41
KITÔ GIÁO ĐƠN THUN C.S. Lewis Nguyn Ngc Bích dch MC LC Li nói đầu Quyn I – Đúng và Sai, Manh mi vÝ nghĩa Vũ tr1. Quy lut vbn cht con người 2. Mt sphn bác 3. Tính thc tin ca quy lut 4. Cái đằng sau quy lut 5. Chúng ta có lý do để bcn rt Quyn II – Kitô hu Tin gì 1. Nhng nhn thc đối nghch vThượng đế 2. Sxâm lăng 3. Gii pháp gây sc 4. Ssám hi hoàn ho 5. Mt kết lun thc tế Quyn III – Hành vi Kitô hu 1. Ba thành phn ca đạo đức 2. Nhng nhân đức chính yếu 3. Đạo đức xã hi 4. Đạo đức hc và phân tâm hc 5. Đạo đức tính dc 6. Hôn nhân Kitô hu 7. Tha th8. Ti trng 9. Đức bác ái 10. Đức trông cy 11. Đức tin 12. Đức tin Quyn IV – Vượt trên nhân cách 1. Sinh ra và to thành 2. Ba ngôi Thiên Chúa 3. Thi gian và vượt thi gian

Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

Embed Size (px)

DESCRIPTION

Một Kitô hữu nói về những điểm chính yếu trong niềm tin Kitô giáo. Không phân biệt các giáo hội. Không "giảng đạo". C. S. Lewis. Nguyễn Ngọc Bích dịch

Citation preview

Page 1: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

KITÔ GIÁO ĐƠN THUẦN C.S. Lewis

Nguyễn Ngọc Bích dịch

MỤC LỤC

Lời nói đầu Quyển I – Đúng và Sai, Manh mối về Ý nghĩa Vũ trụ 1. Quy luật về bản chất con người 2. Một số phản bác 3. Tính thực tiễn của quy luật 4. Cái ở đằng sau quy luật 5. Chúng ta có lý do để bị cắn rứt Quyển II – Kitô hữu Tin gì

1. Những nhận thức đối nghịch về Thượng đế 2. Sự xâm lăng 3. Giải pháp gây sốc 4. Sự sám hối hoàn hảo 5. Một kết luận thực tế Quyển III – Hành vi Kitô hữu 1. Ba thành phần của đạo đức 2. Những nhân đức chính yếu 3. Đạo đức xã hội 4. Đạo đức học và phân tâm học 5. Đạo đức tính dục 6. Hôn nhân Kitô hữu 7. Tha thứ 8. Tội trọng 9. Đức bác ái 10. Đức trông cậy 11. Đức tin 12. Đức tin Quyển IV – Vượt trên nhân cách 1. Sinh ra và tạo thành 2. Ba ngôi Thiên Chúa 3. Thời gian và vượt thời gian

Page 2: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

2

4. Sự lan truyền điều thiện 5. Những chú lính chì cứng cỏi 6. Hai điều ghi nhận 7. Hãy giả vờ 8. Kitô giáo khó khăn hay dễ dàng? 9. Cái giá phải trả 10. Con người tốt hay con người mới 11. Con người mới

Page 3: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

3

Lời nói đầu Nội dung cuốn sách này trước tiên đã được trình bày qua phương tiện truyền thanh, sau đó được xuất bản thành ba phần riêng biệt là ‘Trường hợp Kitô giáo’ (1943), (*) ‘Hành vi Kitô hữu’ (1943), và ‘Vượt trên nhân cách’ (1945). Trong phiên bản in tôi đã thêm vào một số chi tiết so với những gì tôi đã nói trước micro, nhưng phần còn lại tôi đã để nguyên. Tôi nghĩ rằng một bài nói chuyện trên radio cần phải càng giống như một cuộc nói chuyện thực sự càng tốt, không nên giống như một bài văn chính luận được đọc lên. Do đó trong bài nói chuyện tôi đã dùng tất cả những cách nói tắt và thành ngữ thông dụng mà tôi thường dùng khi nói chuyện. Trong bản in tôi cũng lại làm như vậy, dùng những cách nói tắt. Còn chỗ nào trong bài nói tôi làm rõ tầm quan trọng của một từ bằng cách nhấn mạnh giọng mình thì trong bản in tôi dùng chữ in nghiêng. ---- [*] Xuất bản tại Anh quốc dưới tựa đề ‘Những câu chuyện truyền thanh’. ---- Giờ đây tôi có xu hướng nghĩ rằng đây là một sai lầm – một sản phẩm lai tạo không mong muốn giữa nghệ thuật nói chuyện và nghệ thuật viết lách. Một diễn giả cần phải dùng nhiều dạng giọng nói để nhấn mạnh bởi vì phương tiện của anh ta phụ thuộc vào phương pháp đó, nhưng một tác giả lại phải dùng chữ in nghiêng cho cùng một mục đích. Anh ta có những cách riêng để làm rõ những từ khóa và phải dùng đến chúng. Trong phiên bản này tôi đã viết lại những chỗ viết tắt và thay thế hầu hết những chữ in nghiêng bằng cách sắp xếp lại các câu chữ trong đó những chỗ in nghiêng đã xuất hiện, tuy nhiên không có sự thay đổi, tôi mong vậy, những giọng điệu ‘phổ thông’ hoặc ‘quen thuộc’ mà tôi đã cố ý dùng trước đó. Tôi cũng đã thêm vào hoặc bỏ bớt bất cứ chỗ nào trong chủ đề mà tôi nghĩ ngày nay sau mười năm tôi đã hiểu chúng hơn trước, hoặc chỗ nào mà tôi biết trước đây đã bị hiểu lầm. Người đọc cần được cảnh báo rằng tôi không giúp bất cứ ai còn đang lưỡng lự giữa hai ‘giáo phái’ Kitô giáo. Tôi sẽ không nói bạn nên trở thành tín đồ Anh giáo, Giáo hội Giám lý, Giáo hội Trưởng lão, hay Công giáo La mã. Sự chối từ này là có lý do (dù trong danh sách nói trên tôi đã sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái). Không có sự huyền bí nào về địa vị của tôi. Tôi là một người thường rất thông thường thuộc Giáo hội Anh quốc, không đặc biệt ‘cao’ hay đặc biệt ‘thấp’, cũng không đặc biệt gì cả. Nhưng trong sách này tôi không cố gắng cải biến bất cứ ai sang địa vị của tôi. Mặc dù từ khi tôi trở thành Kitô hữu tôi đã có ý nghĩ rằng sự phục vụ tốt nhất, có thể là duy nhất mà tôi có thể làm cho những người không tin quanh tôi là giải thích và bảo vệ niềm tin vốn đã trở nên phổ biến trong hầu như tất cả mọi Kitô hữu qua các thời đại. Tôi có hơn một lý do để nghĩ vậy. Trước tiên, những vấn đề đã chia rẽ những Kitô hữu với nhau thường liên quan đến Thần học cao cấp hoặc thậm chí là lịch sử giáo hội vốn chẳng bao giờ xử lý được nếu không phải bởi các chuyên gia thực sự.

Page 4: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

4

Tôi cần phải thoát ra khỏi sự lún sâu vào những vấn đề như vậy, vì tôi cần phải giúp chính mình hơn là để có thể giúp người khác. Kế đến, tôi nghĩ chúng ta phải thú nhận rằng những tranh luận về những điểm cách biệt đó chẳng có chiều hướng nào giúp đem một người bên ngoài vào cộng đồng Kitô hữu. Chúng ta càng viết và nói về chúng, chúng ta càng ngăn cản anh ta gia nhập một cộng đồng Kitô hữu hơn là lôi kéo anh ta vào cộng đồng của chúng ta. Sự chia rẽ của chúng ta chẳng bao giờ nên được đem ra bàn luận ngoại trừ giữa những người vốn đã tin rằng có một Thiên Chúa và rằng Giêsu Kitô là Con Một của Người. Cuối cùng, tôi có ấn tượng là nhiều tác giả đã tham gia sâu xa hơn nhiều, sâu sắc hơn nhiều vào việc giải quyết những vấn đề gây tranh luận ấy so với việc bảo vệ cái mà Baxter (Richard Baxter (1615-1691), mục sư, tác giả nhiều sách tu đức – ND) gọi là Kitô giáo ‘đơn thuần’. Con đường nơi tôi nghĩ tôi có thể phục vụ tốt nhất cũng chính là con đường dường như hẹp nhất. Và tôi cứ tự nhiên đi về phía đó. Như tôi biết, trên đây là những động cơ duy nhất của tôi, và tôi sẽ rất vui lòng nếu người ta không rút ra những nhận định không thực tế từ sự lặng thinh của tôi trước những vấn đê gây tranh luận. Ví dụ, sự lặng thinh như vậy không có nghĩa là tôi đứng giữa. Quả thật đôi lúc tôi có đứng giữa. Có những câu hỏi về những vấn đề giữa những người Kitô hữu mà tôi không nghĩ rằng tôi có câu trả lời. Có những câu hỏi mà tôi có thể chẳng bao giờ có thể trả lời. Nếu tôi đưa chúng ra, ngay cả trong một thế giới tốt hơn, tôi có thể (tôi nghĩ vậy) sẽ được trả lời theo kiểu giống như một người cao trọng hơn tôi nhiều đã hỏi và đã được trả lời: ‘Điều đó có nghĩa gì đối với ngươi? Ngươi hãy theo Ta mà thôi.’ Nhưng còn những câu hỏi khác mà đối với chúng tôi chắc chắn đứng về một phía, và vẫn không nói gì cả. Bởi tôi không viết để lý giải điều mà tôi gọi là ‘tôn giáo của tôi’, nhưng để lý giải Kitô giáo ‘đơn thuần’, nghĩa là như nó vốn có và đã có lâu trước khi tôi sinh ra, và dù tôi có thích hay không thích. Có người đã rút ra kết luận từ việc tôi đã chẳng nói gì nhiều về Đức Mẹ Đồng trinh Maria hơn những gì liên quan đến sự khẳng định sự Giáng sinh Thanh khiết của Chúa Giêsu. Nhưng lý do của tôi đã chẳng rõ ràng rồi sao? Nói nhiều hơn thế sẽ lập tức đưa tôi đến những lãnh vực gây tranh luận. Và chẳng có vấn đề gây tranh luận nào giữa những người Kitô hữu lại cần phải xét đến một cách tế nhị như vấn đề đó. Những tín điều của giáo hội Công giáo La mã đối với vấn đề đó được giữ vững chẳng những với sự sốt sắng thông thường vẫn gắn liền với niềm tin tôn giáo cơ bản, mà còn (một cách rất tự nhiên) với sự nhạy cảm đặc biệt và mang tính tôn sùng mà một người đàn ông cảm thấy khi danh dự của mẹ họ hay của người yêu họ bị thử thách. Rất khó tước bỏ khỏi họ sự nhận định rằng bạn có vẻ là một tên đểu cáng hay một kẻ dị giáo. Và ngược lại, sự tin tưởng của Giáo hội Tin lành đối với vấn đề đó đánh thức những tình cảm đi sâu đến tận gốc rễ của mọi tôn giáo đơn thần. Đối với người Tin lành dường như sự phân biệt giữa Đấng Sáng tạo và tạo vật (dù thánh thiện đến mức nào đi nữa) bị lâm nguy, dường như Đa thần giáo lại tái xuất hiện. Do đó khó mà tước bỏ khỏi họ sự nhận định rằng bạn có vẻ là một cái gì đó còn tệ hơn một kẻ dị giáo – một kẻ tôn thờ ngẫu tượng, một tên vô đạo. Nếu có bất cứ một chủ đề nào có thể được dựa vào để đánh đổ một cuốn sách viết về Kitô giáo ‘đơn thuần’ – nếu có

Page 5: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

5

bất cứ một chủ đề nào làm cho người đọc vốn chưa tin con của Đức Nữ Đồng trinh là Thiên Chúa cảm thấy chẳng có lợi ích gì – thì đó chính là chủ đề này. Cũng khá kỳ lạ là bạn đọc cũng không thể kết luận được, từ sự im lặng của tôi về những vấn đề gây tranh luận, rằng tôi coi chúng là quan trọng hay là không quan trọng. Bởi đây cũng lại chính là một điểm gây tranh luận. Một trong những điều mà những Kitô hữu không đồng ý với nhau là sự quan trọng của những bất đồng đó. Khi hai Kitô hữu thuộc hai giáo phái khác nhau bắt đầu tranh cãi, thường sự tranh cãi chưa lâu thì một người đã hỏi người kia rằng vấn đề ấy có thực sự quan trọng không, và người kia trả lời: ‘Quan trọng hay không à? Dĩ nhiên nó rất quan trọng.’ Nói ra tất cả những chuyện này là nhằm mục đích làm rõ tính chất của cuốn sách tôi đang viết; không bao giờ nhằm che dấu hay trốn tránh trách nhiệm đối với đức Tin của tôi. Vể đức Tin ấy, như đã nói từ đầu, chẳng có gì là bí mật. Như bác Toby (nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Anh Laurence Sterne, thế kỷ XVIII – ND) đã nói: ‘Chúng được viết trong sách Kinh nguyện Phổ thông.’ Sự nguy hiểm thực sự là ở chỗ tôi có khả năng đưa ra với tính cách là Kitô giáo phổ thông bất cứ điều gì đặc trưng cho Giáo hội Anh quốc hoặc (tệ hơn nữa) đặc trưng cho chính tôi. Tôi cố tránh điều này bằng cách gởi bản thảo quyển II đến cho bốn giáo sĩ (Anh giáo, Giáo hội Giám lý, Giáo hội Trưởng lão, Giáo hội Công giáo La mã) và xin họ góp ý. Vị giáo sĩ Giám lý nghĩ rằng tôi chưa nói đầy đủ về đức Tin, còn vị giáo sĩ Công giáo La mã cho rằng tôi đã đi quá xa về sự kém quan trọng của các lý thuyết giải thích về mầu nhiệm Hòa giải. Ngoài ra ở những chỗ khác năm người chúng tôi đều thống nhất ý kiến. Tôi không gởi những quyển còn lại để ‘kiểm tra’ vì trong đó dù có thể chứa những điểm khác biệt giữa các Kitô hữu, những điểm khác biệt ấy là giữa những cá nhân hoặc trường phái chứ không phải giữa các giáo phái. Cho đến nay, dựa trên sự phê bình và trên vô số lá thư gởi đến cho tôi, cuốn sách này dù có khiếm khuyết về các mặt khác, ít nhất đã thành công trong việc trình bày một Kitô giáo đồng thuận, hoặc phổ biến, hoặc cốt lõi, hoặc ‘đơn thuần’. Về mặt này nó có thể phần nào giúp chấm dứt quan điểm cho rằng nếu chúng ta bỏ qua những điểm gây tranh luận, chúng ta sẽ chỉ còn lại một mẫu số chung mơ hồ và không sinh khí. Mẫu số chung này té ra là một cái gì đó không chỉ rõ rệt mà còn sắc bén; được phân biệt khỏi những niềm tin không Kitô bởi một khoảng cách lớn mà so với nó sự chia rẽ bên trong Kitô giáo chẳng hề đáng kể. Nếu tôi không trực tiếp phục vụ được cho sự nghiệp tái hợp, có lẽ tôi cũng đã làm rõ được lý do tại sao chúng ta cần phải tái hợp. Đương nhiên tôi ít gặp sự thù địch về thần học (odium theologicum) từ những thành viên trung kiên của những cộng đoàn khác với cộng đoàn của tôi. Sự thù địch nhiều hơn đã đến từ những người ở gữa ranh giới bên trong hoặc bên ngoài Anh giáo, những người không chính xác theo một cộng đoàn nào. Tôi thấy điều này nâng đỡ tôi một

Page 6: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

6

cách khó hiểu. Chính là ở giữa một cộng đoàn, nơi những thành viên thực sự của nó đang sống, mỗi cộng đoàn lại gắn bó mật thiết với mọi cộng đoàn khác về mặt tinh thần, nếu không nói là về mặt giáo lý. Và điều này giả định rằng tại trung tâm của mỗi cộng đoàn có một cái gì đó, hoặc một ai đó, bất chấp mọi phân ly của niềm tin, mọi khác biệt về tình cảm, mọi ký ức về áp chế lẫn nhau, nói lên một tiếng nói duy nhất. Thế là đủ về những lược bỏ của tôi đối với giáo lý. Trong quyển III, nói về đạo đức, tôi cũng đã bỏ qua một vài điều trong im lặng, nhưng vì lý do khác. Từ khi tôi phục vụ với tính cách là lính bộ binh trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tôi đã rất không ưa những người vốn đang được sống an toàn và tiện nghi, lại hay dạy bảo những người đang ở tuyến đầu. Vì thế tôi ngại ngần không muốn nói nhiều về những cám dỗ mà tôi không gặp phải. Tôi cho rằng người ta không bị cám dỗ bởi tất cả mọi loại tội lỗi. Thực tế là sự thôi thúc làm cho người ta có ý muốn đánh bạc đã không có trong tố chất của tôi, và chắc chắn là tôi đã trả giá cho điều này ở chỗ tôi thiếu một sự thôi thúc tốt đẹp nào đó cho thấy ở chỗ nào đó ý muốn đánh bạc đã vượt giới hạn hoặc trở thành xấu xa. Vì thế tôi không thấy mình được quyền cho ra lời khuyên về mức độ đánh bạc được phép và không được phép, nếu có thể nói vậy, bởi vì tôi không dám nhận là mình biết cái giới hạn đó. Tôi cũng không nói gì về kiểm soát sinh sản. Tôi không phải là phụ nữ, cũng không là đàn ông đã có gia đình, cũng không phải giáo sĩ. Ở địa vị tôi. tôi không nghĩ rằng mình xác định được rõ ràng mức độ đau đớn, nguy hiểm và tổn thất mà mình không phải chịu; và tôi cũng không có vai trò chăn dắt để buộc tôi phải làm việc đó. Những phản bác sâu xa hơn có thể được nhận thấy – và đã được phát biểu – đối với từ Kitô hữu mà tôi dùng để chỉ người chấp nhận giáo lý phổ thông Kitô giáo. Người ta hỏi: ‘Anh là ai mà dám nói ai là Kitô hữu, ai không phải Kitô hữu?’ hoặc ‘Chẳng lẽ không có ai không tin những giáo lý ấy mà vẫn có thể thực sự là Kitô hữu, gần gũi hơn với tinh thần của Chúa Kitô so với những người đã tin?’ Phản bác này về mặt nào đó rất đúng, rất cảm thông, rất tinh túy, rất tế nhị. Nó có đủ mọi phẩm chất ngoại trừ tính hữu ích. Đơn giản là chúng ta không thể sử dụng ngôn ngữ theo cách mà những người phản bác này đòi hỏi mà không gây tai họa. Tôi sẽ cố làm rõ điều này bằng cách kể lại lịch sử của một từ khác, kém quan trọng hơn nhiều. Từ ‘người sang trọng’ nguyên gốc có nghĩa là một cái gì đó đáng nể; một người có gia huy và có đất đai. Khi bạn gọi một người nào là ‘người sang trọng’ thì không hẳn là bạn khen người đó, nhưng chỉ xác nhận một thực tế thôi. Nếu bạn nói anh ta không phải là ‘người sang trọng’, bạn không sỉ nhục anh ta, mà chỉ cung cấp thông tin thôi. Không phải là trái ngược khi người ta nói John là kẻ nói dối và là người sang trọng, cũng như ngày nay ta nói James là một tên ngốc đồng thời là cử nhân. Nhưng rồi lại có người nói – một cách rất đúng, rất cảm thông, rất tinh túy, rất tế nhị, một cách nói có rất nhiều tính chất ngoại trừ tính hữu ích – ‘À, nhưng phải chăng điều quan trọng đối với một người sang trọng

