa bàn đến phát triển KTNT bền vững; chưa thực sự gắn kết giữa phát triển KTNT hàng hoá với tiến bộ, công bằng xã hội và văn hoá, môi trường, quốc phòng an ninh.

- Tác giả Nguyễn Hữu Tập trong: “Phát triển kinh tế nông thôn và tác động của nó đến xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở nước ta hiện nay” [97] đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế nông thôn và tác động của nó đến xây dựng thế trận Quốc phòng toàn dân ở nước ta hiện nay. Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển kinh tế nông thôn và tác động của nó đến xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở nước ta. Tác giả đã nêu ra một số mâu thuẫn cần phải tập trung giải quyết trong phát triển kinh tế nông thôn và phát huy tác động tích cực của nó đến xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở nước ta thời gian tới đó là: Mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn bền vững, xây dựng thế trận quốc phòng vững mạnh với qui hoạch, sử dụng đất nông nghiệp chưa hợp lý, thiếu hiệu quả; Mâu thuẫn giữa yêu cầu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH, HĐH, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh với thực trạng qui mô sản xuất nhỏ, ruộng đất manh mún, chính sách đất đai chưa hợp lý hiện nay; Mâu thuẫn giữa yêu cầu giải quyết vấn đề lao động, việc làm trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng thế trận quốc phòng vững mạnh với xu hướng dư thừa lao động trong nông nghiệp và sức hút lao động có hạn của các ngành công nghiệp, dịch vụ, chính sách bảo hộ quyền lợi của dân cư đô thị. Trên cơ sở đó, đề xuất một số quan điểm, giải pháp nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế nông thôn và tăng cường thế trận Quốc phòng toàn dân ở nước ta trong thời gian tới. Nhưng luận án này chưa bàn đến phát triển kinh tế nông thôn bền vững trong hội nhập quốc tế.

Page 17: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

11

- Tác giả Xỉ Xỏn Phăn Bun Sỉ trong: “Kinh tế nông thôn ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong thời kỳ đổi mới” [128] trên cơ sở trình bày một số lý luận chung về kinh tế nông thôn luận án phân tích thực trạng phát triển kinh tế nông thôn ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, nêu những vấn đề cần tập trung giải quyết đó là: Hệ thống chính sách đối với kinh tế nông thôn chưa đồng bộ; Thị trường, nhất là thị trường nông thôn chưa được mở rộng; Hệ thống tín dụng chậm đổi mới; Đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới; Mối quan hệ giữa đô thị và đô thị hóa với phát triển kinh tế nông thôn chưa được chú ý; Những vấn đề ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo… cần được quan tâm. Luận án dự báo xu hướng phát triển của kinh tế nông thôn ở Lào; Đề xuất những quan điểm phát triển kinh tế nông thôn ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong thời gian tới. Luận án đưa ra những giải pháp cơ bản nhằm tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào như: Xây dựng qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế nông thôn; Phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống và các ngành nghề mới trên địa bàn nông thôn; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế nông thôn; Tập trung thu hút nguồn lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế nông thôn; Phát triển kết cấu hạ tầng ở địa bàn nông thôn; Mở rộng thị trường cho phát triển kinh tế nông thôn; Tăng cường vai trò hỗ trợ, quản lý Nhà nước trong phát triển kinh tế nông thôn.

- Tác giả Lê Vũ Anh trong luận án: “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn Tây Bắc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” [1] đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu kinh tế nông thôn nói riêng. Phân tích thực trạng cơ cấu kinh tế nông thôn Tây Bắc giai đoạn từ 1989 đến nay để thấy được những thành công và hạn chế. Trên cơ sở đó luận án đưa ra phương hướng, quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn Tây Bắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Tác giả Trương Duy Hoàng trong: “Các giải pháp tài chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước” [47] đã phân tích, đánh giá thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn Việt Nam và khẳng định việc khai thác tối đa thế mạnh của

Page 18: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

12

từng vùng, địa phương để phát triển kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn nhằn nâng cao đời sống người dân ở nông thôn, giảm bớt chênh lệch giầu nghèo giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế thế giới.

- Tác giả Nguyễn Thị Bích Đào trong: “Một số vấn đề lý luận và định hướng phát triển kinh tế nông thôn ở Việt Nam” [45] đã luận giải một số vấn đề lý luận về kinh tế nông thôn. Phân tích thực trạng phát triển kinh tế nông thôn ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; Từ đó làm rõ những tồn tại và mâu thuẫn trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn Việt Nam. Tác giả nêu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn ở Việt Nam.

- Tác giả Nguyễn Quang Minh trong: “Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay” [82] đã trình bầy một số cơ sở lý luận về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn. Phân tích thực trạng kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở tỉnh Thanh Hóa thời gian qua, để thấy được những thành tựu, hạn chế và những vấn đề đăth ra cần giải quyết. Từ đó đề xuất những giải pháp chủ yếu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.

- Tác giả Phan Đại Doãn và các cộng sự trong: “Quản lý xã hội nông thôn nước ta hiện nay - một số vấn đề và giải pháp” [32] đã làm rõ những hạn chế ở khu vực nông thôn nước ta. Trên cơ sở đó nhóm tác giả nhấn mạnh: Phát triển kinh tế nông thôn phải gắn kết chặt chẽ với ba vấn đề đó là: ổn định chính trị, xã hội; tăng trưởng kinh tế; công bằng xã hội thì mới bền vững. Tăng trưởng, phát triển kinh tế phải đi liền với cải thiện đời sống nông dân, phải đặt trong xã hội, đặt trong con người.

- Tác giả Phạm Văn Nam và các cộng sự trong: “Phát triển nông thôn” [83] đã chỉ ra thực trạng của nông nghiệp, nông thôn trước thời kỳ đổi mới và tác động kinh tế - xã hội của đổi mới với phát triển nông thôn. Nhóm tác giả khẳng

Page 19: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

13

định: Trình độ phát triển của kinh tế nông thôn nước ta còn thua kém nhiều nước. Để rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển, nhóm tác giả đã trích dẫn một số lý thuyết và mô hình phát triển nông thôn trên thế giới để tham khảo. Chẳng hạn như:

+ Lý thuyết đề cao vai trò của nông nghiệp trong quá trình chuẩn bị công nghiệp hoá cho rằng, việc xây dựng một nền công nghiệp vững mạnh và năng động sẽ là một nhân tố quan trọng thúc đẩy công nghiệp phát triển và sự tăng trưởng nhanh của toàn bộ nền kinh tế. Nhưng hạn chế của lý thuyết này là chỉ đề cập tới việc khai thác các nguồn lực của nông nghiệp, nông thôn để phục vụ công nghiệp hoá, đô thị hoá, còn triển vọng phát triển của bản thân nông nghiệp như thế nào thì không được đề cập thoả đáng.

+ Lý thuyết chủ trương “nhảy thẳng” vào công nghiệp hoá , đô thị hoá lại xem nhẹ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thu hẹp đến mức tối thiểu vai trò của KTNT trong nền kinh tế quốc dân và cho rằng nông nghiệp về cơ bản chỉ định hướng vào sản xuất lương thực, thực phẩm.

+ Lý thuyết chủ trương kết hợp hài hoà giữa nông nghiệp với công nghiệp nông thôn trong quá trình phát triển. Lý thuyết này có tính hợp lý hơn khi cho rằng phải chú ý tới phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách thoả đáng, nhất là đối với các nước đang phát triển, nơi đại đa số dân cư sống ở nông thôn và tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn.

- Các tác giả Tô Đức Hạnh và Phạm Văn Linh trong cuốn: “Phát triển kinh tế hàng hoá trong nông thôn các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam thực trạng và giải pháp” [46] đã trình bày những cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế hàng hoá trong nông thôn; nêu một số kinh nghiệm của Đài Loan và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong phát triển kinh tế hàng hoá ở nông thôn vùng núi. Cuốn sách đã đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế hàng hoá nông thôn ở các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam là: thực hiện đa dạng hoá các hình thức sở hữu ở nông thôn, tăng cường vai trò kinh tế của Nhà nước; mở rộng phân công lao động gắn với xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý; phát triển thị trường; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn; phát triển giáo dục, nâng cao dân trí gắn với

Page 20: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

14

đào tạo nguồn nhân lực; huy động và sử dụng hợp lý các nguồn vốn cho phát triển kinh tế hàng hoá; phát triển khoa học công nghệ.

- Lê Quốc Sử trong: “Chuyển dịch cơ cấu và xu hướng phát triển của kinh tế nông nghiệp Việt Nam theo hướng CNH, HĐH từ thế kỷ XX đến thế kỷ XXI “trong thời đại kinh tế trí thức” [96] đã phân tích dưới dạng tổng quát một số mô hình về phát triển kinh tế nông nghiệp xưa và nay trên thế giới; Tổng quan những lý luận cơ bản về cơ cấu và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp nông thôn nói riêng. Phân tích thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xu hướng phát triển của kinh tế nông thôn Việt Nam. Từ đó thấy được những thành tựu và tồn tại, khuyết điểm trong thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.

- Trần Xuân Châu trong: “Phát triển nền nông nghiệp hàng hoá ở Việt Nam thực trạng và giải pháp” [21] cho rằng, phát triển nông nghiệp hàng hoá trong nông nghiệp là phương thức tối ưu để thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng nền kinh tế trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; là con đường duy nhất để giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng nông dân, nông thôn ra khỏi tình trạng lạc hậu và cũng là quy luật chung của sự phát triển kinh tế xã hội. Nền nông nghiệp nước ta đã và đang chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp sang sản xuất kinh doanh hàng hoá theo cơ chế thị trường, ngày càng hướng vào xuất khẩu, đây là một chuyển biến có ý nghĩa hết sức quan trọng và sâu sắc, làm thay đổi tính chất và các mối quan hệ cơ bản trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời theo tác giả, lợi thế và vai trò của nông nghiệp hàng hoá được khai thác chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển đổi chậm, tổ chức sản xuất còn yếu kém, chất lượng hàng hoá, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, thu nhập và đời sống của đa số nông dân còn thấp. Tác giả đã làm rõ các nội dung, đặc trưng, vai trò, điều kiện của việc đẩy nhanh phát triển nền nông nghiệp hàng hoá; trình bày kinh nghiệm của một số nước về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trên cơ sở những phân tích trên, cuốn sách đưa ra các quan điểm, phương hướng và giải pháp cơ bản nhằm phát triển nền nông nghiệp hàng hoá ở nước ta.

Page 21: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

15

- Nguyễn Từ trong: “Nông nghiệp Việt Nam trong phát triển bền vững” [120] đã đề cập đến một số vấn đề như: quan niệm về phát triển bền vững, vai trò của nông nghiệp trong phát triển bền vững ở Việt Nam. Thực trạng phát triển nông nghiệp ở Việt Nam và tác động của nó đến phát triển bền vững. Tác giả đưa ra những giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp gắn với mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

- Lê Quang Phi trong: “Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ mới” [86] đã trình bày khá rõ yêu cầu khách quan của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở nước ta và yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nước ta trong thời kỳ mới; đồng thời làm rõ chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng ta trong đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 1996-2006; rút ra một số kinh nghiệm như: phải nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đối với sự nghiệp cách mạng nước ta trong thời kỳ mới; kết hợp chặt chẽ quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn với tăng cường liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới; kết hợp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn với quá trình đô thị hoá nông thôn…

- Hoàng Ngọc Hoà trong: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH ở nước ta” [50] đã tổng kết góp phần làm sáng tỏ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tìm ra những nguyên nhân của thành công và hạn chế cũng như đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục đưa KTNT nước ta phát triển lên trình độ mới. Tác giả nhấn mạnh, nông nghiêp, nông dân, nông thôn nước ta có vị trí và tầm quan trọng chiến lược trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Hơn 20 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đạt được nhiều thành tựu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, nhưng chưa tương xứng với vị trí chiến lược và tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp, nông thôn. Để phát triển KTNT những năm tới cần: tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá về chất trong sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề ở nông

Page 22: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

16

thôn; thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, tăng cường đầu tư từ ngân sách…

- Đặng Kim Sơn trong cuốn: “Kinh nghiệm quốc tế về nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hoá” [94] trên cơ sở tổng hợp, phân tích vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hoá ở nhiều nước trên thế giới, tác giả đã có sự liên hệ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn như vai trò của nông nghiệp trong công nghiệp hoá, vấn đề cơ cấu sản xuất, giải quyết vấn đề về đất đai, lao động, môi trường… trong CNH, HĐH đất nước. Tác giả đã đề cập đến một số nghịch lý trong nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đó là: tài nguyên (đất, nước, lao động…) vừa thiếu vừa lãng phí; sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp và sức cạnh tranh kém; phát triển nông thôn chưa bền vững. Tác giả cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng trên là do: nhận thức và quan điểm về nông nghiệp, nông thôn, nông dân không đúng đắn theo các xu hướng khác nhau; đầu tư thấp cho nông nghiệp, nông thôn, liên kết yếu giữa nông nghiệp và công nghiệp; chia cắt nông thôn, đô thị; đoàn thể nông dân và kinh tế hợp tác yếu: bộ máy hành chính đông nhưng không hiệu quả. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số vấn đề nhằm xây dựng và phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam là: cần phải hoạch định rõ chiến lược phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp về thu hút lao động, chế biến nông, lâm, hải sản… đưa nhà máy công nghiệp về nông thôn; thực sự kết nối nông thôn - đô thị; có chính sách hợp lý để thu hút đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn; cải cách triệt để hệ thống giáo dục; mạnh dạn thay đổi chính sách đất đai; phát huy dân chủ ở cơ sở; tăng đầu tư công cho KTNT.

- Tác giả Nguyễn Danh Sơn và các cộng sự trong: “Nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước theo hướng hiện đại” [93] đề cập tới một số vấn đề mới về lý luận chính trị về vai trò, vị trí của nông dân, nông thôn, nông nghiệp trong đời sống chính trị, đời sống kinh tế, đời sống xã hội, đời sống văn hóa của đất nước khi đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo, đang bước vào giai đoạn mới cao hơn đó là CNH, HĐH gắn chặt với phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tập thể tác giả nêu định hướng giải

Page 23: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

17

pháp về một số vấn đề chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân: Về định hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; Về dịnh hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành; Về định hướng xây dựng nông thôn mới; Về định hướng chính sách tịch tụ nguồn lực cho phát triển; Về định hướng phát huy vai trò chủ thể của nông dân.

- Đoàn Xuân Thủy và các cộng sự trong cuốn: “Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay” [112] làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như: Khái niệm và cơ sở hình thành chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khẳng định đây là một yêu cầu khách quan đối với mọi quốc gia nhằm giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân để góp phần tạo ra sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội cho sự phát triển. Làm rõ những nội dung của chính sách và vai trò của chính sách hỗ trợ đối với phát triển nông nghiệp và giải quyết vấn đề nông dân, nông thôn. Đồng thời nhóm tác giả đề cập đến tác động của hội nhập kinh tế quốc tế tới chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó làm rõ thực trạng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua trên một số khía cạnh để thấy được những thành công và hạn chế, cùng những nguyên nhân cả chủ quan và khách quan để thấy được những vấn đề đặt ra trong hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phù hợp, với cam kết và lộ trình gia nhập WTO. Từ đó đưa ra một số quan điểm và giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

- Nguyễn Thị Tố Quyên trong bài: "Thách thức mới đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam và một số gợi ý chính sách giai đoạn 2011 - 2020" [91] đã đề cập đến những thách thức mới đặt ra đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong giai đoạn tới trên một số khía cạnh. Trên cơ sở đó tác giả nêu một số gợi ý chính sách giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn giai đoạn tới đó là: Về phân bổ nguồn lực; Về qui hoạch vùng và qui hoạch nông thôn đô thị; Về phát triển hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn đang trong quá trình chuyển đổi mạnh sang nông nghiệp kinh doanh hàng hóa và nông nghiệp hiện đại; Về nâng cao thu nhập cho người dân; Về thay đổi tư duy, cách

Page 24: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

18

thức thực hiện khuyến nông; Về chính sách xã hội đối với nông dân; Về nâng cao năng lực của hệ thống chính quyền nông thôn - phát triển dân chủ và xã hội pháp quyền ở nông thôn.

- Phan Diễn trong bài: “Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn” [31] đã nêu những thành công của nông nghiệp, nông thôn nước ta trong những năm đổi mới là: phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm vững chắc. Đồng thời cũng chỉ rõ: cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm, chưa gắn kết có hiệu quả với thị trường, nặng nề về trồng trọt (khoảng 80%), sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn phân tán, manh mún, quy mô nhỏ, mang nhiều yếu tố tự phát; công nghiệp chế biến nông sản phát triển chậm, lạc hậu về công nghệ; dịch vụ ở nông thôn chưa phát triển. Quan hệ sản xuất nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KTNT hàng hoá theo cơ chế mới. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện tốt công tác quy hoạch nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ; thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế; tiếp tục đổi mới và xây dựng QHSX phù hợp, theo hướng phát triển kinh tế mhiều thành phần trong nông nghiệp, nông thôn; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, ổn định chính trị- xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

- Vũ Văn Phúc trong bài: “Một số vấn đề về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn” [87] đã nêu một số hạn chế, bất cập trong CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn như: đất nông nghiệp bình quân đầu người ở nước ta thấp và có xu hướng giảm dần trong quá trình CNH, HĐH; năng suất lao động nông nghiệp nước ta chỉ nuôi được 2 người, trong khi đó ở Mỹ nuôi được 80 người, Hà Lan 60, Anh 55, Nhật 20; thu nhập của dân cư nông thôn thấp nên sức mua thị trường nông thôn bị hạn chế. Từ đó tác giả đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là: phát triển các làng nghề, công nghiệp, dịch vụ, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phân công lại lao động ở nông

Page 25: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

19

thôn; mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong nông nghiệp, nông thôn.

- Đào Thế Tuấn trong: “Về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong thời kỳ mới” [119] cho rằng, cần coi trọng vai trò của nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ đầu của CNH, HĐH; muốn phát triển nông nghiệp, nông thôn phải phát huy nội lực, phát triển các hoạt động phi nông nghiệp, bảo đảm quyền sở hữu ruộng đất, phát triển các hình thức hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn.

- Võ Tòng Xuân trong: “Nông nghiệp và nông dân Việt Nam phải làm gì để hội nhập kinh tế quốc tế” [130] cho rằng, khi nước ta gia nhập tổ chức Thương mại thế giới, người nông dân Việt Nam coi như từ giã cái ao làng để đi ra biển cả. Biển cả có nhiều tôm cá để bắt nhưng cũng có nhiều sóng to, cá dữ và hải tặc. Để nông nghiệp, nông dân được lợi từ WTO cần: đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, đào tạo cho nông dân, công nhân, nhà quản lý những kiến thức và kỹ năng phù hợp với yêu cầu toàn cầu hoá; sửa đổi chính sách nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ về giống cây trồng vật nuôi; quyết tâm bài trừ tham nhũng và buôn lậu; cải tiến những chính sách, luật lệ không phù hợp tập quán quốc tế.

- Nguyễn Sinh Cúc trong bài: "Tổng quan nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sau 25 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa VI)" [26] đã nêu lên những thành tựu về sản xuất nông nghiệp và đời sống của dân cư nông thôn sau 25 năm thực hiện Nghị quyết 10. Tuy nhiên nó cũng còn có những bất cập cả về phương thức và kết quả sản xuất đó là: Về phương thức sản xuất thể hiện ở quy mô ruộng đất quá nhỏ, manh mún, đơn vị sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp là hộ gia đình nông dân. Phương thức sản xuất lấy mục tiêu tăng sản lượng, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng nông sản vẫn còn phổ biến... Kết cấu hạ tầng nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Một số chỉ tiêu quan trọng về xã hội và môi trường nông thôn không đạt được mục tiêu của kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đề ra.

Page 26: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

20

1.2.2. Nhóm các công trình khoa học nghiên cứu về xây dựng nông thôn mới

- Nguyễn Quốc Thái và các cộng sự trong đề tài: “Tín dụng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở Việt nam - một số vấn đề lý thuyết” [99] đã nêu hiện trạng và nhu cầu vốn xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam; Vai trò của tín dụng hỗ trợ XDNTM, tính tất yếu phải tăng cường tín dụng hỗ trợ XDNTM; các yêu cầu của tín dụng hỗ trợ XDNTM. Trên cơ sở kinh nghiệm của một số quốc gia về cung cấp tín dụng hỗ trợ xây dựng nông thôn, đề tài đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam về chính sách tín dụng hỗ trợ XDNTM đó là: tăng cường khả năng cung ứng tín dụng; hoàn thiện cơ chế, qui trình và thủ tục trong tín dụng; giám sát, kiểm tra, thanh tra và tổng kết, rút kinh nghiệm trong hoạt động tín dụng hỗ trợ XDNTM.

- Vũ Văn Phúc và các cộng sự trong cuốn: “Xây dựng nông thôn mới - những vấn đề lý luận và thực tiễn” [88] đã nêu những vấn đề lý luận chung về xây dựng nông thôn mới; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nông thôn mới; Những chủ trương đường nối của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới; Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở các địa phương ở Việt Nam: những kết quả đạt được, những hạn chế và những vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó đề xuất các nội dung, giải pháp: Về công tác tuyên truyền; Về tổ chức sản xuất; Về phát triển kinh tế nông thôn; Về giải quyết những mâu thuẫn ở nông thôn; Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng người nông dân mới chủ thể của nông thôn là hạt nhân để xây dựng nông thôn mới.

- Các tác giả Tô Xuân Dân, Lê Văn Viện, Đỗ Trọng Hùng và cộng sự trong cuốn: “Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam: Tầm nhìn mới, tổ chức quản lý mới, bước đi mới” [30] đã tiếp cận hệ thống, toàn diện và cung cấp cách nhìn khá rộng mở cho việc đổi mới triệt để nhận thức về vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất

Page 27: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

21

nước trong hội nhập và phát triển. Tập thể tác giả phác thảo những yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra cũng như gợi ý cách triển khai về tổ chức phát triển và xây dựng nông thôn mới như: Tổ chức xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển nông thôn; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với thị trường; Vận dụng mô hình sản xuất kinh doanh đa dạng và tổ chức quản lý phù hợp; Khơi dậy nguồn lực phát triển mới thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; Tổ chức nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, từ đó tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn đi lên. Đồng thời cuốn sách cung cấp kỹ năng cần thiết về thực thi pháp luật, khả năng quản lý đối với cán bộ nông thôn nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Tác giả Lê Hữu Nghĩa trong bài: “Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam - những vấn đề đặt ra và giải pháp” [84] đã nêu thực trạng xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đổi mới vừa qua, để thấy được những thành tựu và những yếu kém, bất cập. Từ đó đề ra nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam đó là: Xây dựng và phát triển nông nghiệp hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phù hợp với đặc điểm từng vùng; Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn hiện đại, gắn với phát triển đô thị và đô thị hóa; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn nhất là vùng khó khăn; Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn.

- Phạm Xuân trong bài: “Xây dựng nông thôn mới: Những thuận - nghịch đặt ra tại Đắk Lắk” [129] đã đề cập đến một số vấn đề sau:

+ Những vấn đề đặt ra trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới tại Đắc Lắk như: Tiêu chí giảm hộ nghèo còn 7% ở diện rộng; tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất; tiêu chí về giao thông nông thôn... là những khó khăn và một số tiêu chí đạt thấp trong xây dựng NTM. Do vậy tiến độ xây dựng NTM ở Đắk Lắk còn chậm, đang bộc lộ nhiều khó khăn vướng mắc đòi hỏi phải kịp thời tháo gỡ.

Page 28: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

22

+ Chủ động huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới: Tác giả bài viết cho rằng, ngoài vấn đề hỗ trợ trực tiếp từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cần linh động, sáng tạo và đa dạng hóa các nguồn vốn huy động triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới bằng lồng ghép nguồn vốn của các trương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; huy động các nguồn lực từ ngân sách của tỉnh, của huyện và xã. Huy động vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư cho nông thôn mới... Công tác quy hoạch có vai trò quan trọng và phải đi trước một bước, tạo quỹ đất xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, công trình văn hóa, khu dân cư, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ... và tác giả khảng định xây dựng nông thôn mới không phải là công việc một sớm, một chiều mà là quá trình lâu dài, thường xuyên, với mục đích cuối cùng là mang lại và bảo đảm thụ hưởng vật chất, tinh thần ngày càng cao và bền vững cho nhân dân.

- Tác giả Nguyễn Thành Lợi trong bài: “Xây dựng nông thôn mới của Nhật Bản và một số gợi ý cho Việt Nam” [71] đã khẳng định: Để công cuộc xây dựng nông thôn mới sớm thành công, chúng ta phải nghiên cứu những kinh nghiệm của một số nước đã đạt được trong lĩnh vực này. Và Nhật Bản là một ví dụ cụ thể mà chúng ta có thể tham khảo trong quá trình xây dựng nông thôn mới đó là: Lựa chọn mô hình xây dựng nông thôn mới ở Nhật Bản; Các giai đoạn xây dựng nông thôn mới ở Nhật Bản; Kinh nghiệm của Nhật Bản trong xây dựng nông thôn mới; Và từ đó tác giả đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam đó là: Phát huy tối đa vai trò chỉ đạo của Nhà nước; Lấy phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người nông dân làm cốt lõi; Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lòng tin và lòng quyết tâm cho người nông dân.

- Tác giả Nguyễn Sinh Cúc trong bài: “Vài nét về xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng” [27] đã nêu lên một số kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng thời gian qua. Trên cơ sở đó tác giả nêu những hạn chế như: trong triển khai thực hiện còn lúng túng, chậm, không đồng bộ; Kết quả đạt được chưa tương xứng với chủ trương lớn của đảng, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Hải Phòng. Đồng thời tác giả đã chỉ ra những nguyên nhân của hạn chế cả về chủ quan và khách quan. Từ đó tác giả đề xuất một số giải pháp đối với Hải

Page 29: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

23

Phòng và đối với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của Trung ương nhằm thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Hồ Ngọc Hy trong bài: “Mô hình sản xuất lớn trong nông nghiệp - động lực của quá trình tái cơ cấu, xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Trị” [61] đã phân tích trực trạng của các mô hình sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Trị qua ba năm (2011 - 2013) như: mô hình trong cơ giới hóa đồng ruộng ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh; mô hình vùng Sắn nguyên liệu tập trung ở huyện Hướng Hóa, huyện Đa Krông; mô hình sản xuất nông nghiệp ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh; mô hình cây công nghiệp dài ngày ở các huyện: Hướng Hóa, ĐaKrông, miền tây Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh… Trong bài viết phân tích yêu cầu của các mô hình trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời đưa ra một số giải pháp mở hướng cho phát triển mô hình sản xuất lớn trong nông nghiệp ở Quảng Trị như: Có quy hoạch, hoạch định chiến lược dài hạn để dẫn dắt mô hình phát triển theo kinh tế thị trường định hướng XHCN; Xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp đồng bộ; Phát triển các hình thức lên kết doanh nghiệp - nông dân; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, các hình thức dịch vụ cung ứng cho “đầu tư” đầu vào và bao tiêu sản phẩm; Có chương trình dự án đầu tư cụ thể, tập trung chỉ đạo.

Ngoài ra, còn có các bài viết trên một số tạp chí nghiên cứu phân tích, đánh giá thực trạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đề xuất phương hướng, giải pháp xây dựng nông thôn, về phát triển kinh tế nông thôn đăng trên các tạp chí như: Tạp chí Cộng sản, Tạp chí nghiên cứu kinh tế, Tạp chí nghiên cứu lý luận, Tạp chí Kinh tế và phát triển, Tạp chí Văn phòng cấp uỷ...; và trên các báo như Báo Nhân dân, Thời báo Ngân hàng, Báo Nông nghiệp, Báo Ninh Bình...

1.3. NHỮNG KHOẢNG TRỐNG NGHIÊN CỨU VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU

1.3.1. Những khoảng trống nghiên cứu Liên quan đến đề tài luận án đã có nhiều nhà khoa học ở trong và ngoài

nước nghiên cứu, luận bàn nhiều vấn đề khác nhau về kinh tế nông thôn. Các

Page 30: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

24

nhà khoa học đã đưa ra những quan điểm mang tính khoa học, kết hợp cả lý luận và thực tiễn để thấy được vai trò của phát triển kinh tế nông thôn ở Việt Nam. Nhìn chung kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học nghiên cứu liên quan đến kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam thời gian qua đã đề cập đến một số nội dung ở các góc độ khác nhau, cụ thể là:

- Luận giải sự cần thiết của phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn. - Nêu vai trò của kinh tế nông thôn nói chung; đặc điểm của kinh tế nông

thôn trong phát triển kinh tế - xã hội. - Phân tích thực trạng kinh tế nông thôn ở nước ta nói chung, cũng như ở

một số tỉnh nói riêng trên một số khía cạnh để thấy được những thành tựu đạt được và những hạn chế cần tập trung giải quyết.

- Nêu một số phương hướng và giải pháp để phát triển kinh tế nông thôn. - Luận giải những lý luận về xây dựng nông thôn mới; Phân tích thực

trạng xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam để thấy được hiệu quả của việc xây dựng nông thôn mới và những bất cập, hạn chế trong thời gian vừa qua.

- Đưa ra một số giải pháp xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, những khoảng trống mà luận án tập trung nghiên cứu luận giải

đó là: - Những vấn đề lý luận và thực tiễn về KTNT trong XDNTM. - Thực trạng KTNT trong XDNTM ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. - Đề xuất giải pháp nhằm phát triển KTNT trong XDNTM ở huyện Kim

Sơn, tỉnh Ninh Bình thời gian tới.

1.3.2. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu Từ những kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học và thực tiễn

kinh tế nông thôn của huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình, tác giả luận án kế thừa để tiếp tục nghiên cứu tập trung giải quyết những vấn đề sau:

* Về cơ sở lý luận và thực tiễn - Luận giải rõ khái niệm kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. - Luận giải vai trò của phát triển kinh tế nông thôn đối với xây dựng nông

thôn mới trên một số khía cạnh chủ yếu để thấy sự cần thiết khách quan của nó.

Page 31: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

25

- Phân tích những nội dung của phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện.

- Phân tích các tiêu chí đánh giá và các yếu tố ảnh hưởng phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

* Về thực tiễn - Trên cơ sở phân tích số liệu thực tế về thực trạng kinh tế nông thôn trong

xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2008- 2013 để xác định rõ thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, cùng những vấn đề đặt ra cần giải quyết để phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

- Đề xuất quan điểm và giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thời gian tới. Đặc biệt những nội dung như: Cơ cấu kinh tế nông thôn; Nguồn nhân lực ở nông thôn; Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật ở nông thôn và các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn.

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu và bài viết đã công bố tuy có nhiều nghiên cứu về lý luận và thực tiễn về kinh tế nông nghiệp, KTNT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có nghiên cứu về xây dựng và phát triển nông thôn mới; nhưng chưa có công trình nào phân tích một cách có hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước những năm gần đây, nhất là chưa có công trình nghiên cứu sâu về KTNT trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình ở góc độ kinh tế chính trị, để làm rõ vai trò và nội dung của phát triển KTNT trong xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện. Bởi vậy, việc lựa chọn nghiên cứu đề tài trên là mới, không trùng với các công trình khoa học, luận án đã được công bố.

Page 32: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

26

Chương 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ KINH TẾ NÔNG THÔN

TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

2.1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ KINH TẾ NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

2.1.1. Khái niệm kinh tế nông thôn và kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

2.1.1.1. Khái niệm kinh tế nông thôn Nông thôn theo nghĩa truyền thống, là một khái niệm chỉ một bộ phận của

đất nước dùng để phân biệt với khái niệm thành thị. Đó là một địa bàn không gian rộng lớn mà đại bộ phận dân cư là những người nông dân, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu; quan hệ xã hội chủ yếu trong lũy tre làng với cây đa, giếng nước, sân đình, trên cơ sở huyết thống, dòng họ… Tuy nhiên ngày nay cùng với quá trình phát triển của xã hội những yếu tố truyền thống có sự biến động. Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất về nông thôn cũng có sự thay đổi.

Theo định nghĩa trong từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học và Bách khoa Việt Nam: “nông thôn là phần lãnh thổ của một nước hay một đơn vị hành chính nằm ngoài lãnh thổ đô thị, có môi trường tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế - xã hội, điều kiện sống khác biệt với đô thị và dân cư chủ yếu làm nghề nông”. Như vậy, chúng ta có thể hiểu: Nông thôn là một địa bàn mà ở đó sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thu nhập của dân cư từ sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Tên gọi của địa bàn nông thôn thường là xã, thôn, làng, ấp, bản... Nông thôn có thể được xem xét trên nhiều góc độ: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội … Về mặt kinh tế - xã hội, dân cư nông thôn có mức sống, trình độ dân trí, điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học - công nghệ trên thế giới thấp hơn dân cư đô thị; tỷ lệ hộ nghèo cao hơn đô thị. Trên phương diện ngành, lĩnh vực và vùng, để phân biệt với kinh tế thành thị, KTNT được quan niệm là tổng thể các hoạt động KT - XH diễn ra trên địa bàn nông thôn, bao gồm các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn đó.

Page 33: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

27

Theo Giáo trình Kinh tế học chính trị Mác - Lê nin: Kinh tế nông thôn là một phức hợp những nhân tố cấu thành của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nông - lâm - ngư nghiệp, cùng với các ngành như công nghiệp truyền thống, các ngành tiểu - thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến và phục vụ nông nghiệp, các ngành thương nghiệp và dịch vụ... tất cả có quan hệ hữu cơ với nhau trong kinh tế vùng và lãnh thổ và trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân [52, tr.484].

Trước đây, khi nói tới nông thôn, ta thường nghĩ đến địa bàn mà ở đó hoạt động sản xuất nông nghiệp được coi là bao trùm. Nhưng ngày nay, với sự phát triển cao của LLSX và phân công lao động thì khu vực nông thôn không đơn thuần chỉ có hoạt động nông nghiệp mà còn có cả công nghiệp và dịch vụ. KTNT là khu vực kinh tế quan trọng, là khu vực sản xuất vật chất cung cấp tư liệu tiêu dùng thiết yếu để đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của con người, để tái sản xuất ra sức lao động cho xã hội, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp… Quá trình phát triển của mỗi quốc gia luôn gắn liền với quá trình đô thị hoá, nhưng không vì vậy mà khu vực KTNT mất đi, mà trái lại nó luôn tồn tại và phát triển.

Như vậy, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm kinh tế nông thôn, nhưng dù hiểu thế nào thì Kinh tế nông thôn là một khu vực của nền kinh tế gắn liền với địa bàn nông thôn. Nó là tổng thể các quan hệ kinh tế diễn ra trên địa bàn nông thôn, có quan hệ chặt chẽ với nông nghiệp, nông dân.

2.1.1.2. Khái niệm kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để

cộng đồng dân cư ở nông thôn cùng đồng lòng xây dựng địa bàn nông thôn và gia đình của mình khang trang, sạch đẹp, dân chủ, giàu mạnh, văn minh; phát triển sản xuất toàn diện (Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ); có nếp sống văn hóa, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao. Trong tổng thể phát triển kinh tế đất nước ta hiện nay thì vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ gắn với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Page 34: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

28

và là nhân tố bảo đảm thành công của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Công nghiệp hóa phải hỗ trợ mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh:

Xây dựng nông thôn mới: qui hoạch phát triển nông thôn và phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động. Triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho một triệu lao động nông thôn mỗi năm [42, tr.123].

Xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp, hiện đại hoá nông nghiệp là then chốt.

KTNT là một khu vực của nền kinh tế gắn liền với địa bàn nông thôn. Nó vừa mang đặc trưng chung của nền kinh tế, vừa mang đặc điểm riêng gắn liền với nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, ngày nay ranh giới giữa đô thị và nông thôn chỉ có tính tương đối, không rõ ràng và có tính động. Và do đó, xét về phương diện kinh tế - xã hội thì một vùng hay một địa phương được gọi là nông thôn hay thành thị không hoàn toàn phụ thuộc vào các quyết định hành chính, nó phải được xác định trước hết là ở nội hàm của nó như phân vùng, cấu trúc dân cư, ngành nghề, mô hình thiết chế hành chính được thực hiện… Tác giả luận án cho rằng: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là một phức hợp những nhân tố cấu thành của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nông, lâm, ngư nghiệp, cùng với các ngành công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Là tổng thể

Page 35: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

29

các quan hệ kinh tế có quan hệ hữu cơ với nhau trong khu vực nông thôn và trong toàn bộ vùng, địa phương, nền kinh tế quốc dân; nhằm làm cho khu vực nông thôn có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp sản xuất hàng hoá với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển đô thị theo qui hoạch; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Như vậy, KTNT trong XDNTM, là nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực; KH - CN là khâu đột phá để phát triển KTNT góp phần chuyển dịch cơ cấu KTNT bền vững; đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng KT - XH hiện đại phục vụ phát triển kinh tế nông thôn; hình thành các cụm công nghiệp - dịch vụ, các khu chế xuất, khu du lịch sinh thái, kết cấu hạ tầng KT - XH hiện đại, phát triển đô thị nông thôn.

2.1.2. Đặc điểm và những yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

2.1.2.1. Đặc điểm của kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới Kinh tế nông thôn trong XDNTM vừa mang những đặc trưng chung của

nền kinh tế về LLSX và QHSX, về cơ chế kinh tế… vừa có đặc điểm riêng gắn liền với địa bàn nông thôn, nông nghiệp và nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM có những đặc điểm cơ bản sau:

Một là, hoạt động của KTNT là hoạt động kinh tế; trước hết bao trùm vẫn là nông, lâm, ngư nghiệp. KTNT trước hết có nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đảm bảo nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho xã hội, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá cho thị trường trong và ngoài nước. KTNT nhất thiết phải có công nghiệp gắn với nông, lâm, ngư nghiệp, trước hết là công nghiệp chế biến. Cùng với sự phát triển của KTNT, công nghiệp ở nông thôn không chỉ dừng lại ở khâu công nghiệp chế biến mà còn có thể phát triển những ngành công nghiệp phục vụ đầu vào của sản xuất nông nghiệp như công nghiệp cơ khí sửa chữa máy móc nông nghiệp, thuỷ lợi…

Page 36: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

30

Công nghiệp ở nông thôn còn bao gồm một bộ phận tiểu thủ công nghiệp với các công nghệ trình độ khác nhau, sản xuất các hàng hoá cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nh­ vậy, công nghiệp ở nông thôn làm cho công nghiệp và nông nghiệp kết hợp ngay tại chỗ thành cơ cấu ngành nghề.

Hai là, KTNT ngoài nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp còn có các loại hình dịch vụ thương nghiệp, tín dụng, khoa học - công nghệ … Các loại hình dịch vụ này cùng với các cơ sở hạ tầng ở nông thôn (điện, đường, trường, trạm…) sẽ là những bộ phận hợp thành của KTNT và sự phát triển mạnh mẽ và hợp lý của chúng là biểu hiện trình độ phát triển của KTNT.

Ba là, Các hoạt động KTNT gắn bó chặt chẽ với điều kiện tự nhiên, môi trường, sinh thái. Dưới góc độ nào đó có thể gọi KTNT là kinh tế sinh thái, kinh tế vùng. Đối tượng cơ bản của hoạt động kinh tế ở nông thôn là cây trồng, vật nuôi, đất đai, khí hậu, nguồn nước, các sản phấm nông nghiệp gắn với môi trường tự nhiên. Đơn vị sản xuất kinh doanh chủ yếu là hộ gia đình và các quan hệ kinh tế chịu tác động rất lớn của quan hệ huyết thống. Quy mô vừa và nhỏ, mang tính tản mạn, rời rạc. Sự chuyển đổi từ kinh tế hiện vật sang kinh tế thị trường mới diễn ra nên những quan hệ hàng - tiền ở nông thôn chưa phát triển, chưa gắn bó chặt chẽ. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn mang tính tự phát, không có quy hoạch. Nông dân với trình độ hạn chế thường có tâm lý chạy theo lợi ích trước mắt do đó thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh theo cảm tính là chủ yếu.

Bốn là, Về công nghệ sản xuất của các cơ sở; có sự kết hợp nhiều trình độ công nghệ: từ công nghệ truyền thống nói chung còn lạc hậu cho đến công nghệ bán hiện đại và hiện đại. Hiện nay kỹ thuật, công nghệ sản xuất của các cơ sở chủ yếu là cũ, lạc hậu cho nên năng suất lao động thấp, thu nhập thấp cùng những bất cập về kiến thức khoa học và công nghệ. Vì vậy công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn là nội dung quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM.

Năm là, Các đơn vị sản xuất kinh doanh chủ yếu là các hộ gia đình; hoạt động của các đơn vị kinh tế còn mang tính kép kín và quan hệ thị trường ở nông thôn trình độ phát triển chưa cao.

Page 37: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

31

2.1.2.2. Những yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Một là: Điều kiện tự nhiên. Theo kiến tạo địa hình, nước ta có thể chia thành 3 vùng lớn: Miền núi và trung du; đồng bằng; ven biển và hải đảo. Mỗi vùng có điều kiện tự nhiên (địa hình, thổ nhưỡng, tiểu khí hậu...) khác nhau, điều đó đã quyết định không nhỏ tới khả năng phát triển kinh tế nói chung và KTNT ở mỗi vùng nói riêng.

Miền núi và Trung du có lợi thế đất rộng, khí hậu đa dạng… có thế mạnh về phát triển kinh tế rừng, các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi đại gia súc, các nghề thủ công truyền thống… nhưng bất lợi là hạ tầng kém phát triển, trình dộ dân trí thấp, dân cư phân bố thưa…

Vùng đồng bằng tuy đất hẹp nhưng có lợi thế là hạ tầng phát triển, lao động có trình độ cao, tương đối dồi dào tạo thuận lợi cho thâm canh các loại cây có trình độ canh tác cao như: rau, hoa, lúa gạo, nuôi thuỷ sản và phát triển các loại nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Vùng ven biển, hải đảo có nhiều thủy hải sản phong phú, đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên phong phú ở thềm lục địa, tạo điều kiện cho phát triển nghề đánh bắt hải sản, công nghiệp chế biến, hệ thống các cảng biển và các ngành dịch vụ biển.

Vấn đề của các nhà hoạch định chính sách là phải xác định đúng lợi thế của mỗi vùng để bố trí sản xuất phù hợp và tạo các điều kiện để khai thác hiệu quả tiềm năng lao động, đất đai, khí hậu…

Hai là: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Lịch sử phát triển kinh tế hàng hoá đã chứng minh rằng hạ tầng KT - XH đóng vai trò đặc biệt quan trọng đến sự phát triển KT - XH của mỗi quốc gia. Nó đóng vai trò to lớn trong việc tạo sự liên kết giữa nông thôn với thành thị, giữa các vùng xa xôi với các trung tâm, tạo cơ hội cho phát triển các vùng khó khăn và điều kiện để khai thác được nguồn lực từ các vùng sâu, vùng xa, nó tác động đến sự phát triển đồng đều trong cả nước và làm giảm bớt sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn. Vì vậy, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng được coi là tiêu chí đánh giá sự phát triển của một quốc gia.

Page 38: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

32

Trong hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH nông thôn thì kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng, đó là giao thông, điện, thuỷ lợi, thông tin liên lạc, trạm y tế, trường học… ở các nước thành công trong CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đều đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đi trước để làm môi trường hấp dẫn, lôi kéo các nhà đầu tư về nông thôn.

Trung Quốc đã tổng kết: “đường to thì phát triển lớn”. Thực tế ở nước ta đã chứng minh: Nơi khó khăn đều là nơi yếu kém về kết cấu hạ tầng nhất là giao thông và ngược lại giao thông đi đến đâu thì phát triển kinh tế xã hội đến đó, điện đi đến đâu văn minh đến đó. Hạ tầng KT - XH nước ta trong giai đoạn vừa qua tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chất lượng còn thấp và thiếu, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu long và miền núi. Nói chung hạ tầng KT - XH ở nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu về CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.

Ba là: Việc ứng dụng thành tựu của khoa học - công nghệ vào sản xuất và dịch vụ. Bài học của các nước phát triển đã cho chúng ta thấy họ đều thành công trong việc đầu tư mạnh để tiếp thu và ứng dụng thành tựu mới nhất của KH - CN. Ngày nay họ có điều kiện để ra sức sử dụng các thành quả trí thức, thông tin, công nghệ mới để tiếp tục củng cố vị thế của mình và áp đặt trật tự cho kinh tế thế giới.

Do đó, đối với nước ta là nước đang phát triển, muốn không bị tụt hậu, không có cách nào khác là phải chủ động tiếp thu ứng dụng KH - CN vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có KTNT. Chuyển dịch cơ cấu KTNT theo hướng CNH, HĐH là một cuộc cách mạng, trong đó KH - CN giữ vai trò chủ yếu. Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra là phải tận dụng được lao động, đất đai để phát triển sản xuất, nhưng nếu không có trí thức mới, không đổi mới công nghệ và cách tổ chức sản xuất kinh doanh thì lao động và đất đai cũng sẽ không được khai thác và sử dụng tốt kéo theo hình thức sản xuất và đời sống nông dân sẽ không nâng lên được.

Nước ta lại có bình quân đất nông nghiệp trên đầu người ở mức thấp nhất thế giới (0,13 ha/người), như vậy chỉ có cách tốt nhất để nâng cao thu nhập cho nông dân bằng cách tăng giá trị sản xuất/ha. Trong điều kiện năng suất lao động,

Page 39: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

33

năng suất đất đai, năng suất sinh học trong nông nghiệp của nước ta đều còn thấp thì việc ứng dụng KH - CN cần tập trung vào một số vấn đề như: áp dụng công nghệ sinh học để tạo giống tốt; đưa nhanh công nghệ mới vào tất cả các khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ nông phẩm; ứng dụng công nghệ sạch trong nuôi trồng và chế biến rau quả thực phẩm; xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao dựa vào công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, để tạo ra những hình mẫu thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp.

Cùng với việc tập trung cao cho ứng dụng KH - CN vào sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, cần phải đầu tư ứng dụng KH - CN vào các ngành nghề công nghiệp, thủ công nghiệp nông thôn trước hết là các làng nghề truyền thống. Thực tế cho thấy nhiều làng nghề bị suy yếu, mai một chính là do không đứng vững trước sự cạnh tranh của công nghệ mới. Những làng nghề phát triển được là do biết đầu tư, tiếp thu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) là một trong những hình mẫu thành công từ việc chuyển sử dụng than sang khí đốt nên chất lượng sản phẩm được nâng cao, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường và sản lượng đã tăng lên nhiều lần. Ngoài ra các hộ làm gốm ở Bát Tràng cũng sớm sử dụng Intenet để tiếp thị với thị trường thế giới và trong nước nên làng nghề ngày càng phát triển, mỗi ngày thu hút hàng ngàn lao động từ nơi khác về làm thuê mà vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu.