Page 7: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

7

không phải là gia huy và đất đai, mà là cách cư xử của anh ta? Phải chăng người sang trọng thực sự là người cư xử như một người sang trọng? Phải chăng theo nghĩa này thì Edward xứng đáng là người sang trọng hơn nhiều so với John?’ Người ấy có ý tốt. Trọng danh dự, lễ phép và can đảm tất nhiên là tốt hơn nhiều so với việc sở hữu một gia huy. Nhưng hai ý đó không giống nhau. Tệ hơn nữa, không phải ai cũng đồng ý như vậy. Gọi một người là ‘người sang trọng’ theo nghĩa mới, nghĩa sàng lọc này, trở nên không còn là cung cấp thông tin về anh ta, mà là ca ngợi anh ta. Không công nhận anh ta là ‘người sang trọng’ trở thành một cách sỉ nhục anh ta. Khi một từ không còn là thuật ngữ mô tả mà trở thành thuật ngữ ca ngợi, nó không còn cho bạn biết thông tin về sự vật nữa, nó chỉ cho bạn biết quan điểm của người nói về sự vật ấy. (Một bữa ăn ‘ngon’ chỉ có nghĩa là một bữa ăn được cho là ngon.) Một người sang trọng, một khi đã được tinh túy hóa và sàng lọc khỏi ý nghĩa thô sơ, khách quan ban đầu, không có nghĩa gì hơn ngoài một người được ưa chuộng. Do đó, người sang trọng trở thành một từ vô ích. Chúng ta đã có rồi nhiều thuật ngữ được công nhận, nên chúng ta không cần cách dùng từ như vậy. Mặt khác nếu ai đó (chẳng hạn trong một công trình nghiên cứu lịch sử) định dùng từ đó theo nghĩa cũ, anh ta không thể làm vậy mà không giải thích thêm. Từ ngữ đã bị làm hỏng. Giờ đây nếu chúng ta để cho mọi người bắt đầu tinh túy hóa và sàng lọc, hoặc như họ có thể nói, ‘làm sâu sắc’ ý nghĩa của từ Kitô hữu, thì từ này cũng sẽ nhanh chóng trở thành một từ vô ích. Trước hết, những Kitô hữu sẽ không bao giờ dùng được từ này cho bất cứ ai. Chúng ta không có quyền nói ai, với nghĩa sâu sắc nhất, gần hơn hay không gần hơn với tinh thần của Chúa Kitô. Chúng ta không nhìn ra được tâm hồn con người. Chúng ta không thể phán xét, và thực ra là không được phép phán xét. Sẽ là ngạo mạn nếu chúng ta nói người nào đó là, hoặc không là, Kitô hữu theo nghĩa sàng lọc này. Và rõ ràng là một từ mà chúng ta không bao giờ có thể dùng là một từ chẳng có ích lợi gì mấy. Còn đối với những người không tin, chắc hẳn họ sẽ dùng từ đó một cách thoải mái theo nghĩa sàng lọc. Trên môi miệng họ nó chỉ đơn giản là một thuật ngữ ca ngợi. Khi gọi ai là Kitô hữu họ sẽ có ý nói rằng họ nghĩ đó là người tốt. Nhưng cách dùng từ ngữ như vậy sẽ không làm giàu ngôn ngữ, vì chúng ta đã có từ ‘tốt’ rồi. Trong khi đó, từ ‘Kitô hữu’ sẽ bị làm hỏng, không còn dùng được cho những mục đích hữu ích mà nó có thể được dùng. Bởi vậy chúng ta phải bám lấy ý nghĩa nguyên thủy, ý nghĩa hiển nhiên. Tên gọi Kitô hữu đầu tiên được đưa ra ở Antioch (Acts xi. 26) để nói về các ‘môn đệ’, những người nghe theo lời rao giảng của các tông đồ. Không có vấn đề giới hạn ý nghĩa của nó dành cho những người được lợi ích từ sự rao giảng ấy đến mức độ nào. Không có vấn đề mở rộng ý nghĩa của nó dành cho những người ‘gần gũi hơn với tinh thần của đức Kitô’, theo cách thức sàng lọc, tinh túy, nội tâm hơn những môn đệ khác. Vấn đề không phải là tính thần học hay tính đạo đức. Vấn đề là cách dùng từ sao cho chúng ta đều hiểu. Khi một người đã chấp nhận

Page 8: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

8

giáo lý Kitô mà lại sống không đúng theo giáo lý ấy, sẽ rõ ràng khi ta nói anh ta là một Kitô hữu tồi, hơn là khi ta nói anh ta không phải Kitô hữu. Tôi hy vọng bạn đọc sẽ không cho rằng Kitô giáo ‘đơn thuần’ được đưa ra để thay cho những tín điều của những cộng đoàn hiện hữu – ví như một người nào đó có thể chấp nhận nó thay cho giáo lý Công đồng hay giáo lý Chính thống Hy lạp hay bất cứ giáo lý nào khác. Nó giống như một hành lang từ đó mở ra các cánh cửa đi vào các phòng. Nếu tôi có thể đưa bất kỳ ai vào hành lang đó tôi thì tôi đã làm rồi. Nhưng chính là trong những căn phòng, chứ không phải hành lang, mới có lửa ấm, ghế ngồi và bữa ăn. Hành lang là nơi chờ đợi, một nơi để lựa chọn trong số những cánh cửa khác nhau, chứ không phải nơi để ở. Nếu để ở thì theo tôi căn phòng tệ nhất vẫn còn tốt hơn hành lang. Sự thật là một số người có thể phải chờ ở hành lang khá lâu, còn những người khác thì chọn được ngay cánh cửa phải vào. Tôi không hiểu tại sao lại như vậy, nhưng tôi chắc rằng Thiên Chúa không bắt ai phải chờ đợi trừ khi Người thấy rằng anh ta nên đợi. Khi bạn vào phòng rồi bạn sẽ thấy sự chờ đợi lâu bên ngoải đã đem lại ít nhiều điều tốt cho bạn hơn là vào ngay. Nhưng bạn phải xem đó là chờ đợi, chứ không phải tạm trú. Bạn phải luôn cầu nguyện để được soi sáng, và tất nhiên, ngay cả khi đang ở trong hành lang, bạn phải bắt đầu cố gắng tuân thủ những nguyên tắc chung của cả căn nhà. Và trên hết bạn phải hỏi cửa nào là đúng, chứ không phải cửa nào đẹp nhất theo màu sắc và bảng hiệu. Nói một cách đơn giản, câu hỏi không bao giờ nên là: ‘Liệu tôi có thích loại nghi thức này không?’ mà là ‘Những giáo lý này có đúng không, có sự thánh thiện ở đây không? Liệu lương tâm tôi có đưa tôi đến với nó không? Liệu sự chần chừ của tôi trước khi gõ cánh cửa này có phải là do lòng kiêu hãnh của tôi, hay sở thích của tôi, hay sự ghét bỏ của tôi đối với người giữ cửa không?’ Khi bạn đã vào phòng rồi, hãy cư xử tốt với những người đã chọn cửa khác và với những người vẫn còn ở ngoài hành lang. Nếu họ đang phạm sai lầm, họ còn cần lời cầu nguyện của bạn hơn nữa, còn nếu họ là kẻ thù của bạn, bạn được lệnh phải cầu nguyện cho họ. Đó là một trong những nguyên tắc chung cho cả căn nhà.

Page 9: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

9

Quyển I – Đúng và Sai, Manh mối về Ý nghĩa Vũ trụ

1. Quy luật về bản chất con người Ai cũng đã từng nghe người khác tranh cãi. Có lúc cuộc tranh cãi có vẻ vui nhộn, có lúc nó chỉ có vẻ khó chịu; nhưng dù nó có vẻ thế nào, tôi tin rằng chúng ta có thể học được điều gì đó rất quan trọng khi lắng nghe những điều người ta tranh cãi. Người ta nói những điều như: ‘Anh nghĩ sao nếu người ta cũng làm vậy với anh?’ – ‘Đây là chỗ tôi, tôi đến trước.’ – ‘Để mặc hắn, hắn chẳng làm hại gì anh.’ – ‘Tại sao anh gây sự trước?’ – ‘Có đi có lại mới toại lòng nhau chứ.’ – ‘Thôi đi, anh đã hứa rồi mà.’ Người ta nói những điều đó hằng ngày, trẻ em cũng như người lớn, có học cũng như thất học. Nghe những lời nói như trên, điều làm tôi chú ý là người nói không chỉ cho rằng hành vi của người kia là khó chịu. Anh ta còn viện tới một chuẩn mực hành vi nào đó mà anh ta mong người đối diện phải biết. Và người đối diện hiếm khi trả lời: ‘Mặc kệ cái chuẩn mực của anh.’ Hầu như luôn luôn người này cố chứng tỏ rằng những gì anh ta làm không đi ngược lại chuẩn mực, hoặc nếu có thì hẳn là bởi nguyên do đặc biệt. Anh ta tìm cách chứng tỏ rằng có một lý do riêng biệt nào đó trong trường hợp này khiến người đến trước không nên giữ chỗ trước, hoặc tình hình vào thời điểm anh nhận sự giúp đỡ khác hẳn thời điểm phải đáp đền, hoặc có sự cố bất ngờ xảy ra làm cho anh không thể giữ lời hứa. Trong thực tế dường như đôi bên đều có nhận thức về một Quy luật hay Nguyên tắc nào đó về sự công bằng hoặc cách hành xử đúng đắn hoặc đạo đức, hoặc bất cứ gì bạn gọi, mà họ thực sự đồng ý. Và họ đã đồng ý. Nếu không, họ đã đánh nhau như loài vật chứ không tranh cãi theo cách của loài người. Tranh cãi nghĩa là cố chứng minh rằng bên kia sai. Và tranh cãi sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu hai bên không có sự đồng thuận về cái gì là Đúng, cái gì là Sai; cũng hệt như sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nói một cầu thủ bóng đá phạm lỗi nếu ta không đồng ý với nhau về luật chơi bóng đá. Quy luật Đúng Sai thường được gọi là Quy luật Tự nhiên. Ngày nay, khi chúng ta nói về những “quy luật của tự nhiên”, chúng ta thường ngụ ý định luật hấp dẫn, định luật di truyền, hoặc các định luật hóa học. Khi các nhà tư tưởng xưa kia gọi Quy luật Đúng Sai là Quy luật Tự nhiên, họ muốn nói đến Quy luật về Bản chất Con người. Ý là, nếu mọi vật thể đều chịu tác động của định luật hấp dẫn và mọi sinh vật đều chịu tác động của các định luật sinh học, thì con người cũng có quy luật của nó – với sự khác biệt lớn lao này, là trong khi một vật thể không thể chọn tuân thủ hay không tuân thủ định luật hấp dẫn, thì một người có thể chọn tuân thủ Quy luật Bản chất Con người hay không. Ta có thể diễn đạt cách khác. Mỗi người luôn luôn là đối tượng của một số quy luật khác nhau, nhưng trong số đó chỉ có một quy luật là anh ta có thể tự do tuân thủ hay không tuân thủ. Là một vật thể, anh ta là đối tượng của quy luật hấp dẫn

Page 10: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

10

và không thể không tuân theo nó; nếu bạn thả anh ta trong không gian mà không có cái gì nâng đỡ, anh ta sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc rơi xuống như một hòn đá. Là một sinh vật, anh ta là đối tượng của nhiều quy luật sinh học mà anh ta không thể bất tuân, cũng như bất kỳ sinh vật nào. Có nghĩa là, anh ta không thể bất tuân những quy luật mà anh ta chia sẻ với những đối tượng khác; nhưng với quy luật riêng cho bản chất con người của anh ta, quy luật mà anh ta không chia sẻ với các động vật, thực vật và vật vô tri, là quy luật mà anh ta có thể bất tuân nếu muốn. Quy luật này được gọi là Quy luật Tự nhiên bởi vì người ta nghĩ ai cũng tự biết mà không cần phải dạy. Tất nhiên người ta không muốn nói rằng lúc này hay lúc khác bạn không thể gặp một người kỳ cục không biết quy luật đó, cũng như đôi lúc bạn có thể gặp một người bị mù màu hay không biết nghe nhạc. Nhưng xét cả giống loài, người ta nghĩ rằng ý tưởng của con người về hành vi đúng đắn là rõ ràng đối với mọi người. Và tôi tin điều đó là đúng. Nếu không thì mọi điều chúng ta nói về chiến tranh đều vô nghĩa lý. Sẽ có ý nghĩa gì khi nói kẻ thù là sai nếu như cái đúng không là một sự thật mà những người Quốc xã trong thâm tâm họ cũng biết như ta và cũng phải thi hành? Nếu họ không có ý niệm gì về cái đúng mà ta nói đến, thì mặc dầu ta vẫn phải chiến đấu chống họ, ta không thể lên án họ về việc đó, giống như ta không thể lên án họ về màu tóc của họ vậy thôi. Tôi biết có người nói rằng ý tưởng về ‘Quy luật Tự nhiên về hành vi đúng đắn mà ai cũng biết’ là ý tưởng không có cơ sở, vì những nền văn minh khác nhau ở các thời đại khác nhau có những giá trị đạo đức thật khác nhau. Nhưng điều đó không đúng. Có những sự khác nhau về giá trị đạo đức, nhưng chúng không nhiều đến mức tạo thành một sự khác biệt toàn diện. Nếu ai đó chịu bỏ công so sánh những giáo huấn đạo đức của, chẳng hạn, cổ Hy lạp, Babylon, Ấn Độ, Trung Hoa, Hy Lạp và La Mã, người ấy sẽ hết sức ngạc nhiên khi thấy sự giống nhau giữa chúng với nhau và giữa chúng với những giá trị đạo đức của chúng ta. Một số chứng cứ cho việc này đã được tôi đưa vào phần phụ lục của một cuốn sách khác có tựa đề là Sự Chấm dứt Con người, còn giờ đây để làm rõ tôi chỉ cần hỏi độc giả sự khác biệt toàn diện về ý nghĩa của đạo đức là gì. Hãy thử nghĩ về một đất nước mà ở đó người ta mến phục kẻ bỏ chạy khỏi chiến trường, hoặc ở đó người ta tự hào vì đã lừa gạt tất cả những người thân yêu nhất của mình. Bạn cũng có thể thử tưởng tượng một đất nước mà ở đó hai cộng với hai là năm. Người ta có thể không đồng ý với nhau về việc bạn phải rộng rãi với ai – với chỉ gia đình bạn thôi, hay với đồng bào của bạn, hay với tất cả mọi người. Nhưng người ta luôn đồng ý với nhau rằng bạn không nên đặt lợi ích riêng mình lên trước hết. Sự ích kỷ chưa bao giờ được mến phục. Người ta có thể không đồng ý với nhau về việc bạn nên có một hay là bốn người vợ. Nhưng người ta luôn đồng ý với nhau rằng bạn không thể lấy bất cứ ai cũng được.

Page 11: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

11

Thế nhưng điều quan trọng nhất là đây. Ở đâu mà bạn gặp một người nói rằng anh ta không tin vào cái Đúng cái Sai, thì bạn sẽ gặp anh ta quay lại với chủ đề đó một lần khác. Anh ta có thể không giữ lời hứa với bạn, nhưng nếu bạn thử không giữ lời với anh ta thì anh ta sẽ lập tức phiền trách bạn là ‘không công bằng’. Một quốc gia có thể nói rằng các hiệp ước là không quan trọng, thế rồi ngay sau đó họ không tuân thủ và nói rằng họ phá vỡ hiệp ước này vì nó bất công. Nhưng nếu hiệp ước là không quan trọng, và nếu không có cái Đúng cái Sai – nói cách khác, không có Quy luật Tự nhiên, thì lấy gì xác định thế nào là một hiệp ước công bằng hay bất công? Phải chăng họ đã lòi đuôi và cho thấy rằng dù họ nói gì đi nữa, họ cũng biết Quy luật Tự nhiên như bất cứ ai? Vậy là, dường như chúng ta buộc phải tin vào cái Đúng và cái Sai. Người ta có thể đôi khi lầm lẫn về chúng, cũng như đôi khi người ta có thể làm toán cộng sai vậy; nhưng chúng không phải là vấn đề ý thích hay quan niệm, hệt như bảng cửu chương vậy. Nếu giờ đây chúng ta đã đồng ý chuyện này rồi, thì tôi xin đi đến điểm kế tiếp, là đây. Chẳng ai trong chúng ta thực sự tuân thủ Quy luật Tự nhiên cả. Nếu có ngoại lệ trong số bạn đọc thì cho tôi xin lỗi. Tốt hơn những người thuộc ngoại lệ này nên đọc những sách khác, vì những điều tôi sắp nói không liên quan đến họ. Và bây giờ hãy quay lại với những người bình thường còn lại: Hy vọng bạn sẽ không hiểu lầm tôi. Tôi không giảng đạo, và có Trời biết, tôi không làm ra vẻ là người tốt hơn bất cứ ai. Tôi chỉ lưu ý một thực tế; thực tế là năm nay, tháng này, hoặc ngay hôm nay, chúng ta đã không thực hiện được hành vi mà chúng ta mong nơi người khác. Có thể chúng ta có nhiều lý do để bào chữa. Lần đó mà bạn đã tỏ ra bất công đến thế với mấy đứa trẻ là lúc bạn đang quá mệt mỏi. Vụ làm ăn hơi mờ ám nọ về tiền bạc – vụ mà bạn hầu như đã quên mất rồi – xảy ra là khi bạn đang quá khó khăn. Và chuyện mà bạn hứa với ông nọ bà kia và đã không được thực hiện – à, lẽ ra bạn đã không hứa nếu bạn biết trước mình sẽ bận rộn ghê gớm đến thế nào. Còn về lối xử sự của bạn đối với vợ (hay chồng), chị (hay em) bạn, nếu tôi biết nó tệ bạc ra sao, tôi sẽ không ngạc nhiên – và tôi là cái quái gì kia chứ? Tôi cũng chỉ giống hệt bạn. Vậy là để nói, tôi không thành công lắm trong việc tuân thủ Quy luật Tự nhiên, và khi người ta nhắc nhở tôi rằng tôi không tuân thủ chúng, thì tâm trí tôi liền khởi phát một chuỗi lý do dài như cánh tay bạn vậy. Vấn đề lúc này không phải là những lý do đó đúng hay sai. Vấn đề là chúng là một chứng cứ nữa cho thấy trong sâu xa chúng ta tin vào Quy luật Tự nhiên, dù muốn hay không. Nếu chúng ta không tin vào cách hành xử đúng đắn, sao chúng ta lại bỏ nhiều công sức đến thế để bào chữa cho việc chúng ta đã cư xử không đúng đắn? Sự thật là, chúng ta tin ở sự đúng đắn nhiều đến nỗi – chúng ta cảm thấy áp lực của Nguyên tắc – chúng ta không chịu nổi việc chúng ta phá vỡ nó, và do đó chúng ta phải tìm cách thoái thác trách nhiệm. Bởi bạn thấy đó, chỉ những việc làm sai trái chúng ta mới cần được giải thích.