Bốn là: Chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội có việc làm cho người lao động nhưng đồng thời cũng đòi hỏi một lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật và tay nghề cao. Ngược lại khi có đông đảo lực lượng lao động trình độ cao sẽ thúc đẩy mạnh hơn quá trình và hiệu quả CNH, HĐH. Đã có kết quả nghiên cứu trong nông nghiệp ở nước ta chứng minh rằng: Năng suất tăng 7% khi nhóm hộ sản xuất có trình độ học vấn dưới phổ thông trung học; Nhưng tăng 11% đối với nhóm có trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học.

Khoảng cách về trí thức và thông tin giữa nông thôn và thành thị ở các nước đang phát triển như nước ta thường rất lớn. Đó là nguyên nhân của sự cách biệt về

Page 40: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

34

phát triển giữa thành thị và nông thôn. Do đó để thúc đẩy phát triển nông thôn nói chung và KTNT nói riêng thì yếu tố hàng đầu phải có chiến lược phát triển tri thức và sử dụng tri thức cho phát triển. Nhân tố quan trọng hàng đầu để thực hiện chiến lược là phát triển con người, phát triển việc giáo dục đào tạo, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, không chỉ cho lao động nông nghiệp mà còn chuẩn bị cho lực lượng lao động trẻ, khoẻ cung cấp cho các ngành công nghiệp, dịch vụ khác.

Năm là: Sự phát triển các chủ thể sản xuất hàng hoá ở nông thôn. Thực hiện phát triển kinh tế nông thôn trong quá trình hình thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tất yếu xuất hiện những chủ thể sản xuất hàng hoá, đó là: Hộ Nông dân, trang trại, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp nông thôn. Các chủ thể sản xuất đó là cơ sở, tiền đề mang tính khách quan đảm bảo cho kinh tế hàng hoá nông thôn ra đời, phát triển. Nói cách khác, thiếu những chủ thể đó tất không thể xây dựng, phát triển kinh tế hàng hoá ở nông thôn được.

+Về hộ nông dân, lịch sử của quá trình hình thành, phát triển sản xuất hàng hoá đã chứng minh, bước khởi đầu của sự phát triển sản xuất hàng hoá được xuất phát từ kinh tế hộ nông dân. Thực tiễn phát triển kinh tế hàng hoá nông thôn trên thế giới đã chứng minh vai trò to lớn, không thể thiếu được của kinh tế hộ nông dân - nông trại gia đình. Trong các nước khối thị trường chung châu Âu, từ giữa thế kỷ XIX đến nay trong nông nghiệp tồn tại hình thức nông trại gia đình là phổ biến, đại đa số các nông trại có quy mô vừa và nhỏ. Thí dụ, ở Hà Lan toàn bộ nền sản xuất nông nghiệp được tổ chức theo nông trại gia đình; ở châu Mỹ, nông trại gia đình là lực lượng chủ yếu cung cấp nông sản cho xã hội. Các nước châu Á như Malaysia, Philippin, ThaiLand…cho rằng “mô hình hộ” là đơn vị kinh tế cơ sở dễ dàng “xoay sở” để tìm kiếm phương thức khai thác các nguồn lực để tái sản xuất trong những điều kiện của nền kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn.

Đối với nước ta, việc thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, cùng với các chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước về ruộng đất, tín dụng, giá cả… đã thực sự giải phóng người nông dân, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và KTNT phát triển. Vai trò của kinh tế hộ đã thể hiện rõ lợi thế ở các mặt sau:

Page 41: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

35

Ở trình độ sản xuất nông nghiệp chưa cao như nước ta thì tổ chức sản xuất theo quy mô hộ gia đình trước mắt và lâu dài thích hợp với quá trình sản xuất nông nghiệp. Bởi lẽ, quá trình sản xuất nông nghiệp chia thành các giai đoạn như sản xuất, thu hoạch, bảo quản, lưu thông. Đặc tính sinh học đã chi phối toàn bộ các giai đoạn đó. Quá trình sinh trưởng, chuyển hoá của cây trồng, vật nuôi chịu ảnh hưởng của quy luật tự nhiên và điều kiện môi trường, thời tiết, khí hậu. Quá trình này đòi hỏi người chủ phải thực sự quan tâm, với ý thức làm chủ cao. Trong nông nghiệp, người nông dân không thể làm công đơn thuần với số giờ trong ngày nhất định, mà phải có sự gắn bó máu thịt với các tư liệu sản xuất, ruộng đất, cây trồng, vật nuôi.

Trong điều kiện sản xuất hiện nay và trong một số năm tới, kinh tế hộ gia đình là mô hình khá thuận lợi cho việc áp dụng những thành tựu KH - CN mới vào sản xuất. Với trình độ phát triển của LLSX còn hạn chế thì quá trình chuyển giao công nghệ do hộ gia đình thực hiện sẽ diễn ra nhanh, gọn, có hiệu quả, đảm bảo một cách chặt chẽ giữa kỹ thuật, công nghệ thủ công với kỹ thuật, công nghệ hiện đại; giữa sản xuất với tiêu dùng của xã hội, nhằm tạo ra số lượng sản phẩm ngày càng nhiều, chủng loại ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng ngày càng tăng lên.

+ Về kinh tế trang trại gia đình, kinh tế trang trại được hình thành và phát triển từ cơ sở kinh tế hộ gia đình trong quá trình phát triển kinh tế hàng hoá nông thôn là tất yếu. Trong nền kinh tế hàng hoá, các hộ nông dân nhằm mục đích thu lãi cao nhất, họ đã bằng mọi cách đáp ứng nhu cầu thị trường. Do sự tác động của các quy luật kinh tế khách quan tất yếu dẫn đến xu hướng: Những hộ nông dân có năng lực tổ chức sản xuất, có kinh nghiệm, vốn, đất đai, có trình độ khoa học, công nghệ… từng bước phát triển quy mô sản xuất và hình thành kinh tế trang trại. Kinh tế trang trại ra đời từ cơ sở các hộ ở nông dân sau khi phá vỡ cái “vỏ bọc” sản xuất tự cấp, tự túc, khép kín, vươn lên sản xuất hàng hoá, tiếp cận thị trường, từng bước thích nghi với môi trường cạnh tranh.

Kinh tế trang trại khác với kinh tế tiểu nông tự cấp, tự túc. Các Mác đã từng đề cập đến vấn đề này: Người chủ trang trại bán ra thị trường đại bộ phận sản phẩm làm ra, còn người tiểu nông thì tiêu dùng đại bộ sản phẩm làm ra, mua

Page 42: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

36

bán càng ít càng tốt. Kinh tế trang trại ra đời đã thực sự tạo cơ sở, tiền đề cho hộ nông dân bứt ra khỏi hoàn toàn quỹ đạo tiểu nông, tiến lên sản xuất nông sản hàng hoá. Cụ thể:

- Phá bỏ kiểu sản xuất tự cấp, tự túc, khép kín của nền kinh tế tự nhiên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế hàng hoá theo hướng sản xuất lớn, hình thành các vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu phong phú, đa dạng phục vụ cho quá trình CNH, HĐH, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến nông sản.

- Cung ứng nông sản hàng hoá với số lượng lớn, nhiều chủng loại cho thị trường, góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng về nông sản của thị trường.

- Kích thích cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, từ đó năng suất lao động tăng, giá thành hạ.

- Khai thác, phát huy được tiềm năng đất đai (khai hoang, phục hoá, thâm canh, tăng vụ…), vốn nhàn rỗi và lao động dư thừa ở nông thôn, kích thích, tích tụ đất đai, thúc đẩy quá trình chuyên môn hoá lao động trong nông nghiệp.

- Thực tế phát triển và điều kiện hiện nay, có thể thấy kinh tế trang trại là mô hình kinh tế thích hợp, là hình thức QHSX phù hợp với trình độ phát triển LLSX ở nông nghiệp và nông thôn trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường. Thực tế ở nước ta hiện nay kinh tế trang trại đang phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, các trang trại hoạt động có hiệu quả, tỷ trọng hàng hoá ngày càng nâng lên.

+ Các tổ chức kinh tế hợp tác, kinh tế hộ là cơ sở, tiền đề phát triển KTNT, đó là một tất yếu đã được lịch sử chứng minh. Song, không phải vì thế mà chúng ta tuyệt đối hoá vai trò kinh tế hộ trong quá trình phát triển KTNT. Ngoài ưu điểm lợi thế của kinh tế hộ nó còn có những giới hạn nhất định ảnh hưởng đến quá trình phát triển KTNT. Quá trình phát triển KTNT là quá trình phát triển các ngành nghề, hình thành nhiều lĩnh vực đảm bảo cho quá trình phát triển sản xuất cho nên có những lĩnh vực mà kinh tế hộ không đảm bảo được, hoặc có thực hiện thì hiệu quả vẫn thấp như lĩnh vực lưu thông, dịch vụ, tín dụng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản… Đồng thời quá trình phát triển KTNT buộc các hộ phải quan tâm đến năng suất lao động, cốt lõi là phải đổi mới trang bị kỹ

Page 43: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

37

thuật, công nghệ tiên tiến, đòi hỏi phải có lượng tiền vốn lớn, điều đó đã vượt quá khả năng của từng hộ gia đình. Trong tình hình đó, các hộ gia đình không còn cách nào khác là phải hợp tác với nhau mới có khả năng phát triển. Vậy là phát triển KTNT đã đến lúc phải gắn liền với xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác (bao gồm trình độ thấp là tổ hợp tác, trình độ cao hơn là HTX không chỉ trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà còn cả ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn. Đó là xu hướng có tính quy luật từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn trong nông nghiệp, nông thôn, là quá trình xã hội hoá sản xuất từ thấp đến cao ở nông thôn.

Ở nước ta hiện nay, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX được coi là một trong các thành phần kinh tế có vai trò quan trọng, cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Đó cũng là nền tảng chính trị - xã hội của đất nước, nhằm đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

+ Doanh nghiệp nông thôn, là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoạt động trên địa bàn nông thôn, trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất nông sản, hàng hoá tiêu dùng khác, sử dụng nguyên vật liệu từ nông thôn, dịch vụ cho KTNT, lao động chủ yếu từ nông thôn. Kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong CNH, HĐH và thực tế đổi mới ở nước ta đã khẳng định những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp nông thôn là:

- Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua chế biến, bảo quản… - Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu KTNT, tăng nhanh việc làm cho người lao

động nông thôn vốn rất dư thừa, làm cho người lao động “ly nông bất ly hương”, có việc làm và được cải thiện nâng cao đời sống ngay ở quê hương mình.

- Nâng cao thu nhập cho một bộ phận lớn dân cư nông thôn và đó là cơ hội thuận lợi tăng sức mua để tiêu thụ ngay sản phẩm của chính công nghiệp, dịch vụ.

- Không chỉ đóng góp hữu hiệu vào xoá đói, giảm nghèo ở các địa phương mà doanh nghiệp nông thôn còn đóng góp quan trọng vào tăng GDP, là nguồn xuất khẩu thu ngoại tệ cho đất nước…

Vì vậy một trong những yếu tố có tính chất quyết định hiện nay đối với phát triển KTNT là phải có chính sách thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn coi đó như “đột phá khẩu” cho phát triển KTNT hiện nay.

Page 44: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

38

Sáu là: Sự phát triển của thị trường nông thôn. Thị trường là lĩnh vực trao đổi, trên đó các chủ thể kinh tế tác động với nhau nhằm xác định sản lượng và giá cả hàng hoá. Sản xuất hàng hoá luôn gắn với thị trường, nói cách khác thị trường là điều kiện, môi trường của sản xuất hàng hoá. Thị trường ra đời tồn tại cùng với sự ra đời, tồn tại của sản xuất, lưu thông hàng hoá. Không có thị trường thì sản xuất, trao đổi hàng hoá không thể tiến hành được. Như vậy, thị trường tác động tới sản xuất hàng hoá theo hai chiều, hoặc thúc đẩy, hoặc kìm hãm sự phát triển của sản xuất hàng hoá cả về cơ cấu, số lượng, chất lượng hàng hoá. Các Mác đã viết: “Khi thị trường, nghĩa là lĩnh vực trao đổi mở rộng ra thì quy mô trong sản xuất cũng tăng lên, sự phân công trong sản xuất cũng trở nên sâu sắc hơn”. Đặc biệt vai trò tác động của thị trường đối với sản xuất hàng hoá càng lớn trong điều kiện chuyển nền kinh tế tự nhiên lên nền kinh tế hàng hoá, và từ nền kinh tế hàng hoá giản đơn lên nền kinh tế thị trường.

Lịch sử phát triển kinh tế hàng hoá đã chỉ ra, bước đầu xuất hiện thị trường hàng tiêu dùng, sau đó mở rộng đến thị trường các yếu tố sản xuất. Để hình thành và phát triển kinh tế hàng hoá, cần phải hình thành và phát triển thị trường trong từng khu vực, từng địa phương, thống nhất, thông suốt trong cả nước, mở rộng thị trường quốc tế. Đó là xu hướng tất yếu xuất phát từ vai trò của thị trường đối với tất cả các quốc gia khi phát triển nền kinh tế hàng hoá. Những vai trò chủ yếu của thị trường được biểu hiện như sau:

- Trong nền kinh tế hàng hoá, sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai là phụ thuộc vào thị trường. Thị trường là trung tâm của toàn bộ quá trình tái sản xuất, nó vừa là căn cứ, vừa là đối tượng của sản xuất.

- Thị trường là điều kiện, là môi trường cho hoạt động sản xuất của các chủ thể sản xuất hàng hoá, đồng thời là người nội trợ cho người tiêu dùng, là tấm gương phản chiếu cho sự phát triển KT - XH. Thị trường là nơi cuối cùng để chuyển lao động tư nhân thành lao động xã hội.

- Thị trường là nơi giao lưu hàng hoá giữa các ngành, các địa phương, các quốc gia với nhau; tạo sự gắn bó giữa nông thôn với thành thị, giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa miền xuôi với miền ngược, giữa các quốc gia với nhau, thúc đẩy quá trình khu vực hoá, toàn cầu hoá.

Page 45: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

39

Vì vậy, thị trường là “bà đỡ” của phát triển kinh tế hàng hoá. Trong thực tế nông thôn nước ta hiện nay, các thị trường có ảnh hưởng lớn nhưng còn thiếu hoặc còn yếu là thị trường vốn, thị trường cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thị trường dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và công nghiệp nông thôn…

Bẩy là: Hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Chính sách cũng như luật pháp, có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy hoặc kéo lùi sự phát triển kinh tế xã hội. Thực tiễn ở nước ta đã chứng minh, như chính sách khoán 100, khoán 10 đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, không chỉ tạo ra sự biến đổi sâu sắc trong nông nghiệp nước ta, biến nước ta từ một nước thiếu lương thực thành một nước không những đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia mà còn là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, không những thế còn mở đầu cho việc đổi mới một loạt các cơ chế quản lý trong các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó lại có những chính sách “ngăn sông cấm chợ” như hạn chế lưu thông buôn bán lương thực, thực phẩm, chính sách phân phối bình quân trong HTX; chính sách tiền lương đã không khuyến khích trí thức về công tác ở nông nghiệp, nông thôn… đã kìm hãm hoặc kéo lùi lịch sử phát triển của đất nước…

Vì vậy, việc sửa đổi kịp thời những chính sách lỗi thời, lạc hậu hoặc nghiên cứu ban hành một chính sách thúc đẩy phát triển là nghĩa vụ, trách nhiệm nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn của nhà nước ta hiện nay.

Tám là: Vai trò của Nhà nước đối với kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Trong nền kinh tế thị trường có mặt tích cực và có cả mặt tiêu cực, về mặt tiêu cực của cơ chế thị trường có thể khái quát như sau:

Thứ nhất, nền kinh tế thị trường không có cơ sở đảm bảo được những cân đối của nền KT - XH. Vì mục đích của nền kinh tế thị trường là lợi nhuận, nên các chủ thể sản xuất kinh doanh thực hiện sản xuất là nhằm vào khối lượng lợi nhuận cao chỉ quan tâm đến những hàng hoá có lợi nhuận lớn. Còn những hàng hoá lợi nhuận ít hoặc không có thì họ không chú ý. Do đó, nền kinh tế được cân đối chỉ là ngẫu nhiên, nhất thời. Một nền kinh tế muốn phát triển mạnh, ổn định, năng suất lao động cao…thì phải có sự cân đối (cân đối giữa các khâu của quá

Page 46: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

40

trình tái sản xuất, cân đối giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế, cân đối giữa các yếu tố của quá trình sản xuất…

Đó là những cân đối vĩ mô để cho nền kinh tế phát triển, nhưng tự kinh tế thị trường không thể giải quyết được.

Thứ hai, do sản xuất chạy theo lợi nhuận, dẫn đến hiện tượng “thừa”, “thiếu” hàng hoá phục vụ cho đời sống KT - XH dễ tạo ra sự khủng hoảng nền kinh tế, gây lãng phí tiền, của cải của xã hội, ảnh hưởng tới đời sống người lao động.

Thứ ba,, từ những hạn chế: Nền kinh tế thường xuyên bị mất cân đối, khủng hoảng đã dẫn tới những hậu quả hết sức nghiêm trọng, tác động xấu đến quá trình phát triển nền kinh tế như thất nghiệp, lạm phát, phân cực giàu nghèo quá mức, tạo nên tâm lý sùng bái đồng tiền, vì đồng tiền mà chà đạp lên đạo đức, nhân phẩm, làm cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sinh thái ngày càng trầm trọng… Đó là những vấn đề KT - XH của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào khi phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, chỉ có sự khác nhau về mức độ, tính chất, qui mô và hậu quả. Vì vậy phải có sự điều tiết của Nhà nước để khắc phục những hạn chế của cơ chế thị trường, đảm bảo tăng trưởng kinh tế, ổn định tình hình chính trị, xã hội.

Như vậy, trong nền kinh tế thị trường mọi Nhà nước, bất kể Nhà nước đó hoặc chế độ chính trị nào cũng đều phải quản lý, điều tiết nền kinh tế ấy. Riêng đối với nước ta hiện nay việc phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, trong quá trình hình thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, ngoài những lý do đề cập ở trên, còn có những lý do khác mang tính đặc thù đòi hỏi Nhà nước phải can thiệp đó là:

- Kết cấu hạ tầng KTNT trong XDNTM còn quá yếu kém, làm hạn chế sự phát triển kinh tế hàng hoá nông thôn.

- Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH - CN ở nông thôn còn yếu, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và đội ngũ công nhân lành nghề còn ít.

- Kinh tế nông thôn còn thiếu vốn sản xuất, thị trường đầu ra hạn chế và không ổn định, người nông dân còn sợ rủi ro, né tránh mạo hiểm, chưa thực sự

Page 47: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

41

tin tưởng vào giống mới, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến khi lần đầu được áp dụng, do đó rất cần phải có sự điều tiết của Nhà nước.

- Có những chính sách đúng nhưng cơ chế thực hiện thiếu hoặc không phù

hợp nên không thực hiện được hoặc kết quả hạn chế.

Vì vậy, để khắc phục những hạn chế của cơ chế thị trường, việc điều hành

KTNT trong XDNTM không thể không có sự quản lý của Nhà nước bằng những

công cụ cụ thể. Những công cụ để quản lý nền kinh tế quốc dân nói chung cũng

là những công cụ quản lý nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng là một

tổng thể hoàn chỉnh bao gồm các công cụ về tổ chức luật pháp, chính sách, chế

độ, quy hoạch, kế hoạch, giáo dục, thuyết phục, thanh tra, kiểm tra.

2.2. VAI TRÒ, NỘI DUNG VÀ CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ PHÁT

TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

2.2.1. Vai trò của phát triển kinh tế nông thôn đối với xây dựng nông

thôn mới Chúng ta biết rằng, mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là: Có kết cấu

hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ

chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp sản xuất hàng hoá với phát triển nhanh

công nghiệp, dịch vụ; gắn phát nông nghiệp với phát triển đô thị theo qui hoạch;

đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao; an ninh

chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống tổ chức

chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở ngày càng phát huy; giữ gìn bản

sắc văn hoá dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Ở nước ta hiện nay, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP còn lớn, 70% dân

số làm nghề nông, thu nhập thấp, thiếu việc làm còn nhiều. Để đưa nước ta cơ

bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, nhiệm vụ chiến lược là thực

hiện CNH, HĐH đất nước, trong đó nhiệm vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông

thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do vậy, vai trò của kinh tế nông thôn

trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, được thể hiện ở các

khía cạnh sau:

Page 48: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

42

2.2.1.1. Phát triển kinh tế nông thôn góp phần tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, ổn định kinh tế - xã hội, tạo tiền đề quan trọng đảm bảo thắng lợi cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Đối với đất nước ta hiện nay, kinh tế nông nghiệp vẫn là cơ bản và hết sức quan trọng. Nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế quốc dân nói chung. Nói đến KTNT, trước hết cần chú trọng tới sự phát triển của kinh tế nông nghiệp. Kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và ổn định, tạo cơ sở vững trắc về nhiều phương diện cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân, trước hết là cho công nghiệp. Đối với nền kinh tế Việt Nam thì nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng vì nó thỏa mãn nhu cầu quan trọng hàng đầu của con người là nhu cầu ăn, tạo ra sự ổn định về chính trị, kinh tế và quốc phòng. KTNT phát triển sẽ tạo ra khối lượng sản phẩm với giá trị ngày càng tăng, góp phần tạo vốn cho thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Sự phát triển kinh tế nông nghiệp ở nước ta những năm gần đây đã cho thấy tỷ trọng nông nghiệp đang giảm tương đối trong GDP từ 24,53% năm 2000 xuống còn 20,42% năm 2008 và năm 2013 là 18,38%; Trong khi đó giá trị tuyệt đối lại tăng lên theo thời gian tương ứng.

05

1015202530354045

2000 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013

Nông-Lâm-TSCN-Xây dựngDịch vụ

0

Đơn vị tính: %

Hình 2.1: Cơ cấu tổng sản phẩm trong nước của nền kinh tế quốc dân Nguồn: Niên giám Thống kê 2000-2013 [25].

Như vậy, xét trên phạm vi từ quốc gia đến ngành kinh tế cụ thể, nông nghiệp hiện nay vẫn là ngành kinh tế có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh

Page 49: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

43

tế quốc dân: tạo ra phần lớn tổng sản phẩm xã hội (có nơi gần như toàn bộ thu nhập chỉ dựa vào nông nghiệp). Điều đó được biểu hiện trên thực tiễn, trong những năm qua mọi biến cố của nông nghiệp đều tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sự phát triển kinh tế xã hội không những ở nông thôn, mà còn ảnh hưởng trên phạm vi quốc gia. Năm 1988 về trước, nông nghiệp nước ta chưa phát triển, năng suất thấp, chỉ phục vụ cho tiêu dùng trong nước, do vậy đời sống nhân dân thiếu thốn, nghèo đói, kinh tế - xã hội bị trì trệ, thậm chí rơi vào khủng khoảng. Từ năm 1989 trở lại đây, nông nghiệp phát triển mạnh, năng suất cao, đã tạo khả năng cho đời sống KT - XH dần dần được ổn định, xuất khẩu lương thực ngày càng tăng lên, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng và từng bước phát triển. Mặc dù đó cũng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân góp vào sự phát triển, nhưng đã nói lên vai trò ổn định xã hội, tạo “nền” rất to lớn của kinh tế nông nghiệp, nông thôn nước ta đối với sự phát triển của đất nước.

2.2.1.2. Phát triển kinh tế nông thôn sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, góp phần phân công lao động xã hội tại chỗ thực hiện xây dựng nông thôn mới thành công

Với một nền kinh tế nặng về tự cấp, tự túc thì thường kinh tế nông thôn bị “trói buộc” hẹp trong hai lĩnh vực truyền thống là trồng trọt và chăn nuôi. Thực tiễn phát triển KTNT trong những năm thực hiện đổi mới đã chứng minh một điều: chỉ khi nông nghiệp đảm bảo được lương thực, thực phẩm mới có điều kiện để phát triển các ngành nghề khác và đặc biệt là phát triển công nghiệp nông thôn, thực hiện phân công và phân công lại lao động trong nông nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ cho số lao động dư thừa trong nông thôn, giảm sức ép của sự chênh lệch kinh tế và đời sống giữa thành thị với nông thôn, giữa vùng phát triển với vùng kém phát triển, các làng nghề truyền thống, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp mới được khôi phục, mở rộng và phát triển.

Khi kinh tế nông nghiệp đã bảo đảm được về lương thực, thực phẩm thì trở thành điều kiện để chuyển KTNT theo hướng sản xuất hàng hoá đa dạng (có công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ) đáp ứng yêu cầu của thị trường. Quá trình đó như là quy luật phát triển nền KT - XH ở các nước xuất phát từ nông nghiệp

Page 50: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

44

như nước ta. Bởi lẽ, kinh tế nông nghiệp dù có phát triển đến đâu đi chăng nữa cũng không thể là ngành kinh tế đặc trưng của một nền kinh tế phát triển cao. Do vậy, nông nghiệp phát triển sẽ là tiền đề cho các ngành nghề khác phát triển và chuyển mạnh sang nền kinh tế hàng hóa phát triển.

2.2.1.3. Thực hiện tốt mục tiêu, nội dung xây dựng nông thôn mới là cơ sở, tiền đề để phát triển kinh tế nông thôn vững chắc

Trong thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới có nhiều nội dung, nhưng có hai nội dung quan trọng là kinh tế và văn hoá có mối quan hệ biện chứng tác động thúc đẩy lẫn nhau, trong đó kinh tế giữ vai trò quyết định, văn hoá có vị trí quan trọng và tác động trở lại đối với quá trình phát triển kinh tế theo hai chiều: thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê, khi bước vào thời kỳ đổi mới, tỷ lệ đói nghèo ở nước ta còn cao, trong đó số hộ đói nghèo ở nông thôn chiếm phần lớn, đặc biệt là ở vùng núi tỷ lệ nghèo đói rất cao (thấp là 25% đến 30% và cao là 40% đến 50%). Do đời sống kinh tế khó khăn, nên văn hoá, tinh thần cũng còn nhiều thiếu thốn. Vùng núi, Tây nguyên, vùng xa hẻo lánh không có điện, ti vi, phim ảnh, sách báo… nên tỷ lệ người bị mù chữ cao, lại bị “mù” cả về văn hoá, tinh thần. Và hơn nữa, do kinh tế kém phát triển đã dẫn đến các loại bệnh tật, tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng như mê tín dị đoan, cờ bạc… và chính những vấn đề này lại trở thành những yếu tố kìm hãm quá trình phát triển kinh tế ở các vùng này.

Thực tiễn đã chứng minh, những địa phương nào, khi KTNT phát triển, đa dạng hóa ngành nghề, giải quyết tốt việc làm, thu nhập của người dân nâng cao thì ở đó các hoạt động văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, người dân được tiếp cận nhiều hơn với nền văn hoá hiện đại, văn minh; những hủ tục lạc hậu, tệ nạn, tập quán xấu sẽ được khắc phục và xuất hiện nhiều phong trào thể hiện bản chất tốt đẹp của nền văn hoá xã hội mới, văn minh, lành mạnh như phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “lá lành đùm lá rách”… đồng thời người dân quan tâm tôn tạo đình chùa, khôi phục lễ hội truyền thống, sửa sang nơi thờ cúng người có công với nước và các danh nhân văn hoá; tu tạo nhà thờ họ, chăm lo việc học hành… giáo dục lòng nhân ái, bồi dưỡng đạo đức và lối sống với truyền thống tốt đẹp của dân

Page 51: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

45

tộc… những yếu tố đó lại thúc đẩy phát triển kinh tế, người dân thi đua làm giàu, xoá đói giảm nghèo, chung tay XDNTM đạt kết quả tốt. Hơn nữa từ việc thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, sẽ có căn cứ để xây dựng các nội dung chủ yếu của KTNT trong XDNTM với phương châm là lựa chọn các tác động để phát huy các mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các yếu tố ảnh hưởng nhằm tạo môi trường đồng bộ, thuận lợi cho phát triển KTNT trong XDNTM

Như vậy, KTNT phát triển đã quyết định đến phát triển văn hoá ở nông thôn. Đồng thời khi đời sống văn hoá tinh thần của cư dân nông thôn được đảm bảo đã trở thành động lực mạnh mẽ tác động trở lại đối với quá trình phát triển KTNT nói riêng, KT - XH nói chung. Mối quan hệ đó đã được Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) Đảng ta đã nhấn mạnh: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển KT - XH. Các nhân tố văn hoá phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện: Chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật… biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.

2.2.1.4. Phát triển kinh tế nông thôn tạo nguồn vốn tích luỹ và những điều kiện cần thiết cho xây dựng nông thôn mới, ngược lại xây dựng nông thôn mới là mục tiêu cho kinh tế nông thôn phát triển

Ở một nước có xuất phát điểm thấp như nước ta, thì để tạo nguồn lực ban đầu cho CNH, HĐH không có con đường nào khác là phải tích luỹ từ nông nghiệp và kinh tế nông thôn, bởi vì:

Thứ nhất, KTNT phát triển sẽ tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, từ đó mới có điều kiện tăng nguồn tích luỹ trong dân cư để đầu tư phát triển các hoạt động công nghiệp nông thôn.

Thứ hai, Thu nhập nông dân tăng với lượng dân cư đông đảo sẽ dẫn tới cầu tăng nhanh, mở ra thị trường tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp, qua đó sẽ tích luỹ cho công nghiệp.

Thứ ba, Khu vực kinh tế nông thôn, đó là nguồn cung cấp các nguyên liệu cho công nghiệp nông thôn, nhất là công nghệ chế biến nông sản.

Page 52: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

46

Thứ tư, Kinh tế nông thôn, là khu vực tạo ra sản phẩm xuất khẩu để tích luỹ cho nền kinh tế, tạo nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ…

Thực tế quá trình phát triển nền KT - XH nước ta đã chứng minh. Trước Đại hội Đảng lần thứ VI, kinh tế nông thôn chậm phát triển và bó hẹp trong sản xuất lương thực, thực phẩm, số lao động không có việc làm tăng lên, đời sống nhân dân lao động, khó khăn ngày càng nhiều, thị trường cung ứng và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp ngày một thu hẹp, công nghiệp không có cơ hội phát triển… nhưng từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay người dân đã chuyển mạnh sang làm các nghề tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp chuyên canh. Theo số liệu thống kê, riêng các làng nghề, các trang trại ở nước ta hiện nay đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng triệu lao động, hàng năm KTNT đã tạo ra một khoản ngoại tệ không nhỏ thông qua xuất khẩu nông sản hàng hoá như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hoa quả tươi, rau xanh, thịt, cá, tôm… đóng góp không nhỏ cho CNH, HĐH đất nước.

Phát triển KTNT sẽ trực tiếp nâng cao thu nhập cho bộ phận đông đảo dân cư nước ta. Phát triển KTNT chính là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, từ đó thúc đẩy quá trình phân công và phân công lại lao động nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và tích luỹ cho CNH, HĐH; thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, chế độ chính sách đối với gia đình liệt sỹ, thương binh, người có công với nước, chính sách xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của cư dân nông thôn là nội dung quan trọng của KTNT trong XDNTM. Tạo ra những điều kiện vật chất xây dựng một nền văn hoá mới, con người mới XHCN. Xây dựng nông thôn mới có kinh tế, văn hoá phát triển, đời sống đầy đủ về vật chất, thoả mãn về tinh thần sẽ trở thành nhân tố quyết định sự vững chắc của chế độ chính trị. Và quá trình xây dựng nông thôn mới là huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế nông thôn tạo nền tảng vững chắc cho chế độ XHCN ở nước ta.

Vì lẽ đó, phát triển KTNT ở nước ta hiện nay trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM có quan hệ hữu cơ gắn bó chặt chẽ với nhau.

Page 53: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

47

2.2.2. Nội dung cơ bản của phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

2.2.2.1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Theo Giáo trình Kinh tế học chính trị Mác - Lênin: "Cơ cấu kinh tế nông thôn là quan hệ tỷ lệ giữ các ngành, các lĩnh vực kinh tế có quan hệ hữu cơ với nhau, tác động qua lại nhau, là tiền đề cho nhau phát triển trong điều kiện tự nhiên - kinh tế xã hội trong một thời gian nhất định ở nông thôn..." [52, tr.492].

Cơ cấu kinh tế nông thôn có vai trò quan trọng, ảnh hưởng chi phối đến đời sống vật chất và tinh thần ở nông thôn. Cơ cấu kinh tế nông thôn hợp lý sẽ quyết định việc khai thác và sử dụng có hiệu quả tối ưu tài nguyên đất đai, vốn sức lao động và cả cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có; quyết định tốc độ phát triển kinh tế hàng hóa ở nông thôn, chuyển mạnh KTNT lên kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường; quyết định khả năng xã hội hóa sản xuất và lao động.... Cơ cấu KTNT do nhiều bộ phận hợp thành, các bộ phận đó có mối quan hệ gắn bó với nhau trong những không gian nhất định, phù hợp với những điều kiện KT - XH nhất định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình làm thay đổi cấu trúc và các mối quan hệ của một nền kinh tế theo một chủ định, một định hướng nhất định.

Cơ cấu KTNT có thể được xem dưới các góc độ sau: + Về cơ cấu kinh tế nông thôn theo ngành KTNT trước hết có nông nghiệp, theo nghĩa hẹp nông nghiệp chia thành:

trồng trọt (trồng cây lương thực, cây công nghiệp...); chăn nuôi (chăn nuôi gia cầm, gia súc, đại gia súc ...). Nông nghiệp theo nghĩa rộng, gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và Dịch vụ.

Nông nghiệp là ngành kinh tế cơ bản trong nông thôn, có nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho xã hội, nguyên liệu cho công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá phục vụ cho tiêu dùng sinh hoạt nâng cao đời sống xã hội và xuất khẩu.

Ngoài nông nghiệp, KTNT có ngành công nghiệp như: công nghiệp chế biến, cơ khí sửa chữa máy móc nông nghiệp, thuỷ lợi; sản xuất các loại nguyên

Page 54: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

48

vật liệu phục vụ cho KTNT như sắt, thép, xi măng, gạch, ngói… Công nghiệp nông thôn còn bao gồm một bộ phận tiểu thủ công nghiệp với nhiều trình độ công nghệ khác nhau, sản xuất hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà trước hết là thị trường nông thôn và tham gia xuất khẩu như mộc, chạm. khảm, sơn mài, thêu, làm giấy, hàng thủ công mỹ nghệ... KTNT còn bao gồm ngành dịch vụ mhư: thương nghiệp, tín dụng, khoa học và công nghệ, tư vấn… cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Đó là những bộ phận hợp thành của KTNT. Sự phát triển mạnh mẽ, cân dối, hợp lý của các bộ phận đó là biểu hiện trình độ phát triển của KTNT và trình độ phát triển của phân công lao động xã hội khu vực nông thôn.

Mỗi bộ phận kinh tế ngành có sự độc lập tương đối, song nó cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, thúc đẩy hoặc kìm hãm nhau trong quá trình phát triển kinh tế. Chẳng hạn như trồng trọt phát triển sẽ thúc đẩy chăn nuôi và ngược lại; hoặc thâm canh, đa canh sẽ thúc đẩy hình thành những vùng kinh tế tập trung nuôi trồng những loại cây, con có giá trị kinh tế; Ngành nghề ở nông thôn phát triển sẽ tạo điều kiện phân bố lại lao động ở nông thôn, thúc đẩy chuyên môn hoá chăn nuôi, trồng trọt…

Sự chuyển dịch cơ cấu KTNT tích cực thể hiện ở tỷ lệ nông nghiệp phải giảm, nhưng giá trị tuyệt đối tăng lên và tỷ trọng và giá trị tuyệt đối công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế phải tăng lên.

+ Về cơ cấu thành phần kinh tế ở nông thôn Cơ cấu kinh tế nông thôn nước ta hiện nay là cơ cấu nhiều thành phần, các

thành phần kinh tế tồn tại trong kinh tế nông thôn cũng là các thành phần kinh tế tồn tại trong nền kinh tế - xã hội gồm: Kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, hộ gia đình; kinh tế tư nhân, tư bản nhà nước ... Tuy nhiên có những đặc điểm riêng:

- Kinh tế Nhà nước trong KTNT được tổ chức dưới các hình thức nông trường quốc doanh, các trạm, trại kỹ thuật nông nghiệp. Kinh tế nhà nước trong KTNT được tổ chức dưới các hình thức nông trường quốc doanh, các trạm, trại kỹ thuật nông nghiệp. Kinh tế nhà nước trong KTNT được mở rộng ra toàn bộ các ngành nghề cơ bản như nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, tín dụng,

Page 55: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

49

ngân hàng, dịch vụ kinh tế và khoa học ... Nhiều cơ sở của kinh tế Nhà nước trong KTNT chỉ là một bộ phận đại diện của kinh tế Nhà nước chung như chi nhánh ngân hàng, các trạm, trại nông nghiệp… nhưng lại gắn bó chặt chẽ với KTNT từng vùng, từng địa phương như là bộ phận cấu thành bên trong của nó.

- Kinh tế tập thể (tổ hợp tác và hợp tác xã) trong KTNT có ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, tín dụng, tiểu thủ công nghiệp… Các hình thức kinh tế này được phát triển từ thấp đến cao tuỳ thuộc vào trình độ sản xuất hàng hoá của người nông dân theo từng vùng.

- Kinh tế cá thể, tiểu chủ trong KTNT còn ở nhiều ngành nghề như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ… trong nông thôn, được biểu hiện cụ thể ở các mô hình kinh tế hộ gia đình, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống, trang trại nông nghiệp, kinh tế tiểu chủ trong công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ… Tỷ trọng của kinh tế cá thể, tiểu chủ trong nông thôn nước ta hiện nay còn tương đối lớn.

- Kinh tế nông thôn có thành phần kinh tế tư bản tư nhân, tư bản nhà nước và vốn 100% nước ngoài là một tất yếu khách quan khi thực hiện phát triển KTNT theo hướng sản xuất hàng hoá và đưa KTNT từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan và chủ quan mà thành phần kinh tế này chậm phát triển ở nông thôn, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Các thành phần kinh tế tồn tại trong KTNT đều có tính hai mặt tích cực và hạn chế song trong quá trình phát triển KTNT các thành phần kinh tế đều có khả năng giải phóng sức lao động ở nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho dân cư ở nông thôn. Do đó chúng ta phải đẩy nhanh sự phát triển các thành phần kinh tế, tạo ra môi trường hợp tác và cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

+ Về cơ cấu kinh tế nông thôn theo vùng gồm: vùng ven biển, vùng trung du miền núi, vùng đồng bằng. Việc phân theo các vùng là tùy theo thực tế và mục đích nghiên cứu. Nước ta là một quốc gia có điều kiện địa lý, khí hậu tự nhiên, đa dạng, phong phú, trình độ dân trí và KT-XH giữa các vùng rất khác nhau. Mỗi vùng có một đặc điểm thế mạnh riêng. Vì vậy nó đã tạo ra sự đa dạng phong phú về cơ cấu KTNT mỗi vùng mang một sắc thái riêng. Vùng

Page 56: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

50

đồng bằng có thế mạnh về trồng trọt cây lương thực, rau quả, chăn nuôi gia cầm, gia súc, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Vùng trung du, miền núi có thế mạnh về cây công nghiệp, cây ăn quả, lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, chế biến hàng lâm sản; vùng ven biển có thế mạnh đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản; vùng Tây nguyên có thế mạnh trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp, chế biến hàng lâm, thổ sản…

Tuy nhiên cùng với thế mạnh của từng vùng kinh tế thì mỗi vùng lại có khó khăn nhất định, như vùng đồng bằng đất chật, người đông, lao động dư thừa nhiều, Trung du, miền núi và Tây nguyên khó khăn về đường giao thông, điện, đặc biệt là thiếu nghiêm trọng về lực lượng lao động… Chính vì vậy các vùng kinh tế phải có sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau nhằm phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, khó khăn riêng của từng vùng để phát triển kinh tế nông thôn cho từng địa phương nói riêng và nông thôn cả nước nói chung.

2.2.2.2. Đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Do đặc điểm của nước ta, điểm xuất phát thấp, sản xuất nhỏ là phổ biến, lao động nông nghiệp phần lớn là chưa qua đào tạo. Do vậy đào tạo nguồn nhân lực cho KTNT là nội dung đặc biệt quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài trong xây dựng nông thôn mới.

Trước hết, là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Xây dựng kế hoạch và giải pháp đào tạo cho bộ phận con em nông dân đủ trình độ năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Dạy nghề cho bộ phận nông dân sản xuất nông nghiệp (bằng nhiều hình thức) để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại; đào tạo nâng cao kiến thức và trình độ quản lý cho cán bộ nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt cho cán bộ thôn, xã. Đào tạo cho người nông dân có khả năng tiếp cận với những thành tựu kỹ thuật tiến bộ, ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra năng suất lao động cao, chủ động lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh tối ưu.

Page 57: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

51

Thứ hai, là phát triển hệ thống thông tin, truyền thanh, truyền hình, thư viện, nhà văn hóa... nhằm nâng cao sự nhận thức, trình độ cho người dân ở khu vực nông thôn tiếp cận được với những phương thức canh tác tiên tiến trên thế giới.

Để thực hiện tốt nội dung này, đòi hỏi vai trò của nhà nước trong việc tạo điều kiện cho nông dân thông qua hệ thống các chính sách khuyến khích ưu đãi, đào tạo nghề cho khu vực nông thôn.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn chính là một yếu tố quan trọng hấp dẫn, lôi kéo doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

2.2.2.3. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng hiện đại gắn với quy hoạch nông thôn

Hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH nông thôn có vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội ở nông thôn. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH nông thôn phát triển là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển các ngành nghề, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền... ngược lại, nó sẽ là lực cản trong thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH nông thôn thông thường gồm: hệ thống thủy lợi, giao thông, vận tải nông thôn, KH - CN, công nghiệp chế biến nông sản, thông tin liên lạc, cung cấp nước sạch, cơ sở y tế, trạm xá, văn hóa giáo dục nông thôn…trong đó, giao thông, thông tin, khoa học- công nghệ là các bộ phận quan trọng nhất cần phải được quan tâm, đầu tư đi trước một bước phù hợp với mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đối với nông thôn, phải ưu tiên trước hết là cho giao thông, thuỷ lợi, thông tin liên lạc, nước sạch, cơ sở giáo dục, nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng gắn liền với hoạt động thể thao ở mỗi thôn, bản, cụm dân cư. Chính sách đầu tư phải có tác động huy động được nhiều nguồn vốn (trong nước, doanh nghiệp, nông dân, nước ngoài…), trong đó phải phân định rõ từng nguồn vốn đầu tư. Việc tăng tỷ lệ vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn từ ngân sách nhà nước là rất cần thiết. Bởi nó có vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, tạo bộ mặt nông thôn mới.

Đồng thời, công tác quy hoạch nông thôn có ý nghĩa thiết thực, cần phải quy hoạch các khu dân cư theo hướng xây dựng cộng đồng dân cư nông thôn ổn

Page 58: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

52

định văn minh hiện đại. Phát triển thêm các thị trấn, thị tứ ở nông thôn với hệ thống hạ tầng phù hợp với chức năng của nó là các trung tâm khoa học kỹ thuật, giáo dục, y tế bảo vệ sức khoẻ, văn hoá, nghệ thuật để tạo những “đầu tầu” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ngay tại các xã, cụm xã.

Phát triển KTNT là một tất yếu khách quan nhưng không thể phát triển một cách tùy tiện mà phải có quy hoạch các vùng sản xuất, quy hoạch lại các khu dân cư một cách khoa học, dựa trên sự so sánh lợi thế của các vùng, miền kết hợp với dự báo và đánh giá thị trường.

2.2.2.4. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn

Sự phù hợp giữa các hình thức tổ chức sản xuất với trình độ lực lượng sản xuất là điều kiện quan trọng và là động lực thúc đẩy phát huy các nguồn lực cho phát triển KTNT; Các hình thức tổ chức sản xuất phát triển thích hợp trong nông thôn sẽ tạo tiền đề cần thiết để sử dụng hợp lý các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội mỗi vùng, địa phương. Hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn phụ thuộc vào qui mô hay các loại hình của đơn vị kinh tế nông thôn, trước hết là các loại hình quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất. Hiện nay ở nông thôn có các hình thức tổ chức sản xuất như: hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, công ty … đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong KTNT cũng có sự hiện diện của các thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy trong quá trình phát triển KTNT vừa phải tôn trọng sự tồn tại tất yếu khách quan của các thành phần kinh tế, vừa phải tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước để nó hoạt động hiệu quả, giữ được vai trò then chốt trong phát triển KTNT. Đồng thời phát triển mạnh kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX là những tổ chức kinh tế hợp tác của những người lao động liên kết tự nguyện góp vốn, góp sức để sản xuất kinh doanh nông nghiệp và các ngành nghề khác được sự hướng dẫn, hỗ trợ của nhà nước. HTX hoạt động theo nguyên tắc

Page 59: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

53

tự nguyện, dân chủ, bình đẳng cùng có lợi, có tư cách pháp nhân. Kinh tế tập thể phải trở thành thành phần kinh tế có vai trò cực kỳ quan trọng trong nền KTNT, đảm bảo cho KTNT phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời coi trọng phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Khuyến khích và định hướng phát triển các loại hình kinh tế này với những cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, thể chế pháp lý minh bạch, rõ ràng nhằm phát triển kinh tế hàng hóa ở nông thôn và xã hội hóa KTNT, cụ thể là:

- Xây dựng hộ nông dân thành đơn vị kinh tế tự chủ. Trong dó chủ yếu là nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật, kỹ năng sản xuất, kiến thức thị trường để người nông dân có thể vươn lên chủ động lựa chọn phương án sản xuất có lợi, sản xuất với năng suất cao, chất lượng sản phẩm sạch…và có lợi nhất để tăng thu nhập.

- Tạo điều kiện thuận lợi để trang trại phát triển cả về số lượng và quy mô, đầu tư sản xuất theo chiều sâu để hàng hoá có sức cạnh tranh, vươn ra xuất khẩu.