Page 12: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

12

Chỉ những hành vi xấu của chúng ta mới được gán cho nguyên nhân mệt mỏi hoặc lo âu hoặc đói bụng; còn những hành vi tốt là của chúng ta. Từ đó tôi muốn chỉ ra hai luận điểm. Thứ nhất, con người trên khắp trái đất đều có suy nghĩ đáng lưu ý rằng họ phải cư xử theo một đường hướng nào đó, và họ không thể thoát khỏi đường hướng đó. Thứ hai, trong thực tế họ không cư xử theo đường hướng như vậy. Họ biết Quy luật Tự nhiên; họ vi phạm Quy luật Tự nhiên. Hai sự kiện này là nền tảng của tất cả những tư duy chính xác về chúng ta và về vũ trụ mà chúng ta đang sống. 2. Một số phản bác Nếu chúng có nền tảng, tốt hơn hết là tôi nên dừng lại ở đây để củng cố nền tảng ấy trước khi tiếp tục. Một số thư từ tôi nhận được cho thấy là nhiều người thấy khó hiểu Quy luật Tự nhiên hay Quy luật Đạo đức hay Quy luật Hành vi Đúng đắn nghĩa là gì. Chẳng hạn, có người viết cho tôi rằng, ‘Có phải cái mà ông gọi là Quy luật Đạo đức nó cũng giống như một bản năng bầy đàn của chúng ta và nó cũng đã phát triển giống như các bản năng khác?’ Tôi không chối cãi rằng chúng ta có một bản năng bầy đàn; nhưng đó không phải là cái tôi muốn nói. Chúng ta đều biết cảm giác do bản năng là thế nào – như tình mẫu tử, bản năng tính dục, bản năng sinh tồn. Nghĩa là bạn cảm thấy bị thôi thúc hoặc mong muốn làm theo điều gì đó. Và tất nhiên, có lúc bạn cũng cảm thấy bị thôi thúc phải giúp đỡ người khác: và không nghi ngờ gì cả, thôi thúc ấy chính là do bản năng bầy đàn. Nhưng bị thôi thúc phải giúp đỡ người khác không giống như cảm thấy mình phải giúp dù mình có muốn hay không. Giả dụ bạn nghe thấy tiếng kêu cứu của một người đang gặp nguy hiểm. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy hai mong muốn – một là mong muốn giúp đỡ (do bản năng bầy đàn), hai là mong muốn tránh xa nguy hiểm (do bản năng sinh tồn). Nhưng bạn sẽ cảm thấy bên trong mình, ngoài hai mong muốn nói trên, một mong muốn thứ ba nữa mách bảo bạn nên làm theo thôi thúc giúp đỡ và nên đè nén thôi thúc tránh xa nguy hiểm. Cái nhận định giữa hai bản năng, cái quyết định nên làm theo thôi thúc nào, không thể là một trong hai bản năng đó. Bạn cũng có thể nói rằng bản nhạc chỉ cho bạn vào lúc nào đó phải đánh nốt này chứ không phải nốt kia trên chiếc piano, bản nhạc ấy không phải là nốt nào trong cả hai nốt đó trên bàn phím. Quy luật Đạo đức chỉ cho ta giai điệu phải đàn, còn bản năng ta chỉ là nhạc cụ. Đây là một cách khác để thấy Quy luật Đạo đức không phải là bản năng. Nếu có xung đột giữa hai bản năng, và nếu trong tâm trí ta không có gì ngoài bản năng, thì bản năng mạnh hơn sẽ thắng. Nhưng trong những lúc mà ta quan tâm đến Quy luật Đạo đức, nó thường mách bảo ta phải theo bản năng yếu hơn chứ không phải bản năng mạnh hơn. Bạn có thể muốn an toàn cho mình nhiều hơn là muốn cứu người chết đuối: nhưng Quy luật Đạo đức vẫn đòi hỏi bạn phải giúp

Page 13: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

13

người ấy. Và phải chăng nó luôn bảo ta phải tăng sức mạnh cho bản năng đúng? Tôi muốn nói, ta thường thấy trách nhiệm của mình là tăng cường bản năng, bằng cách đánh thức trí tưởng tượng hoặc khơi dậy lòng xót thương, v.v., để có đủ sức làm theo điều phải. Nhưng rõ ràng là chúng ta không làm theo bản năng khi chúng ta quyết định làm cho một bản năng nào đó mạnh hơn bản năng kia. Cái mà nhắc nhở bạn, ‘Bản năng của bạn đang ngủ đó, hãy đánh thức nó dậy’, không thể là một bản năng bầy đàn. Cái mà yêu cầu bạn phải đánh nốt nhạc nào lớn hơn trên chiếc piano không thể là nốt nhạc đó. Còn đây là một cách thứ ba nữa để thấy Quy luật Đạo đức có phải là bản năng hay không, đó là lẽ ra chúng ta có thể xác định thôi thúc nào bên trong chúng ta là luôn luôn ‘tốt’, luôn luôn phù hợp với nguyên tắc hành xử đúng đắn. Nhưng chúng ta không xác định được. Không có thôi thúc nào mà Quy luật Đạo đức không mách bảo ta phải đè nén vào lúc nào đó, và không có thôi thúc nào mà Quy luật Đạo đức không mách bảo ta phải khuyến khích vào lúc nào đó. Sẽ là lầm lẫn nếu nói rằng một số bản năng của ta – như tình mẫu tử hay lòng yêu nước chẳng hạn – là tốt, còn một số bản năng khác, như bản năng tính dục hay bản năng chiến đấu, là xấu. Điều chúng ta muốn nói là những tình huống mà bản năng tính dục hay bản năng sinh tồn cần được đè nén xảy ra thường xuyên hơn những tình huống tương tự đối với tình mẫu tử hay lòng yêu nước. Nhưng có những tình huống mà một người chồng cần phải khuyến khích những thôi thúc tính dục hoặc một người lính cần phải khuyến khích bản năng chiến đấu. Cũng có những trường hợp mà tình yêu của người mẹ đối với con mình hoặc tình yêu của người đàn ông đối với tổ quốc phải được đè nén để tránh hành động bất công đối với con cái người khác hay tổ quốc người khác. Nói một cách chặt chẽ, không có thôi thúc nào là xấu hay tốt. Chúng ta hãy nghĩ một lần nữa về chiếc đàn piano. Nó không mang hai loại phím ‘đúng’ và ‘sai’ riêng biệt. Một nốt nhạc có thể đúng lúc này và sai lúc khác. Quy luật Đạo đức không phải là một bản năng hay một hệ thống bản năng: nó là một cái gì tạo ra một giai điệu nào đó (mà chúng ta gọi là lẽ phải hay hành vi đúng đắn) bằng cách chỉ huy những bản năng. Nhân tiện, điểm này có hiệu quả thực tế lớn lao. Điều nguy hiểm nhất mà bạn có thể làm là chọn một bản năng bất kỳ nào từ trong bản chất của bạn và coi nó là điều bạn phải làm bằng mọi giá. Không bản năng nào mà không biến ta thành quỷ dữ nếu ta coi nó như sự hướng dẫn tuyệt đối. Bạn có thể nghĩ rằng tình yêu loài người nhìn chung là tuyệt đối, nhưng không phải vậy. Nếu bạn mặc kệ lẽ phải, bạn sẽ thấy mình phá vỡ các hiệp ước và làm giả chứng cứ trong những cố gắng ‘vì lợi ích của nhân loại’, và cuối cùng trở thành một kẻ tàn ác và dối trá. Những người khác lại viết cho tôi rằng, ‘Có phải cái mà ông gọi là Quy luật Đạo đức nó chỉ là một giao ước xã hội, được truyền cho chúng ta thông qua giáo dục?’ Tôi nghĩ ở đây có hiểu lầm. Những người hỏi câu đó coi như đương nhiên là điều gì mà chúng ta học được ở cha mẹ và thầy giáo chỉ là do con người sáng

Page 14: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

14

tạo. Nhưng tất nhiên không phải vậy. Chúng ta đều đã học bảng cửu chương ở trường. Một đứa bé lớn lên ở một hoang đảo sẽ không biết bảng cửu chương. Nhưng chắc chắn là điều đó không dẫn tới kết luận là bảng cửu chương là một giao ước xã hội, một cái gì đó do con người tạo ra cho mình và nếu họ muốn, họ đã có thể làm khác đi. Tôi hoàn toàn đồng ý là chúng ta học được Quy luật Đạo đức từ cha mẹ và thầy cô, từ bạn bè và từ sách vở, giống như chúng ta học những thứ khác. Nhưng một số điều chúng ta học chỉ là giao ước xã hội và đã có thể khác đi – chúng ta giữ lề trái khi đi đường, nhưng nếu trước kia nguyên tắc này được lập ra khác đi, thì ngày nay chúng ta cũng đã có thể giữ lề phải – và một số điều khác, chẳng hạn toán học, là sự thật. Vấn đề là Quy luật Bản chất Con người thuộc về loại nào. Có hai lý do để nói nó thuộc về cùng loại với toán học. Một là, như tôi đã nói trong chương đầu, mặc dầu có khác nhau giữa những ý tưởng về đạo đức qua các thời đại và ở từng quốc gia, những khác biệt ấy không quá lớn – không lớn đến như hầu hết người ta nghĩ – và bạn nhận ra được một quy luật xuyên suốt tất cả chúng: trong khi đó những giao ước, chẳng hạn luật đi đường hay trang phục, có thể khác nhau đến bất kỳ mức độ nào. Lý do thứ hai là đây. Khi bạn nghĩ về sự khác biệt giữa đạo đức của các dân tộc, bạn có nghĩ rằng đạo đức của dân tộc này tốt hơn đạo đức của dân tộc kia không? Có thay đổi nào để cải tiến chúng không? Nếu không, thì tất nhiên là không có cải tiến đạo đức. Cải tiến không chỉ có nghĩa là thay đổi, mà còn là thay đổi cho tốt hơn. Nếu không có hệ thống ý tưởng đạo đức nào là đúng hơn hay tốt hơn hệ thống khác, thì chẳng có ý nghĩa gì khi ưa chuộng đạo đức văn minh hơn đạo đức man rợ, hay đạo đức Kitô giáo hơn đạo đức Quốc xã. Trong thực tế, chúng ta có tin rằng một số đạo đức là tốt hơn một số khác. Chúng ta có tin rằng một số trong những người tìm cách thay đổi những ý tưởng đạo đức của thời đại họ là những người mà chúng ta gọi là nhà cách tân hay nhà tiên phong – những người hiểu đạo đức hơn những láng giềng của họ hiểu. Tốt thôi. Thời khắc mà bạn nói hệ thống đạo đức này tốt hơn hệ thống đạo đức kia, trên thực tế, bạn đang so sánh chúng dựa trên một chuẩn mực, bạn nói rằng hệ thống đạo đức này gần với chuẩn mực đó hơn hệ thống đạo đức kia. Nhưng chuẩn mực để đo lường hai sự vật là một cái gì đó khác với cả hai sự vật. Trên thực tế, bạn đang so sánh cả hai với một Đạo đức Thật, chấp nhận rằng có một cái Đúng thật, độc lập với suy nghĩ của mọi người, và rằng có một số ý tưởng của người ta là gần với cái Đúng thật hơn những ý tưởng khác. Hoặc ta có thể diễn đạt cách này. Nếu những ý tưởng về đạo đức của bạn đúng hơn, và những ý tưởng về đạo đức của những người Quốc xã ít đúng hơn, thì phải có một cái gì đó – một Đạo đức Thật – để nhận biết chúng đúng đến mức nào. Lý do làm cho ý tưởng của bạn về New York có thể đúng hơn hay ít đúng hơn ý tưởng của tôi là, bởi New York là một nơi chốn, hoàn toàn tách biệt khỏi điều

Page 15: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

15

mà bạn hoặc tôi nghĩ. Nếu mỗi khi chúng ta nói ‘New York’ với ý nghĩa là ‘Thành phố mà tôi tưởng tượng trong trí’, thì làm sao mà một trong chúng ta lại có ý tưởng đúng hơn được? Sẽ không có vấn đề đúng sai gì cả. Cũng vậy, nếu Nguyên tắc Hành vi Đúng đắn mà có nghĩa là ‘bất cứ gì mỗi quốc gia chuẩn y’ thì chẳng nghĩa lý gì khi nói rằng một quốc gia đã chuẩn y đúng hơn quốc gia khác; chẳng ý nghĩa gì khi nói rằng thế giới đã thay đổi tốt hơn về đạo đức hay xấu hơn về đạo đức. Vậy tôi kết luận, rằng mặc dầu những khác biệt trong ý tưởng của người ta về Hành vi Đúng đắn thường làm ta nghi ngờ rằng chẳng có một quy luật tự nhiên về hành vi nào cả, nhưng những sự việc buộc ta phải nghĩ về những khác biệt ấy thật ra chứng minh điều ngược lại. Cho tôi nói lời cuối cùng. Tôi đã gặp những người cường điệu hóa những khác biệt ấy, bởi họ không phân biệt giữa khác biệt về đạo đức với khác biệt về tin tưởng sự vật. Ví dụ, một người nói với tôi, ‘Ba trăm năm trước ở Anh quốc người ta đã xử tử những phù thủy. Có phải đó là cái ông gọi là Quy luật Bản chất Con người hay Quy luật Hành vi Đúng đắn?’ Nhưng rõ ràng là lý do hiện nay chúng ta không xử tử những phù thủy là bởi chúng ta không tin có phù thủy. Nếu chúng ta tin – nếu chúng ta thực sự nghĩ rằng có những người đã bán mình cho quỷ dữ và nhận được quyền năng từ quỷ dữ và đang dùng quyền năng đó để giết hại người láng giềng hoặc phù phép cho họ hóa điên, hoặc gây ra thời tiết xấu; chắc chắn là chúng ta sẽ đồng ý rằng nếu có ai đó đáng bị xử tử, thì đó chính là những kẻ xấu xa này. Ở đây không hề có khác biệt về ý tưởng đạo đức: sự khác biệt chỉ đơn thuần là về thực tiễn. Có thể là một tiến bộ lớn lao về tri thức khi không còn tin có phù thủy: nhưng không có tiến bộ về đạo đức nào cả khi không xử tử họ vì chúng ta biết họ không hề hiện hữu. Bạn sẽ không gọi một người nào đó là nhân đạo khi họ không đặt bẫy chuột trong nhà chỉ vì họ tin rằng trong nhà không có chuột. 3. Tính thực tiễn của quy luật Giờ đây tôi sẽ quay lại điều mà tôi đã nói ở cuối chương đầu, rằng có hai điều kỳ lạ nơi loài người. Một là, họ bị thôi thúc bởi ý tưởng về một lề lối cư xử mà họ phải tuân theo, cái mà bạn có thể gọi là công bằng, là đàng hoàng, là đạo đức, hoặc là Quy luật Tự nhiên. Hai là, trong thực tế họ không tuân theo. Một số bạn sẽ hỏi vì sao tôi nói cái đó là kỳ lạ. Đối với chúng ta có thể cái đó là tự nhiên nhất trần đời. Chi ly hơn, bạn có thể nghĩ rằng tôi quá khắt khe với loài người. Sau cùng, bạn có thể nói cái mà tôi gọi là vi phạm Quy luật Đúng Sai hoặc Quy luật Tự nhiên, chỉ có nghĩa là loài người không hoàn hảo. Nhưng sao tôi lại mong muốn loài người hoàn hảo? Sẽ là một câu trả lời tốt nếu cái mà tôi đang cố gắng làm là xác định mức độ lên án chúng ta vì đã không cư xử với người khác như chúng ta muốn họ cư xử với mình. Nhưng đó đâu phải việc tôi. Tôi chẳng liên quan đến việc lên án; tôi chỉ đang đi tìm sự thật. Và chính từ quan điểm về sự không hoàn hảo, hoặc không được như mong muốn, dẫn tới một số hệ quả.

Page 16: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

16

Hãy xem một hòn đá hay một cái cây, nó là như vậy đó và chẳng ý nghĩa gì khi nói nó phải khác đi. Dĩ nhiên bạn có thể nói hòn đá này là ‘dị dạng’ nếu bạn định dùng nó làm hòn non bộ, hoặc cây kia không tốt vì nó không cho bạn đủ bóng mát bạn cần. Nhưng tất cả những gì bạn muốn nói đó là cái cây hay hòn đá không phù hợp với mục đích sử dụng của bạn. Bạn không ‘lên án’ chúng, trừ khi để đùa vui. Bạn thực sự biết rằng, với đất đó và thời tiết đó, cái cây sẽ không thể khác vậy được. Cái mà chúng ta gọi là một cái cây ‘xấu’ cũng tuân thủ quy luật tự nhiên y hệt như một cái cây ‘tốt’ thôi. Bây giờ bạn thấy cái gì kéo theo không? Kéo theo là những gì chúng ta gọi là quy luật tự nhiên – ví dụ cách mà thời tiết tác động lên cây cối – thật ra có thể không phải quy luật theo nghĩa chặt chẽ, nhưng chỉ là cách nói thôi. Khi ta nói một hòn đá rơi luôn tuân theo quy luật hấp dẫn, không hoàn toàn giống như khi ta nói rằng quy luật chỉ có nghĩa là ‘hòn đá luôn luôn làm gì’. Ta không thực sự nghĩ rằng khi một hòn đá được thả, nó bỗng nhớ rằng nó phải tuân lệnh rơi xuống đất. Ta chỉ muốn nói rằng trong thực tế hòn đá rơi. Nói cách khác, bạn không thể biết chắc có cái gì phía trên sự kiện, có quy luật nào về điều phải xảy ra, mà nó tách biệt khỏi sự kiện đã xảy ra. Quy luật tự nhiên, khi áp dụng cho cái cây hoặc hòn đá, có thể chỉ có nghĩa là cái gì mà ‘Thiên nhiên làm trong thực tế’. Nhưng khi bạn quay lại với Quy luật Bản chất Con người, hay Quy luật Hành vi Đúng đắn, lại là chuyện khác. Quy luật ấy không nói rằng ‘trong thực tế, con người làm gì’; bởi như tôi đã nói, người ta thường không tuân thủ quy luật ấy tí nào, và chẳng có ai tuân thủ hoàn toàn quy luật ấy. Quy luật hấp dẫn cho bạn biết hòn đá sẽ làm gì nếu bạn thả nó ra; nhưng Quy luật Tự nhiên cho bạn biết con người nên và không nên làm gì. Nói cách khác, khi ta nói đến con người, thì có điều gì đó vượt lên trên sự kiện thực tiễn. Ta có sự kiện (người ta làm gì) và ta còn có cái gì đó khác nữa (người ta nên làm gì). Trong phần còn lại của vũ trụ không cần có gì khác ngoài sự kiện. Các electron và các phân tử xử sự theo một cách thức nào đó, và sẽ có một số hệ quả nào đó, và thế là hết chuyện. (*) Nhưng con người thì cũng xử sự theo một cách thức nào đó, nhưng không phải hết chuyện, bởi bạn luôn biết rằng lẽ ra họ phải xử sự khác đi. ---- [*] Tôi không nghĩ thế là hết chuyện, như bạn sẽ thấy sau đây. Tôi muốn nói rằng theo như lý luận cho tới bây giờ thì có thể là hết chuyện. ---- Vấn đề đến đây trở nên đặc biệt đến nỗi cần phải giải thích đến nơi đến chốn. Chẳng hạn ta có thể cố gắng làm rõ rằng khi bạn nói một người không nên làm cái mà anh ta đã làm, ý bạn cũng giống như khi nói hòn đá dị dạng; nghĩa là cái mà anh ta làm là không phù hợp với bạn. Nhưng đơn giản là không phải vậy. Một người chiếm chỗ trong góc toa xe lửa vì anh ta đến trước, và một người

Page 17: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

17

khác lẻn vào góc đó khi tôi quay lưng đi và lấy cắp túi đồ của tôi, đều là không phù hợp với tôi. Nhưng tôi lên án người thứ hai mà không lên án người thứ nhất. Tôi không tức giận – ngoại trừ có lẽ trong khoảnh khắc tôi chưa bình tĩnh lại – khi có người xô tôi ngã vì vô ý; tôi tức giận khi có người cố tình xô tôi ngã, kể cả lúc tôi không ngã. Vậy mà người trước làm tôi đau còn người sau thì không. Đôi khi lối hành xử mà tôi gọi là xấu không phải là không phù hợp với tôi, mà còn ngược lại. Trong chiến tranh, mỗi bên tham chiến đều có thể thấy một tên phản bội ở bên kia chiến tuyến là có ích cho mình. Nhưng mặc dầu họ dùng hắn và trả tiền hắn, họ xem hắn như giòi bọ. Vậy nên ta không thể nói cách cư xử đúng đắn nơi người khác là cách có ích cho ta. Còn với cách cư xử đúng đắn nơi bản thân chúng ta, theo ý tôi thì khá rõ ràng rằng đó không có nghĩa là cách cư xử có lợi. Tôi muốn nói, bằng lòng nhận ba mươi shilling trong khi có thể đòi ba bảng Anh, làm bài thi nghiêm túc trong khi có thể dễ dàng quay cóp, không đụng tới cô gái trong khi có cơ hội để thỏa mãn tính dục với cô, ở lại nơi nguy hiểm trong khi có thể lánh đến nơi an toàn, giữ lời hứa trong khi không ai buộc được mình phải giữ, và nói sự thật trong khi thậm chí người ta sẽ cho mình là dại. Một số người nói rằng mặc dầu hành vi đúng đắn không có nghĩa là có lợi cho một người nào đó vào một lúc nào đó, nhưng nó vẫn có nghĩa là có lợi cho loài người nói chung, và do đó chẳng có gì huyền bí ở đây cả. Loài người, dù sao đi nữa, cũng có ít nhiều lương tri, và họ thấy không thể có an ninh và hạnh phúc trong xã hội nếu mọi người không cư xử đúng đắn, nên họ cố gắng cư xử đàng hoàng. Tất nhiên, an ninh và hạnh phúc chỉ có thể đến với những cá nhân, tầng lớp và quốc gia lương thiện và đối xử tốt và công bằng với nhau. Đây là một trong những sự thật quan trọng nhất trên thế giới. Nhưng để giải thích vì sao chúng ta cảm thấy việc mình làm là đúng hay sai thì nó không đúng chỗ. Nếu chúng tôi hỏi: ‘Tại sao ta phải có lòng vị tha?’ và bạn trả lời, ‘Vì nó có ích cho xã hội” thì chúng tôi lại hỏi thêm, ‘Tại sao ta phải quan tâm đến cái có ích cho xã hội nếu nó không có ích cho ta?’ và bạn lại phải đáp, ‘Vì ta phải có lòng vị tha’ – tức là quay lại điểm bắt đầu. Bạn đang nói đúng, nhưng bạn không đi xa hơn được nữa. Nếu một người được hỏi vì sao chơi bóng đá, sẽ không đúng khi trả lời, ‘để ghi bàn’, bởi vì cố gắng ghi bàn chính là môn bóng đá, chứ không phải lý do chơi, và rồi người ta rất có thể phải nói bóng đá là bóng đá – đúng, nhưng không cần phải nói. Tương tự, nếu ai hỏi vì sao phải cư xử đúng đắn, sẽ không đúng khi trả lời, ‘để làm lợi cho xã hội,’ bởi cố gắng làm lợi cho xã hội tức là có lòng vị tha (vì ‘xã hội’ chính là ‘người khác’), là một trong những thành phần của cư xử đúng đắn; vậy là thật ra ta đang nói cư xử đúng đắn là cư xử đúng đắn. Ta không nói gì được hơn thế nếu ta dừng lại ở chỗ phát biểu ‘Con người phải có lòng vị tha’.

Page 18: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

18

Và đó là chỗ tôi dừng lại. Con người phải có lòng vị tha, phải công bằng. Không phải con người có lòng vị tha, hoặc họ muốn có lòng vị tha, nhưng họ phải có. Quy luật Đạo đức, hay Quy luật Tự nhiên, không chỉ đơn thuần là một sự kiện về cách cư xử của loài người tương tự như quy luật hấp dẫn là, hoặc có thể là, một sự kiện về cách cư xử của các vật thể. Mặt khác, nó không phải là một mong muốn, bởi ta không thể thoát khỏi ý tưởng về nó, và mọi điều ta nói về con người sẽ thành vô nghĩa nếu ta thoát khỏi ý tưởng về nó. Và nó không phải là một phát biểu của ta về những gì ta muốn người khác làm vì lợi ích của ta; bởi vì những cư xử ta gọi là không đúng đắn hay không công bằng không hoàn toàn là những cư xử không có lợi, mà còn có thể ngược lại nữa. Do đó, Nguyên tắc Đúng Sai, hay Quy luật Bản chất Con người, hay bất cứ gì mà bạn gọi, bằng cách nào đó phải có thật – một sự thật sẵn có, không phải chúng ta tạo ra. Nhưng nó không phải một sự kiện theo nghĩa thông thường, giống như hành vi của chúng ta trong thực tế là một sự kiện. Dường như chúng ta sẽ phải thừa nhận rằng có nhiều hơn một thực tiễn; rằng, trong trường hợp đặc biệt này, có cái gì đó cao hơn và vượt quá những sự kiện thông thường về cách hành xử của con người, và cái đó hoàn toàn có thật – một quy luật thật, mà chẳng ai trong chúng ta tạo ra, nhưng chúng ta cảm thấy áp lực của nó. 4. Cái ở đằng sau quy luật Ta hãy tổng kết những gì đã bàn cho đến giờ. Trong trường hợp của hòn đá và cái cây và nhũng thứ tương tự, cái mà ta gọi là Quy luật Tự nhiên chỉ là một cách nói. Khi ta nói thiên nhiên được vận hành theo những quy luật, điều này có thể chỉ có nghĩa là thiên nhiên trên thực tế đã vận hành theo một cách nào đó. Cái gọi là quy luật có thể không phải là cái gì đó có thật – cái gì đó ở trên và vượt quá những sự kiện thực tiễn mà ta quan sát được. Nhưng trong trường hợp con người, ta thấy không phải vậy. Quy luật Bản chất Con người, hay Quy luật Đúng Sai, phải là một cái gì đó ở trên và vượt quá những sự kiện thực tiễn về hành vi của con người. Trong trường hợp này, bên cạnh những sự kiện thực tiễn, ta còn có một cái gì khác – một quy luật có thật mà không phải do ta tạo ra, một quy luật mà ta biết là phải tuân theo. Giờ đây tôi muốn xem xét sự việc này mách bảo ta điều gì về vũ trụ ta đang sống. Từ khi con người biết suy nghĩ, họ đã luôn luôn thắc mắc vũ trụ này là gì và vì sao nó có mặt. Và, một cách rất sơ lược, có hai quan điểm đã được thành lập. Đầu tiên, có một quan điểm được gọi là quan điểm vật chất. Những người theo quan điểm này nghĩ rằng vật chất và không gian tự tồn tại, và luôn luôn tồn tại, không ai biết tại sao; và vật chất, hành xử theo một cách thức xác định nào đó, tự tồn tại, do một kiểu biến cố ngẫu nhiên, sinh ra những sinh vật như chúng ta, những sinh vật biết suy nghĩ. Do một cơ hội có xác suất một trên một ngàn lần, có cái gì đó đã va vào mặt trời, làm cho nó sinh ra các hành tinh; rồi bởi một cơ hội có xác suất một trên một ngàn lần nữa, các chất hóa học

Page 19: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

19

cần thiết cho sự sống, và nhiệt độ thích hợp cho sự sống, xuất hiện trên một trong những hành tinh đó, thế là một số vật chất trên hành tinh đó đã trở thành vật sống; và rồi, bởi một chuỗi rất dài những cơ hội, những vật sống phát triển thành chúng ta ngày nay. Còn quan điểm kia là quan điểm tôn giáo. (*) Theo quan điểm đó, cái ở đằng sau vũ trụ giống với một trí tuệ hơn là bất cứ gì khác mà chúng ta đã biết. ---- [*] Xem ghi chú ở cuối chương này. ---- Có nghĩa là, nó có ý thức, và có mục đích, và có lựa chọn. Và căn cứ trên quan điểm đó nó tạo dựng vũ trụ, một phần vì những lý do ta không biết, nhưng một phần, ít hay nhiều, là để tạo ra những tạo vật giống như nó – Tôi muốn nói, giống như nó nghĩa là có trí tuệ. Xin đừng nghĩ rằng một trong hai quan điểm trên đã có từ lâu và quan điểm còn lại đang dần dần thay thế nó. Bất cứ đâu có con người suy nghĩ thì cả hai quan điểm cùng tồn tại. Còn điều này nữa. Bạn không thể tìm xem quan điểm nào đúng bằng cách dựa vào khoa học theo nghĩa thông thường. Khoa học hoạt động dựa trên thực nghiệm. Nó quan sát hành vi của sự vật. Mỗi phát biểu khoa học về lâu dài, dù có vẻ phức tạp đến mấy, thực sự có nghĩa chẳng hạn như, ‘Tôi hướng kính thiên văn vào không gian ở phần đó, phần đó lúc 2 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng và thấy cái đó, cái đó,’ hoặc, ‘Tôi cho một ít chất này vào bình và đun lên tới nhiệt độ đó, nhiệt độ đó, và nó có hiện tượng như vậy, như vậy.’ Xin đừng nghĩ rằng tôi nói bất cứ gì chống lại khoa học: Tôi chỉ nói công việc của nó là gì. Và một người càng hoạt động khoa học nhiều thì (tôi tin vậy) người ấy càng đồng ý với tôi rằng đó là công việc của khoa học – một công việc rất có ích và cần thiết. Nhưng tại sao các sự kiện lại diễn ra như vậy, và có hay không một cái gì ở đằng sau các sự vật khoa học quan sát được – một cái gì đó khác – thì không phải vấn đề của khoa học. Nếu có ‘Cái Đằng sau’ thì cái đó hoặc chúng ta sẽ không thể biết được hoặc cái đó có thể tự bày tỏ cho chúng ta biết bằng cách nào đó. Phát biểu rằng có một cái gì đó như vậy, và phát biểu rằng không có một cái gì đó như vậy, đều không phải của khoa học. Và nhà khoa học thực sự hiếm khi phát biểu kiểu này. Thường chính là các nhà báo hay nhà văn nổi tiếng đã lấy một vài mảnh vụn từ cái bánh khoa học chưa chín trong sách giáo khoa mới có phát biểu loại đó. Dù sao đi nữa, đây là vấn đề của lẽ phải thông thường. Giả sử khoa học trở nên hoàn chỉnh đến nỗi nó biết hết tất cả mọi vật trong vũ trụ, thì phải chăng những câu hỏi như, ‘Tại sao có vũ trụ?’ ‘Tại sao sự vật diễn tiến như vậy?’ ‘Nó có ý nghĩa gì?’ sẽ vẫn còn nguyên?

Page 20: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

20

Vậy là tình thế sẽ khá tuyệt vọng nếu không có điều này. Có một thứ, và chỉ có một mà thôi, trong vũ trụ mà ta biết nhiều hơn những quan sát bên ngoài. Thứ duy nhất đó là con người. Ta không chỉ quan sát con người, ta còn là con người. Trong trường hợp này có thể nói là ta có thông tin bên trong; ta ở trong sự biết. Nhờ đó, ta biết con người cảm thấy họ chịu tác động của một quy luật đạo đức mà họ không tạo ra, mà họ không thể bỏ qua dù muốn hay không, mà họ biết là họ phải tuân thủ. Xin chú ý điểm này. Bất cứ ai nghiên cứu con người từ bên ngoài như cách ta nghiên cứu điện hoặc bắp cải, không biết ngôn ngữ của ta và do đó không có được thông tin bên trong ta, nhưng chỉ đơn thuần quan sát hành động của ta, sẽ không bao giờ có được một chứng cứ nhỏ nhất về việc ta có quy luật đạo đức. Làm thế nào được? Bởi sự quan sát của anh ta chỉ cho thấy việc chúng ta làm, trong khi quy luật đạo đức là về việc chúng ta phải làm. Tương tự, nếu có cái gì đó ở trên hoặc đằng sau những sự kiện quan sát được ở hòn đá hoặc thời tiết, chúng ta sẽ không hy vọng phát hiện được bằng cách quan sát từ bên ngoài. Như vậy là tình hình sẽ như sau. Ta muốn biết có phải vũ trụ tình cờ tồn tại như bây giờ mà không có nguyên do gì, hay là có một quyền năng nào đằng sau nó đã tạo ra nó như vậy. Bởi vì quyền năng đó, nếu có, sẽ không phải là một trong những sự kiện quan sát được, mà là một thực tại đã tạo ra chúng, nên không có quan sát sự kiện nào có thể tìm ra. Chỉ có duy nhất một trường hợp trong đó ta có thể biết được có cái gì hơn thế, đó là trường hợp của riêng ta. Và trong trường hợp đó ta thấy có. Hoặc xem xét theo cách ngược lại. Nếu có một quyền năng nào nằm ngoài vũ trụ, nó không thể biểu hiện như một sự kiện bên trong vũ trụ – cũng giống như một kiến trúc sư thiết kế căn nhà không thể nào là một bức tường hay cầu thang hay lò sưởi trong căn nhà được. Cách duy nhất ta có thể mong thấy được nó là ở bên trong ta, như một ảnh hưởng hay một mệnh lệnh buộc ta phải cư xử theo một lề lối nào đó. Và đó chính là cái mà ta tìm thấy bên trong mình. Điều đó có đủ cho ta nhận ra chưa? Trong trường hợp duy nhất mà bạn có thể mong có câu trả lời, câu trả lời đó là Có. Trong những trường hợp khác, khi bạn không có câu trả lời, bạn biết vì sao mình không có. Giả sử ai đó hỏi tôi, vì sao khi tôi thấy một người mặc đồng phục xanh đi dọc con phố và bỏ các phong bì vào hộp thư tại các căn nhà, thì tôi biết các phong bì đó có chứa thư từ? Tôi sẽ trả lời, ‘Vì mỗi lần ông ta bỏ phong bì vào hộp thư nhà tôi, tôi đều thấy trong đó có thư từ.’ Và nếu người ấy phản đối, ‘Nhưng anh không bao giờ thấy tất cả các thư từ mà mọi người nhận được.’ Tôi sẽ nói, ‘Tất nhiên là không, mà tôi cũng sẽ không làm vậy, vì những phong bì đó không gởi cho tôi.’ Thế là tôi đã lý giải những phong bì tôi không được phép mở bằng những phong bì tôi được phép mở. Vấn đề ta đang nói cũng vậy. Cái phong bì duy nhất tôi

Page 21: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

21

được phép mở là con người. Khi tôi mở nó, đặc biệt là con người được gọi là Tôi, tôi thấy rằng mình không tự tồn tại, rằng tôi bị chi phối bởi một quy luật; rằng ai đó hoặc cái gì đó muốn tôi phải hành xử theo một lề lối nào đó. Tất nhiên, tôi không nghĩ rằng nếu tôi chui vào cái cây hay hòn đá được thì tôi cũng sẽ thấy y hệt như vậy, cũng như tôi không nghĩ rằng mọi người trong phố cũng nhận được những lá thư giống như của tôi. Tôi sẽ thấy rằng, ví dụ, hòn đá phải tuân theo quy luật hấp dẫn – trong khi người gởi thư bảo tôi phải tuân thủ quy luật bản chất con người của tôi, Người ấy bảo hòn đá phải tuân thủ quy luật bản chất đá của nó. Nhưng tôi sẽ thấy, có thể nói, một người gởi thư trong cả hai trường hợp, một Quyền năng ở đằng sau các sự kiện, một Người Chỉ đạo, một Người Hướng dẫn. Xin đừng nghĩ rằng tôi đang đi quá nhanh. Tôi vẫn còn xa hơn mức một trăm dặm cách Thượng đế của thần học Kitô giáo. Tôi mới tới chỗ một Cái gì đó điều khiển vũ trụ, và cái đó xuất hiện trong tôi như một quy luật thúc đẩy tôi làm điều đúng và khiến tôi thấy trách nhiệm và không thoải mái khi tôi làm điều sai. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải giả định cái đó giống như một trí tuệ hơn là bất cứ gì khác mà chúng ta đã biết – bởi tất cả những gì chúng ta biết đều là vật chất, mà chúng ta khó tưởng tượng vật chất lại có thể cung cấp chỉ dẫn cho chúng ta. Nhưng tất nhiên là nó không nhất thiết phải rất giống một trí tuệ, dù nó ít giống một cá nhân hơn. Trong chương kế tiếp chúng ta sẽ xem có thể nói gì hơn về việc này. Nhưng xin có một lời cảnh báo. Đã có rất nhiều lời đường mật về Thượng đế trong một trăm năm trở lại đây. Cái đó không phải cái tôi sẽ đưa ra. Bạn có thể cho qua những thứ đó. Lưu ý – Để rút ngắn phần này khi truyền thanh, tôi chỉ nhắc đến hai quan điểm vật chất và tôn giáo. Nhưng để đầy đủ hơn tôi phải nhắc đến quan điểm ở giữa, được gọi là Triết học Sức sống, hay Tiến hóa Sáng tạo, hay Tiến hóa Đột xuất. Những biểu hiện sáng chói nhất của nó đến từ những công trình của Bernard Shaw, nhưng những biểu hiện sâu sắc nhất là từ những công trình của Bergson. Những người có quan điểm này cho rằng những biến đổi nhỏ, từ đó sự sống trên hành tinh đã ‘tiến hóa’ từ những dạng thô sơ nhất cho đến con người, không phải là ngẫu nhiên mà do sự ‘cố gắng’ hoặc ‘ý muốn’ của một Sức sống. Chúng ta phải hỏi họ rằng Sức sống mà họ nói đó có phải là một Trí tuệ hay không. Nếu phải, thì ‘một trí tuệ tạo ra sự sống và đưa nó tới chỗ hoàn hảo’ chính là một Thượng đế, và như vậy quan điểm của họ chính là quan điểm Tôn giáo. Nếu không phải, thì liệu có nghĩa gì khi nói một cái gì đó không có trí tuệ lại có thể ‘cố gắng’ hay ‘muốn’? Tôi thấy như vậy là nguy cho quan điểm này. Một lý do làm cho người ta thấy quan điểm Tiến hóa Sáng tạo là hấp dẫn, là vì nó cho người ta sự dễ chịu về tâm lý khi tin ở Thượng đế, mà không kèm theo những hệ quả không dễ chịu.