- Phát triển các hình thức hợp tác, nhất là HTX. Hướng các HTX dịch vụ tốt cho kinh tế hộ và trang trại để hai loại hình kinh tế đó phát triển có hiệu quả.

- Đổi mới xắp xếp nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước để nó xứng đáng là các điểm tựa cho các thành phần kinh tế khác phát triển.

Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa không gian nông thôn bị thu hẹp song không gian KTNT không thu hẹp mà phải không ngừng phát triển. Hơn nữa bản thân một địa phương, một vùng nông thôn không thể phát triển KTNT một cách hoàn chỉnh, đồng bộ. Vì vậy phải có sự liên kết giữa các vùng, các địa phương, hơn nữa là hội nhập kinh tế quốc tế cụ thể như sau:

- Tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và về nông thôn.

- Thành lập các hiệp hội thông qua đó có sự liên kết tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và nước ngoài.

- Xây dựng thương hiệu hàng hóa nhất là những sản phẩm có thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài để tăng thu nhập cho người lao động.

Page 60: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

54

2.2.2.5. Đẩy mạnh hiện đại hoá nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và hoàn thiện hệ thống chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Hiện đại hoá được hiểu là quá trình trang bị kỹ thuật, công nghệ cho nền kinh tế tương ứng với trình độ khoa học - công nghệ mà thời đại đã đạt được.

Ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng KH - CN vào các ngành nghề, quá trình sản xuất kinh doanh ở nông thôn có một vai trò quan trọng, quyết định tốc độ tăng trưởng KTNT. Trong đó tập trung vào những lĩnh vực cơ bản sau: Cơ giới hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa; nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học... vào phát triển KTNT.

Kinh nghiệm các nước tiến hành CNH, HĐH thành công đều đã thực hiện bằng các biện pháp chủ yếu như:

Một là, ưu tiên sử dụng khoa học kỹ thuật làm mũi nhọn cho cách mạng nông nghiệp; họ quan tâm tới quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm có lợi thế. Tập trung đầu tư kỹ thuật vào giống, cải tiến quy trình canh tác, đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao giá trị nông sản hướng vào xuất khẩu.

Hai là, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ gắn với các vùng hàng hoá lớn như giao thông, thuỷ lợi, điện, cơ sở bảo quản, chế biến công nghiệp hướng vào xuất khẩu.

Ba là, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu công nghệ mới cả trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông nghiệp.

Bốn là, doanh nghiệp hoá kinh tế nhà nước, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp từ kinh tế hộ: Tuy nông hộ là một khởi đầu quan trọng, song hạn chế của kinh tế hộ là quy mô sản xuất nhỏ, ít có điều kiện và khả năng áp dụng công nghệ mới, khó cho chỉ đạo sản xuất vùng hàng hoá lớn.

Những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều các chính sách linh hoạt cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, đặc điểm chung là các chính sách có tuổi thọ ngắn, dễ lạc hậu, không theo kịp lâu dài với sự phát triển của thực tiễn. Nhiều chính sách hiện hành đang hạn chế hoặc tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế nông thôn như: Chính sách đất đai, tài chính, tín dụng…hoặc còn thiếu những chính sách thích hợp để thúc đẩy nâng cao chất

Page 61: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

55

lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào nông thôn; chính sách thúc đẩy tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn (nhất là cho những vùng phát triển có hiệu quả cao và các vùng nghèo đói quá chậm phát triển); Chính sách bảo vệ, sử dụng có hiệu quả vốn tài nguyên và bảo vệ môi tường nông thôn, chính sách an sinh xã hội cho cư dân nông thôn, nhất là vùng bị thu hồi đất cho công nghiệp, đô thị, chính sách phát triển thị trường nông thôn…

Do đó việc thực thi các chính sách thích hợp sẽ có tính đột phá, là công việc quan trọng thúc đẩy nhanh phát triển KT - XH nông thôn và giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn tạo cơ sở KT - XH vững chắc cho thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, nâng cao vai trò và trình độ quản lý nhà nước đối với kinh tế nông thôn là rất cần thiết. Vai trò của Nhà nước trong phát triển KTNT thường được thể hiện ở các việc như: Dự báo quan hệ cung - cầu hàng hóa; phát triển giao thông nông thôn; đầu tư cho thủy lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh khuyến nông, khuyến công và thông tin thị trường; hỗ trợ nông dân tham gia thị trường trong và ngoài nước…

2.2.2.6. Nâng cao thu nhập, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái

Nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn là mục tiêu, là yêu cầu, là nội dung trọng tâm của phát triển KTNT trong xây dựng nông thôn mới.

Giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn là nhằm mục tiêu xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, nó là cơ sở, động lực để xây dựng nông thôn mới. Cần thực hiện tốt các vấn đề xã hội ở nông thôn như: Vấn đề xóa đói giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của cư dân nông thôn, vấn đề đất đai nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa, phát triển các khu công nghiệp; vấn đề xung đột lợi ích trong nội bộ nông thôn và giữa nông thôn với thành thị cần được giải quyết hài hòa không để xung đột lợi ích xẩy ra, đảm bảo cho khu vực nông thôn phát triển bền vững.

Page 62: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

56

Bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái ở nông thôn là rất quan trọng và cần thiết ở nông thôn hiện nay như: Bảo vệ nguồn tài nguyên rừng và đất bị tàn phá bởi các hoạt động của con người, khai thác một cách hợp lý và có sự bù đắp. Khai thác và sử dụng hợp lý có hiệu qủa nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Bảo vệ các nguồn động thực vật và sự đa dạng sinh hoạt trong thiên nhiên. Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, các nguồn phân hữu cơ, giảm việc sử dụng hóa chất gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không khí.

2.2.3. Chỉ tiêu đánh giá sự phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Để đánh giá trình độ phát triển của KTNT thì cần phải thông qua một hệ thống các chỉ tiêu, cả chỉ tiêu định tính và chỉ tiêu định lượng. Tuy nhiên, việc xác định hệ thống các chỉ tiêu này một cách chính xác là không đơn giản. Do chưa phát triển sản xuất hàng hoá nên chưa có thói quen cập nhật thông tin, số liệu; lại còn bị ảnh hưởng của những thói quen có từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung trước đây chỉ chú trọng những đánh giá định tính mà ít quan tâm đến các chỉ tiêu định lượng. Xuất phát từ thực tế đó, luận án chú trọng sử dụng các chỉ tiêu chủ yếu sau:

Thứ nhất, các chỉ tiêu trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của KTNT bao gồm:

+ Các chỉ tiêu giá trị như: tăng trưởng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế, giá trị sản lượng, giá trị sản xuất, giá trị gia tăng, cơ cấu kinh tế nông thôn.

+ Các chỉ tiêu hiện vật như: sản lượng sản phẩm chủ yếu sản xuất trên địa bàn nông thôn: sản lượng cây trồng, vật nuôi, công nghiệp, xây dựng.

Thứ hai, các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế tổng hợp như: + Hiệu quả vốn đầu tư cho toàn bộ hoạt động của KTNT, đây là chỉ tiêu

khái quát, tổng thể, phản ánh mặt bằng hiệu quả nhưng không có tác dụng chỉ rõ các nguyên nhân thành công hay thất bại, do đó không thể là cơ sở để đưa ra những giải pháp tháo gỡ tình hình hoặc phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

+ Hiệu quả vốn đầu tư cho các bộ phận cấu thành KTNT, bao gồm các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, các thành phần kinh tế, các vùng

Page 63: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

57

lãnh thổ nông thôn (nếu trong phạm vi một huyện thì có thể tính theo tiểu vùng hoặc tính toán theo đơn vị hành chính như các xã…).

Để tính toán các chỉ tiêu trên, cần thiết phải thu thập và tổng hợp các số liệu về tổng doanh thu, thu nhập, lợi nhuận, giá trị tổng sản lượng các ngành kinh tế trên địa bàn nông thôn, giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm. Các yếu tố chi phí gồm: chi phí vật chất, vốn đầu tư, vốn đầu tư tăng thêm.

Kết quả của các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp nêu trên ở các thời kỳ khác nhau với cơ cấu kinh tế khác nhau sẽ thể hiện sự phát triển kinh tế ở nông thôn. Một địa bàn nông thôn gọi là phát triển kinh tế đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, khi các chỉ tiêu số lượng tổng hợp nêu trên được tăng lên ở giai đoạn sau so với giai đoạn trước. Mức độ tăng lên càng nhanh, càng bền vững thì trình độ phát triển kinh tế càng cao là nền tảng vững chắc trong XDNTM.

Thứ ba, các chỉ tiêu hiệu quả từng phần (gián tiếp) để đánh giá trình độ phát triển của KTNT, gồm có: Năng suất lao động ở nông thôn; Năng suất lao động ở các ngành nghề; Năng suất cây trồng, vật nuôi; Giá trị nông sản; Thu nhập bình quân của mỗi nhân khẩu trong khu vực nông thôn; đời sống, trình độ học vấn của người dân.

Các chỉ tiêu hiệu quả gián tiếp theo không gian và thời gian gắn liền với sự khác nhau về cơ cấu kinh tế nông thôn sẽ cho phép tính toán tình hình phát triển kinh tế nông thôn qua các thời kỳ nhất định. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này chỉ phản ánh từng phần của kinh tế nông thôn, nó có tính phiến diện và cục bộ, còn những hạn chế nhất định. Nhưng nó có tác dụng để các cấp hoạch định chính sách điều chỉnh trong ngắn hạn để đạt được mục tiêu phát triển KT - XH khu vực nông thôn trong dài hạn và để các chủ trương phát triển kinh tế, ra các quyết định quản lý sản xuất, kinh doanh ở nông thôn.

2.3. KINH NGHIỆM CỦA QUỐC TẾ VÀ TRONG NƯỚC VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

2.3.1. Kinh nghiệm của quốc tế về phát triển kinh tế nông thôn Kinh nghiệm phát triển KTNT của một số nước như: Trung Quốc, Hàn

Quốc là bài học quí cho huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình nói riêng và cho các địa

Page 64: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

58

phương trong nước tham khảo để lãnh đạo tổ chức thực hiện phát triển KTNT trong XDNTM có hiệu quả cao nhất.

2.3.1.1. Kinh nghiệm của Trung quốc về chính sách phát triển nông thôn mới, trong đó có phát triển kinh tế nông thôn

Quan điểm chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm tới: - Cơ cấu lại cơ chế kinh tế và kết cấu lợi ích mà trọng tâm là chế độ đất đai

nông thôn, với cơ cấu lại cơ chế quản lý với nội dung trọng tâm là xóa bỏ thể chế ba cấp công xã nhân dân; khôi phục, xây dựng lại chính quyền xã và thực hiện chế độ dân làng tự trị. Quá trình này lấy việc nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông hộ và tập thể nông dân làm điểm xuất phát để vận động phong trào hiện đại hóa làng xã với nông nghiệp hiện đại, doanh nghiệp thôn và phát triển các huyện, thị nhỏ.

- Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, cải thiện môi trường sống, nâng cao sức khỏe con người, phát triển sự nghiệp công ích, bảo đảm trật tự trị an; phấn đấu xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.

Trong những năm cuối của thập niên 90 thế kỷ XX, Trung Quốc đã đề ra vấn đề “tam nông”và tập trung vào ba nội dung sau: Tăng thu nhập của người dân; Tiêu thụ hàng hóa nông sản và ổn định xã hội nông thôn. Theo đó, mục tiêu phát triển nông thôn Trung quốc được xác định cụ thể:

- Ủng hộ tích cực với chính sách phát triển nông thôn, khống chế ổn định giá cả nông sản, thực phẩm, hỗ trợ nông nghiệp. Công nghiệp và đô thị hỗ trợ phát triển nông thôn và tăng cường đầu tư cho nông thôn.

- Quan điểm chỉ đạo phát triển xã hội hài hòa, trên cơ sở giữa nông thôn và thành thị.

* Chính sách đất đai, Trong thời kỳ mở cửa thu hút đầu tư, nhiều địa phương đã bán đất cho doanh nghiệp. Nhà nước mua đất của người dân với giá thấp, sau đó cho doanh nghiệp thuê và bán với giá cao.

- Vạch ra đường đỏ cố định đất nông nghiệp đến năm 2020, là 180 triệu mẫu (15 mẫu = 1ha) không được chuyển đổi mục đích sử dụng và ban hành Lật

Page 65: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

59

Bảo hộ đất đai canh tác cơ bản. Trong đó quy định về phân cấp duyệt dự án đầu tư: đánh giá ảnh hưởng của dự án đầu tư và các dự án đầu tư phải được thống nhất, có chữ ký người dân rồi mới triển khai thực hiện.

- Nhà nước phân loại đất để quản lý: + Đất công ích, dùng cho các công trình phúc lợi sẽ do Nhà nước định giá. + Đất thương mại, giá đất tùy thuộc vào giá thị trường, do người dân và

doanh nghiệp đàm phán. Nhà nước không tham gia việc định giá loại đất này; nếu người dân và doanh nghiệp không thỏa thuận được về giá thì chính quyền địa phương sẽ là trung gian đàm phán.

* Chính sách tín dụng, Hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại nông thôn (về thủ tục vay, lãi suất), đặc biệt xác định danh sách các doanh nghiệp “đầu rồng” tại từng vùng để hỗ trợ. Hỗ trợ phát triển hệ thống tín dụng nhỏ cho các vùng khó khăn. Hỗ trợ cổ vũ các địa phương phát triển các quỹ phát triển xã hội, lãi xuất được để lại địa phương. Cho phép các ngân hàng tư nhân, hộ kinh doanh tín dụng thành lập và phát triển, đã chính thức hóa kinh doanh tiền tệ, giảm cho vay nặng lãi ở nông thôn. Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh tiền tệ. Tổ chức, cá nhân nếu có hơn 100.000 NDT thì được phép đăng ký kinh doanh tín dụng nhưng không được phép huy động vốn. Nhà nước khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân thành lập các quỹ cho vay.

* Chính sách về phát triển các hội kinh tế, hiệp hội, hợp tác xã, Để tạo điều kiện cho các tổ chức này phát triển, ngày 01/7/2007, Trung Quốc ban hành Luật Tập thể các ngành nông nghiệp, Luật hợp tác xã chuyên ngành của nông dân. Nhà nước khuyến khích thành lập các hội kinh tế (kiên quyết không khuyến khích tồn tại và thành lập các loại hình hợp tác xã như thời bao cấp); thúc đẩy phát triển mạnh các hợp tác xã chuyên ngành theo ngành hàng, các hiệp hội ngành nghề theo và tăng cường liên kết dọc. Nhà nước khuyến khích, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp “đầu rồng” tăng cường liên kết với nông dân để phát triển kinh tế nông nghiệp.

* Chính sách miễn giảm thuế, Do đặc thù của Trung Quốc, trước đây người nông dân đóng góp quá nhiều các loại thuế (thuế nông nghiệp khoảng 30

Page 66: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

60

tỷ NDT, các loại thuế khác khoảng 100 tỷ NDT). Hiện nay, tất cả các loại thuế này đã được xóa bỏ, Nhà nước cải cách phân bổ đầu tư, phân chia thuế giữa Trung ương và địa phương, theo hướng tăng cường ngân sách cho cấp địa phương quyết định.

* Chính sách môi trường, Do phát triển mạnh công nghiệp nông thôn, nên tình hình môi trường nông thôn xấu đi nghiêm trọng, Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề cập sâu sắc đến việc cải thiện tình hình môi trường nông thôn. Nhà nước đã đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt: Các cơ sở sản xuất không đạt yêu cầu về môi trường, sẽ bị đóng cửa; khoanh vùng bảo hộ sinh thái, trên cơ sở đó Nhà nước tiến hành đánh thuế, và dùng tiền thu được để cải tạo môi trường.

* Chính sách xây dựng nông thôn mới, Tại các khu vực thử nghiệm, các mô hình nông thôn mới được chú trọng xây dựng theo các mức độ, quy mô khác nhau. Những mô hình này rất đa dạng, tùy theo cấp vùng, không có “bộ tiêu chí chuẩn” áp đặt cho mọi nơi. Để định hướng cho nội dung này, từ cuối năm 2004, Nhà nước đưa ra mục tiêu xây dựng nông thôn mới, gồm: sản xuất và phát triển; sinh hoạt và giàu có; văn minh nông thôn; nông thôn, nông nghiệp sạch sẽ; quản lý dân chủ. Nhà nước có chính sách xây dựng nông thôn mới trên cơ sở nguồn lực tự nhiên, điều kiện xã hội cụ thể cho từng vùng.

Như vậy, có thể thấy, Trung Quốc xây dựng nông thôn mới tập trung vào những quan điểm, chính sách, nội dung cơ bản:

- Lấy thành thị dẫn dắt nông thôn, công nghiệp gắn với nông nghiệp là một định hướng thể hiện rõ vai trò của nông thôn đối với phát triển kinh tế cả nước, làm cơ sở phát triển nông thôn.

- Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tại một số vùng được thực hiện tốt, gắn với chính sách điều hành vĩ mô, và sự hỗ trợ đã thúc đẩy nhiều vùng nông thôn phát triển.

- Chính sách bảo vệ đất đai nông nghiệp đã được luật hóa, chính sách đền bù giá đất, chính sách tín dụng nông thôn, loại hình hợp tác xã được khuyến khích.

- Bảo vệ các đối tượng yếu thế trong xã hội, tạo sự cân bằng giữa các vùng trong cả nước.

Page 67: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

61

- Một vấn đề đặt ra cho Trung Quốc là khi phát triển công nghiệp nông thôn mới quan tâm đến hiệu quả về kinh tế và xã hội, không coi trọng vấn đề môi trường. Vì tập trung cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế tạo việc là cho người lao động trong thời gian dài đã làm cho môi trường bị hủy hoại, ô nhiễm nặng ở các vùng nông thôn, thậm chí coi trọng lợi nhuận có những nhà sản xuất mất đạo đức, đưa ra thị trường những loại hàng hóa không đủ phẩm chất, mất vệ sinh an toàn thực phẩm làm hại sức khỏe của công đồng, không thể chấp nhận được.

2.3.1.2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc Hàn Quốc từ đất nước nghèo nàn, lạc hậu đã trở thành nước phát triển có

mức sống cao trong những năm 70. Một trong những yếu tố thành công ở Hàn Quốc trong phát triển khu vực nông thôn là Saemaml Undong. Phong trào này bắt đầu ở nông thôn nên được hiểu là “Phong trào làng mới” với mục tiêu xây dựng nền tảng cho cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi gia đình, làng xã, góp phần vào sự tiến bộ chung của toàn xã hội. Tinh thần của phong trào này “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”. “Chăm chỉ” là động lực tự nguyện của người dân, không ngừng vượt qua khó khăn để tiến tới thành công; “Tự lực” là ý chí bản thân, tinh thần làm chủ, chịu trách nhiệm về cuộc sống và vận mệnh của bản thân; “Hợp tác” là nhận thức về mong muốn phát triển cộng đồng phải nhờ vào nỗ lực của tập thể [116].

Hàn Quốc với việc thực hiện các vấn đề như: Kết hợp phát triển đô thị, nông thôn; khuyến khích phát triển công nghiệp vừa và nhỏ; chuyển hoạt động công nghiệp ra xa trung tâm đô thị lớn, tạo cho dân cư nông thôn có việc làm, có thu nhập từ phi nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả trợ cấp của Chính phủ … Những việc làm này từ 1970 - 1978 đã làm cho bộ mặt các vùng nông thôn thay đổi một cách nhanh chóng. Các dự án phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn cơ bản hoàn thành, đời sống cư dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.

Trong điều kiện đất nước khó khăn, Chính phủ đưa ra những nội dung cụ thể để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn như mở rộng , làm mới đường trong thôn; cải tạo hàng rào quanh nhà; sửa hệ thống đập sông ngòi, xây điểm gom rác với chính sách hỗ trợ miễn phí xi măng, thép theo mức cụ thể. Đồng thời với tinh

Page 68: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

62

thần Saemaul đã kích thích sự tham gia của cộng đồng đã làm cho nông thôn Hàn Quốc có những thay đổi to lớn.

2.3.2. Kinh nghiệm của một số huyện về phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

2.3.2.1. Kinh nghiệm của huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định Huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định chú trọng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của

các cấp ủy trong phát triển KTNT trong XDNTM. Phương châm chỉ đạo là: tập trung thực hiện từ đồng vào làng, triển khai đề án dồn điền đổi thửa ở 33/35 xã, thị trấn (trừ 2 xã làm muối) để vừa quy hoạch vùng sản xuất, vừa chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch gọn quỹ đất công và vận động góp đất xây dựng công trình giao thông, thủy lợi nội đồng. Kết quả và kinh nghiệm phát triển KTNT trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quôc gia XDNTM ở huyện Hải Hậu như sau:

* Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn

- Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X; Nghị quyết của Tỉnh ủy và Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của UBND tỉnh. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Hải Hậu ban hành Nghị quyết số 36-QĐ/HU ngày 22/10/2010 chỉ đạo thực hiện Đề án Mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây vụ Đông trên chân ruộng 2 lúa và phát triển trang trại nông nghiệp, nhằm mục đích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị. Hết năm 2013 có 35/35 xã, thị trấn đã xây dựng xong quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch nông thôn mới, dồn điền đổi thửa phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.

+ Quy hoạch vùng sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông trên chân ruộng 2 lúa. Xã, thị trấn ít nhất có diện tích chuyển đổi và cây vụ Đông đạt trên 15%. Diện tích cây vụ đông trên chân ruộng 2 lúa năm 2012 đạt 1.550 ha, dự kiến cây vụ đông năm 2013 đạt 1.800 ha. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lấy cây cà chua, cải dầu, bí xanh là cây chủ lực của vụ Đông. Đẩy mạnh phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh để từng bước trở thành ngành kinh tế, làng nghề ổn định cho thu nhập cao [54].

Page 69: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

63

+ Quy hoạch vùng trồng lúa đặc sản (Tám, Nếp) 900 ha bằng 8,3% diện tích ở 8 xã Hải Anh, Hải Đường, Hải An, Hải Toàn, Hải Phong, Hải Ninh, Hải Giang và Hải Châu [54].

+ Xây dựng các điểm trình diễn các giống lúa, màu có triển vọng, đại diện cho các vùng thổ nhưỡng khác nhau tại các HTX: Trà Trung, Hải Thanh, Hải Tân, Hải Đường, Phú Lễ, Toàn Thắng để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng, phấn đấu từng bước chủ động cung cấp giống thuần cho hộ sản xuất trong huyện.

+ Quy hoạch vùng nhân giống lúa thuần, diện tích từ (1 - 2) ha/HTX, tuyển chọn những hộ có điều kiện lao động đã qua đào tạo sản xuất giống nông hộ vào sản xuất giống.

+ Xây dựng vùng sản xuất vụ Đông, trồng cây phục vụ chế biến và xuất khẩu (cà chua, dưa chuột) có diện tích 400 ha tập trung ở 6 xã: Hải Tây, Hải Xuân, Hải Phú, Hải Cường, Hải Lý và Hải Hòa [54].

- Về phát triển chăn nuôi: chuyển dịch theo hướng phát triển trang trại tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, an toàn dịch bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến ngày 30/4/2013 huyện Hải Hậu có 706 gia trại, 102 trang trại. Những xã có điều kiện phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản như: Hải Lộc, Hải Đông, Hải Châu, Hải Xuân, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều, phấn đấu đến năm 2015 mỗi xã, thị trấn có từ 12 - 15 trang trại trở lên. Các trang trại đều nằm trong vùng quy hoạch, xa khu dân cư.

- Về thực hiện Chiến lược kinh tế Biển gắn với an ninh, quốc phòng, trong đó phát triển mạnh nghề khai thác xa bờ và nuôi trồng thủy hải sản. Tập trung khai thác hiệu quả 917 tàu khai thác các loại, trong đó có 135 tàu có công suất trên 90CV. Sản lượng trên 17.700 tấn. Tổ chức nuôi trồng thủy sản với diện tích nuôi nước ngọt: năm 2013 tăng 200 ha so với năm 2008, chủ yếu ở các xã, Hải Châu, Hải Hòa, Hải Đông, Hải An, thị trấn Thịnh Long; diện tích nuôi nước mặn lợ: ổn định 456 ha. Diện tích nuôi tôm công nghiệp năm 2013 là 135 ha, tăng trên 100 ha so với năm 2008, tập trung chủ yếu ở các xã: Hải Nam, Hải Phúc, Hải Đông, Hải Chính, Hải Lý, Hải Triều, Hải Hòa. Xây dựng và nâng cấp 3 cơ sở chế biến ở xã Hải Lý, Hải Chính, Thịnh Long. Nâng cấp cơ sở sửa chữa tàu

Page 70: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

64

tại thị trấn Thịnh Long. Hình thành một số cơ sở thu mua chế biến thủy sản tại Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều và TT. Thịnh Long. - Về phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn

+ Sản xuất Công nghiệp tính đến 31/12/2012: Giá trị tổng sản lượng (theo giá cố định 1994): đạt 529,361 tỷ đồng, tăng 191% so với năm 2008, trong đó:

+ Tiểu thủ công nghiệp: 290,613 tỷ đồng, bằng 54,9% so tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN.

+ Doanh nghiệp ngoài quốc doanh: 223,623 tỷ đồng, bằng 42,2% so tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN.

+ Diêm nghiệp: 15,125 tỷ đồng, bằng 2,9% so tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN [54].

* Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới (số liệu đến 31/12/2012)

- Trên địa bàn huyện Quốc lộ 21 với chiều dài 31,9 km đã được cải tạo, nâng cấp đưa vào sử dụng từ năm 2010; tỉnh lộ 486B (từ Cầu Hà Lạn đến Thị trấn Liễu Đề), chiều dài 28,6 km được cải tạo, nâng cấp đua vào sử dụng từ năm 2012; tỉnh lộ 488C (đoạn từ đê Văn Lý đến đê Ninh Mỹ ) đang được triển khai nâng cấp, dự kiến đưa vào sử dụng, khai thác đầu năm 2014… đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn huyện, làm thay đổi bộ mặt giao thông nông thôn.

- Giao thông: đường trục xã, liên xã có 222/222 km được nhựa hóa và bê tông hóa, Bmặt từ 3,5 m trở lên; Đường thôn, xóm có 920/1.100 km được bê tông hóa, Bmặt từ 2-3 m trở lên; Đường trục chính nội đồng có 255/386 km được bê tông hóa, Bmặt từ 2 m trở lên [54].

- Hệ thống thủy lợi: Sau 3 năm tập trung chỉ đạo, đến nay 100% tuyến kênh cấp 1, cấp 2 được nạo vét, nâng cấp đảm bảo thông thoáng, kết hợp với công tác điều hành linh hoạt của toàn bộ hệ thống vì vậy cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Hệ thống điện: sau khi tiếp nhận, ngành điện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện hạ thế nông thôn giai đoạn 1, hệ thống lưới điện trung thế, lắp đặt trạm biến áp chống quá tải, kinh phí trên 100 tỷ đồng, đảm bảo theo yêu cầu của ngành điện cũng như nhu cầu sử dụng của nhân dân.

Page 71: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

65

- Trên cơ sở nhận thức việc dồn điền đổi thửa và chỉnh trang kiến thiết đồng ruộng là điều kiện để xây dựng nông thôn mới; năm 2011, toàn huyện tập trung chỉ đạo, đến 31/12/2011 đã hoàn thành trên phạm vi toàn huyện, đạt được 5 mục tiêu: Động viên nhân dân góp đất xây dựng đường giao thông nội đồng được 345 ha, bình quân 11,5 m2/sào, mở rộng 1.165 tuyến đường nội đồng dài 772 km; Giảm số thửa: bình quân từ 2,8 còn 1,9 thửa/hộ, giảm 0,9 thửa/hộ; Quy gọn vùng đất công: từ 506 vùng, còn 321 vùng, giảm 185 vùng; Quy hoạch vùng sản xuất: hiện có 405 vùng sản xuất tập trung, vùng có diện tích lớn nhất 108 ha; Quy hoạch đất giành xây dựng các công trình công cộng 708 ha, đất quy hoạch khu dân cư 149 ha.

* Về nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn

- Điều chỉnh thời vụ sản xuất vụ Xuân, vụ Mùa, vụ Đông. Vụ Mùa được gieo cấy sớm hơn tạo điều kiện để mở rộng sản xuất vụ Đông và xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Chuyển đổi các diện tích đất sản xuất muối, trồng lúa hiệu quả thấp sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng màu, với tổng diện tích 854 ha, tăng 180 ha so năm 2008. 100% cơ giới hóa trong khâu làm đất, từng bước cơ giới hóa trong thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Mở rộng diện tích gieo sạ trong sản xuất lúa, đến nay diện tích gieo sạ trong vụ Xuân 2013 chiếm 25% diện tích. Tích cực xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Nhân rộng mô hình gieo sạ ở các xã như: Hải Quang, Hải Thanh, Hải Hà, Hải Lộc, Hải Châu.

- Trong 2 năm (2011-2012) toàn huyện đó đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề mới tạo việc làm cho người lao động, kết quả các cơ sở dạy nghề đó đào tạo nghề cho 6.029 lao động, trong đó: Đào tạo nghề ngắn hạn cho 2.107 lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ; tổ chức truyền nghề cho trên 12.500 lao động. Tổ chức 235 lớp tập huấn cho 11.750 lao động [54].

- Chỉ đạo phát triển làng nghề với phương châm mỗi gia đình có thêm một nghề mới, mỗi xã có thêm một làng nghề mới. Các xóm, tổ dân phố đã tích cực

Page 72: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

66

triển khai thực hiện đề án xây dựng làng nghề, củng cố, khôi phục các nghề truyền thống. Coi trọng việc dạy nghề, truyền nghề, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư, lắp đặt các cơ sở sản xuất, gia công tại các xóm, tổ dân phố tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Năm 2012 huyện Hải Hậu đã có 27 làng nghề, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 10.000 lao động. Trên địa bàn huyện có các xưởng may công nghiệp công suất lớn như Công ty may Sông Hồng khởi công xây dựng nhà máy may tại xã Hải Phương, dự kiến khi hoàn thành đồng bộ sẽ tạo việc làm thường xuyên cho trên 2.000 công nhân. Công ty may Hải Đường đã thu hút trên 400 lao động với thu nhập ổn định trên 2 triệu/người/tháng. Công ty may Đạt Thành đã thu hút trên 300 lao động với thu nhập ổn định 3 triệu đồng/người/tháng. Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Thịnh Long (được tái cơ cấu từ Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Hoàng Anh) công ty đã tập trung khôi phục sản xuất, bàn giao tàu chở hàng 12.500 tấn, hợp đồng đóng mới 1 tàu 12.500 tấn, 1 tàu hàng 4.300 tấn và 4 tàu cá, tạo việc làm cho trên 500 cán bộ, công nhân viên với thu nhập bình quân 4 triệu/người/tháng.

- Tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ sản xuất nông nghiệp: 100% các xã, thị trấn trong huyện có khuyến nông viên cơ sở, trưởng thú y xã, nhân viên bảo vệ thực vật, các xã ven biển có nhân viên khuyến diêm. Đã tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân chuyển giao công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật về thâm canh cây trồng, con nuôi.

- Tổ chức thành lập và kiện toàn 35 Ban Nông nghiệp ở 35 xã, thị trấn do đồng chí Phó chủ tịch làm Trưởng ban, để làm công tác tham mưu giúp UBND xã trong lĩnh vực điều hành phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, thị trấn.

2.3.2.2. Kinh nghiệm của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định * Kết quả thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp Xác định quy hoạch là cơ sở quan trọng để phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung cao trong công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp thành các vùng tập trung; vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng sản xuất cây

Page 73: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

67

vụ đông, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vùng trang trại tổng hợp… theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Qúy I năm 2011, toàn huyện đã chỉ đạo hoàn thành và phê duyệt xong quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã giai đoạn 2011 - 2020. Tháng 9/2011, UBND huyện đã phê duyệt xong quy hoạch XDNTM đến năm 2020 cho tất cả 25 xã, thị trấn. Đồng thời chỉ đạo lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2012 - 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011 - 2015. Căn cứ quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, UBND huyện triển khai công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân tích tụ ruộng đất và tổ chức sản xuất tập trung với quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2011 hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa ở tất cả các xã, thị trấn. Chất lượng dồn điền đổi thửa tốt, nhân dân phấn khởi. Dồn điền đổi thửa kết hợp với chỉnh chang đồng ruộng là cơ sở thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. * Kết quả phát triển trồng trọt: Trong sản xuất cây lúa, huyện Nghĩa Hưng đã tập trung heo hướng sản xuất lúa hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tỷ lệ gieo cấy lúa hàng hóa chất lượng cao tăng đều qua các năm: năm 2008 đạt 20% diện tích, năm 2012 tăng lên 45% diện tích. Năm 2008 thu nhập bình quân trên một ha đất canh tác đạt: 65,18 tr.đồng/ha. Năm 2012 thu nhập bình quân trên một hecta đất canh tác đạt 97 tr.đồng/ha, tăng 48,8 so với năm 2008. Diện tích cây vụ đông năm 2008: 1.258 ha (trong đó cây vụ đông trên đất 2 lúa 193 ha). Diện tích cây vụ đông năm 2012: 1.359.9ha, tăng 8,1% so với năm 2008 (trong đó cây vụ đông trên đất 2 lúa 288,9ha) [60]. * Kết quả sản xuất ngành chăn nuôi: Chăn nuôi phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô trang trại, gia trại thay cho chăn nuôi nhỏ lẻ. Phát triển chăn nuôi của huyện tập trung vào các con nuôi: lợn, gia cầm, trâu bò. Hiện nay đàn trâu bò 2.431 con, đàn lợn 81.303 con, đàn gia cầm 976.400 con, sản xuất lượng lợn hơi xuất chuồng đạt 13.486 tấn. Chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ổn định. Gía trị sản lượng ngành chăn nuôi theo

Page 74: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

68

giá hiện hành năm 2008 đạt 411,214 tỷ đồng; Gía trị sản lượng ngành chăn nuôi năm 2012 đạt 862,005 tỷ đồng, tăng 109,6% so với năm 2008 [60]. * Kết quả sản xuất ngành thủy sản, lâm nghiệp và thực hiện chiến lược kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng: Huyện Nghĩa Hưng xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung cao trong sản xuất thâm canh các con nuôi có giá trị cao trên thị trường: tôm sú, tôm chân trắng, cua, cá bống bớp, ngao vạng, các song, cá vược…Diện tích nuôi trồng thủy sản 2.840ha, trong đó diện tích nuôi mặn lợ 1.747ha, tập trung ở khu vực ven biển. Những năm qua Nhà nước đầu tư kinh phí phát triển các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản: Đông Nam Điền, Cồn Xanh,… Năm 2008 tổng sản lượng nuôi trồng đạt 9.741,5 tấn, năm 2012 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 24.785 tấn, tăng 154,4% so với năm 2008. Tổng giá trị sản xuất thủy sản theo giá hiện hành năm 2008 đạt 460,894 tỷ đồng, giá trị sản xuất thủy sản năm 2012 đạt 941,297 tỷ đồng, tăng 104,2% so với năm 2008. Huyện có 423 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó chủ yếu có công suất từ (20 - 300)CV. Các tàu thuyền cơ giới đánh bắt thủy sản đều được tổ chức thành các tổ, đội: được trang bị các máy móc phục vụ thông tin liên lạc trên biển tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và an ninh, an toàn trên biển. Huyện Nghĩa Hưng đã đầu tư kinh phi xây dựng các cơ sở sản xuất giống thủy sản, trong đó có 3 trại sản xuất giống nước ngọt và 7 trại sản xuất giống mặn lợ, hàng năm đã đáp ứng được gần 80% nhu cầu con giống trên địa bàn huyện. Các cơ sở dịch vụ con giống, thức ăn thủy sản, thú y sản xuất trên địa bàn đáp ứng yêu cầu của sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt nhiệm vụ trồng mới và bảo vệ rừng nên diện tích rừng phòng hộ ven biển hiện nay 1.671,23ha, trong đó có 1.551,23ha rừng ngập mặn và 120 ha rừng phi lao. Các diện tích rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm nên phát triển tốt và có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ các tuyến đê biển xung yếu khi xảy ra bão lũ. Bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện. * Kết quả phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn: Thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, từng bước đưa cơ giới

Page 75: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

69

hóa vào khâu sản xuất nông nghiệp từ khâu sản xuất đến khâu thu hoạch. Để đáp ứng yêu cầu đó, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn tiếp tục phát triển và mở rộng, tập trung vào việc sửa chữa các loại máy nông nghiệp và mở rộng các hoạt động dịch vụ phục vụ cho cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2008 (giá so sánh) đạt 215.299 triệu đồng, năm 2012 đạt 408.674 triệu đồng tăng 89,8% so với năm 2008. Các ngành sản xuất kinh doanh phát triển ổn định, tăng trưởng khá. Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Nghĩa Sơn hoạt động tốt, thu hút trên 3.000 lao động có việc làm ổn định. Trong 5 năm giá trị sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định đạt trung bình 3.17%/năm. Năm 2008 giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá cố định 646.096 triệu đồng, năm 2012 đạt 747.686 triệu đồng, tăng 15,27% [60].

* Xây dựng kết cấu hạ tầngphục vụ kinh tế nông nghiệp, nông thôn - Hệ thống thủy lợi: Hệ thống thủy lợi được tập trung cải tạo, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và phòng chống thiên tai úng, lụt. Nhiều tuyến sông lớn: Đại Tám, Quần Vinh 1, Quần Vinh 2, Bình Hải 1 được đầu tư xây kè 2 bờ sông, nhiều hệ thống kênh mương cấp 3 được kiên cố hóa đáp ứng yêu cầu tưới tiêu nước phuc vụ sản xuất và đời sống người dân. Đối với 9 xã xây dựng NTM đã nạo vét 67 kênh cấp I, II kết hợp với đắp nền đường ra đồng 120km. Đầu tư xây mới và cải tại nâng cấp trên 700 cầu, cống đập cấp 3. Hệ thống kênh cấp III được kiên cố hóa 36,5km. Tổng đầu tư bình quân hàng năm cho hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện đạt 17 tỷ đồng/năm. - Về giao thông nông thôn: Trong huyện 100% đường đến trung tâm xã và trực thuộc xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đường ra đồng theo đề án là 234,5km, đến nay đã đắp xong nền đường 150km, cứng hóa được 71,2km NTM. Đường thôn xóm đã nâng cấp cứng hóa 105,8km đạt chuẩn NTM [60]. - Điện nông thôn: Hoàn thành bàn giao hệ thống lưới điện cho ngành điện quản lý. Hệ thống điện nông thôn được cải tại, nâng cấp đáp ứng nhu cầu điện của nhân dân, toàn huyện có 100% số hộ đã được sử dụng điện đạt tiêu chuẩn NTM.

Page 76: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

70

- Bưu chính viễn thông: Mạng lưới bưu chính viễn thông từng bước được nâng cấp và hiện đại hóa, đến nay trên địa bàn huyện 100% số xã, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa xã, 100% số xã có mạng lưới truy cập internet đến các thôn xóm. - Về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: Đến nay nhiều công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn được cải tại, nâng cấp hoàn thiện, phục vụ tốt cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Có 100% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch (nước giếng khoan UNICEF). Trên địa bàn huyện đang xây dựng 2 nhà máy nước sạch phục vụ sinh hoạt tại xã Nghĩa Trung, thị trấn Liễu Đề và Qũy Nhất. Xây dựng khu vực chôn lấp nước thải ở 13/25 xã, thị trấn. * Kết quả dồn điền đổi thửa, kiến thiết, chỉnh trang đồng ruộng. Trong 2 năm 2011 - 2012, huyện Nghĩa Hưng đã tập trung triển khai dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp với 100% số đơn vị trong huyện, ở 314/317 thôn đội đạt 99% số thôn đội tham gia dồn điền đổi thửa với diện tích 10.371ha. Bình quân 1,46 thửa/hộ, giảm 0,93 thửa/hộ so với trước khi dồn điền đổi thửa. Thực hiện công tác dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cho cho các đơn vị thực hiện sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, trong vụ xuân 2013 đã có 21/23 đơn vị thực hiện triển khai sản xuất mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" với diện tích 1.927ha. Thực hiện dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cho các đơn vị quy gọn vùng đất công phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và vận động nông dân hiến đất, góp đất xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nôi đồng theo tiêu chí xây dựng NTM. Toàn huyện, nhân dân đa góp 264,66ha để thực hiện các mục tiêu trên [60]. Quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho nông dân, năm 2008 tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề 26,15% năm 2013 tỷ lệ đào tạo nghề ước đạt 36,9% tăng lên 10%. Năm 2012 giải quyết việc làm mới cho 3.100 người đạt 100,1% kế hoạch. Tổng số lao động được tổ chức học nghề 3.070 người [60]. * Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn Huyện Nghĩa Hưng đã đầu tư kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng, vay vốn ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế trang trại,

Page 77: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

71

gia trại. Đến nay toàn huyện có 300 trang trại, chủ yếu là trang trại nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, trong đó có 42 trang trại đạt tiêu chí mới. Có 960 gia trại, chủ yếu là chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt, tăng 25% so với năm 2008. Toàn huyện có 31 HTX nông nghiệp, 3 HTX thủy sản, 1 HTX diêm nghiệp, các HTX tiếp tục đổi mới công tác quản lý HTX theo luật, vốn sản xuất kinh doanh được bảo tồn và tăng trưởng. Nâng cao các hoạt động dịch vụ, nhất là trong các dịch vụ tưới tiêu nước, bảo vệ cây trồng, dịch vụ vật tư phục vụ sản xuất, làm đất, cung ứng giống, ngâm ủ giống, gieo sạ, phun thuốc trừ cỏ,…

* Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực Coi trọng chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ khâu con nuôi thủy sản đặc sản chất lượng cao, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, phát triển nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn 3 vụ/năm, mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Đưa gieo sạ vào gieo cấy lúa tại các xã, thị trấn đạt 20% diện tích, nông dân đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Tính đến nau tốc độ cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp cao; làm đất đạt 100% năng lực gieo sạ bằng công cụ sạ hàng trên 20% diện tích gieo cấy, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 35,8% diện tích (toàn tỉnh 10,3%).

2.3.3. Một số bài học kinh nghiệm về phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới cho huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình

Qua kết quả phát triển KTNT của một số nước và phát triển KTNT trong XDNTM ở một số huyện, tác giả luận án rút ra một số bài học kinh nghiệm về phát triển KTNT trong XDNTM cho huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình như sau:

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và vai trò của các tổ chức chính trị ở nông thôn; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sát sao thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, nhất là phát triển KTNT là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của chương trình.

Page 78: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

72

Thứ hai, coi trọng công tác xây dựng quy hoạch, đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc xây dựng quy hoạch, đề án XDNTM và phương án thực hiện phải công khai, lấy ý kiến tham gia rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân, bảo đảm thực sự dân chủ. Tập trung quy hoạch, phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ, thương mại ở nông thôn. Đây là tiền đề để phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, tập trung mọi nỗ lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nghề ở nông thôn; đề thực hiện nội dung này cần phát triển sản xuất nâng cao đời sống của người dân, đa dạng các loại ngành nghề, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển công nghiệp trong nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn, thực hiện “ly nông không ly hương”, góp phần nâng dần thu nhập của cư dân nông thôn, tạo bộ mặt mới của nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả, bảo đảm ổn định, có chính sách khuyến khích với các địa phương và các hộ chuyên trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực. Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho phát triển KTNT trên cơ sở phát huy vai trò liên kết giữa nhà nông với chủ doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước các cấp.

Điểm cốt yếu đảm bảo công nghiệp hóa nông thôn (quá trình chuyển dịch công nghiệp từ đô thị về nông thôn) thành công là phải xây dựng nông thôn vững chắc, kết cấu hạ tầng KT - XH đồng bộ, hiện đại, chất lượng nguồn nhân lực cao để nông thôn trở thành địa bàn đầu tư sinh lợi và thị trường có sức tiêu thụ khá, hấp dẫn đối với các doanh nghiệp công nghiệp. Có cơ chế khuyến khích để khai thác nguồn lực, huy động vốn, nhất là nguồn lực đóng góp của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, giao thông, điện, nước, đào tạo nhân lực, dạy nghề ... để thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào khu vực nông thôn.

Thứ tư, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH khu vực nông thôn là khâu đột phá trong quá trình XDNTM. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết phải ưu tiên đầu tư làm trước các công trình phục vụ phát triển sản xuất như thủy lợi, giao thông và các công trình phúc lợi xã hội. Phải kế thừa tối đa các công trình hiện có, kết hợp với bổ sung nâng cấp và xây

Page 79: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

73

dựng mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trên cơ sở đó, huy động tối đa các nguồn lực trong nhân dân, để đầu tư phát triển. Điều quan trọng là phải tạo được bước chuyển thực sự về nhận thức trong nhân dân, bởi lẽ chỉ khi nhân dân đồng thuận hưởng ứng, thì việc phát triển KTNT trong XDNTM mới có hiệu quả.

Thứ năm, lựa chọn các ngành nghề, sản phẩm có lợi thế so sánh. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo quy hoạch, chọn những sản phẩm hoặc nghề là thế mạnh của từng thôn, xã, để nâng cao năng suất, sản lượng. Phân công những cán bộ tâm huyết, chủ động, sáng tạo, gắn bó, chia sẻ với nông dân, không trông chờ, ỷ lại Nhà nước. Đồng thời, phát huy cao độ vai trò của hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở, nhất là vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, trước hết là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi,... trong triển khai thực hiện chương trình.

Tóm lại, KTNT là một bộ phận của nền KT - XH, cũng có đầy đủ những yếu tố của nền kinh tế. Những yếu tố này có vai trò, vị trí, tỷ trọng không ngang bằng nhau, nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau hợp thành KTNT. Trong cơ cấu KTNT bao gồm cơ cấu ngành, cơ cấu thành phần kinh tế và cơ cấu vùng, lãnh thổ. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, nội dung quan trọng, cốt lõi là phát triển KTNT với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Đây là mục tiêu, là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Phát triển KTNT có vai trò quan trọng trong XDNTM. Qua nghiên cứu kinh nghiệm phát triển KTNT của quốc tế và trong nước, có thể thấy được tính tất yếu khách quan của phát triển KTNT trong XDNTM trên phạm vi cả nước, cũng như mỗi địa phương cần thiết phải thực thi để thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Page 80: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

74

Chương 3 THỰC TRẠNG KINH TẾ NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN KIM SƠN TỈNH NINH BÌNH

GIAI ĐOẠN 2008 - 2013

3.1. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI Ở HUYỆN KIM SƠN TỈNH NINH BÌNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN KINH TẾ NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

3.1.1. Đặc điểm về tự nhiên - Vị trí địa lý; Kim Sơn là huyện đồng bằng ven biển, nằm ở phía Đông

Nam tỉnh Ninh Bình: Phía Bắc giáp huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình; Phía Đông giáp huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định; Phía Tây giáp huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa; Phía Nam giáp Vịnh Bắc Bộ.

Năm 1829 khi thành lập, huyện Kim Sơn gồm 7 tổng với 60 ấp, lý, trại, giáp với số ruộng khẩn hoang được 14.620 mẫu chia cho 1260 dân đinh. Lúc đầu huyện lỵ đóng tại Qui Hậu (nay xã Hùng Tiến), sau mới chuyển về Phát Diệm, Thị trấn trung tâm của huyện ngày nay. Huyện Kim sơn có 27 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 02 thị trấn: Phát Diệm, Bình Minh và 25 xã: Xuân Thiện, Chính Tâm, Chất Bình, Hồi Ninh, Kim Định, Ân Hòa, Hùng Tiến, Như Hòa, Quang Thiện, Đồng Hướng, Kim Chính, Yên Mật, Thượng Kiệm, Lưu Phương, Tân Thành, Yên Lộc, Lai Thành, Định Hóa, Văn Hải, Kim Tân, Kim Mỹ, Cồn Thoi, Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông.

- Đất đai, sông ngòi, khí hậu, Huyện Kim Sơn nằm trong vùng bờ biển được bồi lắng, có hòn Nẹ chắn phía ngoài làm cho mặt nước bên trong khá yên. Vì vậy vùng bãi bồi Kim Sơn có mức bồi tụ ra biển hàng năm từ 80 đến 100 mét. Huyện Kim Sơn có 15 km bờ biển và ba con sông chính sông Đáy, sông Vạc, sông Càn, ngoài ra còn có các con sông quan trọng khác như: sông Yêm bắt đầu chảy từ sông Vạc (Yên Mô) chảy vào sông Cà Mau với chiều dài 4,5km; sông Ân nối liền sông Đáy với sông Càn chảy vắt ngang qua huyện Kim Sơn, bắt đầu từ Xuân Thiện chảy qua các xã Chính Tâm, Chất Bình, Hồi Ninh, Kim Định, Ân

Page 81: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

75

Hòa, chạy song song với Quốc lộ 10 qua thị trấn Phát Diệm đến Lai Thành và một hệ thống các sông nhỏ, kênh mương giữa các làng chảy ra sông Đáy. Hệ thống sông, ngòi này vừa là hệ thống tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa là hệ thống giao thông đường thủy quan trọng, tạo cảnh quan môi trường rất tốt cho các hoạt động kinh tế, văn hóa cho vùng nông thôn Kim Sơn.

Từ thị trấn Phát Diệm trung tâm của huyện dọc theo Quốc lộ 10 đi tới thành phố Ninh Bình là 30 km; cách thủ đô Hà Nội 120 km. Ngược lại, theo Quốc lộ 10 vào thị trấn Nga Sơn huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa là 17 km. Từ thị trấn Phát Diệm theo đường ĐT481 đi tới thị trấn Bình Minh và các xã bãi ngang Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung là hơn 20km đến vùng bãi bồi ven biển của huyện.

Ngoài đường bộ Kim Sơn còn thuận tiện về đường thủy, vận chuyển hàng hóa ngược xuôi theo sông Vạc lên huyện Yên Mô, qua sông Đáy sang Nam Định, theo sông Đáy, sông Càn ra biển giao lưu thông thương với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, Trung bộ, Nam Bộ và các nước. Với vị trí như vậy rất thuận tiện cho việc đưa các sản phẩm của kinh tế nông thôn (đặc biệt sản phẩm của nông nghiệp) của Kim Sơn đến với các tỉnh, thành phố trong cả nước, xuất khẩu ra nước ngoài và tiếp nhận nguồn nguyên liệu từ các địa phương khác về Kim Sơn phục vụ cho các hoạt động kinh tế tạo tính đa dạng của vùng quê ven biển của tỉnh Ninh Bình.

Tổng diện tích của huyện Kim Sơn năm 2013 là 21.537,04 ha, trong đó đất nông nghiệp 13.401,15 ha; đất phi nông nông nghiệp 5.927,09 ha; đất chưa sử dụng 2.208,8ha; đất thịt nặng chiếm 70% diện tích đất canh tác, độ PH trung bình từ 5,0 - 6,0; độ mặn trung bình từ (0,15 - 0,25)%0. Diện tích đất nông nghiệp 13401,15ha chiếm 62,22% so với tổng diện tích đất toàn huyện; trong đất nông nghiệp có diện tích đất sản xuất nông nghiệp 9603,99ha chiếm 71,67%, đất nuôi trồng thủy hải sản 3107,26ha chiếm 23,18%, đất lâm nghiệp 685,51ha chiếm 5,12%, đất nông nghiệp khác 4,39ha chiếm 0,03%.

Kim Sơn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm chịu ảnh hưởng của mưa bão. Hàng năm, Kim Sơn thường chịu từ hai đến sáu cơn bão với gió cấp bảy, cấp tám có khi lên tới cấp mười một, cấp mười hai, giật trên cấp mười hai đổ bộ trực tiếp vào bờ biển. Mùa đông rất lạnh và ít mưa, mùa hè nóng

Page 82: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

76

nắng và mưa nhiều, tổng lượng mưa trung bình hàng năm 1900mm. Nhiệt độ trung bình/năm là 23,40C (nhiệt độ cao nhất là 41,10C, thấp nhất là 2,40C). Độ ẩm không khí trung bình là 86% (độ ẩm cao nhất là 90%, thấp nhất là 61%. Vùng biển Kim Sơn chịu ảnh hưởng của chế độ nhật triều không đều, biên độ trung bình 1,4 m, lớn nhất có thể đạt 2m đến 2,5 m, trong tháng có 2 kỳ nước lớn, mỗi kỳ 14 ngày với biên độ 1,5 đến 2,2 m. Trong thời kỳ nước cường tính nhật triều trội hơn, mỗi ngày xuất hiện một đỉnh và một chân triều, tuy nhiên thời gian lên xuống và điểm xuất hiện đỉnh và chân triều không ổn định. Vì vậy khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân nhất là sản xuất nông nghiệp.

- Đặc điểm về tài nguyên rừng, động thực vật, biển, khoáng sản, Kim Sơn có vùng đệm khu Dự trữ sinh quyển Châu thổ Sông Hồng với diện tích vùng đệm là 4.854 ha (nội địa là 3.454 ha; biển là 1.400 ha). Diện tích rừng phòng hộ là 685,5 ha gồm ba cơ quan chủ quản đang quản lý là: Ban quản lý rừng của huyện; Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Bình. Các loài chim, động, thực vật đa dạng như:

Động vật: Cò mỏ thìa, mòng két, ngỗng trời, vịt trời; Thủy hải sản: Tôm, cua, cá biển, trai, sò, ngao; Thảm thực vật: Rong câu.

Về khoảng sản có 6,15 ha núi đá tại xã Lai Thành trong đó có 5,55 ha thuộc quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng; 0,6 ha có khả năng khai thác và do HTX khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng Hợp Thành được UBND tỉnh Ninh Bình đồng ý cho khai thác. Có hai doanh nghiệp khai thác đất sét làm gạch, ngói với diện tích 40 ha (tại xã Yên Lộc, Như Hòa và Quang Thiện).

- Qua khảo sát ban đầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường có đất hiếm tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Thủ tướng Chính phủ để thăm dò chính thức.

- Tài nguyên nước: Tổng số giếng khoan trên địa bàn huyện là 14.037 chiếc, giếng đào là 8.125 chiếc riêng lẻ ở hộ gia đình ở hầu hết các xã, thị trấn. Có 7 cụm công trình sử dụng nước tập trung: Sử dụng cho khoảng 3000 hộ tại các xã: Hùng Tiến, Kim Trung, Văn Hải, Kim Tân, Lai Thành, Yên Lộc, thị trấn Bình Minh và thị trấn Phát Diệm. Tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 90%.

Page 83: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

77

Những đặc điểm về vị trí địa lý, đất đai, khí hậu tài nguyên và nguồn nước ... của huyện Kim Sơn cho thấy Kim Sơn có nhiều lợi thế phát triển các sản phẩm hàng hóa từ nông nghiệp, hình thành phát triển làng nghề, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đa dạng phong phú về sản phẩm hàng hóa ở Kim Sơn tỉnh Ninh Bình được xuất khẩu ra các nước và các địa phương ở trong nước là cơ sở cho khát triển kinh tế nông thôn.

3.1.2. Đặc điểm về kinh tế - xã hội Về kinh tế, kinh tế huyện Kim Sơn từ năm 2001 đến nay có những điểm nổi

bật: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2001 đến 2005 là 13,1%, trong đó tốc độ tăng của các ngành: Nông, lâm, ngư tăng 11,2%; Công nghiệp, TTCN, xây dựng tăng 16,8%; Dịch vụ tăng 13,6%. Giai đoạn 2006 đến năm 2010 tăng trưởng kinh tế bình quân là 12,7% trong đó tốc độ tăng của các ngành: Nông, lâm, ngư tăng 4,1%; CN, TTCN, xây dựng tăng 21,3%; Dịch vụ tăng 14,9%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 là 13,4%; năm 2012 là 10,3%; năm 2013 là 12%.

- Tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong những năm qua tăng trưởng khá, cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, sản lượng, năng suất lúa và thủy hải sản các loại bình quân năm tăng trưởng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, giá cả thấp và thị trường tiêu thụ khó khăn do đó sản phẩm của các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

- Về sản xuất CN - TTCN: Giá trị sản xuất CN - TTCN đóng góp hàng năm chủ yếu là sản phẩm thủ công mỹ nghệ hàng cói xuất khẩu và các hàng hóa khác xuất khẩu. Các sản phẩm cói được xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippin; Các nước Châu Âu: Đức, Pháp, Ý, Cộng hòa Séc và mở rộng sang các nước Châu Mỹ. Tuy nhiên, diện tích trồng và sản lượng cói các loại có xu hướng giảm do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế và thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất từ cây cói gặp nhiều trở ngại…

- Thương mại và dịch vụ: Hàng hóa trên thị trường đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Các ngành dịch vụ bưu chính viễn thông, vận tải tích cực đầu tư máy móc, hiện đại hóa trang thiết bị, đa dạng hóa các hình thức phục vụ đáp ứng nhu cầu thiết yếu và nâng cao đời sống nhân dân.

Page 84: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

78

- Kết cấu hạ tầng: Khi kết cấu hạ tầng được đảm bảo, những chi phí của doanh nghiệp, những hộ sản xuất kinh doanh đã giảm được chi phí. Khi đó các nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng sẽ cao hơn. Do vậy, trong những năm qua kết cấu hạ tầng của huyện Kim Sơn đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm làm mới, nâng cấp, cải tạo ngày một tốt hơn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.

+ Về giao thông: Được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện dần được kiên cố hóa, hiện đại hóa. Hiện nay, Kim Sơn đang thực hiện thi công một số dự án, công trình lớn như: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 và đường tránh thị trấn Phát Diệm; đường ĐT480; đường ĐT481; dự án nạo vét sông Ân - sông Cà Mâu - sông Hoàng Trực; Dự án nâng cấp đê biển Bình Minh 2; hàn khẩu đê Bình Minh 3; đường ven biển và nhiều dự án, công trình khác.

Tuyến đường thôn, xóm dài 227,12km đã cứng hóa bằng bê tông xi măng được 176,16km đạt 77,56%; tuy nhiên mặt đường một số tuyến còn nhỏ chỉ rộng (1,5-2)m. Hiện nay để đạt tiêu chí nông thôn mới hệ thống giao thông nông thôn cần cải tạo, nâng cấp mở rộng đáp nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa của người dân nông thôn trong thời kỳ CNH, HĐH nông thôn.

Tuyến đường nội đồng dài 182,1km chủ yếu vẫn là đường đất, trong thời gian tới sẽ tập trung và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn và chương trình mục tiêu của các dự án khác để đầu tư cải tạo các tuyến đường nội đồng của các xã trong huyện phục vụ tốt cho sản xuất của người nông dân được thuận lợi.

Về văn hóa - Xã hội, lịch sử Kim Sơn là lịch sử của những cuộc chinh phục đất hoang, quai đê lấn biển. Qua 185 năm đã tiến hành bảy lần quai đê lấn biển.

Năm 1899 : Đắp đê Ân Giang Năm 1927 : Đắp đê Hoành Trực Năm 1933 - 1934 : Đắp đê Văn Hải Năm 1945 : Đắp đê Cồn Thoi

Page 85: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

79

Năm 1959 - 1960 : Đắp đê Bình Minh 1 Năm 1981 : Đắp đê Bình Minh 2 Năm 2005 : Đắp đê Bình Minh 3 Kim Sơn là vùng đất mở, cư dân xuất xứ từ nhiều vùng nên có bản sắc văn

hóa đa dạng, kinh nghiệm sản xuất đa dạng, phong phú. Hiện nay, ở Kim Sơn có các xã là người của 10 tỉnh, 40 huyện, 50 xã đến cư trú lập nghiệp. Người dân Kim Sơn có tính năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cấu kết cộng đồng.

Tổng dân số của huyện năm 2013 là 170.635 người trong đó trong đó 94.038 người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 55,1% dân số của huyện), là yếu tố thuận lợi để tăng trưởng kinh tế và cũng gây ra những áp lực không nhỏ trong việc giải quyết việc làm cho người lao động. Trong tổng dân số của huyện người theo đạo Công giáo chiếm 46,7 %. Các xã, thị trấn của huyện đều có đồng bào công giáo sinh sống, số lượng dân theo đạo Công giáo có tỷ lệ lớn ở các xã như: xã Xuân Thiện là 87,8%, xã Chính Tâm là 82,0% và 06 xã vùng bãi ngang đặc biệt khó khăn được Thủ tướng chính phủ Phê duyệt tại Quyết định số 106/2004/QĐ-TTg ngày 11/6/2004; Quyết định số: 113/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 và Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013 là các xã: Cồn Thoi có đồng bào theo đạo Công giáo là 91,1%, xã Kim Tân là 78,4%, xã Kim Mỹ là 87,1%, xã Kim Đông là 58,7%, xã Kim Trung là 61,0%, xã Kim Hải là 53,3%.

Kim Sơn là một huyện giàu truyền thống văn hóa, hiếu học. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên qua các năm; số học sinh thi đỗ vào các trường Cao đẳng, đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa Đại học năm sau cao hơn năm trước, năm học 2009 - 2010 có 581 em, năm học 2011 - 2012 là 672 em, năm học 2012 - 2013 là 763 em. Hiện tại toàn huyện có 53/83 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia đạt tỷ lệ 62,35%, trong đó có 12/27 trường mầm non, 11/27 trường Trung học cơ sở, 29/29 trường tiểu học được công nhận chuẩn quốc gia cấp độ 1, (trong đó có 2 trường Tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2), có 4 trường Trung học phổ thông (có 1 trường đạt chuẩn quốc gia) và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên. Đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra. Về phổ cập giáo dục: tỷ lệ trẻ em

Page 86: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

80

trong độ tuổi đi nhà trẻ đạt 55%, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi mẫu giáo đạt 97%, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi: tiểu học 100%, Trung học cơ sở đạt 100%.

Phong trào toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình; Các nhà văn hóa xóm, phố, sân thể thao phổ thông được đầu tư xây dựng góp phần đáp ứng nhu cầu rèn luyện, phát triển toàn diện cả tinh thần và thể chất của toàn dân. Đời sống của người nghèo trên địa bàn huyện được chăm lo. Việc huyện Kim Sơn chú trọng đến công tác an sinh xã hội, phát triển các hoạt động văn hóa, nâng cao trình độ dân trí và mức sống của người dân đã tác động trực tiếp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương. Vì vậy, nền kinh tế của huyện sẽ có được những ảnh hưởng tích cực từ nguồn lao động có tay nghề, đồng thời việc phát triển các ngành kinh tế trong nông thôn sẽ trở nên thuận lợi hơn trong chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho phát triển KTNT trong XDNTM ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình.

Trên địa bàn huyện Kim Sơn có 30 cơ sở y tế, trong đó có 1 Bệnh viện đa khoa, 2 phòng khám khu vực, 1 Trung tâm y tế và 27 trạm y tế xã, thị trấn với tổng số 280 giường bệnh, số cán bộ y tế trong toàn huyện năm 2013 có 308 người. Trong đó: có 45 Bác sỹ, trên đại học; 160 y sỹ, kỹ thuật viên, 77 y tá, hộ lý; 26 cán bộ trình độ khác. Các chương trình Y tế Quốc gia, y tế dự phòng, chương trình phòng chống dịch … có nhiều tiến bộ. Chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân tưng bước được nâng lên, mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố; đến nay 27/27 xã thị trấn được công nhận chuẩn Quốc gia về y tế cơ sở được chăm sóc tốt hơn. Chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến xã được cải thiện một bước, 100% số trạm xã có bác sỹ khám và chữa bệnh, 298/298 thôn, xóm, khu phố có cán bộ y tế.

Huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành phối kết hợp thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án trên địa bàn phục vụ XDNTM như: Đề án đào tạo nghề, các chương trình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, Đề án hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất cây dược liệu, các Dự án khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phát triển mạnh các mô hình trang trại, gia trại có hiệu quả; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện đáng kể.

Page 87: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

81

Tóm lại, những đặc điểm tự nhiên, KT- XH của huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình đã có những ảnh hưởng rất lớn tới KTNT trong XDNTM. Nó vừa có những ảnh hưởng tích cực, vừa có những ảnh hưởng không mong muốn, đòi hỏi cần linh hoạt, năng động trong quá trình phát triển KTNT ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình.

3.2. THỰC TRẠNG KINH TẾ NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN KIM SƠN TỈNH NINH BÌNH

3.2.1. Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn 3.2.1.1. Cơ cấu kinh tế ngành Kim Sơn là huyện nông nghiệp có 25 xã và 2 thị trấn, về sản xuất của

nhân dân ở hai thị trấn chủ yếu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp, một phần làm nông nghiệp và dịch vụ, do đó kinh tế của hai thị trấn luôn gắn kết đồng bộ với kinh tế của các xã trong huyện và nằm trong tổng thể nền kinh tế của huyện, đó là kinh tế nông thôn. Từ năm 2001 đến nay, cơ cấu kinh tế huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã có những chuyển dịch theo hướng tích cực.

Chúng ta có thể thấy tổng giá trị sản phẩm toàn huyện năm 2008 đạt 2389 tỷ đồng trong đó: nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng 43,62%; CN, TTCN - XD chiếm 34,16%; Dịch vụ chiếm tỷ trọng 22,23%. Năm 2013 tổng giá trị sản phẩm toàn huyện đã tăng lên 5836 tỷ đồng trong đó: nông lâm thủy sản tỷ trọng là 33,91%; CN, TTCN - XD là 40,94%; Dịch vụ là 25,15%. Giai đoạn 2008 đến 2013 tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn nhanh hơn trước, đây là chiều hướng tích cực.

Đơn vị tính: %

0

10

20

30

40

50

60

Nông-Lâm-TSCN-Xây dựngDịch vụ

Hình 3.1: Cơ cấu kinh tế ngành ở huyện Kim Sơn qua các năm

Nguồn: UBND huyện Kim Sơn/năm 2013 [122].

Page 88: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

82

Trong giai đoạn này, ngành nông nghiệp cũng có tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 4,6%/ năm. Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch, nhưng tỷ trọng thay đổi giữa các ngành không lớn. Tỷ trọng ngành nông nghiệp còn lớn trong cơ cấu ngành nông lâm thủy sản (chiếm 50,91% năm 2001 và năm 2013 là 33,91%).

Tỷ trọng ngành trồng trọt trong nông nghiệp có xu hướng giảm năm 2001 chiếm 30,68%, năm 2013 là 15,8%; trong trồng trọt cũng có xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng tiến bộ và ngày càng tập trung. Đến nay huyện Kim Sơn cơ bản không còn sử dụng giống lúa dài ngày có năng suất thấp, diện tích lúa có năng suất, chất lượng cao năm 2005 là 2.495ha/16.351ha tỷ lệ 15,26%, đến năm 2012 tăng lên 10.027ha/16.752ha tỷ lệ 59,85%. Năng suất lúa năm 2005 đạt 55,76tạ/ha, tăng lên 59,36ta/ha vào năm 2012; Sản lượng lúa chất lượng cao năm 2005 đạt 13.912tấn/ 84.659tấn tỷ lệ 16,43%, đến năm 2012 đạt 59.519tấn/ 104.941 tấn tỷ lệ 56,72%. Điều này khẳng định sản lượng lúa nói chung và lúa có chất lượng cao của Kim Sơn liên tục tăng hàng năm trong khi diện tích trồng lúa ổn định.

Bảng 3.1: Tổng hợp giá trị, cơ cấu ngành nghề nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản qua các năm

Đơn vị: tỷ đồng Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

Giá trị sx ngành nông nghiệp

Trồng trọt Chăn nuôi Dịch vụ

Giá trị sx lâm

nghiệp

Giá trị sx thủy sản Năm

Tổng giá trị

sx các

ngành nghề

Giá trị

Cơ cấu (%) Giá

trị

Cơ cấu (%)

Giá trị

Cơ cấu (%)

Giá trị)

Cơ cấu (%)

Giá trị

Cơ cấu (%)

Giá trị

Cơ cấu (%)

2001 717 365 50,91 220 30,68 72 10,04 5,8 0,81 2,6 0,36 64,6 9,01 2002 891 491 55,11 252 28,28 73 8,19 5,2 0,58 4,1 0,46 156,7 17,59 2003 946 513 54,23 246 26,00 76 8,03 9,1 0,96 4,4 0,47 177,5 18,76 2004 1.014 553 54,54 262 25,84 87 8,58 9,7 0,96 4,6 0,45 189,7 18,71 2005 1.299 594 45,73 233 17,94 110 8,47 10,3 0,79 5,3 0,41 235,4 18,12 2006 1.450 632 43,59 295 20,34 104 7,17 11,2 0,77 4,8 0,33 217,0 14,97 2007 1.766 836 47,34 407 23,05 129 7,30 16,8 0,95 6,9 0,39 276,3 15,65 2008 2.389 1.042 43,62 527 22,06 195 8,16 19,3 0,81 6,7 0,28 294,0 12,31 2009 3.076 1.260 40,96 682 22,17 243 7,90 19,6 0,64 2,6 0,08 312,8 10,17 2010 3.633 1.406 38,70 794 21,86 274 7,54 23,8 0,66 2,7 0,07 311,5 8,57 2011 4.539 1.862 41,02 922 20,31 395 8,70 43,0 0,95 3,3 0,07 498,7 10,99 2012 5.224 1.859 35,59 936 17,92 374 7,16 45,7 0,87 2,9 0,06 500,4 9,58 2013 5.836 1.979 33,91 922 15,80 357 6,12 45,10 0,77 1,50 0,03 653,4 11,19 Nguồn: Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn năm2013 [122].

Page 89: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

83

Ngành thuỷ sản ở Kim Sơn trong những năm qua phát triển mạnh. Nhờ có chủ trương và giải pháp cụ thể về phát triển thủy sản vùng nước mặn, vùng nước lợ, thủy sản nước ngọt, chuyển những diện tích từ vùng trũng trồng lúa khó khăn sang nuôi hải sản nước ngọt, do đó giá trị tăng từ 64,6 tỷ năm 2001 lên 217 tỷ năm 2006 và 653,4 tỷ năm 2013. Bình quân tỷ trọng chiếm 10% trong toàn khu vực nông nghiệp, lâm, thủy sản [36].

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven biển những năm qua đã được nhân dân vùng ven biển, tập trung đầu tư huy động các nguồn lực để phát triển, đã trở thành phong trào quần chúng, không những NTTS mà còn thúc đẩy nhiều ngành nghề sản xuất, dịch vụ phục vụ trong vùng phát triển. Bảng 3.2: Tổng sản lượng thủy sản vùng ven biển huyện Kim Sơn giai đoạn

2008-2013 Đơn vị: Tấn

Năm Chỉ tiêu Đơn vị tính 2008 2009 2010 2011 2012 2013

Diện tích Ha 2.064 2.064 2.023 2.553 2553 2.758 Sản lượng Tấn 2.900 3.520 3.310 10.094 13.512 16.450 Tôm sú Tấn 650 550 500 508 219 282 Cua xanh Tấn 700 600 350 355 340 310 Tôm rảo Tấn 300 310 230 346 205 205 Tôm Thẻ Tấn 58 80 Ngao Tấn 800 1.450 1.700 7.690 12.200 12.230 Hải sản khác Tấn 450 610 530 1.195 490 493

Nguồn: Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn năm2013 [122]. Lâm nghiệp ở Kim Sơn chủ yếu là rừng ngập mặn ở vùng bãi bồi ven biển

với diện tích 685,5ha, với cây Bần chua, cây Vẹt để chắn sóng, giữ đất bồi. Vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn là vùng đệm của khu sinh quyển thế giới rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.

Ngành dịch vụ của Kim Sơn những năm gần đây tăng cả về giá trị tuyệt đối và tỷ trọng so sánh. Đến năm 2013 đạt tỷ lệ 25,15% GDP, điều đáng mừng là giá trị dịch vụ tăng thêm do nguyên nhân tăng đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ là chính, ví dụ như việc thay thế các phương tiện vận tải thô sơ, cũ kỹ bằng các phương tiện mới, hiện đại. Việc đầu tư nâng cấp các chợ nông thôn

Page 90: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

84

được quan tâm như: xây mới chợ đầu mối thủy sản Kim Đông, cải tạo, nâng cấp chợ huyên, chợ Cồn Thoi, chợ Qui Hậu và đang qui hoạch các chợ ở các thị tứ, các xã; việc ra đời 04 quỹ tín dụng nhân dân cùng với Ngân hàng nông nghiệp phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh; việc đầu tư hiện đại hoá ngành viễn thông, tiện lợi đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc. Điều này cũng lý giải vì sao giá trị dịch vụ tăng cao mà số lao động chuyển dịch lại ít hơn các ngành khác.

3.2.1.2. Cơ cấu thành phần kinh tế Thực hiện Nghị định 388-HĐBT ngày 20/11/1991 của Hội đồng Bộ

trưởng về qui chế thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước; Quyết định 315-HĐBT ngày 1/9/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về chấn chỉnh và tổ chức lại sản xuất, kinh doanh trong khu vực kinh tế quốc doanh. Các doanh nghiệp Nhà nước ở Kim Sơn được sắp xếp chuyển đổi hình thức kinh doanh như Công ty vật tư thành Trạm vật tư, Công ty cấp 3 thành cửa hàng thương nghiệp, Công ty muối i ốt thành Công ty may Kim Sơn, Nông trường Bình Minh thành Công ty nông nghiệp Bình Minh. Hiện nay một số đơn vị phát huy được tác dụng là Trạm khai thác công trình thủy lợi Kim Sơn, Công ty nông nghiệp Bình Minh, song nhìn chung doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn huyện vừa thiếu vừa chưa phát huy được vai trò trong các hoạt động kinh tế.

Trên địa bàn huyện có 124 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, trong 27 Doanh nghiệp sản xuất chế biến cói trên địa bàn huyện trong đó 18 Doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Các doanh nghiệp thu hút và giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động; hiện nay các doanh nghiệp chế biến cói xuất khẩu gặp nhiều khó khăn về thị trường, giá cả. Một số doanh nghiệp đã mở rộng qui mô sản xuất, đầu tư vốn để xây nhà xưởng, đổi mới mẫu mã, đa dạng sản phẩm; một số Doanh nghiệp đã ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng nước ngoài có giá trị xuất khẩu lớn. Kim ngạch xuất khẩu từ 1,5 triệu USD năm 2005, đến năm 2013 đạt 8 triệu USD.

3.2.1.3. Cơ cấu vùng kinh tế Kim Sơn là huyện đồng bằng ven biển, có hai vùng kinh tế để có định hướng

chỉ đạo, phát triển kinh tế chung của toàn huyện, đồng thời phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tổng thể cơ cấu KTNT của huyện cụ thể như sau:

Page 91: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

85

Vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp, hàng tiểu thủ công nghiệp gồm: Tiểu vùng 1: có 6 xã gồm: Xuân Thiện, Chính Tâm, Chất Bình, Hồi Ninh,

Kim Định, Ân Hòa. Tổng diện tích là: 2.996,38 ha. Đất nông nghiệp chiếm 65,27 %. Hiện nay các xã của tiểu vùng 1 có trình độ thâm canh lúa chất lượng cao, trồng cây thuốc nam có hiệu quả, có kinh nghiệm về trồng rau màu hàng hóa.

Tiểu vùng 2: Có 6 xã gồm: Hùng Tiến, Như Hòa, Quang Thiện, Đồng Hướng, Kim Chính, Yên Mật. Diện tích là: 3.578,15 ha, đất nông nghiệp chiếm 69,47%. Trong tiểu vùng 2 đã hình thành các làng nghề truyền thống như: Tiểu thủ công ở xã Quang Thiện, Kim Chính, Đồng Hướng; nghề mộc ở Kiến Thái xã Kim Chính; nghề làm Miến ở Hùng Tiến, Tuần Lễ xã Như Hòa... Có thị tứ Quy Hậu, có cụm công nghiệp Đồng Hướng; nhân dân có trình độ thâm canh lúa hàng hóa.

Tiểu vùng 3: Có 5 xã gồm: Thượng Kiệm, Lưu Phương, Yên Lộc, Lai Thành và thị trấn Phát Diệm. Tổng diện tích là 3.594,93 ha, đất nông nghiệp chiếm 73,92%. Là tiểu vùng có thế mạnh và thực hiện tốt nghề thủ công xuất khẩu như: HTX Đại Đồng, Doanh nghiệp tư nhân Năng Động, Xuân Hòa, Quang Minh…trên địa bàn có hai doanh nghiệp của tỉnh là Công ty cổ phần chiếu cói Ninh Bình và Công ty May và Thương mại Kim Sơn. Đây là tiểu vùng nhân dân có trình độ về thân canh lúa, nhân dân thị trấn Phát Diệm và các xã lân cận có truyền thống làm dịch vụ, nhiều lao động có tay nghề cao trong sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp.

Vùng kinh tế ven biển gồm: Tiểu vùng 4: có 5 xã gồm: Định Hóa, Văn Hải, Kim Mỹ, Kim Tân, Cồn Thoi. Có tổng diện tích 4.362,62 ha, nhân dân có kinh nghiệm về trồng thâm canh cây cói và đánh bắt nuôi trồng hải sản của huyện.

Tiểu vùng 5: có 3 xã gồm: Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông, thị trấn Bình Minh và khu bãi bồi ven biển có diện tích 6.891,52 ha; là tiểu vùng có rừng ngập mặn phòng hộ như trồng cây Bần, cây Vẹt chắn sóng, có tiềm năng về nuôi trồng, khai thác, đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao như nuôi tôn sú, cua xanh, nuôi ngao … (bờ biển dài 15km).

Cơ cấu các vùng kinh tế của huyện đã hình thành, nhưng chưa được rõ nét cần được quy hoạch, đầu tư để phát triển kinh tế ở các xã, các tiểu vùng kinh tế,

Page 92: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

86

đặc biệt là vùng kinh tế biển góp phần chuyển dịch cơ cấu KTNT huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình trong những năm tới.

3.2.2. Về nguồn nhân lực nông thôn Theo số liệu Thống kê của huyện tổng dân số toàn huyện tính đến

31/12/2013 có 170.635 người; số người trong độ tuổi lao động có 94.038 người; lao động nữ có 47.442 người. Hiện nay huyện có 1 Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm được thành lập đi vào hoạt động từ cuối năm 2007. Hơn 100 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực: Sản xuất, chế biến hàng cói, xây dựng, giao thông, thủy lợi. Nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả, thu hút hàng trăm lao động, nhiều doanh nghiệp có đội ngũ nghệ nhân có tay nghề cao, tích cực tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Bảng 3.3: Chất lượng lao động ở huyện Kim sơn 2008-2013 Đơn vị: %

Chưa đào tạo Số lao động được đào tạo

Đào tạo nhắn hạn Sơ cấp Trung

cấp Cao đẳng Đại học Trên ĐH Năm TS Lao động SL %

SL % SL % SL % SL % SL % SL % 2008 93014 67915 73.02 16655 17.91 910 0.98 3898 4.19 1430 1.54 2193 2.36 13 0.01 2009 93095 65965 70.86 18560 19.94 922 0.99 3972 4.27 1445 1.55 2215 2.38 16 0.02 2010 93262 64318 68.96 20335 21.80 913 0.98 3979 4.27 1458 1.56 2232 2.39 27 0.03 2011 93366 63119 67.60 21550 23.08 947 1.01 3998 4.28 1473 1.58 2245 2.40 34 0.04 2012 93860 62019 66.08 22610 24.09 1089 1.16 4037 4.30 1596 1.70 2473 2.63 36 0.04 2013 94038 60775 64.63 23940 25.46 1112 1.18 4060 4.32 1638 1.74 2475 2.63 38 0.04 Nguồn: Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn năm2013 [122].

Để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, một trong những chỉ số quan trọng nhất là trình độ đào tạo. Thực tế cho thấy lao động chưa qua đào tạo của huyện Kim Sơn còn nhiều chiếm trên 60% tổng lao động toàn huyện.

Cơ cấu lao động của huyện Kim Sơn nhìn chung còn bất cập, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao, nhiều lao động sau thời gian nông vụ không có việc làm, phải đi lao động kiếm sống ở những tỉnh xa còn nhiều; chất lượng lao động còn thấp, số lao động trong nông nghiệp được đào tạo chiếm tỷ lệ thấp, nhất là lao động có tay nghề cao còn rất ít và thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nông thôn trong quá trình CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Page 93: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

87

Lực lượng lao động ở huyện Kim Sơn tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế, số lao động được đào tạo hàng năm có tăng lên, nhưng hiện nay 80% tổng số dân của huyện Kim Sơn làm nông nghiệp là chủ yếu, đây là nguy cơ lớn trong quá trình đô thị hóa diễn ra.

Trong những năm qua thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng chính phủ về Phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. UBND huyện Kim Sơn đã tập trung triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong huyện. Ngày 30/6/2010 UBND huyện đã xây dựng Đề án số 01-ĐA/UBND về dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Ngày 06/08/2012 UBND huyện cũng đã xây dựng Kế hoạch số 44/KH-UBND về “Chuyển dịch cơ cấu lao động, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực giai doạn 2011-2020”. Huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực và dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần phát triển kinh tế nông thôn và thành quả chung của huyện. Từ năm 2008 đến năm 2013 huyện Kim Sơn đã tổ chức được 56 lớp dậy nghề với 1950 người được đào tạo cho các đối tượng: lao động nông thôn, người nghèo, người tàn tật. Với các nghề: đan cói, đan bèo tây, may công nghiệp, hàn công nghiệp, thêu xuất khẩu, điện dân dụng, nấu ăn, trồng nấm, tạo dáng và chăn sóc cây cảnh, trồng sơ chế dược liệu, chăn nuôi, thú y.

Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm huyện Kim Sơn được thành lập đi vào hoạt động từ cuối năm 2007. Qua 5 năm đi vào hoạt động đến nay Trung tâm đã đi vào nề nếp, hoạt động tương đối có hiệu quả với các lớp, các mô hình và kết quả như sau: Triển khai 36 mô hình và nhân rộng 15 mô hình phát triển sản xuất; Tổ chức tập huấn 98 lớp cho 9.076 lượt người; Mở 37 lớp dạy nghề cho 3.445 lượt người.

Page 94: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

88

3.2.3. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn * Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn

Bảng 3.4: Kết quả phát triển hạ tầng giao thông nông thôn của huyện Kim Sơn năm 2008-2013

Đơn vị: Km Năm STT Nội dung thực

hiện 2008 2009 2010 2011 2012 2013 Tổng cộng

1 Số Km đường làm mới 15,5 17,8 37,75 42,31 69,5 182,86

Bêtông xi măng 10 12 26,25 32,31 69,5 28,75 178,81 Láng nhựa 4 4,5 5 4 17,5 Mặt đá dăm 1,5 1,3 6,5 6 15,3

2 Khối lượngnâng cấp, sửa chữa duy tu cầu đường

65,00 75,50 89,00 95,00 324,5

Bêtông xi măng 33,00 35,00 45,00 55,00 13,49 181,49 Láng nhựa 5,00 5,00 5,00 5,00 13 33 Mặt đá dăm 27,00 35,50 39,00 35,00 136,5

3 Số cầu, cống làm mới các loại Cái/m)

27/243 28/252 95/855 150/1.392 300/2.74

2

4 Kinh phí thực hiện hàng năm (Tỷ đồng)

65,00 92,50 105,00 110,00 25,05 50,95 429,30

Trong đó:

Trung ương hỗ trợ 35,2471 41,88151

89,0205

107,1479 26 299,30

Ngân sách địa phương 15,00 15,00 15,00 15,00 15,22 5,15 80,37

Nhân dân đóng góp và các nguồn khác

5,00 5,00 5,00 5,00 9,83 19,8 49,63

Nguồn: Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn năm2013 [122]. Trên địa bàn huyện có đường Quốc lộ 10 dài 14,5 km, đường 10 tránh thị

trấn Phát Diệm dài 11,8 km, 36 km đường tỉnh lộ và 973,65 km đường giao thông nông thôn. Trong 973,65 km đường giao thông nông thôn có 64,06 km đường liên xã, 500,37 km đường trục xã, 227,12 km đường ngõ xóm, 182,1km đường trục chính nội đồng. Phát động mạnh mẽ phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức đến cán bộ, nhân dân đặc biệt là các chức sắc, chức việc và giáo dân đã tích

Page 95: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

89

cực thực hiện các giải pháp phát triển KTNT trong XDNTM, tiêu biểu là xã Xuân Thiện 87.8% đồng bào theo đạo Công giáo, xã Văn Hải 75% đồng bào theo đạo Công giáo, nhân dân dỡ nhà phòng của giáo họ, dỡ hàng rào và các vật kiến trúc khác, hiến đất để xây dựng đường giao thông. Huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó: Vận động 2.895 hộ hiến 62.237,8m2 đất phục vụ xây dựng hạ tầng nông thôn mới với tổng giá trị ước tính 8.178,2 triệu đồng… Ủng hộ của các doanh nghiệp và con em của địa phương là 4.137,2 triệu đồng. Đặc biệt tập trung cao cho công tác làm đường giao thông thôn, xóm với sự hỗ trợ xi măng của tỉnh toàn huyện đã nâng cấp và làm mới được 66,3 Km đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng.

* Hệ thống hạ tầng thủy lợi Bảng 3.5: Kết quả phát triển hạ tầng thủy lợi huyện Kim Sơn

Đơn vị: Km Năm STT Nội dung thực hiện Đơn

vị 2008 2009 2010 2011 2012 2013 Tổng cộng

Nạo vét , kiên cố hóa kênh mương 182,86

Nạo vét km 53,73 84,24 11,56 8,54 87,86 66,847 312,777 1

Kiên có hóa (kèbờ) km 8,51 6,22 8 8,27 118,5 2,47 151,97 Nâng cấp,kiên cố hóađê

Đê biển km 12 13,2 15 40,2 2

Đê sông km 14,066 11,768 2 3 4,873 35,707

3 xây mới, cải tạo trạm bơm Cái 31 9 4 7 5 56

4 Xây mới, cải tạo cống đầu kênh, cống điều tiết

Cái 11 11 9 9 6 4 50

Kinh phí thực hiện hàng năm (Tỷ đồng)

1.817,87

Trong đó: Trung ương hỗ trợ 518,85 556,16 343,38 92,91 266,58 14,1 1.791,99

5

Ngân sách địa phương Nguồn: Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn năm2013 [122].

Toàn huyện có 3 hệ thống công trình thủy lợi chính phục vụ sản xuất trong đó có 170 cống các loại. Hệ thống đê điều của huyện Kim Sơn gồm các

Page 96: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

90

tuyến đê là 75,7km trong đó tuyến đê biển dài 40,2 km, tuyến đê sông tả Vạc, hữu Vạc, Hữu đáy dài 35,5 km.

Hệ thống kênh tưới tiêu cấp I có tổng chiều dài 104,2 km, kênh cấp II dài 418,8 km, kênh cấp III dài 490,2 km. Toàn huyện có 30 trạm với 71 máy bơm công suất từ 1000-4000m3/h trong đó Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý và vận hành 8 trạm với 42 máy công suất 4000m3/h, các Hợp tác xã quản lý và vận hành 26 trạm bơm vô ống công suất mỗi máy là (3000-3500)m3/h. Đặc biệt là tuyến đê biển những năm gần đây đã được Trương ương đầu tư nâng cấp kiên cố hóa mặt đê biển Bình Minh 1 dài 25,2km bằng bê tông xi măng, nâng cấp đê biển Bình Minh 3 dài 15km, xây mới 03 cống lấy nước phục vụ cho vùng nuôi trồng thủy sản của vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn. Các tuyến đê sông cũng đang được nâng cấp cải tạo và kiên cố hóa mặt đê.

* Hệ thống hạ tầng điện nông thôn huyện Kim Sơn Trên địa bàn huyện có 84 km đường dây cao thế, 600 km đường dây hạ

thế; 99 trạm biến áp 100% số xã có điện lưới quốc gia. Trong những năm gần đây hệ thống điện các xã phần lớn giao cho ngành điện quản lý và khai thác. Số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 80%. Tuy nhiên hiện nay toàn huyện còn 6 xã chưa bàn giao cho ngành điện mà do các hợp tác xã điện lực của xã quản lý và khai thác bán lẻ điện cho các hộ nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên không có vốn đầu tư cải tạo, đầu tư nâng cấp lưới điện nên chất lượng cung cấp điện không đảm bảo và không an toàn cho các hộ sử dụng điện và không đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Thực hiện thông tư Liên tịch số 06/2010-BCT-BTC ngày 03/02/2010 của Liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện áp nông thôn. Sở Công thương tỉnh Ninh Bình phối hợp với Sở Tài chính, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên điện lực Ninh Bình, UBND huyện Kim Sơn tuyên truyền các Hợp tác xã điện lực trong huyện tự nguyện bàn giao lưới điện hạ áp cho ngành điện quản lý để ngành điện đầu tư nâng cấp trạm, lưới điện đảm bảo chất lượng và an toàn cho các hộ sử dụng điện trong toàn huyện. Số xã hệ thống điện đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới 10/27 xã, thị trấn (có 02 thị trấn).

Page 97: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

91

* Hạ tầng cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Toàn huyện có 7 cơ sở cấp nước sạch trong đó (01 cơ sở đang cấp, 02 cơ sở

đang vận hành thử, 02 cơ sở đang thi công và 02 cơ sở ngừng hoạt động). Nhà máy cấp nước Phát Diệm công suất 6000m3/ngày.đêm và các nhà máy cấp nước xã Lai Thành, Yên Lộc công suất 500m3/ ngày.đêm đã góp phần cung cấp nước sạch cho nhân dân Thị trấn Phát Diệm, các xã tiểu khu 3. Các nhà máy cấp nước Kim Mỹ, Kim Hải đang thi công để cung cấp nước cho các xã tiểu khu IV và các xã vùng bãi ngang ven biển của huyện; tỷ lệ các hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 90%.

Bảng 3.6: Kết quả phát triển hạ tầng nước sạch và môi trường nông thôn huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình

Đơn vị: %

STT Nội dung thực hiện Đơn vị Năm 2008-2013

1 Tổng số công trình cấp nước sạch cái 7 2 Tỷ lệ xã có nước sạch % 10 3 Tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh % 90

Vệ sinh môi trường 4.1.Tỷ lệ số xã tổ chức thu gom VSMT xã 12/27 4 4.2. Tỷ lệ số hộ có nhà vệ sinh hợp vệ sinh % 70

Nguồn: Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn năm2013 [122]. Trong những năm qua công tác vệ sinh môi trường và nước sạch trên địa

bàn huyện Kim sơn có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của các cấp, các ngành và của người dân, của các doanh nghiệp được nâng lên. Năm 2009 huyên đã thành lập Trung tâm vệ sinh môi trường, 26/27 xã, thị trấn có nghĩa trang nhân dân; 50% số hộ gia đình tự xử lý rác thải trong khu vườn nhà; 100% rác thải y tế được xử lý; tỷ lệ hộ có công trình hợp vệ sinh đạt 70%. Có 12/27 xã, thị trấn có tổ thu gom rác thải tập kết để vận chuyển lên khu xử lý rác thải tại thị xã Tam Điệp bằng 02 xe chuyên dùng.

* Hệ thống hạ tầng thông tin, viễn thông nông thôn huyện Kim Sơn Các xã và thị trấn trong huyện đều có điểm bưu điện - văn hóa được. Hoàn

thành số hóa hệ thống bưu chính viễn thông, huyện có 4 đài trạm, 24 trạm BTS.

Page 98: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

92

Số thuê bao điện thoại cố định năm 2008 là 14000 thuê bao đến năm 2012 giảm còn 500 thuê bao, số thuê bao điện thoại di động tăng nhanh có trên 1,5 nghìn thuê bao di động trả sau, hơn 3000 thuê bao Internet và nhiều thuê bao băng rộng. Hiện nay 100% các xã, thị trấn, thôn, xóm đều có máy điện thoại cố định; 40% thôn, xóm; 100% xã, thị trấn có Internet băng thông rộng tốc độ cao MegaVNN, cáp quang FiberVNN… đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận thông tin và ứng dụng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển hạ tầng KT- XH, thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Bảng 3.7: Kết quả phát triển hạ tầng thông tin - viễn thông huyện Kim Sơn

STT Nội dung thực hiện Đơn vị Năm 2008-2013

1 Nhà trạm bưu cục nhà 4 2 Tổng số nhà bưu điện văn hóa xã nhà 21 3 Số xã thị trấn có điện thoại xã 27 4 Số trạm thu phát BTS trạm 35 5 Số thuê bao Internet/100 dân TB/100 1,8 6 Số thuê bao đi động trả sau/100 dân TB/100 1,7 7 Số thuê bao điện thoại cố định/100 dân TB/100 8,4 8 Kinh Phí thực hiện Doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng

Nguồn: Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn năm2013 [122]. * Hệ thống hạ tầng dịch vụ, mạng lưới chợ, cây xăng, cụm công nghiệp

và làng nghề của huyện Kim Sơn Toàn huyện quy hoạch 12 chợ trong đó có 01 chợ loại II nằm trung tâm

huyện hiện nay đã xuống cấp và đã giao cho Doanh nghiệp quản lý, đầu tư cải tạo nâng cấp thành chợ loại I. Có 1 chợ đầu mối thủy sản được đầu tư xây dựng tại xã Kim Đông, các chợ còn lại do xã quản lý và xây dựng tạm, bán kiên cố chưa đảm bảo theo tiêu chí nông thôn mới. Quy hoạch mạng lưới cây xăng trên toàn huyện gồm 17 điểm và có sự điều chỉnh cho phù hợp với mạng lưới hạ tầng giao thông trong huyện, đáp ứng phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân có hiệu quả nhất.