Page 22: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

22

Khi bạn đang khỏe khoắn và trời đẹp và bạn không muốn tin rằng vũ trụ chỉ là một điệu múa quay cuồng của các nguyên tử, thì quả là thú vị khi nghĩ đến cái Sức sống vĩ đại huyền bí này xuất hiện qua các thế kỷ và mang bạn trên mình nó. Nếu, mặt khác, bạn muốn làm chuyện gì đó không được ngay thẳng lắm, thì cái Sức sống này, vốn là một sức mạnh mù quáng, chẳng có đạo đức hay trí tuệ, sẽ chẳng can thiệp như vị Thượng đế phiền toái mà chúng ta đã học khi còn nhỏ. Sức sống là một kiểu Thượng đế đã được thuần hóa. Bạn có thể dùng nó khi cần, nhưng nó chẳng làm phiền bạn. Có tất cả những phúc lạc của tôn giáo mà chẳng phải trả giá gì. Có phải Sức sống là thành tựu cao nhất của tư tưởng duy ý chí trên thế giới? 5. Chúng ta có lý do để bị cắn rứt Tôi đã kết thúc chương trước với ý tưởng rằng trong Quy luật Đạo đức, có ai hoặc cái gì đó bên ngoài vũ trụ vật chất đang nắm được ta. Và tôi nghĩ tại chỗ đó một số bạn sẽ cảm thấy rầy rà. Bạn thậm chí có thể nghĩ tôi đang lừa bạn – rằng tôi đang chăm chút trang hoàng cho một thứ trông có vẻ triết học nhưng thật ra là ‘gọng kìm tôn giáo’. Bạn có thể cảm thấy bạn đã sẵn sàng lắng nghe tôi chừng nào tôi còn nói điều gì mới; nhưng nếu té ra chỉ là tôn giáo, thì trên thế giới người ta đã bàn nhiều quá rồi và bạn chẳng thể quay ngược kim đồng hồ. Nếu có ai cảm thấy vậy, thì tôi xin có ba điều để nói với người ấy. Thứ nhất, về chuyện quay ngược kim đồng hồ. Liệu bạn có nghĩ tôi đùa khi tôi nói rằng bạn rất có thể quay ngược đồng hồ, và rằng nếu cái đồng hồ bị sai thì điều chỉnh nó lại là việc làm rất có ý nghĩa? Nhưng tốt hơn là tôi nên bỏ qua chuyện cái đồng hồ đi. Ta đều muốn tiến bộ. Nhưng tiến bộ có nghĩa là tiến gần hơn đến chỗ ta muốn tới. Và nếu ta đang đi sai hướng, thì càng đi tới ta càng rời xa hơn khỏi nơi đó. Nếu bạn đang đi sai đường, thì tiến bộ có nghĩa là quay trở lại đúng đường; và trong trường hợp đó người quay lại sớm nhất là người tiến bộ nhất. Ta đều thấy rõ điều này khi làm toán số học. Khi tôi đã làm toán cộng sai, thì càng thừa nhận sớm và làm lại từ đầu sớm, thì tôi càng tiến nhanh hơn đến đáp số. Chẳng có tiến bộ nào nếu cứ cứng đầu và từ chối thừa nhận sai lầm. Và tôi nghĩ nếu nhìn lại tình trạng thế giới ngày nay, bạn sẽ thấy khá rõ rằng nhân loại đang mắc phải một sai lầm lớn. Chúng ta đang đi sai đường. Và nếu vậy, chúng ta phải quay lại. Quay lại là cách nhanh nhất để tiến lên. Thứ hai, chuyện này chưa chính xác trở thành ‘gọng kìm tôn giáo’. Chúng ta chưa đi xa đến chỗ một Thượng đế của bất kỳ tôn giáo nào, chứ đừng nói là Thượng đế của một tôn giáo cụ thể nọ gọi là Kitô giáo. Chúng ta chỉ mới tới chỗ có cái gì đó hoặc ai đó ở đằng sau Quy luật Đạo đức. Ta không nói gì đến Thánh kinh hoặc các Giáo hội, ta đang xem xét Ai đó bằng suy nghĩ của riêng ta. Và tôi muốn nói rõ rằng cái mà ta thấy được bằng suy

Page 23: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

23

nghĩ của riêng ta đã làm cho ta bị sốc. Ta có hai chứng cứ về Ai đó. Một là vũ trụ mà Ai đó đã tạo ra. Nếu ta dùng nó như một manh mối, thì ta phải kết luận rằng Ai đó quả là một nghệ sĩ đại tài (bởi vì vũ trụ là một công trình đẹp đẽ), đồng thời cũng rất nhẫn tâm và không thân thiện với con người (bởi vì vũ trụ là một chốn rất nguy hiểm và đáng sợ). Chứng cứ thứ hai là Quy luật Đạo đức mà Ai đó đã đặt vào trí tuệ ta. Chứng cứ này tốt hơn chứng cứ kia, vì nó là thông tin bên trong ta. Bạn thấy nhiều về Thượng đế trong Quy luật Đạo đức hơn là trong vũ trụ cũng giống như bạn hiểu nhiều về một người khi lắng nghe người ấy nói hơn là nhìn vào ngôi nhà người ấy đã xây. Cho nên từ chứng cứ thứ hai ta kết luận rằng cái Thực thể đằng sau vũ trụ rất quan tâm đến hành vi đúng đắn – công bằng, vị tha, can đảm, tin tưởng, trung thực và đáng tin cậy. Trong ý nghĩa đó ta sẽ đồng ý với Kitô giáo và một số tôn giáo khác, rằng Thượng đế là ‘tốt’. Nhưng khoan đi quá nhanh ở đây. Quy luật Đạo đức không cho ta cơ sở nào để nghĩ rằng Thượng đế là ‘tốt’ theo nghĩa tốt bụng, dịu dàng hay dễ cảm thông. Không có gì tốt bụng trong Quy luật Đạo đức. Nó cứng rắn như sắt nguội. Nó buộc ta làm điều ngay thẳng mà không quan tâm khi làm điều ngay thẳng thì phải chịu đau đớn, nguy hiểm, khó khăn thế nào. Nếu Thượng đế mà giống như Quy luật Đạo đức, thì Ngài chẳng dịu dàng tí nào. Ở chỗ này thì là vô ích gì khi ta nói một Thượng đế ‘tốt’ là một Thượng đế sẵn sàng tha thứ. Ta đang đi quá nhanh. Chỉ có một Nhân cách mới có thể tha thứ. Và ta chưa đi đến chỗ một Thượng đế Nhân cách – chỉ mới nói đến một sức mạnh đằng sau Quy luật Đạo đức, và giống như một trí tuệ hơn giống bất cứ gì khác. Nhưng nó vẫn có thể rất khác một Nhân cách. Nếu nó là trí tuệ thuần túy không có nhân cách, thì là vô nghĩa khi yêu cầu nó khoan dung hay tha thứ, cũng hệt như yêu cầu bảng cửu chương tha cho ta khi ta làm toán sai. Nếu yêu cầu vậy ta chắc chắn sẽ nhận được đáp ứng sai. Và cũng vô ích khi nói rằng có một Thượng đế kiểu đó – một cái tốt tuyệt đối không có nhân cách – rồi ta không thích Ngài hoặc chẳng cần quan tâm đến Ngài. Cái phiền toái là ở chỗ một phần trong bạn đứng về phía Ngài và sẵn sàng đồng ý với sự lên án của Ngài đối với sự tham lam, thủ đoạn và sự bóc lột của con người. Bạn có thể muốn Ngài cho mình một ngoại lệ, tha cho bạn lần này; nhưng trong thâm tâm bạn biết nếu cái quyền năng đằng sau vũ trụ này không thực sự ghét những hành vi nêu trên, Ngài không thể là tốt đẹp được. Mặt khác, bạn biết nếu thật có một sự tốt đẹp tuyệt đối, nó chắc chắn phải ghét hầu hết những gì chúng ta làm. Cái hoàn cảnh đáng sợ của chúng ta là vậy đó. Nếu vũ trụ không được điều khiển bởi một sự tốt đẹp tuyệt đối, thì mọi cố gắng của chúng ta về lâu dài là vô vọng. Nhưng nếu có nó, thì hôm nay chúng ta đang làm cho mình trở thành kẻ thù của cái tốt tuyệt đối đó, mà ngày mai thì cũng chẳng khá hơn gì, vậy nên chúng ta lại trở nên vô vọng. Không có nó ta không thể làm gì. Có nó ta lại

Page 24: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

24

không thể làm gì. Thượng đế là nguồn an ủi duy nhất. Thượng đế cũng lại là nỗi kinh hoàng tối cao: cái ta cần nhất và cái ta muốn tránh nhất. Ngài là đồng minh duy nhất của ta, mà ta lại làm cho mình trở thành kẻ thù của Ngài. Có người cho rằng đối diện với sự tốt đẹp tuyệt đối là vui lắm. Họ nên nghĩ lại. Họ chỉ đang đùa với tôn giáo. Sự tốt đẹp tuyệt đối là sự an toàn tuyệt đối hoặc là sự nguy hiểm tuyệt đối – tùy theo cách bạn đáp ứng với nó. Và chúng ta đang đáp ứng sai. Bây giờ tới điểm thứ ba. Khi tôi chọn cách đến với chủ đề của mình theo đường vòng, tôi không cố gắng trêu ghẹo bạn bất cứ kiểu gì. Tôi có lý do khác. Lý do đó là Kitô giáo sẽ là vô nghĩa nếu bạn không đối mặt với những loại sự kiện mà tôi đã mô tả. Kitô giáo kêu gọi sám hối và hứa hẹn sự tha thứ. Vì thế nó chẳng có gì để nói (theo như tôi biết) với những người không nghĩ rằng mình đã làm gì đến nỗi phải sám hối và những người không cảm thấy mình cần đến sự tha thứ. Chỉ khi ta nhận thấy rằng có một Quy luật Đạo đức, và một quyền năng đằng sau quy luật, và ta đã vi phạm quy luật và đã làm cho mình trở thành sai trái trước Quyền năng ấy – chỉ sau tất cả những cái đó, không sớm hơn tí nào, thì Kitô giáo mới bắt đầu lên tiếng. Khi ta biết mình đau ốm, ta mới lắng nghe bác sĩ. Khi bạn thấy tình thế trở nên gần như tuyệt vọng, bạn mới bắt đầu hiểu những gì Kitô giáo nói. Nó cung cấp sự lý giải vì sao ta lâm vào tình trạng vừa ghét lại vừa yêu điều thiện như hiện nay. Nó cung cấp sự lý giải vì sao Thượng đế là cái trí tuệ không nhân cách đằng sau Quy luật Đạo đức, cũng là một Nhân cách. Nó cho ta biết những yêu cầu của quy luật này, mà chúng ta không thể đáp ứng, đã được đáp ứng thay cho chúng ta như thế nào, chính Thượng đế đã trở thành người để cứu con người khỏi sự lên án của Thượng đế ra sao. Đó là một câu chuyện lâu đời mà nếu bạn muốn tìm hiểu bạn chỉ cần tham vấn những người có thẩm quyền để nói về nó hơn tôi. Tất cả những gì tôi làm là kêu gọi mọi người đối diện với những sự kiện – để hiểu những vấn đề mà Kitô giáo tự nhận là có thể lý giải. Và đó là những vấn đề rất khủng khiếp. Ước gì tôi có thể nói nhẹ nhàng hơn. Nhưng tôi phải nói cái tôi nghĩ là sự thật. Tất nhiên tôi đồng ý rằng về lâu dài, Kitô giáo là một niềm an ủi tuyệt vời. Nhưng nó không bắt đầu ở niềm an ủi; nó bắt đầu trong sự vô vọng mà tôi đã mô tả, và chẳng ích lợi gì khi tìm cách đạt tới niềm an ủi đó mà trước hết không trải qua sự vô vọng kia. Trong tôn giáo, cũng như trong chiến tranh, niềm an ủi là cái mà ta không thể có được bằng cách tìm kiếm. Nếu bạn tìm sự thật, thì sau rốt bạn có thể tìm được niềm an ủi: nếu bạn tìm niềm an ủi, bạn sẽ không tìm thấy niềm an ủi hoặc sự thật – chỉ có những lời đường mật và tư tưởng duy ý chí, rồi sau cùng là thất vọng. Hầu hết chúng ta đã vượt qua được tư tưởng duy ý chí hồi trước chiến tranh đối với nền chính trị quốc tế. Đã đến lúc chúng ta cần phải làm như vậy đối với tôn giáo.

Page 25: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

25

Quyển II – Kitô hữu Tin gì

1. Những nhận thức đối nghịch về Thượng đế Người ta yêu cầu tôi nói bạn biết Kitô hữu tin gì, và tôi sẽ bắt đầu nói với bạn một điều mà Kitô hữu không cần phải tin. Nếu bạn là Kitô hữu bạn không phải tin rằng tất cả các tôn giáo khác đều đơn giản là sai cả. Nếu bạn là người vô thần bạn phải tin rằng điểm chính yếu trong tất cả các tôn giáo trên đời đều là một sai lầm lớn lao. Nếu bạn là Kitô hữu, bạn tự do nghĩ rằng tất cả các tôn giáo khác, ngay cả những tôn giáo có vẻ kỳ lạ nhất, đều chứa ít nhất một bóng dáng nào đó của sự thật. Khi tôi còn là người vô thần, tôi đã phải tự thuyết phục rằng hầu hết loài người đã lầm về vấn đề quan trọng nhất đối với họ; khi tôi trở thành Kitô hữu tôi được tự do tư duy hơn. Nhưng, tất nhiên là một Kitô hữu sẽ tin rằng ở những chỗ khác nhau giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác thì Kitô giáo đúng còn những tôn giáo kia sai. Giống như trong số học, chỉ có một đáp số đúng cho một bài toán cộng, những đáp số còn lại đều sai: nhưng có một số đáp số gần đúng hơn một số khác. Sự phân chia lớn đầu tiên của nhân loại là chia thành đa số, tin ở một Thượng đế hay nhiều thần thánh, và thiểu số không tin. Kitô giáo nằm trong đa số này – cùng với cổ Hy Lạp và La Mã, những người hoang dã hiện đại, triết học cổ Hy Lạp Stoic, chủ nghĩa Platon, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, v.v. ngược lại với chủ nghĩa vật chất Tây Âu hiện đại. Bây giờ đến sự phân chia lớn kế tiếp. Những người tin ở Thượng đế được chia ra theo kiểu Thượng đế mà họ tin. Có hai ý tưởng rất khác nhau. Một là Ngài vượt quá thiện ác. Con người chúng ta gọi cái này là thiện, cái kia là ác. Nhưng theo một số người thì đó chỉ là quan điểm của loài người. Họ nói rằng khi ta hiểu biết càng nhiều thì ta càng không muốn gọi cái này cái kia là thiện hay ác, và ta sẽ thấy cùng một sự vật sẽ là thiện về mặt này và ác về mặt khác, và không thể phân biệt được. Do đó, họ nghĩ rằng ta chưa tiến đến gần quan điểm thiêng liêng thì sự phân biệt thiện ác đã biến mất. Chúng ta nói ung thư là xấu, họ nói, vì nó giết người; nhưng chúng ta cũng có thể nói một nhà phẫu thuật là xấu, vì ông ấy giết ung thư. Tất cả phụ thuộc vào quan điểm. Ý tưởng thứ hai ngược lại là Thượng đế là ‘tốt’ hoặc ‘công chính’ vô biên, một Thượng đế có lựa chọn, yêu tình yêu và ghét thù ghét, muốn ta làm điều này và không làm điều nọ. Quan điểm thứ nhất – về Thượng đế vượt quá thiện ác – được gọi là chủ nghĩa phiếm thần. Nó được thừa nhận bởi triết gia vĩ đại người Ba Tư, Hagen và, như tôi hiểu, Ấn Độ giáo. Quan điểm còn lại được thừa nhận bởi Do Thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo.