Theo quy hoạch huyện Kim Sơn có 02 Cụm công nghiệp được tỉnh phê duyệt gồm Cụm công nghiệp Đồng Hướng (thuộc xã Đồng Hướng), Cụm công

Page 99: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

93

nghiệp Bình Minh (thuộc thị trấn Bình Minh). Huyện có 25 làng nghề thuộc 9 xã (Hùng Tiến, Như Hòa, Quang Thiện, Đồng Hướng, Kim Chính, Yên Mật, Thượng Kiệm, Lưu Phương, Yên Lộc) và thị trấn Phát Diệm. Từ năm 2006 đến năm 2010 đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận cho 18 làng nghề, 05 làng nghề được UBND tỉnh công nhận vào tháng 5 năm 2011 và 02 làng nghề được công nhận vào năm 2012 [122].

* Quy hoạch khu dân cư và cải tạo nhà ở dân cư nông thôn của huyện Huyện đã triển khai quy hoạch mạng điểm dân cư trong quy hoạch nông

thôn mới của các xã theo hướng tập trung phát triển khu dân cư mới theo hướng văn minh, đồng thời bảo tồn, kế thừa bản sắc văn hóa tốt đẹp của nhân dân Kim Sơn. Vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào chỉnh trang nhà cửa, vườn ao, đường ngõ xóm theo hướng tiện ích, văn minh và bảo tồn những nét văn hóa của nhân dân nông thôn vùng công giáo. Tỉnh, huyện có chính sách hỗ trợ xóa nhà tranh tre, giột nát, hỗ trợ các hộ nghèo cải tạo nâng cấp, xây mới nhà ở.

- 15/25 xã tiếp nhận chuyển giao hợp đồng và thực hiện lập Quy hoạch mạng lưới điểm dân cư nông thôn và Quy hoạch tổng thể không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm xã từ Sở Xây dựng, với dự toán kinh phí 4.875 triệu đồng.

- Trong 3 năm, toàn huyện đã tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh công tác chỉnh trang nhà cửa, xây mới và cải tạo nâng cấp các công trình nhà ở, công trình vệ sinh, tường rào, cổng ngõ…nhằm giảm tỷ lệ nhà dột nát, tăng tỷ lệ nhà ở đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

- Đến nay các xã đã có 37.683 nhà/48.870 nhà ở dân cư đạt chuẩn, tăng 5.782 nhà đạt chuẩn so với năm 2010, nâng tỷ lệ nhà đạt chuẩn lên 89,90% tăng 9,8% so với năm 2010, không còn nhà tạm, nhà dột nát, có 19/25 xã đạt Tiêu chí số 9.

3.2.4. Về áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ và thực hiện chế độ chính sách trên địa bàn huyện

* Về áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ: Lịch sử phát triển loài người đã chứng minh, đất nước nào có nền KH - CN tiên tiến thì đất nước đó phát triển. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã xác định KH - CN là

Page 100: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

94

"then chốt" khoa học - công nghệ là phải "đi tắt, đón đầu". Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chương trình mang tính tổng hợp, toàn diện; bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng. Vì vậy việc áp dụng KH - CN để phát triển KTNT trong XDNTM là rất quan trọng và cần thiết. Trong những năm qua ở huyện Kim Sơn thực trạng kết quả việc áp dụng thành tựu KH - CN vào các lĩnh vực cụ thể như sau:

- Về quy hoạch, quản lý đất đai: Trên địa bàn huyện Kim Sơn 27/27 xã, thị trấn đã áp dụng quản lý quy hoạch thông qua cơ sở dữ liệu trên máy vi tính, trong đó có 9/27 xã, thị trấn đã có bản đồ quản lý đất đai kỹ thuật số. Những xã đã có bản đồ kỹ thuật số khi triển khai quy hoạch, thực hiện quy hoạch và thực hiện dồn điền đổi thửa sẽ rất chính xác và khoa học, tiết kiệm được thời gian và nhân lực. Tuy nhiên, hiện tại còn 18 xã chưa có bản đồ kỹ thuật số.

- Về tăng cường áp dụng KH - CN trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản: Phương thức chuyển giao KH - CN đến nông dân được áp dụng phổ biến và có hiệu quả là: Xây dựng mô hình, tổ chức điều tra mô hình sản xuất có hiệu quả trong thực tiễn sản xuất để tổ chức hội nghị đầu bờ, thảo luận, trao đổi trực tiếp; sau đó hỗ trợ cho một số hộ ứng dụng mô hình sản xuất từ đó nhân ra diện rộng. Đây là con đường ngắn nhất để đưa kết quả nghiên cứu từ các cơ sở nghiên cứu đến thực tiễn trên đồng ruộng. Đến nay Kim Sơn đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa tại 7 xã, với 280 ha; triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ trong nuôi tôm sú, tôm thẻ thâm canh tại xã Kim Đông, với 6 ha, bước đầu cho kết quả tốt; trên địa bàn huyện đã có 72 mô hình sản xuất có hiệu quả, chủ yếu là tiếp thu áp dụng KH - CN về giống, biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trong: Trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản, nuôi một số con nuôi quí đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao... Đối với trồng trọt: Trồng, sơ chế cây dược liệu (cây trạch tả, bạch chỉ, chuột nam), trồng hoa huệ, trồng rau giống, trồng luân canh cà chua, bí xanh, dưa lê.... Đối với nuôi trồng thủy sản: Nuôi tôm thẻ, cá lóc bông, cá diêu hồng, sản xuất giổng thủy sản, mô hình lúa - cá; mô hình nuôi cá kết hợp nuôi vịt, chăn nuôi, trồng trọt... Đối với con nuôi có giá trị kinh tế cao: Nuôi rắn, rắn nước, ba ba...

Page 101: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

95

- Trong sản xuất lúa: Đến nay 100% diện tích mạ được gieo trên nền đất cứng, vụ Đông - Xuân được che phủ nilon chống rét, 100% diện tích làm đất và tuốt lúa bằng cơ giới hóa và khoảng 30% khâu thu hoạch lúa được cơ giới hóa.

- Trong lĩnh vực làm đường giao thông: 100% các tuyến đường khi đổ bê tông đều có máy trộn, máy đầm...

- Về áp dụng KH - CN trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường: Trong những năm qua Kim Sơn đã triển khai nhiều biện pháp trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

* Về thực hiện chế độ chính sách trên địa bàn huyện: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Thực tiễn cho thấy cơ chế chính sách là đòn bẩy là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.

Thứ nhất, về chính sách đất đai: Cuộc sống của nông dân luôn gắn liền với đất đai và cơ chế chính sách về đất đai luôn tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến năng suất cũng như đời sống của nông dân. Hay nói theo cách khác thì đất đai là “tư liệu sản xuất cơ bản của sản xuất nông nghiệp”. Kim Sơn là huyện đồng bằng ven biển, nằm ở phía đông nam của tỉnh Ninh Bình, là một huyện thuần nông nên sự phát triển nông nghiệp luôn gắn với lịch sử phát triển nông nghiệp của cả nước.

- Từ thời kỳ 1954 - 1981: Kể từ ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954 đến thời điểm khoán hộ theo Chỉ thị 100 vào năm 1981 cho thấy suốt trong 27 năm sản xuất nông nghiệp nhất là sản xuất lúa của huyện rất lạc hậu, bấp bênh, năng suất lúa chỉ đạt 20 tạ/ha. Năm 1981- 1988 thực hiện khoán hộ theo Chỉ thị 100 năng suất, sản lượng lúa có tăng lên và đạt 26 tạ/ha.

- Năm 1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10, quyết định giao quyền tự chủ ruộng đất cho hộ nông dân và cho phép tự do hóa lưu thông nông sản hàng hóa. Chỉ sau một năm, vào năm 1989 sản xuất lúa bùng nổ, năng suất lúa đã đạt trên 50 tạ/ha. Đến năm 1993, Nhà nước ban hành Luật đất đai mới và những quy định sửa đổi Luật đất đai tiếp theo, đã giao quyền sử dụng đất đai đầy đủ cho nông dân cùng với tăng vốn đầu tư và áp dụng khoa học công nghệ mới, năng suất lúa tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước, đến năm 2013 năng suất

Page 102: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

96

lúa cả năm đã đạt 126 tạ/ha, sản lượng lương thực 104.940 tấn, trong đó thóc chất lượng cao đạt 59.519 tấn.

Thứ hai, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp, nông thôn: Ngày 04/6/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Nông nghiệp, nông thôn. Hiện tại, toàn huyện mới chỉ có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, thóc giống, thuốc bảo vệ thực vật...và một số ít đầu tư vào sản xuất giống thủy sản như: sản xuất tôm, cua, nhưng hoạt động cầm chừng không hiệu quả.

Ngày 24/6/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về khuyến khích sản xuất liên kết "4 nhà". Sau 10 năm thực hiện trên địa bàn huyện Kim Sơn mới chỉ dừng lại ở mô hình các doanh nghiệp đặt hàng với nông dân sản xuất một số lúa giống, cây dược liệu... Mô hình liên kết "4 nhà" triển khai trong thực tế lại ách tắc? vì tính pháp lý trong liên kết quá lỏng lẻo. Bên cạnh đó, tình trạng manh mún đất đai vẫn chưa được khắc phục, vai trò của quy hoạch và chiến lược phát triển không rõ ràng; hàng loạt chủ trương, chính sách đã lạc hậu. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực dễ rủi ro nên số lượng doanh nghiệp đầu tư vào đây rất hạn chế, trong khi hiện chưa có chính sách ưu đãi nào cho họ cả; hay những bất cập của quy định cho HTX vay vốn. Vay tín chấp thì không được, trong khi thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không. Hay như chính sách yêu cầu mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp phải có 60% tỷ lệ nội địa hóa mới được vay vốn là bất cập, vì máy trong nước kém. Trong khi, thực tế, trên đồng ruộng hiện nay chủ yếu là máy của Nhật Bản hoặc của Trung Quốc.

Một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh Ninh Bình - Ngay từ năm 2008 Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 03-

NQ/TU về tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất vụ Đông đến năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết với một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất vụ Đông, trong đó hỗ trợ 100% giống đậu tương, giống ngô ngọt; hỗ trợ 50% giống khoa tây, bí xanh, ngô ngắn ngày và hỗ trợ 100%

Page 103: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

97

kinh phí quy hoạch, 70% kinh phí xây dựng công trình thủy lợi đầu mối và 1 triệu đồng/ha để làm thủy lợi nội đồng. Trong giai đoạn hiện nay UBND tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí cho giống cây trồng vụ đông mới, 50% kinh phí giống cây trồng vụ đông truyền thống có giá trị kinh tế.

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU và Kế hoạch của UBND tỉnh, Huyện ủy Kim Sơn đã banh hành Chỉ thị số 03-CT/HU, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND, trong đó: Ngân sách huyện hỗ trợ 30% kinh phí công trình thủy lợi đầu mối, hỗ trợ 35 triệu đồng để xây dựng trạm bơm vô ống cho HTX có diện tích cây vụ đông liền vùng, liền thửa từ 20ha trở lên, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha để làm thủy lợi nội đồng, hỗ trợ 50% kinh phí mua giống lúa chất lượng cao LT2 cấy vụ Mùa để thu hoạch sớm kịp làm vụ Đông, hỗ trợ 50% kinh phí mua giống bí xanh...

- Ngày 26/11/2008 UBND tỉnh đã ban hành Đề án số hỗ trợ sản xuất lúa cao sản, lúa chất lượng cao, trong đó hỗ trợ 15.000đ/kg lúa lai, 420.000đồng/ha lúa chất lượng cao. Ngày 22/11/2011 UBND tỉnh ban hành Đề án số 11/ĐA-UBND về chính sách khuyến nông hỗ trợ sản xuất lúa cao sản, với mức hỗ trợ 420.000đ/ha. Thực hiện chính sách trên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã phát triển mạnh mẽ, diện tích lúa lai năm 2009 chiếm gần 70% diện tích gieo cấy; diện tích lúa chất lượng cao năm 2013 đạt trên 10.000ha/năm, sản lượng đạt 59.519 tấn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Đề án số 06/ĐA-UBND với rất nhiều chính sách cụ thể, như: hỗ trợ kinh phí quy hoạch, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng, sửa chữa nâng cấp nhà văn hóa thôn, xóm, điểm vui chơi, điểm thu gom rác thải...Đến nay ngân sách tỉnh đã cấp cho các xã Kim Sơn là 39.045,5 triệu đồng, trong đó Kinh phí làm đường giao thông tương đương với 10.000 tấn xi măng; Kim Sơn đã làm được 99,3 km đường giao thông thôn, xóm.

Kim Sơn tuy ngân sách còn gặp nhiều khó khăn, song cũng đã hỗ trợ kinh phí cho sản phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới:

- Từ năm 2008 - 2013 cùng với chính sách của tỉnh, Kim Sơn đã trích ngân sách huyện hỗ trợ phát triển sản xuất vụ Đông như nêu trên, thì hiện nay,

Page 104: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

98

Kim Sơn đang hỗ trợ sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại 7 xã, với diện tích là 280ha, định mức hỗ trợ là 50% kinh phí mua giống lúa chất lượng cao; hỗ trợ 50% kinh phí mua 142 xe ba bánh thu gom rác thải [122].

- Hàng năm UBND huyện đều trích một phần ngân sách xã hỗ trợ mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế như: Mô hình sản xuất lúa - cá, mô hình sản xuất các lóc bông, cá diêu hồng, mô hình VAC...

3.2.5. Về các hình thức tổ chức sản xuất - Kết quả tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện

Kim Sơn năm 2013, trên địa bàn huyện đã có 72 mô hình phát triển sản xuất kinh tế trang trại, từ trang trại tổng hợp đến trang trại chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...hiệu quả kinh tế thường gấp 2-5 lần, thậm chí hàng chục lần so với sản xuất đại trà thông thường. Cụ thể: Mô hình chuyển đổi 11,34 ha tại xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình,từ đất 2 lúa vùng trũng, đất xấu, lại xa khu dân cư trước đây trồng 2 vụ lúa, năng suất bình quân hàng năm đạt từ (45-50) tạ/ha, thu nhập khoảng từ (20 - 30) triệu đồng/ha/năm. Năm 2008, 12 hộ gia đình đã chuyển đổi sang mô hình trang trại VAC, hành năm cho thu nhập khoảng từ (150 -180) triệu đồng/ha/năm. Mô hình chuyển đổi đất 2 lúa ở xóm 8 xã Thượng Kiệm của gia đình anh Lưu Văn Thịnh, với 2 mẫu ruộng sau nhiều năm trồng lúa kém hiệu quả, gia đình đã chuyển sang mô hình luân canh tổng hợp với ba tầng canh tác; dưới rãnh thì thả ốc hột, nuôi cá trạch, trên mặt luống trồng cà chua, rau màu các loại, trên giàn (phía trên mặt rãnh) trồng bí xanh, mướt đắng, dưa lê...mỗi năm trừ chí phí một ha thu nhập 150 triệu đồng.

+ Quá trình phát triển kinh tế trang trại còn có bất cập như: Tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất của các chủ trang trại

còn những quy định, thủ tục rườm rà, khó thực hiện. Bản chất hoạt động của hầu hết các ngân hàng là “tìm kiếm lợi nhuận”, sở dĩ lâu nay dòng vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông dân vẫn còn “nhỏ giọt” là do hiệu quả khu vực kinh tế này không cao. Với hàng loạt món vay nhỏ lẻ, chi phí vốn cao trong khi rủi ro thiên tai, dịch bệnh rình rập, nên nhiều ngân hàng cũng vì thế mà không mặn mà mở rộng tín dụng. Nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa thực sự quan tâm, đánh

Page 105: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

99

giá đúng mức thị trường cho vay phát triển kinh tế trang trại. Thời hạn cho vay của các ngân hàng còn chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, nên chưa tạo điều kiện các trang trại đầu tư phát triển lâu dài.

Đa số các chủ trang trại có trình độ học vấn chưa cao, việc điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, lao động làm việc trong trang trại chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề. Điều này khó khăn cho việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, quản lý vào sản xuất, kinh doanh từ đó ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả làm ăn. Sự hỗ trợ, đào tạo về trình độ, kỹ thuật từ phía các đơn vị nhà nước chưa thực sự khuyến khích các trang trại tham gia.

Chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, chưa qua chế biến nên giá bán thấp, sức cạnh tranh yếu. Nhiều chủ trang trại chưa nắm bắt được nhu cầu thị trường nên sản xuất thụ động, hiệu quả thấp. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm và chưa được các trang trại lưu tâm đến nhiều.

Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lớn đối với các trang trại, nhất là những trang trại chăn nuôi nằm xen kẽ khu dân cư do chất thải chưa được xử lý, khó khăn cho việc phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm. Trang trại thuỷ sản chưa có hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải nên dễ xảy ra dịch bệnh.

- Trên địa bàn huyện Kim Sơn có 42 HTX trong đó: 32 HTX sản xuất nông nghiệp, 2 HTX Tiểu thủ công nghiệp, 4 HTX Điện lực, 4 Quĩ tín dụng nhân dân. Trong 32 HTX sản xuất nông nghiệp, thủy sản có 7 HTX hoạt động có hiệu quả chiếm 21,87 %, 16 HTX không có vốn để hoạt động chiếm 50%, hoạt động bằng các nguồn vốn khác hoặc vay nhà nước 9 HTX chiếm 28,13% [122].

+ Toàn huyện có 32 HTX hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, thuỷ sản; các HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX 2003. Phần lớn các HTX đảm nhiệm một số khâu dịch vụ chủ yếu phục vụ sản xuất của xã viên gồm: Dịch vụ tưới tiêu, thuỷ lợi, bảo vệ đồng; dịch vụ thú y, dịch vụ giống cây trồng vật nuôi; dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ làm đất, khuyến nông. Ngoài ra các HTX còn xây dựng cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tổ chức chuyển giao

Page 106: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

100

khoa học kỹ thuật cho xã viên HTX về cây trồng vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và hoa màu, phòng chống dịch bênh cho gia súc, gia cầm; phát triển sản xuất vụ đông...

+ Các HTX phi nông nghiệp: Các HTX dịch vụ điện nông thôn cơ bản ổn định tổ chức, thực hiện các dịch vụ phục vụ xã viên và nhân dân, thực hiện quản lý, vận hành các thiết bị hiện có, đồng thời đầu tư cải tạo xây dựng hệ thống đường điện hạ thế, trạm biến áp, nâng cao chất lượng điện, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo an toàn về điện, cung ứng điện kịp thời phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

Một số mô hình hợp tác xã điển hình trên địa bàn là: HTX nông nghiệp Đồng Hướng, Định Hóa: Tổ chức tốt các dịch vụ của

HTX, tạo điều kiện để các hộ xã viên phát triển sản xuất, giảm bớt khó khăn, có chương trình, giải pháp thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

HTX nông nghiệp Thượng Kiệm: Tham gia tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ sản xuất như: Kiên cố hoá kênh mương, cải tạo và làm mới giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, áp dụng cũng như chuyển giao khoa học, công nghệ trong sản xuất theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn.

+ Các quỹ tín dụng luôn được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, nhìn chung các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động có hiệu quả.

Quỹ tín dụng nhân dân xã Kim Mỹ: Chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX, Luật Tổ chức tín dụng và các quy định của nhà nước đối với Quỹ tín dụng nhân dân; bộ máy quản lý, điều hành được tổ chức tinh gọn và hiệu lực, kế hoạch hoạt động rõ ràng, sát thực, hoạt động của quỹ đáp nhu cầu xã viên, luôn bảo toàn vốn đồng thời tiếp tục phát triển doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước.

- Các doanh nghiệp trên địa bàn: Kết quả tổng hợp của Phòng Công thương huyện Kim Sơn đến cuối năm 2013 trên địa bàn huyện Kim Sơn có 124 doanh nghiệp và trên 7000 hộ gia đình chuyên sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; với các loại hình khác nhau, giải quyết việc làm cho 4000 lao động

Page 107: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

101

thường xuyên và hơn 30 nghìn lao động trong khu dân cư. Các loại hình doanh nghiệp theo lĩnh vực sản xuất kinh doanh gồm:

Sản xuất chế biến cói xuất khẩu: 27 doanh nghiệp Khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng: 8 doanh nghiệp Chăn nuôi và khai thác, nuôi trồng thủy sản: 12 doanh nghiệp Xây dựng - Giao thông - Thủy lợi: 29 doanh nghiệp Thương mại, dịch vụ khác 48 doanh nghiệp Nhìn chung các loại hình doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng khắc phục

mọi khó khăn trong cơ chế thị trường: Giá cả thị trường luôn biến động nhưng các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vốn để mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng, đổi mới công cụ lao động; củng cố mối quan hệ tốt với khách hàng (nhất là doanh nghiệp chế biến cói, bèo tây) nên đã ký được nhiều hợp đồng kinh tế khá lớn có giá trị kinh tế và kim ngạch xuất khẩu cao, giữ vững được nguồn hàng, ngành hàng phục vụ tốt các hoạt động KT - XH, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Bên cạnh đó một số doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như thiếu vốn, thị trường tiêu thụ khó … (Công ty TNHH Phúc Mỹ, Doanh nghiệp tư nhân Đăng Hùng) hoặc nợ đọng vốn Nhà nước phải ngừng hoạt động kinh doanh (Xí nghiệp tư nhân sản xuất hàng cói Trường Duyên…) một số doanh nghiệp đăng ký trụ sở làm việc tại huyện Kim Sơn, song lại thường xuyên đi hoạt động kinh doanh ở các tỉnh rất xa nên rất khó cho công tác quản lý theo dõi của các cơ quan Nhà nước.

3.2.6. Về thu nhập, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, kinh tế nông thôn huyện Kim Sơn có bước phát triển góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người/năm từ 2,3 triệu năm 2000 lên 4,85 triệu đồng năm 2005; lên 12,52 triệu đồng năm 2010 và 19,88 triệu năm 2013. Kim Sơn đã thực hiện có hiệu quả công tác xoá đói, giảm nghèo, đến nay đã không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm nhanh từ 21,2% năm 2000 xuống còn 12,64% năm 2005 (theo tiêu chí năm 2005). Tỷ lệ hộ

Page 108: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

102

nghèo (theo tiêu chí năm 2010), năm 2006 là 16,64% đến năm 2012 giảm còn là 9,99% và hộ cận nghèo là 8,32%. Thu nhập bình quân đầu người tăng chậm đầu những năm 2000 và tăng nhanh từ năm 2010 đến năm 2013, mức tăng này ở Kim Sơn là tương đối vững chắc, ngay cả trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động xấu của suy thoái thì thu nhập bình quân của người dân Kim Sơn vẫn không giảm, tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo đạt 35,37% [122].

Bảng 3.8: Thu nhập bình quân lao động/năm và thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn huyện Kim Sơn qua các năm

Đơn vị: Triệu đồng

Thu nhập binh quân 1 lao động/năm (Chỉ tính cho lao động) Năm

NN CN-XD DV Tổng

Thu nhập BQ đầu

người/năm (Tính cho toàn dân)

2000 3.49 8.42 10.48 4.80 2.30 2005 5.27 12.14 20.64 7.91 4.85 2010 12.7 24.8 31.5 18.64 12.52 2011 17.2 28.3 31.5 22.65 15.67 2012 17.1 35.6 33.4 25.34 19.13 2013 18.1 39.8 35.2 27.61 19.88

Nguồn: Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn năm2013 [122]. Công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái được huyện quan tâm,

ngày 10/3/2011 Ban Thường vụ huyện ủy Kim Sơn ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường và nước sạch. Trên cơ sở chỉ đạo của huyện ủy, hằng năm HĐND huyện ban hành nghị quyết về phát triển KT - XH, trong đó có nội dung về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường. Đặc biệt là nguồn nước, vùng đất bồi và mặt nước ven biển của huyện. UBND huyện đã thành lập Trung tâm vệ sinh môi trường để tổ chức thu gom rác thải ở các khu dân cư của 12 xã, thị trấn trên trục đường Quốc lộ 10. Huyện hỗ trợ kinh phí (50%) cho các xã, thị trấn mua 142 xe đẩy tay ba bánh để thu gom rác thải; trên địa bàn huyện có 12/27 xã, thị trấn thành lập tổ thu gom rác thải; hoàn thành 7 trạm cấp nước cho 8 xã, thị trấn, đến nay tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh là 90%; 26/27 xã, thị trấn có qui hoạch vị trí tập kết rác thải và huyện có qui hoạch khu tập kết rác thải với diện tích 5ha.

Page 109: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

103

3.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG

3.3.1. Những kết quả đạt được và nguyên nhân 3.3.1.1. Những kết quả - Về quy hoạch: trước năm 2008 quy hoạch đối với các xã trên địa bàn

huyện chủ yếu là quy hoạch sử dụng đất, ngoài ra chưa có quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch kiến trúc, kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm và qui hoạch khu dân cư

Đến năm 2013 đã có 25/25 xã đã được UBND huyện phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung và đề án xây dựng NTM; 6/6 xã điểm đã triển khai và hoàn thành việc thực hiện công bố, công khai quy hoạch chung; cắm mốc giới quy hoạch ngoài thực địa.

19/25 xã còn lại đang rà soát, nâng cao độ chính xác các chi tiết trên bản đồ và ký phê duyệt quy hoạch.

10/25 xã (trong đó có 6 xã điểm) đã hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất.

- Về phát triển kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện Kim Sơn là 12,7%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,1%. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản trong 6 năm (2008 - 2013) là 1.588.134 triệu đồng, tăng 985.159 triệu đồng so với 6 năm trước đó (2002 -2007), trong đó:

+ Ngành trồng trọt giá trị sản xuất trong 6 năm (2008 - 2013) là 797.038 triệu đồng, tăng 514.294 triệu đồng so với 6 năm trước đó

+ Ngành chăn nuôi giá trị sản xuất trong 6 năm (2008 - 2013) là 306.362 triệu đồng, tăng 210.059 triệu đồng so với 6 năm trước đó

+ Ngành thủy sản giá trị sản xuất trong 6 năm (2008 - 2013) là 448.679 triệu đồng, tăng 240.150 triệu đồng so với 6 năm trước đó

+ Ngành dịch vụ đạt giá trị trong 6 năm (2008 - 2013) là 32.769 triệu đồng, tăng 22.385 triệu đồng so với 6 năm trước đó

+ Đối với Ngành lâm nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu là trồng rừng ngập mặn phòng hộ ven biển, trong những năm gần đây do nhiều nguyên nhân

Page 110: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

104

nên việc trồng mới gặp nhiều khó khăn, do đó giá trị sản xuất trong 6 năm (2008 - 2013) chỉ đạt 3.288 triệu đồng, giảm 1.727 triệu đồng so với 6 năm trước đó.

- Về chuyển dịch cơ cấu KTNT: cơ cấu kinh tế nông thôn Kim Sơn chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Cơ cấu kinh tế ngành chuyển biến tích cực, qua các năm tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, ngành dịch vụ đều tăng; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Nhưng giá trị của các ngành nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đều tăng. Trong nội bộ từng ngành cũng có sự chuyển dịch tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Cơ cấu các thành phần kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế ở huyện Kim Sơn được tập trung phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của huyện.

- Về tiếp thu, chuyển giao khoa học - công nghệ vào phát triển sản xuất: Phương thức chuyển giao khoa học công nghệ đến nông dân được áp dụng phổ biến và có hiệu quả là: Xây dựng mô hình, tổ chức điều tra mô hình sản xuất có hiệu quả trong thực tiễn sản xuất để tổ chức hội nghị đầu bờ, thảo luận, trao đổi trực tiếp; sau đó hỗ trợ cho một số hộ ứng dụng mô hình sản xuất từ đó nhân ra diện rộng. Đây là con đường ngắn nhất để đưa kết quả nghiên cứu từ các cơ sở nghiên cứu đến thực tiễn trên đồng ruộng. Đến nay Kim Sơn đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa tại 7 xã, với 280 ha; triển khai ứng dụng khoa học công nghệ nuôi tôm sú, tôm thẻ thâm canh phát huy lợi thế vùng tại xã Kim Đông, với 6 ha, bước đầu cho kết quả tốt; trên địa bàn huyện đã có 72 mô hình sản xuất trang trại, gia trại có hiệu quả, chủ yếu là tiếp thu áp dụng khoa học - công nghệ về giống, biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trong: Trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản, nuôi một số con nuôi quí đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao... Đối với trồng trọt: Trồng, sơ chế cây dược liệu (cây trạch tả, bạch chỉ, chuật nam), trồng hoa huệ, trồng rau giống, trồng luân canh cà chua, bí xanh, dưa lê: Đối với nuôi trồng thủy sản: Nuôi tôm thẻ, cá lóc bông, cá diêu hồng, sản xuất giổng thủy sản, mô hình lúa - cá; mô hình nuôi cá kết hợp nuôi vịt, chăn nuôi, trồng trọt: Đối với con nuôi có giá trị kinh tế cao: Nuôi rắn, rắn nước, ba ba; Trong sản xuất lúa: Đến nay 100% diện tích mạ được gieo trên

Page 111: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

105

nền đất cứng, vụ Đông - Xuân được che phủ nilon chống rét, đã cơ giới hóa 100% diện tích làm đất, tuốt lúa và khoảng 30% khâu thu hoạch lúa.

- Về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế: triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế như: đường trục xã, liên xã, trục thôn xóm, đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng trên địa bàn toàn huyện. Trong thời gian thực hiện xây dựng nông thôn mới các xã tiếp nhận 14.163,24 tấn xi măng, đổ bê tông làm mới và nâng cấp 126,6 km đường giao thông thôn xóm. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH nông thôn từng bước được xây dựng, hoàn thiện gắn với quy hoạch lại khu dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

Khi triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới toàn huyện đã cải tạo và nâng cấp 70,26km kênh mương, tổng giá trị bằng 43.776 triệu đồng, trong đó 100% vốn từ ngân sách Trung ương.

- Về điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt: Trước khi thực hiện xây dựng nông thôn mới có 100% số xã trong huyện có điện lưới quốc gia. Trong những năm gần đây hệ thống điện ở các xã phần lớn đã bàn giao cho ngành điện quản lý và khai thác (hiện còn 7 xã chưa bàn giao cho ngành điện), hệ thống điện các xã đã được đầu tư nâng cấp. Toàn huyện có 84 km đường dây cao thế, 600 km đường dây hạ thế; 99 trạm biến áp. Số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 80% (tiêu chí yêu cầu 99%).

- Về đổi mới hình thức tổ chức sản xuất: Hết năm 2013 có 5 xã đã cơ bản thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa là: Yên Lộc, Thượng Kiệm, Đồng Hướng, Lai Thành và Văn Hải, số thửa bình quân trước dồn điền đổi thửa của 5 xã là 2,74 thửa/hộ, sau dồn điền đổi thửa còn 1,3 thửa/hộ; đã vận động nhân dân hiến góp 503.663 m2 đất lúa và 16.214 triệu đồng để đầu tư làm mới và nâng cấp hệ thống kênh mương, đường nội đồng theo quy hoạch.

Duy trì hoạt động của các HTX nông nghiệp, HTX thủy sản nhất là khâu dịch vụ; các làng nghề truyền thống tiếp tục phát huy tác dụng trong cơ chế mới, nâng cao giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh, góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân.

- Về thu nhập của nhân dân và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái: đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn ở hầu hết các xã trong huyện

Page 112: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

106

ngày càng được cải thiện; công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tiến bộ; công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái được nâng cao.

3.3.1.2. Nguyên nhân của những kết quả đạt được - Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có nhiều chủ trương lớn về nông

nghiệp, nông dân và nông thôn. Các chủ trương của Đảng đã được thể chế hóa bằng các chính sách và được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai trong thực tế. Chẳng hạn: Nghị quyết số: 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định đúng vị trí vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Gắn phát triển KTNT trong tổng thể phát triển nền kinh tế quốc dân tạo khí thế mới trong phong trào thi đua XDNTM ở khu vực nông thôn đồng bộ trên các mặt, trong đó KTNT là nội dung quan trọng, tạo động lực khí thế mới cho phát triển KTNT trong XDNTM ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Như phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng gia đình nông thôn mới năm không ba sạch; làng, bản, thôn nông thôn mới...

- Các chính sách ban hành đã tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển đi vào sản xuất hàng hóa có chất lượng, giá trị kinh tế cao mang lại thu nhập cho người dân nông thôn. Cụ thể: Nhà nước hỗ trợ xi măng, một phần cát, đá để nhân dân làm đường giao thông nông thôn đã tạo thành phong trào làm đường giao thông rộng khắp các thôn, xóm trên địa bàn huyện ...

- Sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các ngành đã có những chỉ đạo sát sao, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, tăng giá trị và tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực trên địa bàn huyện; Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất, triển khai thực hiện tuyên truyền sâu rộng nhiều nội dung đến tất cả các cấp, các ngành và nhân dân, tạo chuyển biến về nhận thức trong cán bộ và nhân dân hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển KTNT

Page 113: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

107

trong thực hiện Chương trình XDNTM. Cụ thể như: huyện chỉ đạo các xã họp nhân dân triển khai chủ trương về thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, các gia đình ở nông thôn đất rộng thực hiện chôn lấp rác, xây dựng hố xí tự hoại; Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tập trung tuyên truyền hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường sinh thái đã có các mô hình “dòng sông tự quản” của Hội Phụ nữ, “đoạn đường tự quản” của Hội Cựu chiến binh; “điện thắp sáng đường quê” của Đoàn thanh niên; Hội Nông dân phát động hội viên thu gom chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật ... tất cả các việc làm trên đã tạo chuyển biến về nhận thức và hành động bảo vệ môi trường sinh thái ở huyện Kim Sơn.

- Tinh thần đoàn kết luôn luôn được phát huy trong toàn Huyện. Các cơ quan, ban ngành, nhân dân lương giáo trong huyện có tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”. Cán bộ, nhân dân lương giáo trong huyện đồng thuận, đoàn kết quyết tâm thực hiện XDNTM trong đó tập trung phát triển KTNT.

- Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Kim Sơn được Trung ương, tỉnh Ninh Bình tập trung đầu tư về kinh phí, lồng ghép các chương trình mục tiêu để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng như: quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giao thông, hệ thống điện, hệ thống viễn thông... tạo bộ mặt mới cho nông thôn Kim Sơn.

- Trong cơ chế thị trường, nó cũng buộc người lao động nói chung và cư dân vùng nông thôn phải năng động, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, tạo nhiều kết quả trong phát triển kinh tế nông thôn, trước hết là trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

3.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân 3.3.2.1. Những hạn chế - Công tác xây dựng quy hoạch được triển khai nhưng chưa đồng bộ, tiến

độ chậm, chất lượng không cao, chưa sát với thực tiễn của các địa phương trong huyện. Nông thôn phát triển tự phát, thiếu quy hoạch ở các khu dân cư, thôn, xóm, xã, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác chưa được quy hoạch. Công tác quy hoạch còn chồng chéo, nhà ở xây dựng tùy tiện, không gian làng xã nhiều nơi bất hợp lý... Trong quy hoạch chưa có sự liên kết giữa các xã và trong toàn huyện.

Page 114: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

108

Theo kết quả điều tra của tác giả cho thấy: gần một nửa nhân dân (198/459 phiếu) đánh giá công tác quy hoạch chưa phù hợp với địa phương, trong khi cán bộ ở xã, hợp tác xã có 162/218 cho rằng là phù hợp. Như vậy, đánh giá của nhân dân và thực tế cho thấy công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, quy hoạch còn chủ quan, nóng vội, chạy theo thời gian, chất lượng chưa cao. Vì vậy cần phải quan tâm tập trung cho công tác quy hoạch, quy hoạch phải đi trước, coi trọng chất lượng quy hoạch là quan trọng nhất và quy hoạch phải phù hợp với từng địa phương được công khai để nhân dân thảo luận, bàn dân chủ.

- Chuyển dịch cơ cấu KTNT trên địa bàn huyện còn chậm, chưa bền vững; ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn (năm 2013 chiếm 33,91% trong cơ cấu KTNT của huyện), trong ngành nông nghiệp thì ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tỷ trọng ngành chăn nuôi, ngành thuỷ sản trong kinh tế nông thôn còn thấp; ngành thủy sản tăng về giá trị sản xuất nhưng giảm tỷ trọng. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa gắn với chế biến và tiêu thụ, chưa hình thành được vùng chuyên canh tập trung, sản xuất hàng hóa lớn. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao, thu nhập của người nông dân thấp, một bộ phận nông dân không gắn bó với đồng ruộng hoặc chưa yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

- Kết cấu hạ tầng kinh tế tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng còn thiếu, chưa đồng bộ, mạng lưới giao thông tuy đã phát triển rộng khắp song tỷ lệ được cứng hoá còn thấp (mới đạt 63%), chưa đáp ứng yêu cầu đi lại và vận tải, các tuyến đường liên thôn xây dựng trước đây chưa theo quy chuẩn, chật hẹp, không đảm bảo cho lưu thông hàng hóa; giao thông nội đồng ít được đầu tư (toàn huyện có182km đường nội đồng vẫn là nền đường đất). Thuỷ lợi chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất và dân sinh kinh tế, nhất là trong điều kiện hạn hán, lũ lụt gay gắt. Tỷ lệ kiên cố hoá kênh mương thấp gây khó khăn cho công tác tưới tiêu. Chất lượng lưới điện nông thôn ở một số xã chưa đảm bảo, nhất là điện phục vụ sản xuất. Hiệu quả khai thác sử dụng kết cấu hạ tầng đã được đầu tư không cao, thậm chí có công trình sử dụng không có hiệu quả hoặc không hết công suất; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế, nhiều dự án đầu tư lớn nhưng chưa phát huy được hiệu quả, như: Dự án khu

Page 115: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

109

neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền, dự án khu nuôi tôm công nghiệp Kim Trung... Mạng lưới chợ nông thôn còn nhiều bất hợp lý, phân bố không đồng đều, chủ yếu là chợ cóc, chợ tạm, tụ điểm buôn bán không đúng nơi quy định, thiếu hệ thống phòng chống cháy nổ, xử lý rác, nước thải.

- Các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh đổi mới còn chậm. Kinh tế trang trại phát triển chưa hiệu quả. Theo đánh giá phân loại của huyện Kim Sơn, năm 2012 đối với HTXNN, thuỷ sản có: 10/33 hợp tác xã hoạt động khá, 21/33 hợp tác xã hoạt động trung bình, còn 02/33 hợp tác xã hoạt động yếu kém. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít, hiệu quả chưa cao, kinh tế nông thôn phát triển chưa bền vững.

Qua điều tra của tác giả về các hình thức tổ chức sản xuất và phát triển KTNT cho thấy hình thức tổ chức các HTX ở khu vực nông thôn là cần thiết trong tổ chức sản xuất và phát triển KTNT. Nhưng thực tiễn cho thấy tổ chức hoạt động của hợp tác xã ở khu vực này còn rất khó khăn, thông qua phiếu thăm dò cho thấy 69% nhân dân đánh giá hoạt động của HTX không hiệu quả. Kinh tế của huyện Kim Sơn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp và kinh tế biển. Cư dân nông thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (đủ ăn) là chính, để có chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh là chưa có. Vì thế phải có cơ chế, chính sách phù hợp, có sự tác động của Nhà nước trên cơ sở quy hoạch theo vùng để phát triển KTNT và trên cơ sở phát triển KTNT, mới có chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vì vậy với địa phương đặc thù như huyện Kim Sơn phát triển KTNT trước hết là kinh tế nông nghiệp phải đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất mà hạt nhân là hình thức hợp tác là quan trọng nhất.

- Tiếp thu, chuyển giao những tiến bộ KH - CN mới vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra được sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có hiệu quả kinh tế, có sức cạnh tranh cao. Việc ứng dụng thành tựu KH - CN trong bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện còn yếu, chủ yếu mang tính sơ chế, sản phẩm thô mà chưa có công nghệ bảo quản chế biến mang tính hiện đại, do đó hiệu quả sản xuất không cao. Việc đưa KH - CN vào lĩnh vực bảo vệ môi trường còn yếu kém, hiện tại trên địa bàn huyện chưa có

Page 116: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

110

nhà máy phân loại, sử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Áp dụng KH - CN trong xử lý rác thải mới dừng lại trong bệnh viện, các cơ sở sản xuất kinh doanh, còn rác thải dân sinh, môi trường nông thôn chưa được xử lý.

- Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hệ thống bảo hiểm sản xuất nông nghiệp chưa được hình thành. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, nhận thức của một bộ phận nhân dân trong bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa được quam tâm đúng mức.

Theo điều tra của tác giả: thu nhập bình quân ở huyện Kim Sơn hiện nay 19,88 triệu/người/năm, 355/459 ý kiến của nhân dân và 186/218 ý kiến của cán bộ cơ sở đánh giá là thấp và cuộc sống còn khó khăn. Như vậy thu nhập của cư dân nông thôn ở Kim Sơn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh Ninh Bình. Các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa ở cơ sở như nhà văn hóa thôn, xóm có 159/298 khu dân cư; nhà văn hóa xã có 3/27; sân thể thao ở các xã mới có ở 16/27 xã thị trấn, chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tác vệ sinh môi trường là vấn đề nhân dân rất quan tâm, nhưng việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí, thiết bị, hình thức xử lý, các dòng sông bị ô nhiễm, các khu dân cư, chất thải, nước thải không được xử lý, mùi hôi ảnh hưởng đến đời sống. Như vậy công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải là cấp bách, cần có đầu tư để xây dựng các cơ sở thu gom, xử lý rác thải bảo vệ môi trường.

- Nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn trình độ còn thấp. Vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chỉ đạt 35%, đặc biệt lao động có chất lượng, tay nghề cao không nhiều, một lực lượng lao động không nhỏ phải đi tìm việc làm ở xa. Công tác đào tạo nghề còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực của huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình còn thấp, nhân lực có trình độ tay nghề cao ít.

3.3.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế - Nguyên nhân khách quan + Trong những năm qua, điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp,

nước mặn xâm thực sâu dẫn đến thiếu nước ngọt trong sản xuất nông nghiệp, sâu

Page 117: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

111

bệnh hại lúa, dịch bệnh trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, do đó sản xuất nông nghiệp gặp rủi ro cao, môi trường sản xuất nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm.

+ Xuất phát điểm của nông nghiệp, nông thôn huyện Kim Sơn đi lên từ mức phát triển thấp. Do vậy, mặc dù đã có những tiến bộ, nhưng thu nhập bình quân đàu người trên năm còn thấp như: thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2010 là 12,52 triệu đồng, năm 2013 là 19,88 triệu đồng.

+ Giá cả thị trường biến động, lạm phát tăng cao gây bất lợi cho nông dân, thị trường tiêu thụ hạn chế, các mặt trái của cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân; thu nhập của nông dân so với các ngành khác quá thấp, nông dân chưa thực sự gắn bó với đồng ruộng.

+ Nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn ở tỉnh Ninh Bình nói chung và nông thôn huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nói riêng chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển KTNT trong xây dựng nông thôn mới.

- Nguyên nhân chủ quan + Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn tuy có

những kết quả đáng kể nhưng cũng còn rất nhiều hạn chế như các công trình văn hóa, thể thao, y tế, môi trường có nhiều nguyên nhân về các lĩnh vực này, nhưng nguyên nhân cơ bản là ở vùng nông thôn chưa được quan tâm đúng mức về phát triển kết cấu hạ tầng như: Đường giao thông, trường học, công trình văn hóa, thể thao, y tế. Những công trình này ở xã do địa phương (xã, huyện) phải chủ động xây dựng, trong khi nguồn lực rất khó khăn, cơ bản các xã thu không đủ ngân sách trong khi yêu cầu cần phải xây dựng trường học chuẩn Quốc gia, y tế cơ sở chuẩn Quốc gia, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn xóm… Hầu hết các xã phải đầu tư và khi xây dựng xong dẫn đến nợ đọng vốn xây dựng cơ bản rất lớn lớn. Đây là nội dung quan trọng cần quan tâm bởi vì địa bàn nông thôn rất rộng, dân số đông, có đóng góp lớn cho cách mạng.

+ Trình độ người lao động, trình độ khoa học kỹ thuật còn thấp, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn chưa cao.

+ Công tác quản lý nhà nước trong kinh tế nông thôn còn nhiều bất cập, khó khăn, hạn chế cả số lượng chất lượng cán bộ quản lý, gây khó khăn trong

Page 118: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

112

các nội dung như: quản lý chất lượng giống, quản lý đất đai, giá và chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, công tác vệ sinh môi trường, giá vật tư nông nghiệp ...

+ Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH của huyện. Bộ máy quản lý từ cấp huyện đến cơ sở còn bất cập, phần lớn các xã chưa có biên chế chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn.

+ Hệ thống cơ chế, chính sách chưa đồng bộ. Chính sách cho khu vực nông thôn: như chính sách đất đai, ứng dụng tiến bộ KH, CN, tín dụng, công tác dạy nghề, y tế, xây dựng ... Đa số nhân dân đều kiến nghị phải có sự điều chỉnh về chính sách cho phù hợp hoặc phải có cải tiến phương thức thực hiện chính sách nếu không ảnh hưởng đến sự thống nhất trong cộng đồng dân cư, tác dụng của chính sách không cao. Các chính sách về phát triển KTNT chưa thực sự tạo ra động lực mới để thúc đẩy quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn như chính sách về vốn, đất đai... Tổ chức thực hiện những tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã có những bất cập làm cho các địa phương cả nước nói chung và huyện Kim Sơn nói riêng rất lúng túng và không thể thực hiện được nếu chưa được tháo gỡ như: Xác định kinh tế trang trại theo tiêu chí quy định tại Thông tư số: 69/2000/TTLT/BNN-TCTK, ngày 23/6/2000 và Thông tư số 62/2003/TTLT/BNN-TCTK, ngày 20/5/2003 của Liên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Tổng cục Thống kê , có nhiều điểm đã lạc hậu so với hiện tại. Ví dụ: Với tiêu chí về quy mô sản xuất đối với trang trại trồng cây hàng năm phải từ 2ha trở lên sẽ khó đạt được bởi Kim Sơn, Ninh Bình diện tích đất nông nghiệp đang thu bị thu hẹp do dân số phát triển, đô thị hóa. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm là rất khó khăn nên các trang trại chưa yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất.

+ Nhận thức của một số cấp ủy chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ.

+ Một số cấp ủy đảng, chính quyền, một bộ phận cán bộ và nhân dân nhận thức về công tác đào tạo nghề cũng còn nhiều hạn chế. Việc chuyển nghề mới để ổn

Page 119: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

113

định cuộc sống chưa hiệu quả và có người khi nhận tiền đền bù chủ yếu nghĩ đến mua sắm, chưa tập trung cho chuyển nghề, một bộ phận nhân dân ngoài nghề nông ra không biết làm nghề khác. Trong thực tế, một bộ phận nông dân băn khoăn về tương lai, do không còn đất canh tác, không biết tìm thu nhập lâu dài bằng gì vì không có nghề khác, trong khi nhu cầu ăn, mặc, đi lại, học tập, chữa bệnh… ngày càng cao. Vì vậy đã tạo ra xung đột giữa nông dân với nhà nước (hình thức là đối đầu với doanh nghiệp, chậm hoặc không giải phóng mặt bằng, thắc mắc, khiếu kiện…), gây bất ổn về an ninh, trật tự xã hội ở các địa phương. Cơ sở đào tạo nghề (Trung tâm dạy nghề của huyện) mới thành lập nên cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị còn nhiều bất cập, chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực (nhất là nguồn nhân lực trình độ cao) cho sản xuất và đời sống. Việc dạy nghề của các Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm nói chung vẫn nằm trong tình trạng xuất phát từ phía cung, có nghĩa là giảng dạy, hướng dẫn những kiến thức kỹ năng mà các tổ chức dạy nghề có, không thực sự xuất phát từ yêu cầu của người học, từ phía cầu. Việc dạy nghề chưa kết hợp với sử dụng tạo việc làm, chưa gắn kết với việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho số lao động nông thôn. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản làm cho người nông dân thiếu hào hứng tham gia học nghề.

Từ những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế về phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình thời gian qua cho thấy những vấn đề đặt ra trong thời gian tới cần tập trung giải quyết là:

- Chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện quy hoạch nông thôn mới đồng bộ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển dịch vụ ở nông thôn, đặc biệt đối với phát triển các loại hình dịch vụ và du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Kim Sơn.

- Tiếp tục tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực; phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong nông thôn.

- Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đây là nhiệm vụ đầu tiên, cần phải làm trước, để làm cơ sở cho phát triển kinh tế nông thôn ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

- Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn và thực thi hệ thống các chính sách thích ứng cho phát triển KTNT.

Page 120: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

114

- Tăng cường chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tóm lại, thực trạng KTNT trong XDNTM ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực như: Sản xuất nông nghiệp, thủy sản có nhiều bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, về năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. KTNT chuyển dịch theo hướng tích cực; các làng nghề truyền thống được khôi phục và mở rộng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng KT - XH được đầu tư tạo diện mạo mới cho nông thôn Kim Sơn. Phương thức canh tác có sự thay đổi tiến bộ; ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất; hiện đại hóa các khâu của quá trình sản xuất, sự phát triển của các loại hình tổ chức sản xuất và đa dạng của các thành phần kinh tế ở khu vực nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi cho KTNT phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, KTNT ở huyện Kim Sơn vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa bền vững như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa vững chắc; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp; hàm lượng trí tuệ, khoa học, công nghệ trong sản phẩm còn thấp, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, chất lượng không cao. Từ những hạn chế đó đặt ra một số vấn đề mà huyện Kim Sơn cần tập trung giải quyết để phát triển KTNT trong XDNTM hiệu quả.

Page 121: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

115

Chương 4 QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN

TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN KIM SƠN TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2020

4.1. QUAN ĐIỂM CƠ BẢN PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN TRONG

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN KIM SƠN TỈNH NINH BÌNH

Kinh tế nông thôn là nội dung quan trọng trong quá trình phát triển KT - XH nông thôn; tập trung đầu tư mọi nguồn lực phát triển KTNT là nhiệm vụ hàng đầu, trọng tâm cốt lõi trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM. Tư tưởng chỉ đạo phát triển KTNT trong XDNTM là tập trung khai thác nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực bên ngoài, đẩy nhanh tốc độ phát triển KTNT. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Trên nền tảng tư tưởng chủ đạo trên, phát triển KTNT trong XDNTM ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 cần quán triệt các quan điểm sau:

4.1.1. Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị thực hiện

Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự phối hợp của các ngành, của hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình, trong đó nội dung cốt lõi là phát triển KTNT. Nêu cao vai trò của các chi bộ, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, huy động tối đa sự tham gia đóng góp của cộng đồng về trí tuệ, công sức và nguồn lực. Kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới phải cụ thể, chi tiết, phân công rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Cấp ủy đảng cần thường xuyên quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện tốt đường lối chủ trương phát triển kinh tế nông thôn được xác định trong các

Page 122: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

116

văn kiện của Đảng cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng vùng. Chính quyền các cấp tự huyện đến xã có trách nhiệm hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn và đặt nó trong Chương trình xây dựng nông thôn mới trên từng địa bàn xã. Các ban ngành đoàn thể, đặc biệt Hội nông dân cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn dân cư tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Nghiên cứu, quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm túc đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đặc biệt là công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vị trí vai trò quan trọng về phát triển KTNT trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

4.1.2. Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Trong Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương (khóa IX) nêu rõ nội dung tổng quát của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn:

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu khoa hoc, công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học, đưa thiết bị, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường [40, tr.93].

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng chỉ rõ: “Phải luôn luôn coi trọng đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng xuất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; tạo điều kiện từng bước hình thành nền nông nghiệp sạch” [41, tr.191].

Như vậy, đẩy nhanh quá trình CNH nông nghiệp, HĐH nông thôn là vấn đề cốt lõi của phát triển KTNT trong XDNTM trên phạm vi toàn quốc trong đó

Page 123: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

117

huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình cần quán triệt sâu sắc để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nhằm mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, nhanh chóng xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp tập chung để sớm phát huy hiệu quả, làm hạt nhân tăng trưởng, động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế trong nông thôn. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; phát huy được các lợi thế và tạo sản phẩm mũi nhọn của địa phương.

4.1.3. Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới phải phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế

Kinh tế nông thôn là một bộ phận cấu thành trong nền kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế nông thôn phải nằm trong tổng thể phát triển kinh tế của đất nước, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Trong kinh tế nông thôn việc mở rộng phát triển thương mại dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu KTNT là yêu cầu cần thiết. Đồng thời xây dựng phát triển KTNT với sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để thực hiện quan điểm này cần quán triệt các yêu cầu sau: - Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới phải nhằm thực

hiện thành công mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước khá giả hơn.

- Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới phải dựa trên cơ chế vận hành của kinh tế thị trường định hướng XHCN, đó là cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước ở tầm vĩ mô.

- Phát triển KTNT trong xây dựng nông thôn mới phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bởi hội nhập quốc tế đem lại cả những cơ hội mới đòi hỏi chúng ta phải khai thác tốt để phát triển lực lượng sản xuất trong KTNT nhưng nó cũng đặt ra những thách thức đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc thận trọng khi tiến hành.

Page 124: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

118

Phát triển KTNT trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trong điều kiện hội nhập kinh tế, liên kết, liên doanh với các địa phương trong nước và nước ngoài để quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh các ngành kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp hàng hóa đa dạng, phong phú để phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương.

4.1.4. Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới phải là sự nghiệp của toàn dân, trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng của các thành phần kinh tế

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến nông thôn và giai cấp nông dân, đây là lực lượng quần chúng quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Vì vậy phát triển KTNT là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, của các thành phần kinh tế, của mọi tầng lớp nhân dân; các cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong phát triển KTNT.

Phát triển kinh tế nhiều thành phần là một chủ trương, chiến lược lâu dài của Đảng và nhà nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; Do vậy cần phát huy hiệu quả tiềm năng của các thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn là thiết thực để tạo sự chuyển biến vững chắc cho phát triển kinh tế nông thôn. Trong đó kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc trong KTNT. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật trong phát triển KTNT đều là bộ phận hợp thành quan trọng của QHSX mới ở nông nghiệp, nông thôn, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác cạnh tranh lành mạnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển KTNT; cần tổ chức sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp, nông thôn. Phát triển mạnh kinh tế hộ dưới hình thức gia trại và trang trại; hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác và HTX trên cơ sở liên kết, hợp tác tự nghuyện.

Huy động mọi nguồn lực của xã hội tổ chức triển khai thực hiện các nội dung về xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí quốc gia ở tất cả các xã trong

Page 125: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

119

huyện, chú trọng các tiêu chí về phát triển lực lượng sản xuất và các tiêu chí củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất; trong đó có sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước trên cơ sở thực hiện lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu và sự tham gia của nhân dân, của doanh nghiệp để xây dựng nông thôn mới ở từng xã trong huyện và tổng thể toàn huyện. Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn.

4.1.5. Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới phải gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ vững chắc an ninh, quốc phòng

Gắn phát triển KTNT với giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của mỗi quốc gia, đặc biệt đối với nước ta hiện nay đang trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Chủ động phòng tránh và hạn chế tác động xấu của bên ngoài. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt việc gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội.

Thực tế hiện nay, việc bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái ở nông thôn còn nhiều bất cập. Đặc biệt là tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất, rừng, nước; tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng và ngày càng khó kiểm soát. Do đó, công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái ở nông thôn thời gian tới rất quan trọng và cần thiết.

Kim Sơn là huyện ven biển, tỷ lệ đồng bào theo đạo Công giáo là 46,7%, là huyện có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng. Vì vậy giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, xây dựng thế trận phòng thủ khu vực vững chắc, nêu cao tinh thần cảnh giác với âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trong mọi tình huống. Đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam. Trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn nhất là phát triển KTNT cần chú ý tới xây dựng thế trận phòng thủ của huyện trong thế trận phòng thủ khu vực. Đảm bảo an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo trên địa bàn huyện.

Page 126: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

120

4.2. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN KIM SƠN TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2020

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển KTNT nhằm đạt được các mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM. Tỉnh Ninh Bình nói chung và huyện Kim Sơn nói riêng cần thực hiện đồng bộ một hệ thống giải pháp. Phải xác định rõ các giải pháp trọng điểm, giải pháp đột phá và có lộ trình thực hiện phù hợp với nguồn lực hiện có. Trong luận án này, tác giả chỉ mong muốn nêu một số giải pháp nhằm vào những vấn đề còn yếu hoặc còn thiếu nhưng rất cần phải có với hy vọng đóng góp cho phát triển KTNT trong XDNTM ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.

4.2.1. Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Một trong những yếu tố hàng đầu đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế nông thôn bền vững phải là công tác quy hoạch, để thông qua đó phát hiện và nắm bắt chính xác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng làm cơ sở cho việc xác định kế hoạch phát triển nghề, mặt hàng nông sản… để khai thác có hiệu quả, bền vững được tài nguyên kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái và ổn định xã hội.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình phải chú ý các nội dung sau:

- Phát triển hàng hoá đa dạng, cùng với thế mạnh là sản xuất lương thực; hình thành các vùng chuyên canh rau, cây ăn quả, hoa, chăn nuôi gia súc, gia cầm mở rộng nuôi trồng thuỷ sản, cây cảnh. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, cơ khí phục vụ nông nghiệp, các cụm, điểm công nghiệp dịch vụ và làng nghề nông thôn.

- Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gắn với phát triển các thị trấn, thị tứ

+ Phát triển các cơ sở chế biến nông sản có sử dụng nguồn lực từ nông nghiệp trong khu vực. Phát triển các cơ sở dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp - công nghiệp, trọng tâm là tiêu thụ nông sản, cung cấp hàng tiêu dùng phục vụ

Page 127: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

121

sinh hoạt cho người dân xung quanh địa bàn. Do đó, sẽ có tác dụng kích cầu, thúc đẩy sản xuất hàng hoá và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

+ Quy hoạch hệ thống chợ nông thôn phù hợp với đặc điểm của huyện ven biển, chú trọng cải tạo nâng cấp các chợ hiện có phù hợp với quy hoạch. Trước mắt nâng cấp chợ Năm Dân ở trung tâm huyện trở thành trung tâm thương mại của huyện. Phát huy tác dụng của chợ thủy sản Kim Đông; Cải tạo nâng cấp chợ Qui Hậu, chợ Văn Hải, chợ Cồn Thoi; mở rộng quy hoạch các chợ: Lưu Phương, Lạc Thiện; hình thành các chợ mới theo quy hoạch.

+ Thu hút một bộ phận dân cư nông thôn chuyển dịch khi lao động nông nghiệp sang hoạt động công nghiệp, dịch vụ đến sinh sống tại các đô thị này. Đến năm 2020, chỉ còn 50% dân số ở nông thôn.

Rà soát quy hoạch các thị trấn, thị tứ, có đề án quy hoạch mở rộng, bổ xung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các khu vực này (bao gồm các hệ thống giao thông, cấp thoát nước, cấp điện, thông tin, trường học, bệnh viện, công trình thể thao, văn hoá…). Đồng thời phát triển thêm các thị trấn, thị tứ mới gắn với các khu công nghiệp hoặc trung tâm cụm xã.

- Quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu nhằm phục vụ dân cư trên địa bàn các địa phương theo quy định chuẩn đáp ứng với yêu cầu quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá (ở xã là giao thông liên xã, liên thôn; hệ thống cung cấp điện; trạm cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trường THCS, tiểu học, mầm non; trạm xá xã, sân vận động; Trung tâm văn hoá và trụ sở xã, chợ… Ở thôn là giao thông liên xóm, liên gia; khu chơi thể thao thôn; nhà văn hoá thôn; hệ thống cấp thoát nước đến từng gia đình…).

- Quy hoạch hệ thống bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn. Dành đất cho hình thành các khu chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tập trung, các khu dành cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp để từ năm 2015 phải tách các cơ sở này ra khỏi khu dân cư nhằm tránh ô nhiễm môi trường sống (đồng thời thuận lợi, tiết kiệm hơn cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật; xử lý chất thải, phòng chống dịch bệnh… cho các khu sản xuất này).

- Phát triển sản xuất và chế biến các loại nông sản hàng hoá xuất khẩu cần tính đến lợi thế của địa phương như: rượu, gạo, ngao, các sản phẩm tiểu thủ công

Page 128: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

122

nghiệp của cây cói, cây bèo tây, cây đào phai ... với qui mô hợp lý, tập trung nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là gia súc, gia cầm; nuôi trồng thuỷ sản cả nước ngọt, nước nợ và vùng bãi bồi, vùng Cồn Nổi; duy trì sản lượng đánh bắt bền vững trên vùng biển gần bờ và xa bờ.

- Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, ngành nghề, dịch vụ và công nghiệp nông nghiệp nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nông dân.

Xuất phát từ thực tiễn của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, trên cơ sở Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT, ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và môi trường, Qui định việc lập, thẩm định, phê duyệt qui hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới ở huyện Kim Sơn phải tập trung thực hiện những vấn đề sau:

- Xây dựng quy hoạch xã nông thôn mới phải được đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, của huyện và có tính đến xu hướng toàn cầu hoá và sự bùng nổ của khoa học - công nghệ. Phát triển KTNT là nội dung quan trọng trong XDNTM, vì vậy trong quy hoạch xã nông thôn mới phải chú trọng quy hoạch phát triển KTNT đó là các quy hoạch: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng.

Quy hoạch nông thôn mới (quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới) bao gồm: quy hoạch định hướng phát triển không gian; quy hoạch sử dụng đất và kết cấu hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới; quy hoạch các khu dân cư và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp.

Nội dung quy hoạch gồm: * Quy hoạch không gian toàn xã - Quy hoạch không gian tổng thể toàn xã, cần nghiên cứu các phương án,

cơ cấu tổ chức không gian, lựa chọn giải pháp phù hợp với điều kiện tự nhiên,

Page 129: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

123

kinh tế xã hội và hiện trạng của xã. Quy hoạch không gian tổng thể toàn xã là căn cứ để triển khai các quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.

- Quy hoạch và tổ chức hệ thống khu dân cư mới và cải tạo thôn, xóm cũ: xác định quy mô dân số, chỉ tiêu đất cho từng hộ, quy mô chiếm đất và nhu cầu đất của thôn, xóm, trên cơ sở khu dân cư cũ. Đối với các xã ven biển, ven sông cần quy hoạch các công trình phòng chống thiên tai bão, lũ để bảo vệ người và tài sản của nhân dân khi bão lũ xẩy ra.

- Quy hoạch và tổ chức hệ thống các công trình công cộng, bảo tồn công trình văn hóa lịch sử, xác định vị trí, quy mô, định hướng kiến trúc các công trình công cộng cấp xã; các khu vực có tính đặc thù khác.

- Quy hoạch và tổ chức hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật toàn xã kết nối các thôn, xóm với vùng sản xuất, với trung tâm xã và vùng liên xã (bao gồm hạ tầng phục vụ sản xuất và phục vụ đời sống).

Các quy hoạch nêu trên và các quy hoạch có liên quan hướng theo các mục tiêu đến năm 2020. Quy hoạch tổng thể phải đi trước một bước, làm cơ sở cho xây dựng các quy hoạch khác (khắc phục tình trạng thiếu quy hoạch, không có cơ chế bắt buộc thực hiện theo quy hoạch đang gây tình trạng tự phát, lộn xộn, tốn phí nguồn lực trước mắt và lâu dài như hiện nay).

- Đối với thôn, xóm và khu dân cư mới: Xác định qui mô dân số, số hộ, công trình công cộng thôn, khu dân cư mới. Xác định hệ thống thôn, xóm và khu dân cư mới. Chú ý các khu dân cư mới không quy hoạch ven các trục đường mới, mà quy hoạch thành khu tập trung, gắn liền với quy hoạch điện, nước, môi trường, công trình phúc lợi.

Cơ cấu phân khu chức năng, tổ chức không gian; yêu cầu, nguyên tắc, định hướng giải pháp tổ chức không gian tổ chức, xác định vị trí, qui mô trung tâm thôn, dân cư tập trung; khu sản xuất, các khu vực có khả năng phát triển, hạn chế phát triển, khu vực không xây dựng và các khu vực khác; các vùng đặc thù, công trình đầu mối, kết nối hạ tầng.

Cải tạo chỉnh trang thôn, xóm, nhà ở: định hướng tổ chức không gian ở, các qui định về kiến trúc màu sắc, hướng dẫn cải tạo nhà, tường rào, cổng phù

Page 130: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

124

hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, kiến trúc vật liệu truyền thống của địa phương, thiết kế mẫu nhà phù hợp ở nông thôn. Các chỉ tiêu cơ bản về dân số, đất, công trình công cộng của thôn, xóm, khu dân cư cũ và xây dựng mới.

- Quy hoạch nhà ở dân cư: Đưa ra các mẫu nhà ở và bố trí khuôn viên nơi ở để các hộ nông dân tham khảo áp dụng cho phù hợp vùng nông thôn ven biển, nhưng phải hướng tới đáp ứng các yêu cầu văn minh, hiện đại như: có điện, có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sử dụng biogas. Nơi ở phải cách xa khu chăn nuôi, có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, có xử lý và thu gom rác thải để đảm bảo vệ sinh môi trường, cải tạo bố trí tường rào, vườn cây để tạo cảnh quan đẹp…

- Đối với trung tâm xã: Xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất, dự báo qui mô xây dựng mới hoặc cải tạo, định hướng kiến trúc đặc trưng đối với khu trung tâm và từng công trình công cộng cấp xã.

Nội dung, yêu cầu và nguyên tắc tổ chức không gian kiến trúc, giải pháp kiến trúc công trình công cộng và dịch vụ, cây xanh, vùng phát triển, vùng hạn chế xây dựng, vùng cấm xây dựng, vùng bảo tồn.

Các chỉ tiêu về quy hoạch đất đai, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trung tâm xã. Xác định các dự án ưu tiên đầu tư tại trung tâm xã và các thôn, xóm, khu vực được lập quy hoạch.

- Quy hoạch mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật gồm: giao thông, thoát nước, cấp nước, cấp điện, thoát nước thải, vệ sinh môi trường, nghĩa trang toàn xã, thôn, xóm, vùng sản xuất và liên xã. Xác định hệ thống, vị trí, qui mô danh mục công trình, định hướng giải pháp cải tạo chỉnh trang, tiêu chuẩn kỹ thuật, mặt cắt chính đáp ứng yêu cầu phát triển của từng giai đoạn quy hoạch và bảo vệ môi trường. Quy hoạch chỉnh trang hệ thống thoát nước thôn xóm, hệ thống thống xử lý rác thải; quy hoạch nghĩa địa. Quy hoạch các không gian mặt nước, cây xanh gắn với các khu, cụm dân cư.

Các quy hoạch cần được coi trọng là: * Qui hoạch sử dụng đất: Đất đai là tài nguyên Quốc gia và có hạn, sử

dụng đất phải tiết kiệm, có hiệu quả vì vậy quy hoạch sử dụng đất trong nông thôn để phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là hết sức quan trọng gồm các nội dụng sau:

Page 131: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

125

+ Lập quy hoạch sử dụng đất: Xác định diện tích các loại đất trên địa bàn xã đã được huyện phân bổ. Xác định diện tích đất cho nhu cầu phát triển, cụ thể: diện tích đất lúa, đất trồng cây hàng năm còn lại, đất nông nghiệp khác, đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp của xã, đất nghĩa trang, nghĩa địa do xã quản lý, đất sông, đất phát triển hạ tầng của xã, đất phi nông nghiệp khác và đất chưa sử dụng. Trong quá trình lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cần xác định diện tích những loại đất khi chuyển mục đích sử dụng phải xin phép theo qui định của pháp luật hiện hành. Xác định diện tích các loại đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng.

+ Lập kế hoạch sử dụng đất: phân chia các chỉ tiêu sử dụng đất theo mục đích sử dụng, diện tích đất phải chuyển mục đích sử dụng, diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng. Cụ thể: Phân kỳ sử dụng đất theo 2 giai đoạn: 2013 - 2015 và 2016 - 2020. Lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho giai đoạn 2013 - 2015. Hệ thống chỉ tiêu và biểu quy hoạch sử dụng đất.

* Quy hoạch sản xuất. + Quy hoạch sản xuất nông nghiệp: Xác định tiềm năng, qui mô của từng

loại hình sản xuất (những cây trồng, vật nuôi hiện là thế mạnh của địa phương và định hướng những cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương; dự báo khả năng sản xuất, sản lượng theo từng giai đoạn; định hướng phát triển đầu ra cho sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao, có giá trị trên thị trường).

Phân bổ khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa ngành trồng trọt (lúa, màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây cảnh); khu chăn nuôi; khu nuôi trồng thủy sản; nhà xưởng bảo quản chế biến; công nghiệp và dịch vụ. Hạng mục quy hoạch phải rõ vị trí theo thôn, xóm.

Xác định mạng lưới kết cấu hạ tầng gồm: giao thông nội đồng (thể hiện đường đến cánh đồng 1ha trở lên); thủy lợi (kênh mương tự nhiên và nhân tạo đến kênh cấp, kết hợp giao thông với thủy lợi).

Hệ thống điện hạ thế phục vụ sản xuất, hệ thống cấp và thoát nước thải khu ao nuôi thủy sản.

+ Quy hoạch sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ: Xác định tiềm năng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; dịch vụ; tài nguyên, đất đai, lao động.

Page 132: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

126

Bảo tồn các nghề truyền thống như: Bún mọc, giò, chả, làm miến, rượu ..., lựa chọn nghề mới, loại ngành CN - TTCN, dịch vụ cần phát triển và giải pháp chủ yếu để đạt được mục tiêu phát triển KTNT trong xây dựng nông thôn mới.

Xác định tiêu chí phát triển CN - TTCN, dịch vụ của xã (tỷ trọng giá trị CN - TTCN, dịch vụ trên giá trị tổng sản lượng sản xuất trên địa bàn).

4.2.2. Phát triển kinh tế nông thôn toàn diện theo hướng hiện đại Trên cơ sở quy hoạch dựa trên lợi thế so sánh của huyện là có thế mạnh,

tiềm năng về sản xuất lúa chất lượng cao, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, các sản phẩm thủy, hải sản của vùng bãi bồi ven biển; để xác định vùng sản xuất hàng hoá tập trung và xuất khẩu để thực hiện thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế nông thôn toàn diện theo hướng hiện đại. Từ nay đến năm 2020 huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cần tập trung thực hiện các nội dung như sau:

- Đối với ngành nông nghiệp: tập trung nỗ lực tạo bước chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng, phát triển nhanh và bền vững với năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi so với trồng trọt và tăng tỷ trọng cây công nghiệp, rau, hoa quả so với cây lương thực; đồng thời tăng tỷ trọng hàng thủy sản trong cơ cấu nông nghiệp hàng hóa. Phát triển mạnh kinh tế trang trại, gia trại và các mô hình sản xuất tổng hợp.

+ Triển khai tổ chức dồn điền đổi thửa trên địa bàn từng xã: Công tác dồn điền đổi thửa là khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và trong xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện nhiệm vụ này phải tổng kiểm tra lại toàn bộ đất nông nghiệp, số mảnh của từng hộ, từng vùng sản xuất. Xây dựng phương án đồn điền đổi thửa gắn với yêu cầu sản xuất của từng xã như: vùng của những hộ nông dân không có nhu cầu sử dụng đất, vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản, cây, con, vùng rau mầu, vùng thủy sản, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phương án được nhân dân bàn, thảo luận công khai và tổ chức thực hiện đồng bộ.

+ Tổ chức thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn với các nội dung cụ thể: Một là, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, là một trong những chương trình thể

hiện rõ nét vai trò “liên kết 4 nhà”, trong đó cần xem doanh nghiệp và nông dân là những chủ thể chính.

Page 133: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

127

Để CĐML thực sự đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, cần xây dựng các mô hình sản xuất, cung ứng. Theo đó, cần phối hợp chặt chẽ các doanh nghiệp với các HTX dịch vụ nông nghiệp từ khâu đầu vào, đào tạo nhân lực, cho tới bao tiêu sản phẩm đầu ra. Sản xuất của CĐML nên theo các đơn đặt hàng của doanh nghiệp để tránh tình trạng sản xuất thừa, dẫn tới mất giá. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của CĐML là đòi hỏi cấp bách. Trong xây dựng thương hiệu, càng cần vai trò của nhà doanh nghiệp, nhà khoa học cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có sự điều tiết, quản lý, chính sách ưu đãi đối với các Doanh nghiệp đầu tư vào CĐML.

Hai là, tổ chức hợp lý các CĐML. Việc xây dựng CĐML là nhằm đưa ra giải pháp cho sản xuất hàng hoá ở nông thôn, cần gắn chặt với chương trình xây dựng nông thôn mới, là bàn đạp cho nông thôn mới phát triển. Việc xây dựng CĐML cần kế hoạch định rõ về số lượng, phân bố. Xây dựng quá nhiều CĐML sẽ càng gây nên khó khăn cho bao tiêu sản phẩm.

Bà là, thực hiện CĐML cần được gắn chặt với công tác đào tạo nghề cho nông dân một cách thiết thực, hiệu quả, đào tạo quản lý kinh tế cho cán bộ hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cũng như nhận thức của doanh nghiệp thực hiện đầu tư vào nông nghịêp. Vấn đề thay đổi tư duy tổ chức sản xuất cho nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của công tác tư tưởng; khi nhận thức đầy đủ về những lợi ích từ CĐML người nông dân nhất định sẽ chung tay thực hiện CĐML thành công.

Bốn là, phát triển hài hoà giữa công nghiệp, nông nghiệp. Để thực hiện được vấn đề này, trước hết cần thẩm định chặt chẽ các dự án công nghiệp trước khi cấp phép đầu tư, tránh tình trạng để nhiều doanh nghiệp tồn tại nhưng hoạt động không hiệu quả, vừa chiếm nhiều ruộng đất, vừa không đem lại ích lợi cho xã hội cho địa phương, cho người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch và sử dụng đất đai, để tránh lãng phí, sai mục đích. Ưu tiên cho việc thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các doanh nghiệp này mới có đủ tiềm lực về vốn, khoa học, kỹ thuật, trình độ quản lý để nâng

Page 134: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

128

cao hiệu quả kinh tế của các trang trại. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn hỗ trợ các chủ trang trại là nông dân về đầu vào, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

- Phát triển mạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Công nghiệp nông thôn bao gồm doanh nghiệp được xây dựng trên địa bàn huyện, xã hoặc các làng nghề nông thôn, trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất nông sản hoặc sử dụng nguyên liệu nông nghiệp, lao động chủ yếu từ nông thôn.

Công nghiệp nông thôn có vai trò quan trọng, là động lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn.

Tiểu thủ công nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong KTNT, là bước khởi đầu cho sự phát triển công nghiệp nông thôn, là nội dung quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động trong KTNT.

Để phát triển CN, TTCN nông thôn trước tiên phải coi trọng một số giải pháp sau:

+ Xây dựng bản đồ quy hoạch công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên phạm vi toàn huyện, đồng thời quy hoạch chi tiết cho tất cả các cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn ở từng xã. Mỗi cụm công nghiệp phải có qui mô 10ha trở lên để tiết kiệm chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xử lý môi trường. Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, mở rộng các loại hình dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

+ Phát triển, hiện đại hóa đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật: đối với trồng trọt là hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng, cơ sở chế biến, kho tàng bảo quản. Đối với chăn nuôi: hệ thống chuồng trại tập chung, đường điện, giao thông nội bộ, cấp thoát nước, giết mổ, xử lý phân, cơ sở sản xuất thức ăn; sản xuất thuốc thú y. Đối với thuỷ sản: hệ thống cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trồng, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống sản xuất thức ăn, tàu thuyền (trọng tâm là tàu đánh cá xa bờ), bến cảng, cơ sở hậu cần nghề cá biển, hệ thống cứu hộ cứu nạn. Đối với lâm nghiệp: hệ thống giao thông phục vụ khai thác, phương tiện phòng cháy chữa cháy.

Page 135: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

129

+ Đầu tư mạnh cho ứng dụng cơ khí hoá vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, phấn đấu nâng tỷ lệ các khâu sản xuất, chế biến lên thấp nhất 50% mức trang bị thiết bị động lực lên 2,5CV/ha vào năm 2020 (thay vì 0.5CV/ha như hiện nay) như máy cày, máy bừa, máy gặt ...

+ Lựa chọn công nghiệp, làng nghề phù hợp lợi thế so sánh. Với mỗi cụm công nghiệp làng nghề, phải căn cứ lợi thế so sánh và dự báo thị trường dài hạn để định hướng bố trí ngành sản xuất phù hợp. Hướng chung cần thu hút bố trí các nghề có yêu cầu thu hút nhiều lao động (sản phẩm cói, sản phẩm cây bèo tây, may, mộc, vật liệu xây dựng…) và phát triển chế biến nông sản để phục vụ trực tiếp cho nông nghiệp địa phương.

+ Đối với các doanh nghiệp có sử dụng nguyên liệu từ nông nghiệp, bên cạnh việc bảo hộ sản xuất nguyên liệu cho nông dân thì có thể hỗ trợ tài chính (thông qua miễn giảm thuế) khi mất mùa nông nghiệp. Đồng thời phải giáo dục và xử lý bằng pháp luật đối với trường hợp người dân không tôn trọng hợp đồng với doanh nghiệp nhằm đảm bảo giảm thiểu rủi ro cho cả doanh nghiệp và nông dân.

- Khuyến khích phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại nông thôn Hoạt động dịch vụ ở nông thôn là rất quan trọng và cần thiết trong phát

triển kinh tế nông thôn, nhất là trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Để ngành dịch vụ trong KTNT phát triển bền vững cần thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, tăng cường khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật; tuyên truyền phổ biến, tập huấn kỹ thuật, không ngừng nâng cao trình độ quản lý, sản xuất thâm canh cho các chủ trang trại; tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất. Từng bước đổi mới, tạo mức chuyển biến trong công tác khuyến nông, khuyến ngư, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ sạch, Biogas, công nghệ bảo quản và chế biến đối với rau, quả, thịt, sữa… nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của nông sản.

Hai là, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân, các chủ trang trại tham gia tiêu thụ,

Page 136: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

130

chế biến, xuất khẩu nông sản cho nông dân. Thực hiện tốt liên kết 4 nhà, ở các cấp một cách có hiệu quả. Liên kết trang trại, nhằm dễ dàng huy động vốn, tiếp cận khoa học, kỹ thuật mới; trao đổi kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất; liên doanh, liên kết và xây dựng thương hiệu. Qua hiệp hội, các chủ trang trại có thể tiếp xúc với các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia;… Tập trung phát triển ngành dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nhất là hệ thống ngân hàng, khoa học, công nghệ, bưu chính viễn thông … Xây dựng thương hiệu hàng hóa đối với hàng hóa đặc sản của huyện như: Rượu, Ngao, Bún …Phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản tạo thế mạnh của huyện ven biển. Tạo chuyển biến mạnh về hiệu quả hợp tác và đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng để nâng một bước khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp của địa phương trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ba là, tháo gỡ khó khăn trong công tác vay và cho vay vốn các trang trại, gia trại. Các ngân hàng cần linh hoạt, gọn nhẹ hơn trong các thủ tục cho vay vốn, cần tạo điều kiện để trang trại tiếp cận các nguồn vốn vay chính thức, tăng tỷ lệ vốn vay chính thức trong cơ cấu vốn đầu tư phát triển của trang trại. Về phía các chủ trang trại, cũng cần thay đổi cách thức làm ăn theo hướng quy mô lớn, có các dự án phát triển kinh tế cụ thể, thuyết phục.

Bốn là, Tiếp tục chỉ đạo lồng ghép các chương trình, chính sách XDNTM với phát triển thương mại nông thôn, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước và thu hút vốn từ các đơn vị, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế phục vụ phát triển thương mại nông thôn. Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thị trường trên địa bàn nông thôn, chống sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; trước hết tập trung quản lý hàng vật tư sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu.

4.2.3. Huy động các nguồn vốn và đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ cho phát triển kinh tế nông thôn

Vốn là nhân tố không thể thiếu trong quá trình phát triển KTNT ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nhu cầu vốn cho phát triển KTNT ở huyện Kim Sơn

Page 137: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

131

hiện nay và thời gian tới là rất lớn. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu đó phải đa dạng hóa các nguồn vốn và biện pháp huy động vốn. Đa dạng hóa các nguồn vốn gồm: vốn trong nước, vốn nước ngoài, vốn của địa phương ... cụ thể:

Một là, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, hướng dân UBND các huyện xác định và bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách một cách hợp lý, thỏa đáng cho KTNT. Chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng nhất là Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt, mền dẻo Quyết định số: 497/QĐ-TTg, ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi xuất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư sản xuất nông nghiệp và Nghị định số: 41/2010/NĐ-CP, ngày 12/4/2010 của Chính phủ về hỗ trợ cho vay vốn nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, các địa phương (tỉnh, huyện, xã, thôn) kêu gọi, huy động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, con em quê hương công tác ở trong và ngoài nước đóng góp, tài trợ, ủng hộ quê hương phát triển KTNT xây dựng nông thôn mới.

Hai là, Có những chính sách thiết thực cụ thể để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân trên địa bàn của địa phương, coi huy động vốn tại chỗ là cần thiết, quan trọng, cùng với lựa chọn tiếp nhận vốn của các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia nguồn lực tài chính tạo điều kiện để phát triển kinh tế nông thôn ở các địa phương.

Ba là, UBND các xã, Ban quản lý thôn (xóm) trực tiếp tiếp nhân, quản lý, sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả theo hướng dẫn của tỉnh, của huyện, đúng quy định của pháp luật. Triển khai, tổ chức thi công các công trình kết cấu hạ tầng công khai dân chủ với phương châm: dân biết, dân hiểu, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ.

Nguồn lực khoa học - công nghệ ở nông thôn trên phạm vi tỉnh Ninh Bình nói chung, huyện Kim Sơn nói riêng còn ở trình độ rất hạn chế. Trước sức ép của hội nhập quốc tế, để tăng sức cạnh tranh của nông sản và rút ngắn bước đi của xây dựng nông thôn mới thì phải giải pháp đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH - CN phải được coi là đòn bảy, có vai trò rất then chốt. Do vậy, thời gian tới huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình cần tập trung:

Page 138: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

132

- Đầu tư mạnh cho ứng dụng tiến bộ KH - CN, đặc biệt là công nghệ sinh học vào tạo giống, chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị sản xuất/đơn vị diện tích; qui trình nuôi trồng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cấp huyện cần xây dựng mô hình thực nghiệm về giống, cây con, nhất là chuyển giao KH - CN vào sản xuất nông nghiệp để nhân rộng, coi đây là động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn hiện đại hoá là nền móng cho phát triển kinh tế nông thôn. Tăng cường công tác ứng dụng công cụ lao động vào sản xuất như: máy gặt, máy cấy, gieo xạ .... Tập trung thay đổi chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để hạn chế dư lượng các hóa chất nông nghiệp, thuốc phòng trừ sâu bệnh trong sản phẩm nông nghiệp và trong môi trường đất, nước.

- Ngân hàng cần có chính sách cho vay ứng trước và mua lại sản phẩm KH - CN đối với tổ chức, cá nhân đăng ký nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng đề tài KH - CN vào sản xuất ở nông thôn. Phát triển mạnh mô hình khuyến nông về sản xuất nông nghiệp và mô hình xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ một phần các trang trại, HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất tư nhân ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới lần đầu vào sản xuất.

- Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư đi kèm với công nghệ tiên tiến, có chính sách khuyến khích để thu hút lao động, các nhà khoa học giỏi về làm việc ở khu vực nông thôn. Tích cực chuyển giao các phát minh khoa học, kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn. Phát triển các trạm nghiên cứu và dịch vụ tư vấn, cung cấp vật tư thiết bị trước hết là ở các khu công nghiệp nông thôn, vùng phát triển chăn nuôi tập trung, các vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp khác.

- Đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn có trình độ, nhất là ở các HTX nông nghiệp, thủy sản, ở Phòng nông nghiệp cấp huyện. Thực hiện chế độ nghĩa vụ đối với sinh viên đại học (ngành liên quan đến nông nghiệp, nông thôn) về công tác tại cơ sở xã có thời hạn 3 - 5 năm. Kèm theo chế độ phụ cấp (tối thiểu bằng 50% mức lương đối với Đồng Bằng và có thể tới 500% với các nơi đặc biệt khó khăn) và chế độ khuyến khích khác để tăng cường cán bộ khoa học, kỹ thuật cho khu vực nông nghiệp nông thôn.

Page 139: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

133

4.2.4. Xây dựng, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn

* Đối với cấp huyện: Tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch mở rộng thị trấn Phát Diệm - Thị trấn huyện lỵ định hướng thành lập thị xã trước năm 2020, hình thành mạng lưới các thị tứ, các cụm xã, tạo các điểm nhấn cho quá trình đô thị hóa. Củng cố, hoàn thiện kết cầu hạ tầng như hệ thống giao thông cầu đường, mở rộng điện lưới nông thôn, tăng cường thủy lợi, bưu chính viên thông, nước sạch, trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi công cộng.

Về giao thông nông thôn: Tổ chức làm đường giao thông để nhân dân đi lại thuận tiện, cảnh quan đường làng, ngõ xóm đẹp, thoáng; hệ thống đường trục chính nội đồng, đường nhánh, đường bờ vùng, bờ thửa thuận tiện đảm bảo cho việc đưa cơ khí hóa vào sản xuất. Trong giai đoạn tới để xây dựng nông thôn mới toàn huyện cần đầu tư nâng cấp và làm mới 297,3 km đường giao thông các loại. Trong đó: Nhựa hoá hoặc bê tông hoá 41,7 km đường trục xã, liên xã đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; cứng hoá 124,6 km đường trục thôn, xóm đạt chuẩn; cứng hoá 72,7 km đường ngõ, xóm sạch không lầy lội; cứng hoá 58,3 km đường trục chính nội đồng.

- Giai đoạn 2010-2015: Xây dựng 269 km ; trong đó: + Nhựa hoá hoặc bê tông hoá 41,7 km đường trục xã, liên xã, đưa tỷ lệ

đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá lên 100%. + Cứng hoá 124,6 km đường trục thôn, xóm, đưa tỷ lệ đường thôn bản

được cứng hoá lên 100%. + Cứng hoá 72,7 km đường xóm, ngõ, đưa tỷ lệ đường ngõ xóm được

cứng hoá lên 100%. + Cứng hoá 30 km đường trục chính nội đồng, đưa tỷ lệ đường trục chính

nội đồng được cứng hoá lên 84,5%. - Giai đoạn 2015-2020: Xây dựng 28,3 km; trong đó: + Cứng hoá 28,3 km đường trục chính nội đồng đưa tỷ lệ đường trục

chính nội đồng được cứng hoá lên 100%.

Page 140: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

134

+ Đồng thời với cứng hoá đường giao thông hiện có cần phát triển các đường giao thông mới theo quy hoạch nông thôn mới.

Về thủy lợi: Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quy hoạch theo hướng công nghiệp hóa, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho 100% diện tích lúa và diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong đê Bình Minh 3. Xây dựng nông thôn mới cần cải tạo, xây mới 1.437 cầu cống các loại, cải tạo, xây mới 37 trạm bơm, trong đó có 30 trạm vô ống trên địa bàn các xã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; kiên cố hoá 828 km kênh mương do xã quản lý (tiêu chí từng xã đạt 85%). Phấn đấu:

- Giai đoạn 2010-2015: Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 719 cầu cống các loại, 26 trạm bơm vô ống, cứng hoá 539 km kênh mương nội đồng, đưa tỷ lệ số km kênh mương nội đồng được kiên cố hoá lên 68,19%.

- Giai đoạn 2015-2020: Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 557 cầu, cống nội đồng các loại, 11 trạm bơm. Kiên cố hóa 115 km kênh mương nội đồng, đưa tỷ lệ số km kênh mương nội đồng được kiên cố hoá lên 80,84 %.

Về điện: Hệ thống điện đến nay đã cơ bản đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, trong giai đoạn tới cần tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống điện, đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

- Đối với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung phục vụ sản xuất hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu và thay thế nhập khẩu thì phải ưu tiên đầu tư hệ thống thuỷ lợi, điện, giao thông, cơ sở chế biến và kho tàng bảo quản.

- Đối với các khu dân cư: cần tập trung đáp ứng nhu cầu của người dân, trước hết là giao thông, điện nước (đến tận hộ), hệ thống xử lý rác và thoát nước, nhà văn hoá, khu thể thao.

Cũng do yêu cầu vốn lớn lên cần phải huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên ngân sách nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng, Đối với nông thôn, ngân sách nhà nước hỗ trợ không chỉ có ý nghĩa vật chất, nó còn tạo niềm tin, chỗ dựa để nhân dân và các thành phần kinh tế khác tham gia đóng góp. Do đặc thù kinh tế mỗi vùng khác nhau do đó chính sách đầu tư nhà nước cần phân biệt theo vùng và theo từng loại chương trình. Vùng đông đồng bào công giáo

Page 141: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

135

huyện Kim sơn tỉnh Ninh Bình cần được đầu tư, quan tâm hơn. Bởi vì, đây là vùng đất bồi, cốt đất thấp, nền yếu tỷ suất đầu tư lớn, đầu tư phát triển cho vùng giáo là điều kiện, là cơ sở cho phát triển kinh tế vùng giáo, tạo lòng tin, đại đoàn kết lương giáo ở huyện đặc thù như huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

* Đối với xã, với xóm: Kết cấu hạ tấng kinh tế - xã hội nông thôn gồm nhiều loại nhưng có vai trò thúc đẩy trực tiếp đến phát triển nền KTNT hiện nay phải kể đến giao thông, thuỷ lợi, điện, thông tin liên lạc, hệ thống thoát nước, xử lý môi trường nông thôn. Bộ phận có vai trò gián tiếp nhưng có tác động quan trọng là: trụ sở làm việc của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, trường học, nhà văn hoá, khu hoạt động thể dục thể thao của xã, ở các làng, xóm.

Nhà nước có chính sách cụ thể về hỗ trợ nguồn vốn ngân sách cho xây dựng kết cấu hạ tầng các xã, nhất là những địa phương khó khăn với mức cụ thể, với công trình cụ thể hoặc tỷ lệ hỗ trợ cụ thể cho các công trình. Đây là cơ sở, là chất xúc tác, là đòn bẩy để phát động nhân dân góp công, góp của, góp tiền làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa ...

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn của xã theo phương châm: Làm từ đồng ruộng vào làng, từ nhà ra xóm, làm từ xóm lên xã, xã chủ động trong xây dựng các công trình chính của xã, các thôn xóm chủ động vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn xóm. Lấy thôn xóm làm địa bàn và đơn vị tổ chức thực hiện, tự bàn bạc quyết định, các hộ dân lo cải tạo ao vườn, sân, ngõ, công trình vệ sinh của gia đình.

Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân hiểu, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ, thực hiện tốt qui chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới”. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân xây dựng kết cấu hạ tầng trong XDNTM. Xây dựng các nhân tố nòng cốt tuyên truyền, vận động và ủng hộ, phát hiện lựa chọn, kêu gọi, động viên những người có điều kiện kinh tế, có uy tín với nhân dân lên tiếng ủng hộ (con em, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm). Cập nhật, công khai nguồn thu, ủng hộ hỗ trợ, biểu dương kịp thời cá nhân, tập thể ủng hộ, hỗ trợ. Khơi dậy tinh thần tự trọng, tự vươn lên của mỗi xóm, mỗi xã, làm cho người dân biết tự hào với truyển thống của xóm, của địa

Page 142: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

136

phương, từ đó phấn đấu thi đua để bằng bạn bằng bè. Nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó cộng đồng, trách nhiệm của khu dân cư.