Page 26: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

26

Cùng với sự khác biệt lớn giữa tư tưởng phiếm thần và Kitô giáo, còn có một sự khác biệt nữa. Người phiếm thần tin rằng Thượng đế, có thể nói vậy, vận hành vũ trụ như bạn vận hành thân thể mình vậy: rằng vũ trụ hầu như là Thượng đế, vậy nên nếu nó không hiện hữu thì Ngài cũng không hiện hữu, và bất cứ gì bạn tìm thấy trong vũ trụ đều là một phần của Ngài. Tư tưởng Kitô giáo hoàn toàn khác. Họ nghĩ rằng Thượng đế sáng tạo vũ trụ – giống như một người vẽ tranh hay soạn nhạc vậy. Một họa sĩ vẽ tranh không phải là bức tranh, và ông ấy không chết lúc nó bị hủy hoại. Bạn có thể nói, ‘Ông ấy đưa rất nhiều bản thân mình vào đó,’ nhưng bạn chỉ muốn nói vẻ đẹp và sức hấp dẫn của bức tranh là xuất phát từ họa sĩ. Tài năng của họa sĩ không có mặt trong bức tranh theo cùng một cách mà nó có mặt trong con người ông, hay thậm chí trong bàn tay ông. Bạn thấy sự khác nhau giữa quan điểm phiếm thần và quan điểm Kitô giáo theo cùng cách thức như thế. Nếu ta không phân biệt nghiêm túc giữa thiện và ác, thì rất dễ nói rằng bất cứ gì ta thấy trong thế giới này đều là Thượng đế. Nhưng nếu bạn thấy một số điều rất xấu, và Thượng đế thì lại rất tốt, thì bạn không thể nói như vậy được. Bạn phải tin rằng Thượng đế tách biệt khỏi thế giới và rằng một số sự vật ta thấy là đi ngược lại ý muốn của Ngài. Gặp phải một ung thư, người phiếm thần có thể nói, ‘Nếu bạn có thể nhìn nó từ quan điểm thiêng liêng, bạn có thể thấy nó cũng là Thượng đế.’ Người Kitô hữu trả lời, ‘Đừng nói chuyện vô nghĩa.’ Bởi vì Kitô giáo là một tôn giáo đấu tranh. Nó nghĩ rằng Thượng đế làm ra thế giới – rằng không gian và thời gian, nóng và lạnh, màu sắc và mùi vị, và tất cả động vật và cây cỏ, là những thứ mà Thượng đế ‘tạo ra từ tư tưởng của Ngài’ giống như một người tạo ra một câu chuyện vậy. Nhưng nó cũng nghĩ rằng trong thế giới Ngài tạo ra có rất nhiều những thứ sai lầm mà Ngài yêu cầu, và yêu cầu lớn tiếng, phải sửa chữa lại. Tất nhiên, điều này đặt ra một câu hỏi rất lớn. Nếu một Thượng đế tốt đẹp đã tạo ra thế giới, sao thế giới lại có thể xấu xa? Trong nhiều năm tôi đã không chấp nhận câu trả lời của Kitô giáo về điều này, vì tôi vẫn nghĩ ‘Dù bạn có nói gì đi nữa, dù lý luận của bạn có sắc sảo đến mấy đi nữa, thì phải chăng đơn giản hơn và dễ dàng hơn khi nói là thế giới đã chẳng được tạo thành bởi một quyền năng thông minh? Phải chăng câu trả lời của bạn chỉ là một cố gắng phức tạp để tránh né sự thật hiển nhiên?’ Nhưng rồi cái đó lại kéo tôi vào một hoàn cảnh khó khăn khác. Lý luận của tôi chống lại Thượng đế là vũ trụ dường như thật tàn ác và bất công. Nhưng do đâu mà tôi có ý tưởng về tàn ác và bất công? Người ta không thể nói con đường này cong queo khi người ta chưa hề biết đến một con đường thẳng. Tôi so với cái gì để biết rằng vũ trụ này bất công? Nếu toàn thể là xấu xa và vô nghĩa thì tại sao tôi, được coi như một phần của toàn thể, lại có phản ứng chống

Page 27: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

27

lại toàn thể mạnh mẽ đến thế? Người ta thấy ướt khi người ta rơi xuống nước, vì người ta không phải loài sống trong nước: một con cá sẽ không thấy ướt. Dĩ nhiên tôi có thể bỏ qua ý tưởng của mình về sự công bằng, bằng cách nói rằng nó chỉ là ý tưởng của riêng tôi. Nhưng nếu vậy thì lý luận chống Thượng đế của tôi cũng gãy đổ – bởi lý luận này phụ thuộc vào phát biểu rằng thế giới là bất công, không phải đơn giản là nó không thỏa mãn yêu cầu về công bằng của riêng tôi. Như vậy trong cố gắng chứng minh rằng Thượng đế không tồn tại – nói cách khác, toàn bộ hiện hữu là vô nghĩa – tôi thấy mình buộc phải thừa nhận rằng một phần hiện hữu – tức là ý tưởng của tôi về sự công bằng – là có ý nghĩa. Do đó chủ nghĩa vô thần té ra là quá đơn giản. Nếu toàn bộ vũ trụ là vô nghĩa, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy được là nó vô nghĩa: y hệt như, nếu không có ánh sáng trong vũ trụ và do đó không có tạo vật nào có mắt, thì ta sẽ không bao giờ biết là vũ trụ tối tăm. Lúc đó sự tối tăm sẽ vô nghĩa. 2. Sự xâm lăng Như vậy đó, chủ nghĩa vô thần là quá đơn giản. Và tôi sẽ cho bạn biết một quan điểm khác cũng quá đơn giản. Tôi gọi nó là Kitô giáo pha loãng, quan điểm đơn giản cho rằng có một Thiên Chúa tốt lành trên thiên đường và mọi thứ đều ổn cả – bỏ qua mọi học thuyết ghê gớm và khó khăn về tội lỗi, địa ngục, ma quỷ, và sự cứu rỗi. Cả hai đều là triết học trẻ con. Chẳng ích lợi gì khi đòi hỏi một tôn giáo đơn giản. Nói gì thì nói, sự vật trên đời vốn phức tạp. Chúng trông có vẻ đơn giản, nhưng thật ra không phải. Cái bàn tôi đang ngồi làm việc đây trông đơn giản: nhưng khi một nhà khoa học cho ta biết nó làm bằng vật liệu gì – mọi điều về các nguyên tử và sóng ánh sáng phản chiếu từ đó vào mắt ta và chúng làm gì với các neuron thần kinh thị giác của ta và não bộ ta – và tất nhiên, bạn thấy cái ta gọi là ‘nhìn thấy một cái bàn’ đưa ta tới những sự huyền bí và phức tạp mà ta khó lòng đi tới tận cùng. Một em bé nói rằng sách kinh trẻ em trông đơn giản. Nếu bạn bằng lòng dừng lại ở đó, được thôi. Nhưng nếu không – và thế giới hiện đại thường không bằng lòng – nếu bạn muốn đi tới nữa và hỏi xem cái gì đã xảy ra – thì bạn phải chuẩn bị cho những điều khó khăn. Nếu chúng ta yêu cầu cái gì khác hơn sự đơn giản, thì thật ngốc nghếch khi nói cái đó không đơn giản. Rất thường, lối suy nghĩ ngốc nghếch này được thừa nhận bởi những người không ngốc nghếch nhưng vô tình hay hữu ý, muốn xóa bỏ Kitô giáo. Họ đưa ra một phiên bản Kitô giáo phù hợp cho trẻ em lên sáu, rồi tấn công vào phiên bản đó. Khi bạn giải thích học thuyết Kitô giáo như người lớn vẫn được hướng dẫn, thì họ than phiền là bạn làm cho họ điên đầu và cái đó quá phức tạp và nếu thực sự có một Thiên Chúa thì họ chắc chắn Thiên Chúa đó phải tạo ra tôn giáo đơn giản, bởi vì sự đơn giản đẹp đẽ biết bao, v.v. Bạn phải đề phòng họ vì họ sẽ thay đổi nền tảng lý luận từng phút một và chỉ làm bạn hao hơi tốn sức mà thôi. Cũng

Page 28: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

28

cần lưu ý rằng ý tưởng về Thiên Chúa ‘làm ra tôn giáo đơn giản’: cứ như là ‘tôn giáo’ là cái gì đó Ngài tạo ra, chứ không phải phát biểu của Ngài với chúng ta về một số sự kiện không thể đảo ngược về bản chất của Ngài. Bên cạnh sự phức tạp, thực tiễn, theo kinh nghiệm của tôi, thường là kỳ lạ. Nó không gọn gàng, không rõ rệt, không phải cái mà ta dự kiến. Chẳng hạn, khi ta biết được là trái đất và các hành tinh kia quay quanh mặt trời, tự nhiên ta nghĩ rằng các hành tinh sẽ được sắp xếp cách đều nhau một khoảng, hoặc các khoảng cách tăng dần, hoặc có kích thước bằng nhau, hoặc có kích thước lớn dần hay nhỏ dần khi càng xa mặt trời. Trong thực tế, ta thấy chẳng có tiết tấu hay nguyên do nào (mà ta có thể nhận ra) về kích thước và khoảng cách giữa các hành tinh; và một số chúng có một mặt trăng, một hành tinh thì có bốn mặt trăng, một hành tinh khác lại có hai mặt trăng, một số chẳng có mặt trăng nào, và một hành tinh thì lại có một vành đai. Thực tiễn thật ra là cái ta không thể đoán được. Đó là một trong những lý do làm tôi tin Kitô giáo. Đó là một tôn giáo mà ta không thể đoán được. Nếu nó mô tả cái vũ trụ mà ta luôn mong thấy, thì tôi cho rằng nó được con người dựng nên. Nhưng trong thực tế nó không phải là cái gì bất cứ ai có thể dựng nên. Nó có cái biến động kỳ lạ mà những sự vật trong thực tiễn vẫn có. Cho nên ta hãy cho qua các triết lý trẻ em – những câu trả lời quá đơn giản. Vấn đề không đơn giản và câu trả lời cũng sẽ không đơn giản. Vấn đề ở chỗ nào? Ở chỗ một vũ trụ chứa nhiều thứ rõ ràng là xấu xa và vô nghĩa, nhưng cũng chứa những tạo vật như chúng ta vốn biết cái gì là xấu xa và vô nghĩa. Chỉ có hai quan điểm đối mặt với tất cả các sự kiện. Một là quan điểm Kitô giáo cho rằng đây là một thế giới tốt đẹp đã đi sai đường, nhưng vẫn giữ lại ký ức về con đường mà nó phải đi. Quan điểm còn lại được gọi là chủ nghĩa nhị nguyên. Chủ nghĩa nhị nguyên cho rằng có hai quyền năng tương đương và độc lập đằng sau mọi sự vật, một cái là thiện còn cái kia là ác, và vũ trụ là một bãi chiến trường trong đó chúng không ngừng tranh đấu. Cá nhân tôi nghĩ rằng sau Kitô giáo, chủ nghĩa nhị nguyên là niềm tin nhân bản nhất và có ý nghĩa nhất. Nhưng nó có một kẽ hở. Hai quyền năng, hoặc hai thế lực, hoặc hai vị thần – thiện và ác – được coi như hoàn toàn độc lập. Cả hai đều hiện hữu từ vô cùng. Không vị nào tạo ra vị nào, không vị nào tốt hơn vị nào để gọi mình là Thiên Chúa. Mỗi vị đều được cho rằng nghĩ về mình tốt còn nghĩ về vị kia xấu. Một vị thì thích hận thù và tàn ác, vị kia thì thích yêu thương và trắc ẩn, và mỗi vị đều bênh vực quan điểm của mình. Vậy thì ta muốn nói gì khi ta gọi một vị là Quyền năng Thiện còn vị kia là Quyền năng Ác? Hoặc là ta ưa chuộng vị này hơn vị kia – tựa như thích bia hơn nước ngọt – hoặc ta đang nói rằng dù hai vị có nghĩ gì đi nữa, và ta có thích ai đi nữa, thì thật ra một trong hai vị là sai, là lầm lẫn, trong khi tự xem mình là tốt.

Page 29: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

29

Nếu ta muốn nói ta ưa chuộng vị thứ nhất hơn, thì ta phải thôi không nói đến thiện ác gì nữa cả. Bởi vì điều thiện là điều ta phải lựa chọn bất kể ta thích cái gì vào lúc nào. Nếu ‘thiện’ có nghĩa là theo phía mà mình ưa thích, chẳng vì lý do gì cả, thì thiện không đáng được gọi là thiện. Cho nên ta phải nói rằng một trong hai thế lực đó là tốt và cái còn lại là xấu. Nhưng ngay khi ta nói vậy, ta đang thêm vào vũ trụ một cái thứ ba ngoài hai quyền năng trên: một thứ quy luật hay chuẩn mực về cái thiện mà quyền năng thứ nhất đã đáp ứng, còn quyền năng thứ hai không đáp ứng. Nhưng vì cả hai quyền năng được xem xét bởi chuẩn mực này, cho nên nó hoặc thực thể gì đã tạo ra nó là ở đằng sau và vượt lên trên hai quyền năng đó, và đó mới là Thiên Chúa. Thật ra, tất cả những gì ta nói về thiện và ác đó chính là vì một trong hai là đúng đối với vị Thiên Chúa tối cao kia và cái còn lại là sai đối với Ngài. Điểm này có thể được diễn đạt cách khác. Nếu chủ nghĩa nhị nguyên là đúng, thì thế lực ác phải ưa chuộng cái ác do bản chất của nó. Nhưng trong thực tiễn ta chưa từng thấy ai yêu cái xấu chỉ vì nó xấu. Cái gần nhất ta có thể tiếp cận nó là sự tàn ác. Nhưng trong đời thực người ta tàn ác vì một trong hai lý do sau – hoặc là người ta mắc chứng khổ dâm, nghĩa là người ta mắc phải một sự biến thái tính dục làm cho sự tàn ác trở thành nguyên nhân của khoái lạc đối với họ, hoặc là do người ta hành động vì một mục đích khác – tiền bạc, quyền lực hay sự an toàn. Nhưng khoái lạc, tiền bạc, quyền lực và sự an toàn đều là, trong chừng mực, điều tốt. Sự xấu xa nằm ở chỗ đạt tới chúng bằng phương pháp sai, đường lối sai, hoặc quá nhiều. Tôi không muốn nói rằng những người làm vậy không sai. Tôi muốn nói rằng sự sai trái, khi bạn xét kỹ, té ra là sự theo đuổi cái tốt bằng đường lối sai. Bạn có thể làm điều tốt chỉ vì nó tốt: Bạn không thể làm điều xấu chỉ vì nó xấu. Bạn có thể có một hành động thương người trong khi bạn không cảm thấy thương người và trong khi hành động ấy không làm bạn dễ chịu, chỉ vì thương người là điều tốt; nhưng chẳng ai làm điều tàn ác chỉ vì tàn ác là xấu – mà chỉ vì tàn ác là khoái lạc hoặc có ích cho người ấy. Nói cách khác, sự xấu xa không thể thành công ngay khi nó là xấu theo cùng một cách mà sự tốt lành là tốt. Có thể nói, cái thiện là cái thiện, còn cái ác chỉ là cái thiện đã bị hư hỏng. Và cái thiện phải tồn tại trước đã, trước khi nó bị hư hỏng. Ta gọi khổ dâm là một biến thái tính dục; nhưng trước tiên ta phải có khái niệm về tính dục bình thường rồi ta mới nói đến biến thái của nó được; và ta có thể chỉ ra cái nào là biến thái, vì ta có thể giải thích sự lệch lạc của nó dựa trên cái bình thường, chứ ta không thể giải thích cái bình thường dựa trên cái lệch lạc. Tiếp theo, cái thế lực Ác, được coi như ngang hàng với thế lực Thiện, và yêu điều xấu giống như thế lực Thiện yêu điều tốt, chỉ là một con ngáo ộp. Để có thể là ác, nó phải có điều thiện để mong muốn rồi theo đuổi theo một đường lối sai: trước hết nó phải có những thôi thúc mà nguyên thủy là thiện để có thể làm sai lệch đi. Nhưng nếu nó là ác, nó không thể có điều thiện để mà mong muốn hoặc

Page 30: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

30

điều thiện để trở thành thôi thúc. Cả hai cái đó nó phải lấy từ thế lực Thiện. Và nếu vậy, nó không độc lập. Nó là thành phần của thế giới Thiện: nó được tạo thành bởi thế lực Thiện hoặc một thế lực nào khác ở bên trên cả hai. Hãy nói đơn giản hơn. Để có thể là ác, nó phải tồn tại và phải có trí tuệ và ý chí. Nhưng sự tồn tại, trí tuệ và ý chí tự thân chúng là thiện. Ví thế nó phải lấy những thứ đó từ thế lực Thiện: thậm chí để là ác, nó phải vay mượn hay đánh cắp từ đối phương. Bậy giờ bạn có thấy tại sao Kitô giáo luôn nói rằng ma quỷ là thiên thần đã hư hỏng? Đó không chỉ là truyện kể cho trẻ em. Đó là nhận diện thực sự rằng cái ác là một vật ký sinh, không phải cái nguyên thủy. Quyền năng cho phép cái ác diễn ra là từ cái thiện. Tất cả những thứ cho phép người ta làm được điều ác, bản thân chúng là thiện – cương quyết, nhanh trí, ngoại hình đẹp, bản thân sự tồn tại. Đó là lý do tại sao chủ nghĩa nhị nguyên, với nghĩa chặt chẽ, là không đúng. Nhưng tôi sẵn sàng thừa nhận rằng Kitô giáo (phân biệt với Kitô giáo pha loãng) gần gũi với chủ nghĩa nhị nguyên hơn người ta nghĩ. Một trong những điều làm tôi ngạc nhiên khi lần đầu tôi đọc Tân ước một cách nghiêm túc, là nó nói nhiều về một quyền năng tăm tối trong vũ trụ – một quyền năng xấu xa mạnh mẽ được cho là đứng sau cái chết, bệnh tật và tội lỗi. Sự khác nhau là ở chỗ Kitô giáo nghĩ rằng quyền năng tăm tối được tạo ra bởi Thiên Chúa, và lúc đầu là thiện, sau đó trở thành ác. Kitô giáo đồng ý với chủ nghĩa nhị nguyên rằng vũ trụ là một chiến trường, nhưng nó không đồng ý cuộc chiến là giữa hai thế lực độc lập. Nó nghĩ rằng đó là một cuộc nội chiến, một cuộc nổi loạn, và chúng ta đang sống trong phần vũ trụ bị chiếm bởi phe nổi loạn. Lãnh thổ bị chiếm – thế giới là vậy đó. Kitô giáo là câu chuyện về vị vua chân chính đã đổ bộ như thế nào, bạn có thể nói đổ bộ trong giả trang, và kêu gọi tất cả chúng ta tham gia một phong trào kháng chiến lớn lao. Khi bạn đến nhà thờ, bạn đang lắng nghe mật mã vô tuyến từ đồng đội: đó là lý do vì sao kẻ thù tìm cách ngăn cản ta đến nhà thờ. Nó làm điều đó bằng cách kích động tính kiêu căng, sự lười nhác và lòng tự hào về trí tuệ của chúng ta. Tôi biết có người sẽ hỏi, ‘Có phải ông muốn vào thời đại này mà còn nhắc đến con quỷ xa xưa, có móng có sừng đó không?’ À, thời đại này phải nói gì thì tôi không chắc, và tôi cũng không nhấn mạnh chuyện móng và sừng. Nhưng về những phương diện khác thì câu trả lời của tôi là ‘Đúng vậy.’ Tôi không tự nhận là biết gì về hình dạng của nó. Nếu có ai muốn biết rõ hơn về nó tôi sẽ nói, ‘Đừng lo. Nếu bạn thực sự muốn, bạn sẽ biết. Vấn đề là khi đó bạn có thích hay không thôi.’ 3. Giải pháp gây sốc Vậy Kitô hữu tin rằng quyền năng tăm tối đã tự phong là ông hoàng của thế giới ngày nay. Vậy là nảy sinh các vấn đề. Tình hình này có theo ý Thiên Chúa hay không? Nếu có, thì Ngài là một Thiên Chúa thật kỳ lạ: còn nếu không, làm sao có thể có sự tình xảy ra ngoài ý muốn của một thực thể quyền năng tuyệt đối?

Page 31: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

31

Nhưng ai đã từng có quyền lực đều biết sự tình có thể theo ý muốn của ta cách này và không theo cách khác. Hoàn toàn bình thường khi một bà mẹ nói với con, ‘Không phải tối nào mẹ cũng phải lo đến chuyện dọn dẹp phòng học của con cho ngăn nắp đâu. Con phải tự lo dọn dẹp lấy.’ Rồi một buổi tối bà lên phòng con và thấy gấu bông rồi bình mực rồi sách ngữ pháp nằm la liệt trên sàn. Cái này bà không muốn. Bà mong con mình ngăn nắp hơn. Nhưng mặt khác chính bà cho phép con mình không ngăn nắp. Chuyện này xảy ra thường ở bất cứ đơn vị quân đội, nghiệp đoàn hay trường học nào. Bạn để cho người ta tự giác, thế rồi một nửa số người không làm theo. Cái đó bạn không muốn, nhưng chính bạn đã cho phép nó có thể xảy ra. Tình hình trong vũ trụ có thể là vậy. Thiên Chúa tạo ra những thứ có ý chí tự do. Nghĩa là các tạo vật có thể làm điều tốt hay điều xấu. Có người nói họ có thể tưởng tượng được một tạo vật tự do mà lại không có khả năng làm điều xấu. Tôi thì không thể. Nếu tự do làm tốt được thì cũng làm xấu được. Và ý chí tự do là cái làm cho điều ác có thể thành hiện thực. Vậy thì tại sao Thiên Chúa lại cho tạo vật có ý chí tự do? Bởi vì ý chí tự do, mặc dầu nó làm cho điều ác trở nên khả thi, nó cũng là cái duy nhất làm cho tình yêu, điều thiện và niềm vui khả thi và xứng đáng. Một thế giới người máy tự động – những tạo vật hoạt động như máy – sẽ chẳng đáng được tạo thành. Hạnh phúc mà Thiên Chúa thiết lập cho các tạo vật cao cấp là hạnh phúc bởi tự do, tự nguyện kết hợp với Ngài và với nhau là đỉnh cao của tình yêu và phúc lạc mà so với hạnh phúc tuyệt vời nhất của tình yêu nam nữ trên trái đất này thì cũng như sữa so với nước lã. Vì thế họ phải tự do. Lẽ dĩ nhiên Thiên Chúa biết cái gì sẽ xảy ra nếu họ dùng tự do để làm điều sai trái: Rõ ràng Ngài thấy đáng làm. Có lẽ chúng ta thiên về không đồng ý với Ngài. Nhưng có khó khăn khi không đồng ý với Thiên Chúa. Ngài là nguồn gốc mọi khả năng lý luận của ta: ta không thể đúng hơn Ngài giống như dòng suối không thể cao hơn nguồn suối. Khi ta biện luận với Ngài, ta đang biện luận với chính cái quyền năng cung cấp khả năng biện luận cho ta: nó giống như cưa đứt cành cây ta đang ngồi. Nếu Thiên Chúa nghĩ rằng tình hình tranh đấu trong vũ trụ là cái giá phải trả cho ý chí tự do – nghĩa là, tạo ra một thế giới sống động trong đó các tạo vật có khả năng làm điều tốt hay điều xấu, và cái gì đó thực sự quan trọng có thể xảy ra, thay vì một thế giới con rối chỉ vận động khi Ngài kéo sợi dây – thì ta có thể thấy là nó đáng giá. Một khi ta đã hiểu về ý chí tự do, ta sẽ thấy kỳ cục khi hỏi, như có người đã hỏi tôi: ‘Tại sao Thiên Chúa lại làm ra một thứ bằng vật liệu dễ hư hỏng đến thế để rồi nó hư hỏng?’ Vật liệu càng tốt hơn – thông minh hơn, mạnh mẽ hơn và tự do hơn – thì tạo vật càng tốt hơn khi nó làm điều tốt, nhưng cũng xấu hơn khi nó làm điều xấu. Con bò không thể rất tốt hay rất xấu; con chó có thể tốt hơn hoặc xấu hơn; đứa trẻ có thể tốt hơn hoặc xấu hơn nữa; người thường, hơn nữa; thiên tài, hơn nữa; thực thể siêu nhân, tốt nhất hoặc xấu nhất.

Page 32: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

32

Quyền lực Tăm tối đã sai lạc như thế nào? Ở đây, không nghi ngờ gì, ta đang hỏi một câu mà loài người không thể trả lời chắc chắn tí nào. Tuy vậy, một giả định hợp lý (và truyền thống) dựa trên kinh nghiệm của chính ta khi sai lạc, có thể được đưa ra. Ngay khi ta có một cái tôi, thì ta có một khả năng đặt cái tôi lên trên hết – muốn là trung tâm – trên thực tế muốn là Thiên Chúa. Đó là tội lỗi của Satan: và là tội lỗi nó dạy cho loài người. Có người nghĩ rằng sự sa ngã của loài người có liên quan đến tính dục, nhưng không phải. (Sáng thế ký gợi ý rằng sự biến chất trong bản năng tính dục xuất hiện sau sự sa ngã, và là hậu quả, không phải nguyên nhân). Satan đã đưa vào tâm trí các vị tổ tiên xa xưa của chúng ta cái ý tưởng rằng họ ‘có thể trở nên như thần thánh’ – có thể tự mình hành xử cứ như mình là tự hữu – tự làm chủ mình – sáng tạo ra một thứ hạnh phúc cho riêng mình bên ngoài Thiên Chúa, tách khỏi Thiên Chúa. Và từ nỗ lực vô vọng ấy đã xuất phát tất cả cái mà ta gọi là lịch sử nhân loại – tiền bạc, đói nghèo, tham vọng, chiến tranh, mại dâm, giai cấp, đế quốc, nô lệ – câu chuyện dài khủng khiếp về con người cố tìm kiếm một cái gì ngoài Thiên Chúa để mang đến hạnh phúc. Lý do khiến Satan không bao giờ thành công là như vầy. Thiên Chúa tạo thành ta: phát minh ra ta giống như người kỹ sư phát minh ra cái máy. Một chiếc xe hơi được tạo ra để chạy bằng xăng, nó không thể chạy tốt với bất kỳ thứ gì khác. Mà Thiên Chúa tạo ra con người sống bằng Ngài. Chính Ngài là nhiên liệu cho trí tuệ ta sử dụng, hay chính Ngài là thực phẩm nuôi sống tâm hồn ta. Không có cái gì khác. Vì thế sẽ chẳng ra sao khi yêu cầu Thiên Chúa làm cho ta hạnh phúc theo cách của ta, chẳng bận tâm gì đến tôn giáo. Thiên Chúa không thể ban cho ta hạnh phúc và bình an bên ngoài Ngài được, vì cái đó không tồn tại. Không có cái gì như vậy. Đó là mấu chốt của lịch sử. Những năng lượng ghê gớm được sử dụng – những nền văn minh được dựng lên – những thiết chế được thành lập, nhưng mỗi lần đều có cái gì đó không ổn. Một sai lầm chết người nào đó đưa những người tàn ác và ích kỷ lên ngôi và rồi trượt dài xuống hố sâu trong khốn khổ và tàn lụi. Trên thực tế, cái máy tan tành. Dường như nó khởi động ổn cả và chạy được một đoạn, rồi sau đó nó vỡ tung. Người ta cố chạy nó bằng một nhiên liệu sai lầm. Đó là cái mà Satan đem lại cho loài người chúng ta. Còn Thiên Chúa đã làm gì? Trước hết Ngài để lại cho chúng ta lương tâm, sự cảm nhận đúng sai: và trong suốt chiều dài lịch sử có nhiều người đã cố gắng (đôi lúc rất gian nan) tuân theo nó. Chẳng có ai hoàn toàn thành công. Kế đến Ngài gởi cho loài người cái mà tôi gọi là những giấc mơ tươi đẹp: Tôi muốn nói đến những câu chuyện lạ kỳ rải rác trong những tôn giáo kỳ lạ về một Thiên Chúa đã chết đi rồi sống lại, và qua cái chết của Ngài đã làm sao đó để ban sự sống mới cho con người. Thứ ba, Ngài chọn một dân tộc và bỏ ra vài thế kỷ để nhét vào đầu họ rằng Ngài là một Thiên Chúa như thế nào – rằng Ngài chỉ có

Page 33: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

33

một và rằng Ngài quan tâm đến hành vi đúng đắn. Dân tộc đó là dân Do Thái, và quá trình nhồi nhét kia được ghi chép trong Cựu ước. Rồi đến cú sốc thực sự. Trong số những người Do Thái đó thình lình xuất hiện một người nói chuyện cứ như người ấy là Thiên Chúa. Người ấy tự nhận có quyền tha thứ tội lỗi. Người ấy nói rằng mình hằng hữu. Người ấy nói mình sẽ đến phán xử thế giới vào lúc tận cùng thời gian. Nào ta hãy làm rõ. Trong số những người phiếm thần, như những người Ấn Độ giáo, ai cũng có thể nói mình là một phần của Thượng đế, hoặc hợp nhất với Thượng đế: chuyện này chẳng lạ lùng gì. Thế nhưng người này, vì là người Do Thái, không thể ngụ ý như vậy. Thiên Chúa trong ngôn ngữ Do Thái có nghĩa là thực thể bên ngoài thế giới, tạo ra thế giới và tách biệt với bất cứ gì khác. Khi bạn nắm được điều đó rồi, thì bạn sẽ nhận thấy rằng người ấy đã có một phát biểu gây sốc nhất trên đời, hơn bất cứ phát biểu nào của loài người từng có. Một phần trong phát biểu đó thường được cho qua không để ý vì chúng ta đã nghe quá thường nên không còn thấy nó thực sự có nghĩa là gì. Trừ khi người nói thực sự là Thiên Chúa, còn nếu không thì câu nói là vừa xúc phạm mà vừa hài hước. Tôi muốn nhắc tới sự tha thứ tội lỗi: bất kỳ tội lỗi nào. Ta hiểu một người tha thứ người phạm lỗi với mình ra sao. Bạn đạp lên chân tôi và tôi tha thứ cho bạn, ai đó đánh cắp tiền của tôi và tôi tha thứ cho người đó. Nhưng ta nghĩ sao về một người chẳng bị đạp chân, chẳng bị đánh cắp mà tuyên bố tha thứ ai đó vì đạp chân người khác và vì đánh cắp của người khác? Một sự hy sinh lố bịch, đó là nhận định nhẹ nhàng nhất mà ta có thể đưa ra về hành vi đó. Vậy mà đó chính là điều Chúa Giêsu đã làm. Người nói với mọi người rằng tội của họ đã được tha, mà không bao giờ tham khảo ý kiến những người đã bị tội ấy xúc phạm. Người chẳng ngần ngại cư xử cứ như Người là bên liên quan chủ yếu, là người bị xúc phạm chủ yếu. Điều này chỉ có ý nghĩa nếu Người là vị Thiên Chúa làm ra quy luật đã bị vi phạm và tình yêu bị tổn thương trong mỗi tội lỗi. Nơi cửa miệng những ai không phải Thiên Chúa, những lời này thể hiện điều mà tôi chỉ có thể nhận định là ngờ nghệch và tự cao chưa từng có trong lịch sử. Vậy mà (và đây là điều kỳ lạ đáng lưu ý) ngay cả kẻ thù của Người, khi đọc Phúc âm, cũng không có ấn tượng gì về sự ngờ nghệch và tự cao. Những người không thành kiến lại càng không. Chúa Kitô nói rằng Người ‘hiền lành và khiêm nhượng’ và ta tin Người; không để ý rằng nếu Người chỉ là con người thì hiền lành và khiêm nhượng là những tính chất ít phù hợp nhất mà ta có thể gán cho một số phát biểu của Người. Ở đây tôi muốn ngăn chặn bất cứ ai đưa ra phát biểu thật ngốc nghếch mà người ta thường đưa ra về Người: ‘Tôi sẵn sàng thừa nhận Giêsu là người thầy đạo đức vĩ đại, nhưng tôi không chấp nhận Người nói mình là Thiên Chúa’. Ta không được nói vậy. Một con người chỉ là con người mà nói những điều Chúa Giêsu đã

Page 34: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

34

nói, thì không phải người thầy đạo đức vĩ đại. Đó là một người điên – đến mức tựa như nói rằng mình là một cái trứng luộc vậy – nếu không thì là quỷ của địa ngục. Bạn phải lựa chọn. Hoặc người này là Con Thiên Chúa: hoặc là một tên điên hay tệ hơn nữa. Bạn có thể bắt nhốt Người vì điên, phỉ nhổ và tiêu diệt Người vì là quỷ; hoặc bạn có thể quỳ dưới chân Người và gọi người là Thượng đế, là Thiên Chúa. Nhưng ta đừng có bất cứ nhận xét cao ngạo nào rằng Người là thầy đạo đức vĩ đại. Người không để ta làm vậy. Người không muốn. 4. Sự sám hối hoàn hảo Vậy là, chúng ta đối mặt với một giải pháp kinh hoàng. Người mà ta đang nói hoặc là đúng như người ấy nói, hoặc là một tên điên, hoặc còn tệ hơn. Với tôi thì dường như rõ ràng là người ấy không điên, cũng không ác: cho nên mặc dầu có vẻ kỳ lạ, khủng khiếp hay bất khả thi, tôi phải chấp nhận rằng Người là Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đổ bộ lên thế giới bị chiếm này dưới dạng con người. Vậy thì, mục đích là gì? Người đã đến để làm gì? Ừ, để giảng dạy, dĩ nhiên; nhưng khi bạn nhìn vào Tân ước hay bất kỳ sách vở Kitô giáo nào, bạn sẽ thấy trong đó thường nói về một cái khác – về một cái chết của Người và sự trở lại của Người. Rõ ràng là Kitô hữu nghĩ rằng mấu chốt của câu chuyện là ở đây. Họ nghĩ rằng Người đến trái đất để chịu đau khổ và chết. Trước khi trở thành Kitô hữu, cái làm cho tôi bị ấn tượng nhất là điều đầu tiên Kitô hữu phải tin là một lý thuyết về ý nghĩa của cái chết này. Theo lý thuyết ấy thì Thiên Chúa muốn trừng phạt con người vì đã sai lạc và đi theo Kẻ phản bội Lớn lao, nhưng Đấng Kitô lại tình nguyện chịu phạt thay ta, do đó Thiên Chúa đã tha thứ cho ta. Bây giờ thì tôi thừa nhận rằng lý thuyết này không còn có vẻ vô đạo đức và ngớ ngẩn như nó đã từng như vậy với tôi; nhưng cái đó không phải điều tôi muốn nói. Cái tôi muốn nói sau đây là lý thuyết này cũng như bất kỳ lý thuyết nào khác đều không phải là Kitô giáo. Niềm tin Kitô hữu chính yếu rằng cái chết của Đức Kitô đã làm cho chúng ta trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa và cho chúng ta một lý thuyết mới về ý nghĩa của sự kiện đó, lại là vấn đề khác. Rất nhiều lý thuyết khác nhau đã thừa nhận ý nghĩa của sự kiện đó. Tất cả Kitô hữu đều đồng ý với ý nghĩa của sự kiện đó. Tôi sẽ cho bạn biết tôi nghĩ gì. Mọi người có lương tri đều biết khi ta mệt và đói thì một bữa ăn sẽ là tốt cho ta. Nhưng lý thuyết dinh dưỡng hiện đại – mọi thứ về các vitamin và protein – lại là chuyện khác. Người ta đã ăn và đã cảm thấy no từ lâu trước khi lý thuyết dinh dưỡng ra đời: và nếu một ngày nào đó lý thuyết dinh dưỡng bị bác bỏ thì người ta cũng vẫn ăn như vậy thôi. Những lý thuyết về cái chết của Đức Kitô không phải là Kitô giáo: chúng là những lý giải về ý nghĩa của cái chết đó. Các Kitô hữu sẽ không đồng ý hoàn toàn về tầm quan trọng của các lý thuyết đó.

Page 35: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

35

Giáo hội của tôi – Giáo hội Anh quốc – không thừa nhận lý thuyết nào trong số đó là đúng. Giáo hội La Mã đi xa hơn một tí. Nhưng tôi tin họ sẽ đồng ý rằng chính bản thân sự kiện mới là quan trọng hơn mọi lý giải của các nhà thần học. Tôi nghĩ rằng có thể họ đồng ý với nhau rằng chẳng có lý giải nào thực sự đáp ứng thực tiễn. Nhưng như tôi đã nói trong Lời nói đầu, tôi chỉ là người thường, và ở chỗ này ta đang gặp phải vực nước sâu. Tôi chỉ có thể nói với bạn những gì cần nói về việc cá nhân tôi nhìn nhận vấn đề ra sao. Theo tôi những lý thuyết không phải là cái yêu cầu bạn phải chấp nhận. Nhiều bạn hẳn đã đọc Jeans hoặc Eddington. Khi họ mô tả nguyên tử hoặc những thứ tương tự, cái họ muốn là cung cấp một sự mô tả để bạn hình thành một bức tranh trong tâm trí. Nhưng họ cảnh báo bạn rằng bức tranh ấy không phải cái mà nhà khoa học tin. Cái mà nhà khoa học tin là một công thức toán học. Bức tranh chỉ để giúp ta hiểu công thức đó. Nó không thực sự đúng giống như công thức đúng; họ không cho bạn sự vật thật mà là một cái ít nhiều giống thật. Họ chỉ muốn giúp bạn, và nếu thấy họ không giúp được thì bạn cứ bỏ qua. Sự vật không thể vẽ lại được, nó chỉ có thể biểu thị bằng công thức. Ở đây ta cùng hội cùng thuyền. Ta tin rằng cái chết của Đức Kitô chỉ là một điểm trong lịch sử, tại đó một điều gì đó tuyệt đối không tưởng tượng nổi từ bên ngoài đã xuất hiện trên thế giới của ta. Và nếu ta còn không thể vẽ lại một nguyên tử là cái mà từ đó thế giới được tạo thành, thì tất nhiên ta cũng không thể vẽ lại sự kiện ấy. Thật ra, nếu ta thấy mình hiểu được nó hoàn toàn, thì nó sẽ cho thấy nó không như ta tưởng – cái không quan niệm được, cái không thể tạo thành, cái vượt quá tự nhiên, giáng vào tự nhiên như sét đánh. Bạn có thể nói nếu ta không hiểu cái đó thì liệu nó có ích gì. Nhưng cũng dễ trả lời. Người ta có thể ăn mà không cần biết chính xác thức ăn nuôi dưỡng mình ra sao. Người ta có thể chấp nhận cái mà Đức Kitô đã làm mà không biết vì sao làm được; thật ra, ta sẽ không biết được điều đó cho đến khi ta chấp nhận nó. Người ta bảo chúng ta rằng Đức Kitô đã phải chết vì chúng ta, rằng cái chết của Người đã rửa sạch tội lỗi chúng ta, và bởi chết đi Người đã vô hiệu hóa sự chết. Đó là công thức. Đó là Kitô giáo. Đó là cái phải tin. Mọi lý thuyết giải thích vì sao cái chết của Đức Kitô làm được vậy, theo tôi, đều là thứ yếu: chỉ là những bản vẽ, sơ đồ, có thể bỏ qua nếu không cần thiết, và thậm chí khi cần thiết cũng không lẫn lộn với bản thân sự kiện. Biết vậy rồi, thì một số lý thuyết đó cũng đáng xem xét. Lý thuyết mà hầu hết mọi người nghe nói, là cái mà tôi đã đề cập trên đây – về việc chúng ta đã được tha thứ vì Đức Kitô đã tình nguyện chịu hình phạt thay cho chúng ta. Ở bề ngoài, lý thuyết này có vẻ rất ngớ ngẩn. Nếu Thiên Chúa đã sẵn sàng tha thứ cho ta, sao Ngài không làm? Và tại sao lại trừng phạt một người vô tội thay vào đó? Tôi chẳng thấy hợp lý, nếu ta nhìn theo khía cạnh pháp luật. Mặt khác, nếu ta xem xét một món nợ, thì có nhiều nghĩa lý khi một người có nhiều tài sản trả nợ thay cho người không có. Hoặc nếu ta xem ‘chịu trừng phạt’