4.2.5. Đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Để đẩy nhanh tốc độ CNH, HĐH đất nước nói chung và cho nông nghiệp nông thôn nói riêng, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, thì giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (gồm đào tạo nghề cho nông dân và kiến thức quản lý, tổ chức kinh tế - xã hội cho cán bộ cấp thôn, xã) phải coi là giải pháp trọng tâm và là khâu “đột phá” trong thời gian tới với mục tiêu: đến năm 2020: 70% lao động chuyển sang làm việc công nghiệp, dịch vụ. Đồng thời số lao động còn lại gắn bó với nghề nông cũng phải được đào tạo nâng cao kiến thức cho họ, ít nhất là 40% lao động đạt được yêu cầu đó.

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là nhân tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Nhân lực có vị trí, vai trò quyết định trong sự phát triển của mỗi quốc gia, doanh nghiệp, tỉnh, huyện. Để phát triển KTNT trong XDNTM ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thì yêu cầu nguồn nhân lực phải có chất lượng cao đáp ứng sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. do vậy đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển KTNT là yêu cầu cấp thiết. Hiện nay chất lượng nguồn nhân lực ở huyện Kim Sơn còn nhiều hạn chế, người lao động trình độ chuyên môn tay nghề, trình độ công nghệ còn yếu. Do vậy, để thực hiện tốt phát triển KTNT trong XDNTM thì phải luôn coi trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt coi việc đầu tư cho giáo dục đào tạo phải thực sự trở thành quốc sách hàng đầu. Đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng, phải bố trí và sử dụng tốt nguồn nhân lực đã được đào tạo, nhằm phát huy mọi năng lực của người lao động phục vụ cho sự phát triển KT - XH nông thôn.

Nội dung đào tạo nguồn nhân lực bao gồm:

Page 143: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

137

+ Đào tạo nghề cho nông dân, các chủ trang trại, cán bộ quản lý các HTX, cơ sở kinh doanh nông nghiệp, trực tiếp giúp họ nâng cao kiến thức hiểu biết về khoa học kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp để có năng suất, chất lượng tốt, giá thành hạ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng cho họ làm nghề nông một cách khoa học, có kiến thức thị trường để lựa chọn nghề sản xuất có hiệu quả.

Bồi dưỡng kiến thức xây dựng nông thôn mới để giúp họ tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển làng, xã, tự giác đóng góp xây dựng và quản lý sau xây dựng các công trình công cộng, kết cấu hạ tầng trong nông thôn. Việc đào tạo chủ yếu thông qua các hình thức như: Sinh hoạt câu lạc bộ tại nhà văn hoá thôn, bản; Học qua các mô hình mẫu của chương trình khuyến nông: đào tạo nghề cho chủ trang trại (kiến thức về cây, con mà họ kinh doanh, kiến thức tổ chức thị trường, kiến thức kỹ năng quản lý); Đào tạo bồi dưỡng nông dân trẻ, chủ trang trại, cán bộ quản lý, các doanh nghiệp, HTX qua các trường Cao Đẳng, Trung cấp nông nghiệp của tỉnh.

+ Đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ cơ sở thôn, xã: để việc đầu tư cho đối tượng này ngày càng hiệu quả, thì trước hết phải thực hiện tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ cơ sở, việc chuẩn hoá đội ngũ cán bộ có nhiều tiêu trí nhưng rất cần đảm bảo tiêu chí cơ bản mà trình độ đào tạo, theo đó: cán bộ phải tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ Trung cấp nghề chuyên môn hoặc quản lý nhà nước. Trên cơ sở quy hoạch, phải đào tạo thiết thực kiến thức quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, về phát triển nông thôn cho cán bộ cơ sở cấp thôn, xã. Chỉ khi có đủ tiêu chuẩn trên mới bố trí vào bộ máy lãnh đạo, quản lý.

Từ yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển KTNT trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM ở huyện Kim Sơn. Nhưng thực tiễn cho thấy, chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn và quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đó là:

Nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn nói chung còn thấp (văn hoá, chuyên môn, tính năng động, tính thích nghi, kỷ luật lao động hạn chế) gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận kiến thức sản xuất mới.

Page 144: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

138

Nông dân thiếu kiến thức kinh doanh và khởi sự Doanh nghiệp; thiếu hiểu biết về những công nghệ mới áp dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và chế biến sản phẩm nông nghiệp, trong khi công tác tư vấn, phổ biến kiến thức, chuyển giao công nghệ sản xuất mới còn thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả.

Vấn đề đặt ra ở đây là đào tạo phù hợp với lứa tuổi, trình độ đối với số lao động thuộc diện thu hồi đất, nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh xã hội, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, vẫn đang là một thách thức đối với Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Trong những năm tới huyện Kim Sơn cần thực hiện các nội dung sau:

- Tập trung phát triển sản xuất, đa dạng các loại ngành, nghề trong nông thôn, phát huy lợi thế của huyện có truyền thống về nghề cói, hàng tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống. Giảm và sử dụng hiệu qủa lao động nông nghiệp, bằng cách chuyển từ lao động thuần nông, giản đơn, năng suất thấp sang các công việc, ngành nghề, loại hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, như phát triển kinh tế trang trại, các làng nghề ....

- Phát triển loại hình lao động phi nông nghiệp, bằng cách đẩy mạnh đầu tư, khuyến khích các hộ nông dân chuyển sang làm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong đó đặc biệt chú trọng tới việc bảo tồn, duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống tại nông thôn, đây chính là khu vực thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

- Đẩy mạnh nâng cao chất lượng lao động nông thôn thông qua các công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho nông dân, trang bị học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, hiểu biết thị trường cho lực lượng lao động chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Để làm tốt nội dung tổng quát trên, huyện Kim Sơn tập trung vào một số giải pháp cụ thể:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của huyện về phát triển nguồn nhân lực, về công tác dạy nghề, về vị trí, vai trò của dạy nghề đối với sự phát triển KT - XH

Page 145: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

139

của địa phương; Tăng cường sự phối hợp hoạt động tư vấn nghề tại các cơ sở đào tạo, dạy nghề cả tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, nhằm tạo điều kiện cho nguời lao động có điều kiện lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Các ngành chức năng và Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm của huyện tăng cường các hoạt động điều tra, khảo sát nhu cầu cơ bản, ổn định về nghề của đội ngũ lao động nông thôn và yêu cầu về sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề trong các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện. Đây là một việc làm hết sức quan trọng, với mục đích là nhằm xác lập mối quan hệ tương tác giữa nhu cầu và yêu cầu. Việc định hướng này bảo đảm được quyền (hay nhu cầu cơ bản, ổn định) của số lao động nông thôn trong việc học nghề theo hướng bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của từng vùng và của các xã, thị trấn trong huyện. Từ đó mỗi ngành, mỗi địa phương cũng cần phải điều chỉnh yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo quyền lợi của người lao động nông thôn trong việc học nghề. Việc nắm bắt nhu cầu và yêu cầu cần phải được tiến hành trước, phải thường xuyên với quy mô và mức độ khác nhau, để kịp thời bổ sung những thông tin về những nghề mới. Quyền học nghề của lao động nông thôn là giúp cho Trung tâm và các cơ sở dạy nghề phân nhóm đối tượng học nghề từ đó có kế hoạch mở các khóa đào tạo dạy nghề cho phù hợp.

Hai là, xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề; trong đó, chú trọng phát triển các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn. Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giỏi để phục vụ các cơ sở tạo nghề. Đa dạng hóa các hình thức dạy nghề, đặc biệt những hình thức dạy nghề thông qua hệ thống khuyến nông, khuyến ngư, thông qua chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật...

Huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài huyện đầu tư mở rộng các cơ sở dạy nghề cho người lao động.

Ba là, thúc đẩy việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo phương châm xã hội hóa với vai trò giám sát của các ngành chức năng từ huyện đến cơ sở. Cần có các hình thức xã hội hóa trong công tác dạy nghề, từ đó sẽ hình thành những mô hình dạy nghề phù hợp. Đó là sự phối hợp giữa các tổ chức chính trị -

Page 146: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

140

xã hội hay xã hội - nghề nghiệp (nông dân, công đoàn, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật...) tổ chức dạy nghề có tính đại trà tại các xã, thị trấn trong huyện; phối hợp dạy nghề với sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhóm làng nghề (mây tre đan, cói bèo, đồ gỗ gia dụng, nuôi trồng thủy hải sản...) tổ chức dạy nghề truyền thống của địa phương.

Cùng với việc xã hội hóa, để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo nghề thì việc quản lý tốt các cơ sở dạy nghề, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, chuẩn hóa chương trình dạy nghề, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề cho trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm cấp huyện là một việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ hướng về xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động, đặc biệt lao động nông thôn ở những ngành đảm bảo tăng việc làm nhanh và duy trì được sự cân bằng giữa tăng việc làm với tăng năng suất lao động (như may mặc, hàng cói, bèo bồng khẩu, chế bíên nông sản…) giải pháp này có ý nghĩa như một cú “huých” trong việc dịch chuyển một bộ phận lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, giải quyết tình trạng lao động dư thừa ở nông thôn hiện nay.

Bốn là, lực lượng lao động tại chỗ dồi dào, có tay nghề cao và kỷ luật bao giờ cũng là điều hấp dẫn số một đối với các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. Do đó phải đầu tư thích đáng vào đào tạo, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực ở nông thôn, nhất là đào tạo người có tay nghề cao, các nghệ nhân trong các làng nghề. Đây là giải pháp vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài đón đầu và đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đẩy mạnh việc xã hội hoá đào tạo nghề, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia công tác dạy nghề cho nông dân; trước hết ưu tiên đào tạo nghề cho nông dân nơi bị thu hồi đất.

Khuyến khích và đầu tư mạnh hơn nữa vào phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề ở nông thôn. Thực hiện tốt các chương trình đầu tư của nhà nước và các chương trình, dự án của các nhà tài trợ, nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao nhận thức về việc làm và khả năng tìm kiếm việc làm cho người lao động nông thôn.

Page 147: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

141

Năm là, cần có chính sách, biện pháp cụ thể khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực. Điều này là đặc biệt quan trọng có tính điều kiện để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và là điều kiện để sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp.

Các cơ quan chức năng và trung tâm dạy nghề cần coi trọng công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đây là công tác quan trọng không kém cùng với công tác đào tạo nghề. để làm tốt được công tác này, việc hướng nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần phải được gắn với việc quy hoạch phát triển nông nghiệp và XDNTM, yêu cầu nhân lực của từng vùng và từng địa phương để phát triển cơ sở đào tạo nghề, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của mỗi một vùng, một một địa phương trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên dậy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện chính sách ưu đãi của Nhà nước, hộ nghèo, người tàn tật, người thuộc diện có đất thu hồi... Cùng với đó, phải tăng cường đào tạo và tái đào tạo nghề trong xã hội đối với lao động nông thôn, cả về số lượng và chất lượng. Đối với khu vực nông thôn, việc đào tạo và tái đào tạo nghề chỉ đạt chất lượng và hiệu quả khi việc triển khai thực hiện công tác này gắn liền với việc bố trí, sắp xếp lại không gian nông nghiệp và sự phát triển xã hội ở nông thôn. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay thì cần phải gắn với việc sắp xếp, tổ chức lại những vùng chuyên canh nông nghiệp và từng lĩnh vực kinh tế trọng điểm của huyện.

Sáu là, cần quan tâm việc dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn với mô hình sản xuất kinh doanh, quy hoạch của huyện và phải thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như dạy tại các cơ sở dạy nghề, dạy theo đơn đạt hàng của các doanh nghiệp, dạy nghề gắn với các vùng chuyên canh, làng

Page 148: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

142

nghề, dạy nghề cho những nông dân cần chuyển đổi nghề nghiệp; đào tạo nghề lưu động cho nông dân tại các thôn, xóm ở các xã. Đồng thời cũng cần phải đa dạng hoá các loại nghề phù hợp với từng loại đối tượng học nghề.

Bẩy là, mở rộng quy mô, hệ thống đào tạo của huyện như mở rộng hội ngành nghề nông thôn, ưu tiên phát triển ngành nghề truyền thống tại các làng nghề và các nghề mới. Thực hiện công tác khuyến nông, khuyến công đối với vùng nông thôn nhằm nâng cao kỹ năng làm việc cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tạo ra mạng lưới các trường, trung tâm, điểm dạy nghề, đáp ứng được mục tiêu chuyến dần lực lượng lao động có quy mô lớn từ nông nghiệp, chưa qua đào tạo, sang lao động công nghiệp, dịch vụ đã được đào tạo, nhất là những ngành nghề có trình độ cao để phục vụ cho việc phát triển kinh tế của huyện trong xây dựng nông thôn mới.

Tám là, phát huy vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng từ huyện đến cơ sở trong lĩnh vực dạy nghề, đồng thời các ngành chức năng và Trung tâm dạy nghề của huyện cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình khuyến nông, khuyến công và khuyến ngư...Sự phối hợp này càng chặt chẽ, nhịp nhàng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn càng đáp ứng tốt hơn cho sự phát triển kinh tế nông thôn trong XDNTM trên địa bàn huyện và nhu cầu của người học nghề.

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết đào tạo giữa các đơn vị sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo; đa dạng hoá các kênh giao dịch việc làm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các giao dịch trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động; đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền chính sách thu hút nhân tài về làm việc để góp phần làm giàu cho quê hương, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Giúp cho người học nghề được vay ngân hàng không lãi suất tiền học phí (ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất ngân hàng) số tiền vay và hỗ trợ trực tiếp cho người học, 30% học phí cho các chứng chỉ học nghề đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tự đào tạo công việc bằng chính sách hỗ trợ tối thiểu 30% kinh

Page 149: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

143

phí dạy nghề cho nông dân, nhân viên mới truyển chưa có chứng chỉ nghề. Hỗ trợ 100% kinh phí cho cán bộ cơ sở ít nhất 50% kinh phí đào tạo ban đầu cho chủ trang trại, cán bộ quản lý hoặc cơ sở kinh doanh nông nghiệp nếu đạt trình độ Trung cấp.

4.2.6. Tổ chức thực hiện hiệu quả hệ thống các chính sách * Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa Cần coi trọng xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để đẩy

mạnh một số thị trường thiết yếu cho phát triển kinh tế hàng hoá khu vực nông thôn theo hướng ưu tiên:

Thứ nhất, Coi trọng phát triển thị trường dịch vụ khoa học kỹ thuật cho sản xuất nghề nông và các ngành nghề ở nông thôn. Để đảm bảo cho thị trường này phát triển cần phải hướng dẫn nông dân ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân, cán bộ kỹ thuật và các ngành khoa học (về ứng dụng giống mới, thực hiện các biện pháp canh tác tiên tiến, bảo vệ gia súc, gia cầm, bảo vệ thực vật, chế biến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch) và phải đảm bảo phân rõ trách nhiệm của từng bên tham gia gắn với lợi ích và quyền lợi được hưởng; Hợp đồng phải được các cơ quan có thẩm quyền quản lý và khi có tranh chấp, phải đảm bảo xử lý nghiêm theo pháp luật, bất chấp đó là chủ thể nào. Chỉ như vậy mới tăng được trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi của các bên đối tác tham gia và tạo lòng tin đối với họ. Đây cũng là nội dung cần được “Pháp lý hoá” để tăng cường hiệu quả của mối quan hệ “4 nhà” còn đang lỏng lẻo và thiếu hiệu quả như hiện nay.

Thứ hai, phát triển thị trường tiêu thụ hàng nông sản. Tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 25/2008/CT-TTg ngày 25/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản qua hợp đồng. Trên cơ sở đặc điểm của địa phương, đã nghiên cứu xây dựng, triển khai thực hiện mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp nhằm xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, giảm giá thành sản xuất nhờ nguồn cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào ổ định, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý;

Page 150: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

144

doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh cam kết thu mua nông sản của nông dân. Đây là chu trình khép kín về cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản rất hiệu qủa hiện nay, cho phép phát huy vai trò của doanh nghiệp trong cung cấp vốn, định hướng sản xuất và gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường tiêu thụ.

Việc hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, chất lượng tốt cũng tạo ra điều kiên để kéo thị trường đến đồng ruộng như vùng trồng dược liệu ở tiểu khu 1; vùng lúa chất lượng cao ở tiểu khu 1, tiểu khu 2. Bên cạnh đó phải quy hoạch và xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại cho nông thôn như: chợ đầu mối nông sản, nâng cấp các chợ quê truyền thống ở các làng, xã để thuận lợi cho tiêu thụ nông sản nhỏ lẻ.

Thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Do vậy, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm tạo điều kiện cho người dân tham gia hội chợ, triển lãm, quảng cáo giới thiệu sản phẩm và thực hiện công tác dự báo thông tin về thị trường. Đồng thời khuyến khích các tổ chức kinh tế hoặc hộ tư nhân hợp đồng sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho nông dân, đây là kiểu sản xuất theo hợp đồng rất phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá bền vững hiện nay.

Mở rộng liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa giữa các huyện trọng tinh, với các huyện ngoài tỉnh; xuất khẩu trực tiếp sản phẩm hàng hóa ra thị trường nước ngoài.

Thứ ba, phát triển thị trường sức lao động nông thôn. Ngoài việc đào tạo hướng nghiệp cho lao động nông thôn. Trước hết là tầng lớp thanh niên để chuẩn bị hành trang cho họ gia nhập vào đội quân lao động công nghiệp. dịch vụ, cần phải có những cách thức làm cho họ tiếp cận được với thị trường sức lao động ở đô thị và các khu công nghiệp, dịch vụ. Do vậy ngoài việc thành lập mỗi huyện một Trung tâm giới thiệu việc làm gắn với dậy nghề thì cần mở rộng hệ thống vệ tinh của các trung tâm này đến các xã, thôn bản để thuận tiện cho tiếp cận thông tin của tầng lớp thanh niên đang có nhu cầu việc làm. Do đó, ở mỗi xã cần thành lập một trung tâm tư vấn thông tin giới thiệu việc làm ngay tại khu vực trụ sở của xã để phục vụ nhu cầu giới thiệu việc làm và tuyển nhân lực ngày càng cao

Page 151: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

145

trong tương lai (các trung tâm này lúc đầu có thể giao cho tổ chức Đoàn hoặc Hội phụ nữ chủ trì. Sau có thể trở thành các công ty tư vấn chuyên nghiệp). Phải có cơ chế tổ chức để các trung tâm đó là cầu nối tin cậy giữa thanh niên nông thôn với cơ sở dậy nghề và doanh nghiệp.

* Chính sách về đất đai + Đất đai là lĩnh vực gắn liền với sự phát triển nông nghiệp, kinh tế nông

thôn và luôn là vấn đề nhạy cảm nhất đối với nông dân. Hiện tại cần tập trung cho triển khai thực hiện luật đất đai được Quốc Hội sửa đổi năm 2013 và chính sách đất đai của nhà nước ban hành để thực hiện đồng bộ, hiệu quả luật và chính sách về đất đai.

+ Trên địa bàn huyện giữ vững diện tích lúa 16000ha/năm, để đảm bảo an ninh lương thực, theo đó: Các dự án phát triển đô thị vào nông nghiệp tập trung không bố trí vào đất canh tác trồng hai vụ lúa; Nhà nước cần có chính sách đảm bảo cho người sản xuất lúa không bị thua thiệt xa so với nghề sản xuất nông nghiệp khác (như tăng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ giống mới, tăng hướng dẫn khuyến nông, bình ổn giá đầu tư đầu vào, tăng giá mua lương thực chất lượng cao,…).

+ Đổi mới cơ chế quản lý, chính sách thuế (như quy định thuế chuyển quyền, thuế trước bạ đối với đất sản xuất nông nghiệp bằng không) để khuyến khích nông dân tiếp tục “dồn điền đổi thửa”; thuê ruộng; chuyển nhượng để thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất ở nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hoá.

+ Sử dụng cơ chế thị trường nhất quán trong quản lý đất đai (xoá bỏ cơ chế xin, cho như hiện nay để đảm bảo công bằng xã hội): giá đền bù khi thu hồi đất phải áp dụng giá thống nhất với các loại đất, không phân biệt theo mục đích sử dụng; chính sách đền bù phải đảm bảo cho người bị thu hồi có mức sống bằng và tốt hơn trước khi thu hồi. Đối với đất phát triển nhà ở: Nhà nước phải xác định giá thị trường các loại đất (đến thửa) trước khi thu hoạch. Phần chênh lệch giá bán sau khi đã đầu tư hạ tầng và cảnh quan môi trường phải thu về ngân sách nhà nước, trong đó nhà nước điều tiết một phần hợp lý cho chủ đầu tư.

Page 152: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

146

* Chính sách tín dụng Chính sách về giải quyết vốn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển

kinh tế nông thôn. Do vậy Huyện Kim Sơn cần quan tâm tới các vấn đề như: - Thực hiện tốt nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm cho

các hộ nông dân vay để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng thu nhập cho người dân theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP và các Quyết định số 32/2007/QĐ- TTg; 143/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội cần thực hiện đa dạng hóa các phương thức cho vay, tạo điều kiện để người vay tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi thuận lợi, khuyến khích phát triển các hình thức tín dụng trong nông thôn.

4.2.7. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp 4.2.7.1. Phát triển kinh tế trang trại Hiệu quả kinh tế trang trại đã được khẳng định, tuy nhiên thực hiện không

ít khó khăn trở ngại đang hạn chế sự phát triển của mô hình kinh tế này. Tích tụ ruộng đất là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế trang trại, thực tế hiện nay các xã của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho thấy mỗi hộ có 1 đến 3 mảnh đất canh tác, bình quân toàn huyện 1,8 thửa/hộ, nhưng tốc độ thực hiện “dồn điền, đổi thửa” của huyện đang chững lại vì nhiều nguyên nhân. Hiện tại, ruộng đất của địa phương còn manh mún, nằm rải rác, các quy định về giá đền bù, giá chuyển đổi nhiều nơi chưa hợp lý. Đây được xác định là trở ngại lớn cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Trước hết thực hiện ngay việc “dồn điền, đổi thửa” để tập trung đất canh tác; tạo cơ chế thuận lợi cho các mô hình trang trại có tiềm năng phát triển, nhằm thu hút lao động tại chỗ và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng lân cận.

- Mỗi xã, thôn khi quy hoạch phải dành vùng đất cho công nghiệp tập chung, nuôi thuỷ sản tập trung, khu chăn nuôi tập trung hoặc khu cây ăn quả đặc sản, cây công nghiệp để phát triển trang trại. Áp dụng chính sách thuê đất như đối với đất dành cho nông nghiệp, nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đền bù đất đai.

Page 153: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

147

- Nhà nước hỗ trợ kinh phí quy hoạch kết cấu hạ tầng cơ bản (đường, điện, cấp nước và xử lý chất thải…) cho các khu trang trại tập trung và hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng hạ tầng này.

- Hỗ trợ phòng chống dịch bệnh cho các trang trại, kinh phí đào tạo kiến thức cho các chủ trang trại.

4.2.7.2. Đối với tổ hợp tác và hợp tác xã - Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương chính sách của

Đảng và nhà nước đối với HTX và kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. - Thực hiện phương châm “Trình độ người dân đến đâu thì hình thức tổ

chức sản xuất đến đó”; thực hiện nguyên tắc tự nguyện. Việc thành lập HTX, tổ hợp tác khoa học không phụ thuộc địa giới hành chính: Mục tiêu kinh doanh, quy mô vốn góp, cơ chế quản lý, cán bộ điều hành… do tập thể xã viên quyết định. Cơ quan chuyên môn của nhà nước chỉ tư vấn, hướng dẫn trên cơ sở luật.

- Giải quyết triệt để vấn đề sở hữu trong HTX đối với sản xuất cố định do HTX sử dụng vào kinh doanh dịch vụ như đường điện, kênh mương, cầu cống, nhà xưởng, trụ sở… phân định rõ tài sản UBND xã cho thuê, phạm vi quyền hành của HTX trong việc tu sửa nâng cấp tài sản thuê; quyền định đoạt các tài sản hình thành từ vốn của HTX… để tăng trách nhiệm và sử dụng vốn, quỹ có hiệu quả trong các HTX, không để tình trạng thiếu minh bạch như hiện nay.

- Có chính sách hỗ trợ HTX, tổ hợp tác, nhất là: có qui định cụ thể về miễn thuế thu nhập, doanh thu cho các hoạt động sản xuất nông, lâm ngư nghiệp của tổ hợp tác và HTX; Miễn tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng trụ sở; Ưu tiên cho tổ hợp tác, HTX tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật: xây dựng mô hình khuyến nông, lâm, ngư; xây dựng cơ sở hạ tầng…; hỗ trợ cho đào tạo cán bộ quản lý tổ hợp tác và HTX (ít nhất 50%) nhưng đổi mới hình thức học (coi trọng mô hình thực tế; kiến thức thị trường và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới).

4.2.7.3. Thực hiện phát triển mô hình hợp tác kinh tế trong nông thôn Trên cơ sở khảo sát thực nghiệm một số mô hình kinh tế hợp tác trong

nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ khu vực nông thôn đã có trong thực tế ở nước ta, có thể định hướng một số mô hình sau cho huyện Kim Sơn:

Page 154: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

148

- Mô hình liên kết hợp đồng (trang trại liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp) đây là mô hình mang tính cạnh tranh hiệu quả nhất trong nền nông nghiệp hàng hoá, chủ yếu để xuất khẩu áp dụng đối với các trang trại lớn, hiện đại, chuyên canh. Mô hình này phải mang tính chuyên nghiệp cao nhất trong tiếp cận thị trường thế giới, tạo ra những thương hiệu mạnh cho nông nghiệp Việt Nam.

- Mô hình hộ nông dân quy mô nhỏ và trang trại liên kết thành HTX, liên hiệp HTX: Những mô hình này tạo ra tính cạnh tranh cao nhờ việc nông dân liên kết với nhau để tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường (đây là mô hình ở những vùng mà các doanh nghiệp rất khó liên kết với nông dân do quy mô không lớn). Liên kết này sẽ giúp nông dân được hưởng nhiều sự phân chia giá trị gia tăng hơn, tạo nhiều công ăn việc làm hơn từ ngành hàng (tăng quy mô theo chiều dọc), điều này sẽ bù đắp cho quy mô sản xuất nhỏ theo chiều ngang. Với các mô hình này, vai trò bà đỡ của nhà nước đối với các HTX rất quan trọng, các HTX phải trở thành nơi mà thông qua đó nhà nước hỗ trợ nông dân của mình.

- Mô hình trang trại nông nghiệp sinh thái - du lịch: Cần quy hoạch một mạng lưới những trang trại này xung quanh các đô thị Phát Diệm, Bình Minh. Đây chính là một trong những nội dung phát triển KTNT bền vững, những trang trại này chính là các mô hình để chuyển nghề cho nông dân ven đô thị, nông dân vừa sản xuất, làm dịch vụ. Nhà nước nên đào tạo cung cấp tín dụng giúp nông dân tiếp cận xây dựng mô hình này.

- Mô hình trang trại nông nghiệp - bảo tồn tài nguyên: mô hình nông nghiệp này có thể phát triển ở vùng bãi bồi ven biển, mục đích bảo tồn tài nguyên, bảo tồn sự đa dạng sinh học ở vùng biển Kim Sơn (khu dự trữ sinh quyển đã được công nhận). Thu nhập của các trang trại này chính là thu từ lâm nghiệp, tận thu hải sản.

- Đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích thu hút thương nhân hoạt động ở địa bàn nông thôn, tiếp tục khuyến khích thành lập doanh nghiệp có hoạt động đầu tư, kinh doanh thương mại ổn định, lâu dài và có hiệu quả ở các khu vực nông thôn. Khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) dịch vụ thương mại đa chức năng hoặc HTX dịch vụ tổng hợp phục vụ sản xuất nông

Page 155: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

149

nghiệp và tiêu thụ nông sản. Định hướng các hộ kinh doanh tham gia vào hệ thống kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tự phát triển hoặc liên kết, hợp nhất với nhau thành công ty hoặc HTX bán lẻ. Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ hàng nông sản, sản phẩm làng nghề và tiêu thụ hàng Việt Nam ở khu vực nông thôn.

Tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX có dự án đẩu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn nông thôn hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về quy định và hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư, được vay tín dụng đầu tư nhà nước theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP; tích cực tổ chức xúc tiến đầu tư tranh thủ nguồn vốn vay ODA và của Ngân hàng Phát triển châu Á.

- Tăng cường hỗ trợ dự án đầu tư phát triển chợ nông thôn và nâng cao hiệu quả liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh với nông dân trong đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Xác định chợ nông thôn là loại hình tổ chức phân phối hàng hóa chủ yếu, là hạt nhân để quy tụ, tập trung các hoạt động trao đổi, mua bán, tiêu thu nông sản hàng hóa ở khu vực nông thôn. Để hỗ trợ sớm hoàn thành tiêu chí xây dựng chợ nông thôn, bên cạnh các chính sách khuyến khích hỗ trợ của trung ương như: Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ theo chính sách do UBND tỉnh đã ban hành thực hiện riêng trong phạm vi của tỉnh và kết hợp sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách danh cho đầu tư chợ từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xóa đói giảm nghèo với vốn của doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh.

Page 156: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

150

Phát triển kinh tế vùng đặc thù (vùng có đông đồng bào công giáo) phải trên cơ sở khai thác các lợi thế so sánh, bên cạnh đó cần khẩn trương nghiên cứu phương thức tổ chức sản xuất có hiệu quả nhất đến hộ. Có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh ở nông thôn Kim Sơn hoặc dịch vụ nghề nông tạo thành các “đầu kéo” phát triển kinh tế nông thôn của huyện đặc thù.

Nhà nước cần xây dựng và thực hiện hệ thống chính sách thích hợp để phát triển các yếu tố hấp dẫn doanh nghiệp về nông thôn như: đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trục chính đến hàng rào các cụm công nghiệp, trong đó quan trọng nhất là hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc. Có quy hoạch và kêu gọi các thành phần kinh tế khác đầu tư hệ thống hạ tầng gián tiếp nhưng rất quan trọng để hấp dẫn doanh nghiệp như đô thị, chợ, trường học, vui chơi giải trí…

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới để doanh nghiệp có chỗ dựa mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, đó là đòn bẩy quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời lựa chọn công nghệ sạch, coi trọng xử lý chất thải, nước thải bảo vệ môi trường ở các cụm công nghiệp, các làng nghề ở nông thôn.

4.2.8. Tăng cường năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước và các tổ chức đoàn thể

* Đổi mới và tăng cường quản lý Nhà nước Các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp huyện đến cơ sở tiếp tục thực hiện

tốt công tác cải cách hành chính, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân. Tình trạng yếu kém về quản lý nhà nước đối với KTNT do một số nguyên nhân chính như: Bộ máy cấp xã đông người nhưng lại thiếu biên chế chuyên lo phát triển nông nghiệp và KTNT. Chính quyền cấp xã thường không có phương pháp và không nắm sát được các diễn biến và nhu cầu KTNT nên thường báo cáo lên cấp trên những số liệu không có thật hoặc thiếu đầy đủ. Đã có không ít trường hợp kết quả tổng hợp của các cơ quan chuyên môn cấp trên trái ngược so với thực tế. Rất nhiều vấn đề bức xúc xã hội (Rau nhiễm chất độc, ô nhiễm, thuốc bảo vệ thực vật giả…) chưa được khắc phục do không có cơ chế và đặc biệt là không có người quản lý từ cơ sở. Hoạt động KTNT rất đa dạng và

Page 157: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

151

dễ gặp rủi ro lên rất cần phải có một đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật làm nòng cốt cho sự phát triển. Song do không có cơ chế khuyến khích phù hợp nên khu vực này vẫn thiếu nghiêm trọng, các dịch vụ tư vấn kinh tế - kỹ thuật chậm phát triển và người thiệt thòi nhất chính là nông dân.

Thực trạng trên đang là phổ biến của các địa phương trong cả nước, phản ánh mặt yếu nội tại của bộ máy và cơ chế quản lý nhà nước ở khu vực kinh tế nông thôn. Cần đổi mới và tăng cường quản lý Nhà nước như:

- Nâng cao vai trò tham mưu của Phòng nông nghiệp là cơ quan giúp UBND huyện quản lý nhà nước về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bố trí cán bộ với các chuyên môn phù hợp của huyện như: kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư thủy sản, chăn nuôi... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật, Trạm thú y, Đội quản lý đê điều cho phù hợp. Tránh tình trạng như hiện nay là các cơ quan trên đều do ngành dọc của tỉnh quản lý, khi có dịch bệnh hoặc việc đột xuất xẩy ra không có cơ quan nào điều hành, sự phối hợp không đồng bộ, do đó hiệu quả không cao trong thực hiện nhiệm vụ chung.

- Tiếp tục sắp xếp, củng cố và tăng cường bộ máy quản lý nhà Nước về nông nghiệp, nông thôn từ huyện đến cơ sở. Mỗi xã có một công chức có trình độ cao đẳng hoặc đại học chuyên trách về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa; kiểm soát giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật...để tránh tình trạng hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Nâng cao năng lực của các cơ quan tham mưu về cơ chế, chính sách, quản lý chất lượng, môi trường sinh thái.

- Hình thành các trạm kỹ thuật nông nghiệp ở các xã, hoạt động theo hình thức sự nghiệp có thu, mỗi trạm có từ 4 - 6 nhân viên trên các lĩnh vực khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, kiểm lâm, các trạm kỹ thuật nông nghiệp xã có thể làm dịch vụ cung cấp thông tin thị trường và tư vấn sản xuất nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn… Cũng cần chuyển một số nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công hiện đang do các cơ quan chính quyền quản lý sang cho các đoàn thể hoặc tổ

Page 158: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

152

chức cá nhân, cộng đồng đảm nhiệm, nhất là các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật…

* Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể Vai trò của các tổ chức đoàn thể ở khu vực nông thôn như: Mặt trận Tổ

quốc, Hội nông dân, Công đoàn, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên...tích cực tham gia chỉ đạo, hướng dẫn, vận động các tầng lớp nhân dân, phải luôn hướng vào phục vụ dân, sát với dân, để dân tin cậy thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới và tự nông dân ý thức vươn lên làm giàu cho chính mình.

Tóm lại, Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cần phải quán triệt các quan điểm nêu trên, đặt chúng trong một mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị, sự tham gia của các thành phần kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, gắn kinh tế nông thôn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết các vấn đề xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng nhằm tạo ra sự phát triển bền vững. Các giải pháp nhằm phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, gắn kết với các mục tiêu đề ra. Trong các giải pháp cần chú trọng giải pháp về phát triển lực lượng sản xuất, nó sẽ tạo tiền đề thúc đẩy quan hệ sản xuất, phát triển.

Page 159: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

153

KẾT LUẬN Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim

Sơn, tỉnh Ninh Bình, nơi có đông đồng bào công giáo, là nội dung chính, là hướng đi tới các giải pháp nhằm phát huy các yếu tố tác động tích cực, giảm các yếu tố tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế nông thôn, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình XDNTM ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nội dung của luận án đã làm rõ một số kết quả sau:

1. Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là một phức hợp những nhân tố cấu thành của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nông, lâm, ngư nghiệp, cùng với các ngành công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Là tổng thể các quan hệ kinh tế có quan hệ hữu cơ với nhau trong khu vực nông thôn và trong toàn bộ vùng, địa phương, nền kinh tế quốc dân; nhằm làm cho khu vực nông thôn có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp sản xuất hàng hoá với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển đô thị theo qui hoạch; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

2. Phát triển kinh tế nông thôn có vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng nông thôn mới; phát triển KTNT trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM có mối quan hệ hữu cơ gắn bó chặt chẽ với nhau không thể tách rời, là cần thiết khách quan đối với mỗi địa phương trong cả nước. Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới gồm nhiều nội dung, trong đó đặc biệt chú trọng nội dung về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn; nâng cao thu nhập, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái. Các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới gồm: các chỉ tiêu trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của KTNT; các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế tổng hợp. Đồng thời luận án nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế và trong nước về phát triển KTNT

Page 160: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

154

trong XDNTM. Trên cơ sở đó rút ra một số bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo bổ ích cho huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình về phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đó là: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và vai trò của các tổ chức chính trị ở nông thôn; Coi trọng công tác xây dựng quy hoạch, đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng; Tập trung mọi nỗ lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nghề ở nông thôn; Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn là khâu đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới; Lựa chọn các ngành nghề, sản phẩm có lợi thế so sánh.

4. Thực trạng phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2008 - 2013 đã đạt được những kết quả nhất định. Song vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Nông thôn phát triển tự phát, thiếu quy hoạch; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện chậm, chưa bền vững; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng còn thiếu, chưa đồng bộ; Các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh đổi mới còn chậm; Tiếp thu, chuyển giao những tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra được sản phẩm có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, có sức cạnh tranh lớn; Đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn còn thấp, số hộ nghèo còn cao... Nguyên nhân của hạn chế thuộc cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là: Công tác xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch chưa thực hiện tốt; Trình độ lao động, trình độ khoa học - công nghệ còn thấp; Cơ chế, chính sách để thực hiện phát triển kinh tế nông thôn chưa đồng bộ; Nhận thức của một số cấp ủy chính quyền các cấp về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đầy đủ.

5. Để phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thời gian tới, luận án đưa ra 5 quan điểm đó là: Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị thực hiện; Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới phải gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Phát triển kinh tế

Page 161: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

155

nông thôn trong xây dựng nông thôn mới phải phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế; Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới phải là sự nghiệp của toàn dân, trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng của các thành phần kinh tế; Phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới phải gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ vững chắc an ninh, quốc phòng. Đồng thời luận án đề xuất 8 giải pháp gồm: Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế nông thôn toàn diện theo hướng hiện đại; Huy động các nguồn vốn và đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế nông thôn; Xây dựng, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; Đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; Tổ chức thực hiện hiệu quả hệ thống các chính sách; Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; Tăng cường năng lực, hiệu lực quản lý Nhà nước và các tổ chức đoàn thể.

Page 162: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

156

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

1. Trần Hồng Quảng (2011), “Phát triển trồng dược liệu trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, Tạp chí Cây thuốc quý, (189).

2. Trần Hồng Quảng (2012), “Phát triển làng nghề truyền thống đối với việc xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình hiện nay”, Tạp chí Giáo dục lý luận, (5), tr.77-80.

3. Trần Hồng Quảng, Hoàng Thị Bích Loan (2013), “Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình: Thực trạng và định hướng phát triển”, Tạp chí Kinh tế và phát triển, (Số đặc biệt), tr.19-25.

4. Trần Hồng Quảng, Nguyễn Minh Quang (2013), “Phát triển kinh tế nông thôn nhằm xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình hiện nay”, Tạp chí Kinh tế và phát triển, (197/II), tr.75-81.

5. Trần Hồng Quảng, “Một số thành tựu trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình”, Tạp chí Kinh tế và Quản lý, (11), tr.46-50.

Page 163: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

157

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt 1. Lê Vũ Anh (2001), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn Tây Bắc trong

quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2008), Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá X), về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hà Nội.

3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2012), Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá XI), về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Hà Nội.

4. Ban Kinh tế Trung ương (2001), Nghiên cứu sự hình thành và phát triển làng nghề mới gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá vùng đồng bằng sông Hồng, Đề tài khoa học, báo cáo tóm tắt, Hà Nội.

5. Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Bộ NN&PTNT (2002), Con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Nguyễn Văn Bách, Chu Tiến Quang chủ biên (1999), Phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

7. Nguyễn Văn Bộ (2008), Vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp Việt Nam, Kỷ yếu khoa học, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

8. Bộ Chính trị (1988), Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 05/4/1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, Hà Nội.

9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2011), Kinh tế - xã hội Việt Nam: các tỉnh, thành phố - quận, huyện năm 2010, Nxb Thống kê, Hà Nội.

Page 164: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

158

10. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê (2000), Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK, ngày 23/6/2000 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê, Hướng dẫn xác định kinh tế trang trại, Hà Nội.

11. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2002), Nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc trong bối cảnh hội nhập WTO và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

12. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê (2003), Thông tư liên tịch số 62/2003/TTLT-BNN-TCTK ngày 20/5/2003 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê, Hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại.

13. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và JICA (2003), Nghiên cứu quy hoạch phát triển ngành nghề thủ công theo hướng công nghiệp hoá nông thôn Việt Nam, Hà Nội.

14. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2006), Phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững, Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ 2, Hà Nội.

15. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2007), Cam kết của Việt Nam với WTO trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

16. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2007), Một số chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

17. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2009), Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội.

18. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính (2011), Thông tư liên tịch số 26/2009/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ tài chính, Hướng dẫn một số nội dung thực hiên Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.

Page 165: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

159

19. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2011), Báo của Viện Nghiên cứu khoa học nông nghiệp, Hà Nội.

20. Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và môi trường (2011), Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT, ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và môi trường, Qui định việc lập, thẩm định, phê duyệt qui hoạch xây dựng xã nông thôn mới, Hà Nội.

21. Trần Xuân Châu (2003), Phát triển nền nông nghiệp hàng hoá ở Việt Nam thực trạng và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

22. Đặng Kim Chi (Chủ biên) (2005), Làng nghề Việt Nam và môi trường, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

23. Chính phủ (2008), Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Của Ban chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hà Nội.

24. Đặng Kim Chung - Kim Dung (2008), Giải pháp nào cho phát triển doanh nghiệp nông thôn nước ta, Kỷ yếu khoa học, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

25. Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình (2012), Niên giám thống kê huyện, thị xã, các năm 2001, 2002, 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, Ninh Bình.

26. Nguyễn Sinh Cúc (2013), "Tổng quan nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sau 25 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa VI)", Tạp chí Kinh tế và quản lý, (6).

27. Nguyễn Sinh Cúc (2013), “Vài nét về xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng”, Tạp chí Cộng sản, (83).

28. Vũ Đình Cự (1996), Khoa học và công nghệ lực lượng sản xuất hàng đầu, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

29. Mai Ngọc Cường (2005), Lịch sử các học thuyết kinh tế, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.

30. Tô Xuân Dân, Lê Văn Viện, Đỗ Trọng Hùng (Đồng chủ biên) (2013), Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam: Tầm nhìn mới, tổ chức quản lý mới, bước đi mới, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

Page 166: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

160

31. Phan Diễn (2002), “Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn”, Tạp chí Cộng sản, (28).

32. Phan Đại Doãn (Chủ biên) (1996), Quản lý xã hội nông thôn nước ta hiện nay - một số vấn đề và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

33. Nguyến Tiến Dũng (2002), Phát triển kinh tế nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng trong quá trình hình thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

34. Đảng bộ tỉnh Ninh Bình (2010), Văn kiện Đại hội đảng bộ tỉnh Ninh Bình các nhiệm kỳ: (1995-2000); (2000-2005); (2005-2010); (2010-2015), Ninh Bình.

35. Đảng bộ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (2008), Lịch sử Đảng bộ huyện Kim Sơn giai đoạn 1947 - 2007, In tại Công ty TNHH Thành Lộc, Ninh Bình.

36. Đảng bộ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (2010), Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình các nhiệm kỳ: (1995-2000); (2000-2005); (2005-2010); (2010-2015), Ninh Bình.

37. Đảng Cộng sản Việt Nam (1994), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa VII , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

38. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

39. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hàng Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

40. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hàng Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

41. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

42. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

43. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

44. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

Page 167: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

161

45. Nguyễn Thị Bích Đào (2004), Một số vấn đề lý luận và định hướng phát triển kinh tế nông thôn ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam, Hà Nội.

46. Tô Đức Hạnh, Phạm Văn Linh (2000), Phát triển kinh tế hàng hoá trong nông thôn các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam thực trạng và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

47. Trương Duy Hoàng (2004), Các giải pháp tài chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

48. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Khoa Kinh tế phát triển (2005), Phát triển thị trường cho làng nghề tiểu thủ công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn hiện nay, Đề tài khoa học, Hà Nội.

49. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2006), Khôi phục và phát triển làng nghề ở vùng đồng bằng sông Hồng nước ta hiện nay, Báo cáo tổng quan khoa học, Đề tài cấp bộ 2005 - 2006, Hà Nội.

50. Hoàng Ngọc Hoà (2008), Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH ở nước ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

51. Mai Thế Hởn (Chủ biên), Hoàng Ngọc Hoà và Vũ Văn Phúc (2002), Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

52. Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia (1999), Giáo trình Kinh tế học chính trị Mác - Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

53. Lâm Quang Huyên (2004), Kinh tế nông hộ và kinh tế hợp tác trong nông nghiệp Việt Nam, Nxb trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

54. Huyện ủy Hải Hậu, tỉnh Nam Định (2013), Báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nam Định.

55. Huyện uỷ Kim Sơn (2008), Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 16/5/2008 của Ban chấp hành đảng bộ huyện về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, CN-TTCN và làng nghề đến năm 2010, định hướng phát triển đến năm 2015, Kim Sơn.

Page 168: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

162

56. Huyện uỷ Kim Sơn (2011), Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 28/2/2011của Ban thường vụ huyện ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá, bền vững, an toàn và hiệu quả, Kim Sơn.

57. Huyện ủy Kim Sơn (2011), Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 28/6/2011 của BCH đảng bộ huyện Kim Sơn về lãnh đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, Kim Sơn.

58. Huyện ủy Kim Sơn (2013), Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXII từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đến hết nhiệm kỳ, Kim Sơn.

59. Huyện ủy Kim Sơn (2013), Báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Kim Sơn.

60. Huyện ủy Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (2013), Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nam Định.

61. Hồ Ngọc Hy (2014), “Mô hình sản xuất lớn trong nông nghiệp - động lực của quá trình tái cơ cấu, xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Trị”, Tạp chí Cộng sản, (96).

62. Vũ Trọng Khải (2004), Phát triển nông thôn Việt Nam từ làng xã truyền thống đến văn minh thời đại, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

63. V.I.Lênin (1978), Toàn tập, Tập 35, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva. 64. V.I.Lênin (1977), Toàn tập, Tập 36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva. 65. V.I.Lênin (1977), Toàn tập, Tập 39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva. 66. V.I.Lênin (1977), Toàn tập, Tập 42, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva. 67. V.I.Lênin (1978), Toàn tập, Tập 43, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva. 68. V.I. Lênin (1978), Toàn tập, Tập 44, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva. 69. V.I.Lênin (1978), Toàn tập, Tập 45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva. 70. Ngô Xuân Lịch (2006), "Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường

sức mạnh quốc phòng - an ninh ở địa bàn Quân khu 3", Tạp chí Cộng sản, (24), tr.24 - 28.

71. Nguyễn Thành Lợi (2012), “Xây dựng nông thôn mới của Nhật Bản và một số gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Lý luận Chính trị, (03).

Page 169: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

163

72. Ngô Thắng Lợi (Chủ biên) (2006), Kế hoạch hoá phát triển kinh tế, xã hội, Nxb Thống kê, Hà Nội.

73. Tăng Minh Lộc (2008), "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình công nghệp hóa, hiện đại hóa", Tạp chí Cộng sản.

74. Vũ Quang Lộc (1999), "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với sự củng cố quốc phòng ở nước ta", Tạp chí Quốc phòng toàn dân, (7).

75. C.Mác và Ph.Ăngghen (2002) Toàn tập, Tập 22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 76. C.Mác - Ph.Ăngghen (1996), Toàn tập, Tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 77. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 78. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 79. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 80. Hồ Chí Minh (2005), Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 81. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 82. Nguyễn Quang Minh (2011), Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn

trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

83. Phạm Văn Nam (Chủ biên) (1997), Phát triển nông thôn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

84. Lê Hữu Nghĩa (2008), “Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam - những vấn đề đặt ra và giải pháp”, Tạp chí Lý luận Chính trị, (11).

85. Nguyễn Huy Oánh (Chủ biên) (2009), Nông nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, Đề tài cấp cơ sở, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

86. Lê Quang Phi (2007), Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ mới, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội.

87. Vũ Văn Phúc (2003), “Một số vấn đề về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn”, Tạp chí Cộng sản, (7).

88. Vũ Văn Phúc (Chủ biên) (2012), Xây dựng nông thôn mới - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Page 170: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

164

89. Dương Bá Phượng (2001), Bảo tồn và phát triển làng nghề trong quá trình công nghiệp hoá, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

90. Chu Tiến Quang (2007), Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thực trạng và định hướng, Báo cáo chuyên đề, Hà Nội.

91. Nguyễn Thị Tố Quyên (2011), "Thách thức mới đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam và một số gợi ý chính sách giai đoạn 2011 - 2020", Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, (402).

92. Tô Huy Rứa (2009), Vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Kinh nghiệm Việt Nam - Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

93. Nguyễn Danh Sơn (Chủ biên) (2010), Nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước theo hướng hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

94. Đặng Kim Sơn (2008), Kinh nghiệm quốc tế về nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

95. Đặng Kim Sơn (2008), Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vật cản hay động lực cho tăng tốc công nghiệp hóa, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

96. Lê Quốc Sử (2001), Chuyển dịch cơ cấu và xu hướng phát triển của kinh tế nông nghiệp Việt Nam theo hướng CNH, HĐH từ thế kỷ XX đến thế kỷ XXI “trong thời đại kinh tế trí thức, Nxb Thống kê, Hà Nội.

97. Nguyễn Hữu Tập (2010), Phát triển kinh tế nông thôn và tác động của nó đến xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở nước ta hiện nay, Luận án Tiến sỹ kinh tế, Học viện Chính trị - Bộ quốc phòng, Hà Nội.

98. Nguyễn Vĩnh Thanh (2009), Xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống ở đồng bằng sông Hồng hiện nay, Nxb Học viện hành chính Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

99. Nguyễn Quốc Thái (2012), Tín dụng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở Việt nam - một số vấn đề lý thuyết, Viện Kinh tế - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

100. Lê Đình Thắng (Chủ biên) (2000), Chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn sau Nghị quyết 10 của Bộ chính trị, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

101. Vũ Đình Thắng (Chủ biên) (2006), Giáo trình kinh tế nông nghiệp, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

Page 171: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

165

102. Đặng Văn Thắng, Phạm Ngọc Dũng (2003), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng thực trạng và triển vọng. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

103. Thủ tướng Chính phủ (2002), Nghị định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông hợp đồng, Hà Nội.

104. Thủ tướng Chính phủ (2005), Quyết định 150/2005/QĐ-TTg về quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - lâm, thủy sản đến 2010, tầm nhìn đến 2020, Hà Nội.

105. Thủ tướng Chính phủ (2006), Quyết định 10/2006/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản giai đoạn 2006 - 2020, Hà Nội.

106. Thủ tướng Chính phủ (2006), Quyết định 150/2005/QĐ-TTg về quy hoạch tổng thể chiến lược lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020, Hà Nội.

107. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, Hà Nội.

108. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, Hà Nội.

109. Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình rà soát qui hoạch xây dựng nông thôn mới, Hà Nội.

110. Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 06 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội.

111. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, Hà Nội.

112. Đoàn Xuân Thủy (Chủ biên) (2011), Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

113. Tỉnh uỷ Ninh Bình (2006), Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 8/8/2006 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ về đẩy nhanh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ giai đoạn 2006 - 2010, Ninh Bình.

114. Tỉnh ủy Ninh Bình (2012), Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16/1/2012 của BCH đảng bộ tỉnh Ninh Bình (khoá XX) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, Ninh Bình.

Page 172: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

166

115. Tỉnh ủy Ninh Bình (2013), Báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ninh Bình.

116. Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và trường Đại học quốc gia Mokpo, Công nghiệp hóa nông thôn Hàn quốc: Bài học cho phát triển nông thôn Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế, Hà Nội.

117. Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (2009), Kỷ yếu hội thảo ngành cói Việt Nam - Hợp tác để tăng trưởng, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

118. Đàm Quang Tuấn (2008), Vai trò qui hoạch dân cư nông thôn với tiến trình công nghệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nước ta, Kỷ yếu khoa học, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

119. Đào Thế Tuấn (2007), “Về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong thời kỳ mới”, Tạp chí Cộng sản, (7).

120. Nguyễn Từ (2004), Nông nghiệp Việt Nam trong phát triển bền vững, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

121. Đào Tố Uyên (2012), Công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Kim Sơn (kỷ sửu), In tại Công ty TNHHTM và DV Hà Phương, Ninh Bình.

122. Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn (2013), Các báo cáo tổng kết tình hình kinh tế xã - hội huyện Kim Sơn từ năm 2001 đến năm 2013, Kim Sơn.

123. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình (2003), Quyết định số 2472/QĐ-UBND ngày 28/11/2003 về phê duyệt qui hoạch ngành nghề nông thôn tỉnh Ninh Bình đến năm 2010, Ninh Bình.

124. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình (2013), Các báo cáo tổng kết tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình từ năm 2001 đến năm 2013, Ninh Bình.

125. Viện Ngôn ngữ học (1999), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng. 126. Hồng Vinh (1998), Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn,

Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 127. Hồ Văn Vĩnh - Nguyễn Quốc Thái (2005), Mô hình hợp tác xã nông nghiệp

ở Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội. 128. Xỉ Xỏn Phăn Bun Sỉ (2010), Kinh tế nông thôn ở Cộng hòa dân chủ nhân

dân Lào trong thời kỳ đổi mới, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Page 173: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

167

129. Phạm Xuân (2013), “Xây dựng nông thôn mới: Những thuận - nghịch đặt ra tại Đắk Lắk”, Tạp chí Cộng sản, (79).

130. Võ Tòng Xuân (2008), “Nông nghiệp và nông dân Việt Nam phải làm gì để hội nhập kinh tế quốc tế”, Tạp chí Cộng sản, (785).

131. Trần Minh Yến (2004), Phát triển nghề thủ công truyền thống trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Tài liệu tiếng Anh 132. APO (2001), Rural-based Food Processing Industry. APO (2001), Ngành

chế biến thực phẩm trên nền tảng nông thôn. 133. Ashley, C & Maxwell, S. (2001), Rethinking Rural Development,

Development Policy Review, 19 (4): 737-448, Theme Issue: Rethinking Rural Development, Blackwell Publishers.

134. Bernstein, H (1977), Notes on capital and peasantry, Rural Development: Theories of peasant economy and agrarian change, Edited by John Harriss, Hutchinson University Library for Africa, Hutchinson & Co. (Publishers) Ltd.

135. Du Ying, China’s Agricultural Restructuring and System Reform under Its Accession to the WTO, (Department of Policy and Law, Ministry of Agriculture, China), ACIAR China Grain Market Policy Project Paper No. 12, November 2000.

136. CIEM, DOE- Univ. Copenhagen, IISSA (2009), Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam: Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2008 tại 12 tỉnh; Nxb Thống kê, Hà Nội.

137. Corbridge, S. Urban bias, rural bias and industrialization, Rural Development: Theories of peasant economy and agrarian change, Edited by John Harriss, Hutchinson University Library for Africa, Hutchinson & Co. (Publishers) Ltd.

138. Douglas L.Vermillion and Juan A. Sagardoy (1999), Transfer of Irrigation management services, International Irrigation Management Institute.

139. FAO (2000), Master Plan for Agricultural Research in Vietnam. 140. Hanho Kim, Yong-Kee Lee, Agricultural Policy Reform and Structural

Adjustment in Korea and Japan, International Agricultural Trade Research Consortium, "Adjusting to Domestic and International

Page 174: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

168

Agricultural Policy Reform in Industrial Countries" Philadelphia, PA, June 6-7, 2004.

141. Harrigan J., Loader R and Thirtle C. (1992) Agricultural Price Policy: Government and the market, FAO.

142. Nguyen Ngoc Que & Francesso Goletti (2001), “Explaning Agriculture Growth”. 143. Junior Davis, Rural non-farm livelihoods in transition economies: Emerging

issues and policies, Economist NRI, UK. Journal of Agricultural and Development Economics, Agricultural and Development Economics Division (ESA) FAO Vol. 3, No. 2, 2006, pp. 180-224.

144. Korea, Experiences por Rural development in VietNam; Internationl conference, Rural industrialization in Korea.

145. Servaas Storm (1997), The unfinished agenda: Indian Agriculture under the structural reforms, Servaas Storm, Department of Applied Economics, Eramus University, Rotterdam, The Netherlands, The Journal of International Trade and Economic Development 6:2 249-286, 1997.

146. World Bank (2002), Do Rural Infrastructure Investment Benefit the Poor? Evaluating Linkages: A Global View, A Focus on Vietnam.

147. Wiggens, S & Proctors, S. (2001), How Special Are Rural Areas? The Economic Implications of Location for Rural Development, Development Policy Review, 19 (4): 737-448, Theme Issue: Rethinking Rural Development, Blackwell Publishers.

Page 175: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

169

PHỤ LỤC

Phụ lục 1

Cơ cấu tổng sản phẩm trong nước của nền kinh tế quốc dân Đơn vị: %

Năm Chỉ tiêu 2000 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013

Tổng số (giá trị thực tế) 100 100 100 100 100 100 100 100 100

Nông-lâm-thủy sản 24,53 18,73 18,66 20,42 19,17 18,89 20,08 19,67 18,38

Công nghiệp-xây dựng 36,73 38,59 38,52 37,08 37,39 38,23 37,90 38,63 38,31

Dịch vụ 38.74 42,68 42,82 42,50 43,44 42,88 42,02 41,7 43,31

Nguồn: Niên giám Thống kê 2000-2013.

Phụ lục 2

Cơ cấu kinh tế ngành ở huyện Kim Sơn qua các năm

Đơn vị tính: tỷ đồng

Nông - Lâm - TS Công nghiệp - XD Dịch vụ Năm Tổng GTSX Giá trị % Giá trị % Giá trị %

2001 717 365 50,91 223 31,10 129 17,99 2002 891 491 55,11 256 28,73 144 16,16 2003 946 513 54,23 266 28,12 167 17,65 2004 1014 553 54,54 276 27,22 185 18,24 2005 1299 594 45,73 433 33,33 272 20,94 2006 1450 632 43,59 480 33,10 338 23,31 2007 1766 836 47,34 551 31,20 379 21,46 2008 2389 1042 43,62 816 34,16 531 22,23 2009 3076 1260 40,96 1135 36,90 681 22,14 2010 3633 1406 38,70 1336 36,77 891 24,53 2011 4539 1862 41,02 1603 35,32 1074 23,66 2012 5224 1859 35,59 2077 39,76 1288 24,66 2013 5.836 1.979 33,91 2.389 40,94 1.468 25,15

Nguồn: UBND huyện Kim Sơn/năm 2013 [122].

Page 176: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

170

Phụ lục 3 Dân số huyện Kim Sơn năm 2013

Đơn vị: số người

Tổng số tín đồ Thiên chúa giáo Phật giáo TT Xã, thị trấn Dân số Số

người % Số người % Số

người %

1 Xuân Thiện 2814 2637 93.7% 2470 87.8% 167 5.9% 2 Chính Tâm 3144 2828 89.9% 2578 82.0% 250 8.0% 3 Chất Bình 5574 2392 42.9% 1942 34.8% 450 8.1% 4 Hồi Ninh 4922 3525 71.6% 3394 69.0% 131 2.7% 5 Kim Định 6040 1971 32.6% 1803 29.9% 168 2.8% 6 Ân Hòa 7093 5666 79.9% 5350 75.4% 316 4.5% 7 Hùng Tiến 6211 4345 70.0% 4046 65.1% 299 4.8% 8 Như Hòa 5452 2749 50.4% 2354 43.2% 395 7.2% 9 Quang Thiện 8748 1339 15.3% 535 6.1% 804 9.2% 10 Đồng Hướng 8149 2695 33.1% 1991 24.4% 704 8.6% 11 Kim Chính 7263 1026 14.1% 674 9.3% 352 4.8% 12 Yên Mật 2197 363 16.5% 162 7.4% 201 9.1% 13 TT. Phát Diệm 8627 3016 35.0% 2192 25.4% 824 9.6% 14 Thượng Kiệm 6963 1901 27.3% 1639 23.5% 262 3.8% 15 Lưu Phương 6973 5309 76.1% 5096 73.1% 213 3.1% 16 Tân Thành 4770 592 12.4% 441 9.2% 151 3.2% 17 Yên lộc 8080 968 12.0% 536 6.6% 432 5.3% 18 Lai Thành 11815 4185 35.4% 3655 30.9% 530 4.5% 19 Định Hóa 6802 3439 50.6% 3088 45.4% 351 5.2% 20 Văn Hải 8131 6299 77.5% 6098 75.0% 201 2.5% 21 Kim Tân 6887 5675 82.4% 5397 78.4% 278 4.0% 22 Kim Mỹ 11180 10233 91.5% 9742 87.1% 491 4.4% 23 Cồn Thoi 8937 8455 94.6% 8143 91.1% 312 3.5% 24 TT. Bình Minh 3744 822 22.0% 572 15.3% 250 6.7% 25 Kim Hải 3228 1788 55.4% 1721 53.3% 67 2.1% 26 Kim Trung 3306 2135 64.6% 2017 61.0% 118 3.6% 27 Kim Đông 3585 2301 64.2% 2103 58.7% 198 5.5%

Cộng 170635 88654 52.0% 79739 46.7% 8915 5.3%

Nguồn: UBND huyện Kim Sơn/năm 2013 [122].

Page 177: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

171

Phụ lục 4 Thống kê diện tích đất đai năm 2013 huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình

Đơn vị: ha

Thứ tự

Mục đích sử dụng đất Mã

Tổng diện tích các loại đất

trong địa giới hành chính

(ha)

Cơ cấu diện tích loại đất so với tổng diện tích tự nhiên

(%) Tổng diện tích tự nhiên 21537.04 100.00

1 Đất nông nghiệp NNP 13401.15 62.22 1.1 Đất sản xuất nông nghiệp SXN 9603.99 44.59

1.1.1 Đất trồng cây hàng năm CHN 8644.33 40.14 1.1.1.1 Đất trồng lúa LUA 8333.61 38.69 1.1.1.2 Đất trồng cây hàng năm khác HNK 310.72 1.44 1.1.2 Đất trồng cây lâu năm CLN 959.66 4.46 1.2 Đất lâm nghiệp LNP 685.51 3.18

1.2.1 Đất rừng phòng hộ RPH 685.51 3.18 1.3 Đất nuôi trồng thuỷ sản NTS 3107.26 14.43 1.4 Đất nông nghiệp khác NKH 4.39 0.02 2 Đất phi nông nghiệp PNN 5927.09 27.52

2.1 Đất ở OTC 973.08 4.52 2.1.1 Đất ở tại nông thôn ONT 912.95 4.24 2.1.2 Đất ở tại đô thị ODT 60.13 0.28 2.2 Đất chuyên dùng CDG 3329.01 15.46

2.2.1 Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp CTS 27.08 0.13 2.2.2 Đất quốc phòng CQP 108.89 0.51 2.2.3 Đất an ninh CAN 4.22 0.02 2.2.4 Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp CSK 273.74 1.27 2.2.5 Đất có mục đích công cộng CCC 2915.08 13.54 2.3 Đất tôn giáo, tín ngưỡng TTN 87.60 0.41 2.4 Đất nghĩa trang, nghĩa địa NTD 309.68 1.44 2.5 Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng SMN 1227.46 5.70 2.6 Đất phi nông nghiệp khác PNK 0.26 0.00 3 Đất chưa sử dụng CSD 2208.80 10.26

3.1 Đất bằng chưa sử dụng BCS 2202.99 10.23 3.2 Núi đá không có rừng cây NCS 5.81 0.03 4 Đất có mặt nước ven biển (quan sát) MVB 1460.00

4.1 Đất mặt nước ven biển NTTS MVT 756.14 4.2 Đất mặt nước ven biển có rừng MVR 473.16 4.3 Đất mặt nước ven biển có mục đích khác MVK 230.7

Nguồn: UBND huyện Kim Sơn/năm 2013 [122].

Page 178: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

172

Phụ lục 5

Tổng thu ngân sách huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình từ 2005 - 2013

Đơn vị: Tỷ đồng

TT Nội dung Năm 2005

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

A Tổng thu NSNN trên địa bàn

39,773 55,011 77,704 72,052 76,239 89,764 108,968 81,012 88,737

Thu cân đối NSNN trên địa bàn

33,080 46,884 72,939 68,251 72,484 86,650 104,044 76,962 83,894

Trong đó: - Thu từ khu vực ngoài quốc doanh

5,357 6,960 11,406 14,899 17,090 25,742 35,083 38,798 38,946

I

- Thu tiền sử dụng đất

16,884 29,256 47,888 38,442 37,949 44,275 51,658 20,269 25,267

II

Các khoản thu để lại đơn vị chi LQNSNN

6,693 8,127 4,766 3,801 3,755 3,114 4,924 4,050 4,846

1 Học phí 2,594 1,495 1,401 1,248 1,160 964 2,239 2,344 2,588

2 Đóng góp theo quy định

3,912 6,409 3,108 2,241 2,146 1,530 1,852 795 1,245

3 Thu từ xổ số kiến thiết

187 222 256 312 450 620 833 911 1.010

B

Thu bổ sung từ ngân sách cấp trên

75,610 85,647 106,736 148,257 220,058 270,919 306,162 471,695 521,953

C

Thu từ ngân sách cấp dưới nộp lên

1,512

D

Thu tín phiếu, trái phiếu của NSTW

9,930 2,531

Tổng số 125,313 143,189 184,441 220,309 296,297 360,683 415,129 554,219 610.691 Nguồn: UBND huyện Kim Sơn/năm 2013 [122].

Page 179: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

173

Phụ lục 6

Cơ cấu lao động theo ngành kinh tế của huyện Kim Sơn 2008 - 2013

Đơn vị: %

Nông lâm - thủy sản

Công nghiệp - XD Dịch vụ

Năm

Dân số (Nhân khẩu

TTTT)

TS lao động SL % SL % SL %

2008 165189 93014 48850 52.52 32054 34.46 12110 13.02

2009 164943 93095 48109 51.68 32196 34.58 12790 13.74

2010 165239 93262 48792 52.32 32228 34.56 12242 13.13

2011 166290 93366 47222 50.58 33104 35.46 13040 13.97

2012 168176 93860 47003 50.08 33510 35.70 13347 14.22

2013 169527 94038 46333 49.27 33615 35.75 14090 14.98

Nguồn: UBND huyện Kim Sơn/năm 2013 [122].

Phụ lục 7

Cơ cấu lao động ngành nông nghiệp huyện Kim Sơn 2008 - 2013

Đơn vị: %

Nông nghiệp Thủy sản Lâm nghiệp Năm TS lao động SL % SL % SL %

2008 48850 45155 92.44 3691 7.56 4 0.008

2009 48109 44969 93.47 3134 6.51 6 0.012

2010 48792 44802 91.82 3984 8.17 6 0.012

2011 47222 43358 91.82 3858 8.17 6 0.013

2012 47003 43015 91.52 3980 8.47 8 0.017

2013 46333 42330 91.36 3995 8.62 8 0.017

Nguồn: UBND huyện Kim Sơn/năm 2013 [122]. Ghi chú: Lao động nông nghiệp vừa tham gia trồng trọt, vừa tham gia chăn nuôi, ngoài ra còn tham gia sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp những tháng nông nhàn. Vì vậy không tách được lao động chăn nuôi.

Page 180: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

174

Phụ lục 8

Danh sách các làng nghề của huyện Kim Sơn được công nhận

đến năm 2013

TT Tên làng nghề Năm công nhận 1 Làng nghề cói Trì Chính xã Kim Chính 2006 2 Làng nghề cói Yên Thổ xã Yên Mật 2007 3 Làng nghề cói Ninh Mật xã Yên Mật 2007 4 Làng nghề cói Hướng Đạo xã Đồng Hướng 2007 5 Làng nghề cói Đồng Đắc xã Đồng Hướng 2007 6 Làng nghề cói Kiến Thái xã Kim Chính 2007 7 Làng nghề cói Thủ Trung xã Kim Chính 2007 8 Làng nghề coí xóm Vinh Ngoại- xã Thượng Kiệm 2008 9 Làng nghề cói xóm 4- xã Thượng Kiệm 2008 10 Làng nghề cói xóm 5- xã Thượng Kiệm 2008 11 Làng nghề cói xóm 6- xã Thượng Kiệm 2008 12 Làng nghề cói Mật Như xã Yên Mật 2008 13 Làng nghề cói xóm 13 xã Hùng Tiến 2010 14 Làng nghề cói xóm 7 xã Lưu Phương 2010 15 Làng nghề cói xóm 9 xã Lưu Phương 2010 16 Làng nghề cói xóm 3 xã Như Hòa 2010 17 Làng nghề cói xóm 5 xã Quang Thiện 2010 18 Làng nghề cói xóm 7 xã Yên Lộc 2010 19 Làng nghề cói xóm An Cư- xã Thượng Kiệm 2011 20 Làng nghề cói xóm 3- xã Thượng Kiệm 2011 21 Làng nghề cói phố Phú Vinh- TT Phát Diệm 2011 22 Làng nghề cói phố Trì Chính- TT Phát Diệm 2011 23 Làng nghề cói phố Năm Dân- TT Phát Diệm 2011 24 Làng nghề cói xóm 1 xã Như Hòa 2012 25 Làng nghề cói xóm 5 xã Hùng Tiến 2012

Nguồn: UBND huyện Kim Sơn/năm 2013 [122].

Page 181: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

175

Phụ lục 9

Tổng hợp phiếu điều tra của nông dân

Tổng số phiếu: 459 phiếu

Câu hỏi 1: Xin ông (bà) vui lòng cho biết đánh giá của mình về quy hoạch và thực hiện quy hoạch của xã

a, Quy hoạch nông thôn mới của xã phù hợp với thực tiễn ở địa phương 146 34%

b, Quy hoạch nông thôn mới của xã không phù hợp 198 46%

c, Không biết quy hoạch nông thôn mới của xã 90 21%

* Còn lại không trả lời hoặc ý kiến khác: 25 Câu hỏi 2: Xin ông (bà) cho biết đánh giá của mình về các công trình giao

thông nông thôn hiện nay ra sao?

Tốt % Trung bình % Kém % Không

biết

a, Đường trục xã, liên xã 97 22 190 43% 156 35 3

b, Đường trục thôn 106 24 172 39% 158 36 0

c, Đường ngõ, xóm 57 13 198 45% 182 42 0

d, Đường trục chính nội đồng 71 17 137 32% 215 50 7

e, Mức hỗ trợ của Nhà nước 52 13 173 43% 171 43 3

Câu hỏi 3. Hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp của địa phương như thế nào?

Đúng % Sai % Không biết

Rất kém, hầu như chưa đáp ứng yêu cầu 257 71 96 27 8

Đáp ứng cơ bản yêu cầu về lượng nước 193 51 185 49 1

Đáp ứng cơ bản yêu cầu về lượng nước và thời gian cấp nước 187 49 194 51 2

Đáp ứng cơ bản yêu cầu cả về lượng nước, thời gian cấp nước và giá cả 157 46 180 52 7

Page 182: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

176

Câu hỏi 4. Hệ thống điện phục vụ sản xuất và đời sống của địa phương như thế nào?

Đúng % Sai % Không biết

Rất kém, hầu như chưa đáp ứng yêu cầu 97 33 198 66 3

Đáp ứng cơ bản yêu cầu về đời sống 193 47 218 53 3

Đáp ứng cơ bản yêu cầu về đời sống và sản xuất 182 50 169 47 10

Đáp ứng cơ bản yêu cầu cả về công suất, thời gian cấp điện 141 41 189 55 13

Câu hỏi 5: Xin ông (bà) cho biết đánh giá của mình về cơ sở, vật chất các trường học hiện nay như thế nào?

Tốt % Trung bình % Kém % Không

biết

a, Trường mầm non 190 45 192 45 38 09 02

c, Trường tiểu học 266 60 162 37 10 02 02

d, Trường THCS 234 53 188 43 14 03 02

Câu hỏi 6: Xin ông (bà) cho biết đánh giá của mình về tình hình giáo dục hiện nay như thế nào?

Tốt % Trung bình % Kém % Không

biết %

a, Chất lượng giáo viên 187 42 242 55 08 2 4 01

b, Chất lượng học sinh 153 35 264 60 20 5 04 1

c, Chất lượng lao động qua đào tạo nghề 54 13 205 27 100 52 29 7

Page 183: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

177

Câu hỏi 7: Xin hỏi ông (bà) về cơ sở, vật chất văn hóa hiện nay

Có % Không % Không biết %

a, Có nhà văn hóa xã 112 26% 309 72% 10 2%

b, Có khu thể thao xã 173 40% 248 58% 10 2%

c, Tất cả các xóm có nhà văn hóa xóm 90 22% 314 77% 06 1%

d, Tất cả các xóm có khu thể thao xóm 9 2% 379 96% 05 1%

e, Hỗ trợ của Nhà nước đối với xây nhà văn hóa thôn, xóm đã đáp ứng được nhu cầu

151 39% 215 55% 25 6%

h, Hỗ trợ của Nhà nước đối với xây nhà văn hóa thôn, xóm chưa đáp ứng được nhu cầu

176 46% 180 47% 27 7%

Câu hỏi 8: Xin ông (bà) vui lòng cho biết về tình hình chợ nông thôn hiện nay.

Có % Không % Không biết

%

a, Có đủ các công trình của chợ nông thôn 99 18% 330 80% 6 1%

b, Có tổ chức quản lý chợ 121 21% 254 77% 7 2%

c, Có Nội quy chợ và được niêm yết công khai để điều hành hoạt động, xử lý vi phạm

73 20% 280 78% 6 2%

d, Có sử dụng cân đối chứng, thiết bị đo lường để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa

30 8% 313 88% 12 3%

e, Không bán các hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật

75 21% 259 72% 28 8%

Page 184: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

178

Câu hỏi 9: Xin ông (bà) cho biết về tình hình bưu điện ở xã như thế nào?

Có % Không % Không biết %

a, Có điểm cung cấp được cả dịch vụ bưu chính và viễn thông 228 61% 134 36% 11 3%

b, Có phủ sóng hoặc mạng để truy cập internet 372 87% 26 6% 28 7%

Câu hỏi 10: Về nhà ở dân cư: Có còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát không?

a, Có : 177 b, Không : 227 c, Không biết : 14

Câu hỏi 11: Thu nhập bình quân đầu người/năm của gia đình mình?

a, Dưới 26 triệu/năm : 355 b, Từ 26 triệu/năm trở lên: 40 c, Không biết: 31

Câu hỏi 12: Bình xét hộ nghèo đảm bảo đúng quy định không?

a, Đúng : 389 b, Sai : 22 c, Không biết : 17

Câu hỏi 13: Thực hiện chính sách hộ nghèo hiện nay có phù hợp không?

a, Phù hợp : 308 b, Không phù hợp : 73 c, Chưa tốt: 49

Câu hỏi 14: Việc làm

Có % Không % Không biết %

a, Ông (bà) có việc làm thường xuyên

167 44% 215 56% 0 0%

b, Có việc làm nhưng chưa thường xuyên

188 52% 166 46% 9 2%

c, Chưa có việc làm 63 24% 187 71% 13 5%

Page 185: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

179

Câu hỏi 15: Chương trình dạy nghề nông nghiệp

Có % Không % Không biết %

a, Ông (bà) đã được học 1 trong các lớp dậy nghề 200 52% 181 47% 5 1%

b, Các lớp dậy nghề chưa phù hợp nên chưa đi học 87 29% 189 63% 26 9%

c, Chưa có thời gian đi học 91 33% 166 60% 20 7%

Câu hỏi 16: Xin ông (bà) cho biết, hiện nay trên địa bàn các HTX hoạt động thế nào?

Đúng % Sai % Không biết %

a, Hoạt động có hiệu quả 112 29% 265 69% 7 2%

b, Có hợp đồng với doanh nghiệp 50 15% 156 48% 121 37%

c, Hoạt động theo luật HTX 111 29% 162 42% 114 29%

Câu hỏi 17: Xin ông (bà) cho biết về tình hình y tế của xã

Tốt % Trung bình % Kém % Không

biết %

a, Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị 137 32% 276 64% 19 4% 1 0%

b, Trình độ của bác sỹ, y tá 153 36% 252 59% 22 5% 1 0%

c, Chất lượng phục vụ của bác sỹ, y tá 179 42% 223 52% 26 6% 1 0%

d, Chất lượng phục vụ của bác sỹ, y tá đối với người có thẻ BHYT

160 37% 217 51% 42 10% 9 2%

Page 186: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

180

Câu hỏi 18: Còn về tình hình môi trường thì sao?

Có % Không có % Không

biết %

a, Nước sinh hoạt sạch, hợp vệ sinh 101 24% 313 74% 10 2%

b, Nơi thu gom, xử lý chất thải 176 41% 246 58% 4 1%

c, Nghĩa trang được quy hoạch và quản lý theo quy hoạch 320 77% 94 23% 2 0%

d, Các hoạt động làm suy giảm môi trường 229 60% 119 31% 33 9%

Câu hỏi 19: Xin ông (bà) vui lòng cho biết nhận xét của bản thân về tổ chức chính trị xã hội ở địa phương

Tốt Trung bình Kém Không

biết

a, Trình độ của cán bộ, công chức 158 203 72 3

b, Thái độ phục vụ của cán bộ, công chức 127 204 89 5

c, Hoạt động của Đảng bộ xã 305 106 15 9

d, Hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội 260 137 29 9

Câu hỏi 20: xin ông (bà) cho biết về tình hình an ninh, trật tự xã hội hiện nay ở xã thế nào?

Có Không có

Không biết

a, Tổ chức, cá nhân hoạt động chống Đảng, chính quyền, phá hoại kinh tế; truyền đạo trái pháp luật, khiếu kiện đông người kéo dài

23 397 15

b, Tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội 52 351 29

c, Mới có người mắc các tệ nạn xã hội 184 168 47

Page 187: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

181

Câu hỏi 21: Chương trình khuyến công, khuyến nông, lâm, ngư ở địa phương như thế nào?

Không có

Không biết

a, Cán bộ khuyến nông, khuyến công chủ động giúp đỡ

182 235 11

b, Cán bộ khuyến nông, khuyến công giúp đỡ khi gia đình yêu cầu

184 156 10

c, Khó tiếp cận dịch vụ khuyến nông, khuyến công 88 274 11

d, Chưa bao giờ được cán bộ khuyến nông, khuyến công giúp đỡ dù có nhu cầu

78 263 7

e, Không có nhu cầu sử dụng dịch vụ khuyến nông, khuyến công

183 159 17

Câu hỏi 22. Ông bà có kiến nghị gì đối với từng chính sách.

Điều chỉnh nội dung

chính sách

Cải tiến phương thức

thực hiện chính sách

Chính sách đất đai 198 135

Chính sách hỗ trợ giá vật tư máy móc 157 175 Chính sách khuyến khích ứng dụng kỹ thuật, công nghệ 138 180

Chính sách tín dụng 139 179

Chính sách đào tạo tay nghề, giáo dục 153 160

Chính sách y tế 149 168

Chính sách xóa đói giảm nghèo 181 150

Chính sách văn hóa, xã hội 161 160

Page 188: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

182

Phụ lục 10

Tổng hợp phiếu điều tra của cán bộ xã, HTX

Tổng số phiếu: 218 phiếu

Câu hỏi 1: Xin ông (bà) vui lòng cho biết đánh giá của mình về quy hoạch và

thực hiện quy hoạch của xã

a, Quy hoạch nông thôn mới của xã phù hợp với thực tiễn ở địa phương

162 75%

b, Quy hoạch nông thôn mới của xã không phù hợp 53 24,5%

c, Không biết quy hoạch nông thôn mới của xã 1 0,5%

* Ý kiến khác hoặc không trả lời: 02

Câu hỏi 2: Xin ông (bà) cho biết đánh giá của mình về các công trình giao thông nông thôn hiện nay ra sao?

Tốt %

Trung bình

% Kém

% Không

biết %

a, Đường trục xã, liên xã

81 37.9 96 44.9 37 17.3 0 0.0

b, Đường trục thôn 83 39.2 95 44.8 34 16.0 0 0.0

c, Đường ngõ, xóm 57 27.0 108 51.2 46 21.8 0 0.0

d, Đường trục chính nội đồng

31 14.7 79 37.4 99 46.9 2 0.9

e, Mức hỗ trợ của Nhà nước

26 13.3 77 39.5 78 40.0 14 7.2

Page 189: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

183

Câu hỏi 3. Hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp của địa phương như thế nào?

Đúng % Sai % Không biết %

Rất kém, hầu như chưa đáp ứng yêu cầu

52 36.4 91 63.6 0 0.0

Đáp ứng cơ bản yêu cầu về lượng nước

175 95.6 7 3.9 1 0.5

Đáp ứng cơ bản yêu cầu về lượng nước và thời gian cấp nước 155 92.8 12 7.2 0 0.0

Đáp ứng cơ bản yêu cầu cả về lượng nước, thời gian cấp nước và giá cả

129 84.9 19 12.5 4 2.6

Câu hỏi 4. Hệ thống điện phục vụ sản xuất và đời sống của địa phương như thế nào?

Đúng % Sai % Không biết %

Rất kém, hầu như chưa đáp ứng yêu cầu

38 29.2 92 70.8 0 0.0

Đáp ứng cơ bản yêu cầu về đời sống 182 94.3 11 5.7 0 0.0

Đáp ứng cơ bản yêu cầu về đời sống và sản xuất

151 89.3 18 10.7 0 0.0

Đáp ứng cơ bản yêu cầu cả về công suất, thời gian cấp điện

125 80.7 29 18.7 1 0.6

Page 190: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

184

Câu hỏi 5: Xin ông (bà) cho biết đánh giá của mình về cơ sở, vật chất các

trường học hiện nay như thế nào?

Tốt % Trung bình % Kém % Không

biết %

a, Trường mầm non 115 52.8 87 39.9 16 7.3 0 0.0

c, Trường tiểu học 135 61.9 80 36.7 3 1.4 0 0.0 d,Trường THCS 117 53.9 92 42.4 8 3.7 0 0.0

Câu hỏi 6: Xin ông (bà) cho biết đánh giá của mình về tình hình giáo dục

hiện nay như thế nào?

Tốt % Trung bình % Kém % Không

biết %

a, Chất lượng giáo viên 103 47.2 112 51.4 3 1.4 0 0.0

b, Chất lượng học sinh 66 30.3 142 65.1 10 4.6 0 0.0

c, Chất lượng lao động qua đào tạo nghề

26 13.0 97 48.5 63 31.5 14 7.0

Câu hỏi 7: Xin hỏi ông (bà) về cơ sở, vật chất văn hóa hiện nay

Có % Không % Không biết %

a, Có nhà văn hóa xã 45 21.3 165 78.2 1 0.5

b, Có khu thể thao xã 94 43.5 121 56.0 1 0.5

c, Tất cả các xóm có nhà văn hóa xóm 50 24.0 157 75.5 1 0.5

d, Tất cả các xóm có khu thể thao xóm 4 2.1 189 96.9 2 1.0

e, Hỗ trợ của Nhà nước đối với xây nhà văn hóa thôn, xóm đã đáp ứng được nhu cầu

60 33.5 111 62.0 8 4.5

h, Hỗ trợ của Nhà nước đối với xây nhà văn hóa thôn, xóm chưa đáp ứng được nhu cầu

83 42.6 106 54.4 6 3.1

Page 191: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

185

Câu hỏi 8: Xin ông (bà) vui lòng cho biết về tình hình chợ nông thôn hiện nay.

Có % Không % Không biết %

a, Có đủ các công trình của chợ nông thôn 34 16.7 166 81.8 3 1.5

b, Có tổ chức quản lý chợ 73 38.0 115 59.9 4 2.1

c, Có Nội quy chợ và được niêm yết công khai để điều hành hoạt động, xử lý vi phạm

29 17.8 128 78.5 6 3.7

d, Có sử dụng cân đối chứng, thiết bị đo lường để người tiêu dùng tự kiểm tra về số lượng, khối lượng hàng hóa

5 3.1 149 92.5 7 4.3

e, Không bán các hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật

25 15.3 124 76.1 14 8.6

Câu hỏi 9: Xin ông (bà) cho biết về tình hình bưu điện ở xã như thế nào?

Có % Không % Không biết %

a, Có điểm cung cấp được cả dịch vụ bưu chính và viễn thông 130 59.9 85 39.2 2 0.9

b, Có phủ sóng hoặc mạng để truy cập internet 144 67.9 65 30.7 3 1.4

Câu hỏi 10: Về nhà ở dân cư: Có còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát không?

a, Có : 76 b, Không : 128 c, Không biết : 04

Câu hỏi 11: Thu nhập bình quân đầu người/năm của gia đình mình?

a, Dưới 26 triệu/năm : 186 b, Từ 26 triệu/năm trở lên: 25 c, Không biết: 01

Page 192: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

186

Câu hỏi 12: Bình xét hộ nghèo đảm bảo đúng quy định không?

a, Đúng : 204 b, Sai : 03 c, Không biết : 01

Câu hỏi 13: Thực hiện chính sách hộ nghèo hiện nay có phù hợp không?

a, Phù hợp : 165 b, Không phù hợp: 31 c, Chưa tốt: 19

Câu hỏi 14: Việc làm

Có % Không % Không biết %

a, Ông (bà) có việc làm thường xuyên 96 51.1 92 48.9 0 0.0

b, Có việc làm nhưng chưa thường xuyên 91 54.2 76 45.2 01 0.6

c, Chưa có việc làm 21 18.4 93 81.6 0 0.0

Câu hỏi 15: Chương trình dạy nghề nông nghiệp

Có % Không % Không biết %

a, Ông (bà) đã được học 1 trong các lớp dậy nghề 114 58.5 80 41.0 01 0.5

b, Các lớp dậy nghề chưa phù hợp nên chưa đi học 44 22.6 124 63.6 27 13.8

c, Chưa có thời gian đi học 38 20.2 144 76.6 06 3.2

Câu hỏi 16: Xin ông (bà) cho biết, các HTX hoạt động thế nào?

Đúng % Sai % Không biết %

Page 193: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

187

a, Hoạt động có hiệu quả 177 96.2 06 3.3 01 0.5

b, Có hợp đồng với doanh nghiệp 104 56.8 76 41.5 03 1.6

c, Hoạt động theo luật HTX 190 96.0 07 3.5 01 0.5

Câu hỏi 17: Xin ông (bà) cho biết về tình hình y tế của xã

Tốt % Trung bình % Kém % Không

biết

a, Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị 72 33.0 127 58.3 19 8.7

b, Trình độ của bác sỹ, y tá 79 36.7 130 60.5 06 2.8

c, Chất lượng phục vụ của bác sỹ, y tá 95 44.6 108 50.7 10 4.7

d, Chất lượng phục vụ của bác sỹ, y tá đối với người có thẻ BHYT

82 41.0 111 55.5 07 3.5

Câu hỏi 18: Còn về tình hình môi trường thì sao?

Có % Không có % Không

biết %

a, Nước sinh hoạt sạch, hợp vệ sinh

134 62.3 80 37.2 01 0.5

b, Nơi thu gom, xử lý chất thải 96 44.7 115 53.5 04 1.9

c, Nghĩa trang được quy hoạch và quản lý theo quy hoạch

157 74.8 53 25.2 0 0.0

d, Các hoạt động làm suy giảm môi trường

64 39.5 93 57.4 05 3.1

Page 194: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

188

Câu hỏi 19: Xin ông (bà) vui lòng cho biết nhận xét của bản thân về tổ chức chính trị xã hội ở địa phương

Tốt % Trung bình % Kém % Không

biết

a, Trình độ của cán bộ, công chức

119 55.3 96 44.7 0 0.0 0

b, Thái độ phục vụ của cán bộ, công chức

143 66.5 68 31.6 04 1.9 0

c, Hoạt động của Đảng bộ xã

171 79.5 41 19.1 03 1.4 0

d, Hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội

141 65.9 67 31.3 06 2.8 0

Câu hỏi 20: xin ông (bà) cho biết về tình hình an ninh, trật tự xã hội hiện nay ở xã thế nào?

Có % Không có % Không

biết %

a, Tổ chức, cá nhân hoạt động chống Đảng, chính quyền, phá hoại kinh tế; truyền đạo trái pháp luật, khiếu kiện đông người kéo dài

23 11.2 173 84.4 09 4.4

b, Tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội 34 16.7 162 79.4 08 3.9

c, Mới có người mắc các tệ nạn xã hội 91 43.8 105 50.5 12 5.8

Page 195: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

189

Câu hỏi 21: Chương trình khuyến công, khuyến nông, lâm, ngư ở địa phương như thế nào?

Có % Không có

% Không biết

%

a, Cán bộ khuyến nông, khuyến công chủ động giúp đỡ

140 69.0 59 29.1 04 2.0

b, Cán bộ khuyến nông, khuyến công giúp đỡ khi gia đình yêu cầu

145 77.1 41 21.8 02 1.1

c, Khó tiếp cận dịch vụ khuyến nông, khuyến công 42 24.0 128 73.1 05 2.9

d, Chưa bao giờ được cán bộ khuyến nông, khuyến công giúp đỡ dù có nhu cầu

21 13.2 136 85.5 02 1.3

e, Không có nhu cầu sử dụng dịch vụ khuyến nông, khuyến công

62 41.1 87 57.6 02 1.3

Câu hỏi 22. Ông bà có kiến nghị gì đối với từng chính sách.

Điều chỉnh nội

dung chính sách

Cải tiến phương

thức thực hiện chính

sách Chính sách đất đai 101 78 Chính sách hỗ trợ giá vật tư máy móc 99 85 Chính sách khuyến khích ứng dụng kỹ thuật, công nghệ 86 88 Chính sách tín dụng 94 80 Chính sách đào tạo tay nghề, giáo dục 93 89 Chính sách y tế 80 96 Chính sách xóa đói giảm nghèo 88 91 Chính sách văn hóa, xã hội 85 95

Page 196: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

190

Page 197: Kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện kim sơn tỉnh ninh bình

191

Phụ lục 11 Mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

ở huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020

Kế hoạch thời kỳ 2015 - 2020

TT Chỉ tiêu

Đơn vị

tính 2015 2016 2017 2018 2019 2020

Bình quân

thời kỳ 2011-2015

Bình quân

thời kỳ 2016-2020

Bình quân

thời kỳ 2011-2020

1 Sản lượng lương thực có hạt Tấn 105,200 106,400 106,400 106,400 106,400 106,400 105,687

- Sản lượng thóc Tấn 103,200 104,000 104,000 104,000 104,000 104,000 103,395 104,000 103,521

Trong đó : Lúa chất lượng cao Tấn 79,000 84,000 89,000 94,000 99,000 104,000 68,200 94,000 84,222

2 GTSX trên 1ha đất canh tác (Giá HH)

Triệuđồng 120 126 132 139 146 153

Thu ngân sách NN trên địa bàn

Triệuđồng 85,650 89,933 94,429 99,151 104,108 114,519 3

Trong đó: Thu đấu giá đất

Triệuđồng 20,000 20,000 20,000 20,000 20,000 20,000 26,332 20,000 20,000

4 Thu nhập bình quân đầu người/năm (Giá hiện hành)

Triệu đồng 26.1 29.9 34.4 39.6 45.7 52.7 20 40 32

GTSX theo giá hiện hành

Tỷ đồng 7,525 8,716 10,111 11,743 13,656 15,899 5,777 12,025 9,433

Trong đó : - Nông, lâm, thuỷ sản

Tỷ đồng 2,160 2,347 2,550 2,765 2,995 3,239 1,849 2,779 2,410

- Công nghiệp, TTCN - Xây dựng

Tỷ đồng 3,295 3,941 4,713 5,637 6,742 8,063 2,399 5,819 4,388

5

- Dịch vụ Tỷ đồng 2,070 2,428 2,848 3,341 3,919 4,597 1,529 3,427 2,635

6 Giá trị sản xuất theo giá 2010

Tỷ đồng 5,885 6,561 7,334 8,215 9,220 10,367 4,760 8,339 6,863

Trong đó : - Nông, lâm, thuỷ sản

Tỷ đồng 1,650 1,691 1,733 1,773 1,812 1,848 1,574 1,771 1,692

- Công nghiệp, TTCN - xây dựng

Tỷ đồng 2,695 3,099 3,564 4,099 4,714 5,421 2,017 4,179 3,293

- Dịch vụ Tỷ đồng 1,540 1,771 2,037 2,343 2,694 3,098 1,169 2,389 1,879

* Tốc độ tăng trưởng GTSX (giá 2010) % 11.4 11.5 11.8 12.0 12.2 12.4 10.3 12.0 11.8

Trong đó : - Nông, lâm , thủy sản

% 2.17 2.5 2.5 2.3 2.2 2.0 3.5 2.3 2.2

- Công nghiệp, TTCN - Xây dựng % 15.42 15.0 15.0 15.0 15.0 15.0 15.1 15.0 15.5

- Dịch vụ % 15.36 15.0 15.0 15.0 15.0 15.0 11.7 15.0 15.6

7 Cơ cấu theo GTSX (giá hiện hành) 100 100 100 100 100 100

- Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản % 28.7 26.9 25.2 23.5 21.9 20.4

- Công nghiệp, TTCN -xây dựng % 43.8 45.2 46.6 48.0 49.4 50.7

- Dịch vụ % 27.5 27.9 28.2 28.5 28.7 28.9

Nguồn: UBND huyện Kim Sơn/năm 2013 [122].