Page 36: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

36

không theo nghĩa ‘chịu hình phạt’ mà theo nghĩa thông thường của ‘chịu đền bù’ hoặc ‘phải trả nợ’ thì tất nhiên như ta biết, khi người ta lâm vào cảnh nợ nần, thì việc cứu người ta ra khỏi đó sẽ phụ thuộc vào một người bạn tốt. Cảnh ‘nợ nần’ mà con người đã lâm vào là gì? Con người đã tự đưa mình lên, hành xử cứ như nó chỉ thuộc về mình. Nói cách khác, con người sa ngã không phải chỉ là một tạo vật không hoàn hảo cần phải được cải thiện: hắn là một kẻ nổi loạn cần phải buông vũ khí. Buông vũ khí, đầu hàng, xin lỗi, thừa nhận rằng ta đã đi sai đường và sẵn sàng làm lại từ đầu – đó là con đường duy nhất để thoát cảnh ‘nợ nần’. Quá trình quy phục này – sự trở lại hết lòng này – là cái Kitô giáo gọi là sám hối. Sám hối không dễ dàng chút nào. Nó khó khăn hơn nhiều chứ không phải chỉ là tự hạ mình. Nó có nghĩa là từ bỏ tất cả sự tự kiêu và bướng bỉnh mà ta đã huân tập qua hàng ngàn năm. Nó có nghĩa là giết chết đi một phần trong ta, trải qua một cái chết. Thật ra, phải là người tốt mới sám hối được. Thế là ở đây ta thấy điều mấu chốt. Chỉ người xấu xa mới cần sám hối: chỉ người tốt mới sám hối một cách hoàn toàn. Ta càng tồi tệ thì ta càng cần phải sám hối và lại càng khó có thể sám hối. Con người duy nhất có thể sám hối một cách hoàn hảo phải là một con người hoàn hảo – nhưng người ấy không cần sám hối. Xin nhớ rằng sự sám hối này, sự quy phục dâng mình cho nhục hình và một cái chết này, không phải là cái Thiên Chúa yêu cầu ta trước khi người đưa ta về lại và tha thứ cho ta nếu Ngài muốn: đó chỉ là mô tả việc quay lại với Ngài phải như thế nào. Nếu ta xin Thiên Chúa đưa ta về lại mà không có sám hối, tức là ta đang xin quay về mà không có quay về. Không thể vậy được. Cho nên ta phải trải qua sám hối. Nhưng sự xấu xa đã làm cho ta đến nước phải cần sám hối, nay lại làm cho ta không thể sám hối. Nếu Thiên Chúa giúp ta, ta có thể làm được không? Được chứ, nhưng ta muốn gì khi đòi Thiên Chúa phải giúp ta? Ta muốn Thiên Chúa đưa vào trong ta một phần của Ngài, có thể nói vậy. Ngài cho ta mượn một ít trí tuệ của Ngài và ta suy nghĩ: Ngài cho ta mượn một ít tình yêu của Ngài và ta yêu thương nhau. Khi bạn dạy em bé tập viết, bạn cầm tay em khi em viết: tức là em viết được là do bạn viết được. Ta yêu thương và suy nghĩ là vì Thiên Chúa yêu thương và suy nghĩ qua ta và cầm tay ta. Nếu ta mà không sa ngã thì mọi việc êm xuôi. Nhưng nay ta lại cần Thiên Chúa giúp làm một việc mà tự thân Ngài, do bản chất, không bao giờ làm – quy phục, chịu đau khổ, chịu nhục hình, chịu chết. Chẳng có gì trong bản chất Thiên Chúa có liên quan đến những thứ đó. Cho nên con đường ta đang cần Thiên Chúa dẫn dắt là một con đường mà, do bản chất, Ngài không bao giờ đi. Thiên Chúa chỉ có thể cho cái Ngài có: cái này thì không. Nhưng giả sử Thiên Chúa trở thành người – giả sử bản chất người của ta vốn có thể chịu đau khổ và chịu chết, có thể kết hợp với bản chất Thiên Chúa trong một

Page 37: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

37

con người – thì con người ấy có thể giúp ta. Người có thể quy phục, chịu đau khổ, chịu chết vì là con người; và Người có thể làm điều đó một cách hoàn hảo vì Người là Thiên Chúa. Bạn và tôi có thể làm việc này nếu Thiên Chúa làm trong ta; nhưng Thiên Chúa chỉ có thể làm nếu Ngài trở thành con người. Nỗ lực của chúng ta trong cái chết này sẽ chỉ thành công nếu con người chúng ta chia sẻ cái chết của Thiên Chúa, cũng như suy nghĩ của chúng ta thành công vì nó là một giọt nước trong đại dương trí tuệ của Ngài: nhưng ta không thể chia sẻ cái chết của Thiên Chúa nếu Ngài không chết; và Ngài không thể chết trừ khi Ngài là con người. Chính trong ý nghĩa này mà Ngài trả nợ thay cho chúng ta, và gánh chịu thay chúng ta những gì Ngài chẳng cần phải gánh chịu. Tôi có nghe có người than phiền rằng nếu Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người, thì sự đau khổ và cái chết của người chẳng còn giá trị trong mắt họ, ‘vì điều đó dễ dàng biết bao đối với Người’. Người khác (rất đúng) phê phán sự vô ơn và vô nghĩa của nhận xét trên; còn tôi thì bị choáng váng vì sự hiểu lầm mà nó gây ra. Dĩ nhiên theo nghĩa nào đó thì họ đúng. Họ thậm chí còn giảm nhẹ nữa là đằng khác. Sự quy phục hoàn hảo, sự chịu đựng hoàn hảo, cái chết hoàn hảo không chỉ dễ dàng đối với Chúa Giêsu vì Người là Thiên Chúa, mà còn thành tựu được nhờ Người là Thiên Chúa. Nhưng phải chăng có lý do gì để không chấp nhận? Người thầy sở dĩ tạo ra được chữ viết nơi em bé là vì thầy là người lớn và biết cách viết ra sao. Điều này dĩ nhiên là dễ đối với thầy, vì thế thầy mới giúp được em bé. Nếu em bé không chịu học nơi thầy vì ‘cái này dễ quá đối với người lớn’ và mong học nơi một em bé khác biết viết (và vì thế không có lợi thế ‘bất công’), em sẽ khó mà tiến bộ được. Nếu tôi đang bị đuối dưới dòng nước, một người đặt một chân trên bờ có thể đưa tay ra cứu tôi. Tôi có nên la lên (trong khi thở hổn hển) ‘Không, không công bằng! Anh có lợi thế! Anh còn một chân trên bờ’? Lợi thế đó – cứ gọi là ‘bất công’ nếu bạn muốn – chính là lý do vì sao anh ta có thể có ích cho tôi. Bạn sẽ tìm ai để giúp mình nếu bạn không tìm người mạnh hơn mình? Đó là cái nhìn của riêng tôi đối với cái mà Kitô hữu gọi là sự Cứu rỗi. Nhưng xin hãy nhớ đó chỉ là một bức tranh nữa mà thôi. Đừng lầm với bản thân sự kiện: và nếu nó không giúp gì được, cứ bỏ qua. 5. Một kết luận thực tế Sự quy phục hoàn hảo và sự chịu đựng hoàn hảo đã được thực hiện bởi Đức Kitô. Hoàn hảo bởi Người là Thiên Chúa. Quy phục và chịu đựng bởi Người là người. Niềm tin Kitô hữu là nếu ta chia sẻ được sự quy phục và sự chịu đựng của Đức Kitô, ta sẽ chia sẻ được sự chiến thắng cái chết của Người và tìm được đời sống mới sau khi chết và từ đó trở thành tạo vật hoàn hảo và hạnh phúc. Điều này có nhiều ngụ ý hơn so với cố gắng của ta để làm theo lời Người dạy. Người ta thường hỏi bao giờ thì bước kế tiếp của sự tiến hóa – trở thành cái gì

Page 38: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

38

đó cao trọng hơn con người – xảy ra. Nhưng theo quan điểm Kitô hữu, nó đã xảy ra rồi. Trong Đức Kitô, một loại người mới đã xuất hiện: và đời sống mới bắt đầu từ Người sẽ được truyền cho ta. Điều này sao có thể làm được? Xin hãy nhớ cách mà ta đã nhận được đời sống cũ, thông thường. Ta nhận được từ cha mẹ, từ tổ tiên, mà ta không được biết – và bằng một quá trình kỳ lạ, gồm có khoái lạc, đau đớn và nguy hiểm. Một quá trình mà ta đã không thể biết được. Hầu hết chúng ta khi còn thơ ấu đã bỏ ra nhiều năm để tìm biết: và một số trẻ em, khi mới được người ta kể cho nghe, đã không tin – và tôi không chắc là có thể trách các em đó, vì quả thật nó rất kỳ lạ. Giờ đây chính vị Thiên Chúa đã sắp xếp quá trình đó, cũng là vị Thiên Chúa đã sắp xếp cho sự sống mới – sự sống Đức Kitô – được lan truyền. Chúng ta cũng phải dự kiến là điều đó cũng kỳ lạ. Người đã không hỏi ý kiến ta khi Người sáng tạo tính dục: Người cũng đã không hỏi ý kiến ta khi Người sáng tạo sự sống mới. Có ba cách để lan truyền sự sống Đức Kitô đến chúng ta: phép rửa, đức tin, và một hành động huyền bí mà các Kitô hữu khác nhau gọi bằng những tên khác nhau – Thánh thể, Thánh lễ, Tiệc ly. Ít nhất đó là ba phương pháp thông thường. Tôi không nói là sẽ không có trường hợp đặc biệt trong đó nó được lan truyền mà thiếu một hoặc nhiều hơn ba cách nêu trên. Tôi không có thời gian để đi vào các trường hợp đặc biệt, và tôi cũng không đủ hiểu biết. Nếu trong vài phút bạn muốn chỉ cho người ta đi đến Edinburg, bạn sẽ chỉ người ấy đi xe lửa: ngoài ra người ấy còn có thể đi bằng thuyền, bằng máy bay, nhưng bạn sẽ ít khi nói. Và tôi cũng không nói trong ba cách đó, cách nào là chính yếu. Một người bạn tôi thuộc giáo hội Giám lý sẽ muốn tôi nói nhiều về đức tin và ít hơn (theo tỷ lệ) về hai cách còn lại. Nhưng tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề đó. Thật ra, bất cứ ai muốn giảng cho bạn nghe về học thuyết Kitô giáo sẽ nói bạn áp dụng cả ba cách, và như vậy là đủ cho mục đích hiện nay của ta. Tự tôi không hiểu tại sao những cách đó có thể là phương tiện trao truyền sự sống mới. Nhưng nếu đã không biết trước, tôi sẽ không bao giờ thấy mối liên hệ giữa một sự khoái lạc thể chất với sự xuất hiện của một con người mới trên thế giới. Ta phải đón nhận thực tiễn như nó vốn có: không bàn đến việc nó lẽ ra phải như thế nào hoặc ta lẽ ra phải muốn nó như thế nào. Nhưng mặc dầu tôi không thể hiểu tại sao, tôi có thể nói bạn nghe tại sao tôi tin. Tôi đã giải thích tại sao tôi phải tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Và dường như rõ ràng đó là vấn đề lịch sử khi Người dạy các môn đệ rằng sự sống mới sẽ được trao truyền qua cách thức đó. Nói cách khác, tôi tin ở thẩm quyền của Người. Xin đừng sợ vì từ ‘thẩm quyền’. Tin những gì do thẩm quyền chỉ có nghĩa là tin những gì từ người mà bạn nghĩ là đáng tin. Chín mươi chín phần trăm những gì bạn tin là bạn tin do thẩm quyền. Tôi tin có một nơi như thế ở New York. Tôi chưa thấy nơi đó. Tôi không thể lý luận chứng minh rằng có một nơi như thế. Tôi tin vậy vì có người đáng tin

Page 39: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

39

cậy đã nói với tôi. Người bình thường tin có thái dương hệ, nguyên tử, sự tiến hóa, và sự tuần hoàn máu – bởi vì các nhà khoa học nói vậy. Mọi phát biểu về lịch sử trên thế giới đều được tin do thẩm quyền. Chẳng ai trong chúng ta từng chứng kiến cuộc chinh phục Norman hoặc chiến thắng Armada. Chẳng ai chứng minh được bằng lý luận giống như chứng minh một bài toán. Ta tin bởi vì những người chứng kiến đã để lại ghi chép, kể lại cho ta nghe: nghĩa là, bởi thẩm quyền. Ai không thừa nhận thẩm quyền về những việc khác giống như một số người làm vậy về tôn giáo, có thể phải chấp nhận chẳng biết gì trong đời. Xin đừng nghĩ tôi đặt ra phép rửa, đức tin, và Thánh thể như những thứ thay cho nỗ lực của riêng bạn theo bước Đức Kitô. Sự sống tự nhiên của bạn được trao truyền từ cha mẹ; cái đó không có nghĩa là nó sẽ giữ nguyên như vậy nếu bạn không làm gì cả cho nó. Bạn có thể mất nó do lơ là, hoặc bạn có thể tống khứ nó đi bằng cách tự sát. Bạn phải nuôi dưỡng và chăm sóc nó: nhưng hãy luôn nhớ rằng bạn không tạo ra nó, bạn chỉ duy trì sự sống mà bạn nhận được từ ai đó. Cũng vậy, một Kitô hữu có thể đánh mất sự sống Đức Kitô đã được trao truyền, và người ấy phải gắng sức gìn giữ nó. Nhưng ngay cả người Kitô hữu tốt nhất xưa nay cũng không làm việc đó bằng sức riêng – người ấy chỉ dưỡng nuôi và bảo vệ một sự sống mà tự người ấy không thể có được. Và điều này có một số hệ quả. Chừng nào sự sống tự nhiên còn ở trong thân xác ta, nó sẽ làm nhiều việc để sửa chữa thân xác. Nếu thân xác bị thương tích thì đến một mức độ nào đó nó sẽ chữa lành, còn một thân xác đã chết thì không làm vậy được. Một thân xác sống không phải là một thân xác không bao giờ bị tổn thương, nhưng là một thân xác trong giới hạn nào đó có thể tự chữa lành. Cũng vậy, một Kitô hữu không phải là người không bao giờ lầm lỗi, nhưng là một người có thể sám hối, tự nâng mình lên và làm lại từ đầu mỗi khi vấp ngã – bởi sự sống Đức Kitô ở trong người ấy, luôn sửa chữa người ấy, giúp người ấy có khả năng (trong giới hạn nào đó) lập lại cái chết tự nguyện mà Đức Kitô đã thực hiện. Đó là lý do vì sao người Kitô hữu không giống những người cố gắng làm điều thiện khác. Họ hy vọng, bằng cách làm điều thiện, làm hài lòng Thiên Chúa nếu có một Thiên Chúa; hoặc – nếu họ nghĩ không có Thiên Chúa – ít nhất họ hy vọng nhận được sự tán đồng từ những người tốt. Nhưng người Kitô hữu tin rằng bất kỳ điều thiện nào anh ta làm đều đến từ sự sống Đức Kitô trong anh ta. Anh ta không nghĩ Thiên Chúa yêu ta vì ta tốt, nhưng Thiên Chúa sẽ làm ta nên tốt vì Người yêu ta; giống như mái nhà không thu hút ánh nắng vì nó sáng, nhưng nó trở nên sáng vì ánh nắng chiếu trên nó. Và xin để tôi làm rõ rằng khi Kitô hữu nói đến sự sống Đức Kitô trong họ, không đơn giản là họ chỉ nói đến tâm hồn hay đạo đức. Khi họ nói ‘trong Đức Kitô’ hoặc Đức Kitô ‘ở trong họ’, đây không đơn thuần là cách nói rằng họ đang

Page 40: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

40

nghĩ về Đức Kitô hoặc đang theo bước Người. Họ nghĩ rằng Đức Kitô thực sự đang hoạt động thông qua họ; rằng toàn thể những người Kitô hữu là một cơ cấu vật lý qua đó Đức Kitô hành động – rằng chúng ta là vậy. Ta là ngón tay và cơ bắp, là những tế bào của cơ thể Người. Có lẽ điều đó giúp lý giải vài chuyện. Nó lý giải vì sao sự sống mới này được lan truyền không chỉ bởi những hành động tâm hồn như đức tin, nhưng còn là hành động thể chất như phép rửa và Thánh thể. Nó không chỉ là sự lan tỏa của một ý tưởng; nó giống như một sự tiến hóa – một sự kiện sinh học hoặc siêu sinh học. Chẳng ích lợi gì khi tỏ ra thiêng liêng hơn Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ muốn con người hoàn toàn thiêng liêng. Đó là lý do vì sao Ngài dùng những thứ vật chất như bánh và rượu để đưa sự sống mới vào trong chúng ta. Ta có thể nghĩ điều đó khá thô thiển và bất tịnh. Ngài thì không: Ngài sáng tạo sự ăn uống. Ngài thích vật chất. Ngài sáng tạo chúng. Còn một chuyện nữa đã thường làm tôi bối rối. Phải chăng thật bất công khủng khiếp khi sự sống mới này chỉ giới hạn trong những người đã nghe nói về Đức Kitô và đã tin nơi Người? Nhưng sự thật là Thiên Chúa đã không cho ta biết về dự định của Ngài cho những người khác ra sao. Ta biết rằng không ai có thể được cứu rỗi mà không qua Đức Kitô; ta biết rằng chỉ những kẻ biết Người mới được cứu rỗi qua Người. Nhưng trong khi đó, nếu ta lo cho những người ở bên ngoài, thì điều vô lý nhất mà ta có thể làm là bản thân ta cứ ở bên ngoài. Kitô hữu là thân thể Đức Kitô, là cơ cấu thông qua đó Người hành động. Gia nhập vào thân thể đó là gia tăng khả năng hành động của Người. Nếu bạn muốn giúp những người bên ngoài, bạn hãy sáp nhập tế bào nhỏ bé của bạn vào thân thể Đức Kitô là đấng duy nhất có thể giúp họ. Cắt ngón tay của một người sẽ chỉ làm người ấy giảm khả năng làm việc. Còn đây là một phản bác nữa. Tại sao Thiên Chúa đã đến thế gian bị chiếm đóng này dưới hình thức giả dạng, và lập nên một thứ tổ chức bí mật để đánh đổ thế lực tăm tối? Tại sao Ngài không đến trong quyền năng mà chiếm lại nó? Có phải Ngài không đủ sức mạnh? Phải, Kitô hữu có nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ đến trong quyền năng; chúng ta chỉ không biết chừng nào thôi. Nhưng ta có thể biết vì sao Ngài chậm trễ. Ngài muốn cho ta cơ hội để gia nhập phía của Ngài một cách tự do. Tôi không nghĩ bạn và tôi quan tâm nhiều đến một người Pháp đã đợi cho đến lúc quân đội đồng minh tiến vào nước Đức rồi mới tuyên bố anh ta thuộc phe đồng minh. Thiên Chúa sẽ chiếm lại. Nhưng tôi không biết những người đòi hỏi Thiên Chúa can thiệp một cách công khai và trực tiếp vào thế giới sẽ nghĩ sao khi Ngài thực sự đến. Khi điều đó xảy ra, sẽ là ngày tận thế. Khi một tác giả đi lên sân khấu thì đó đã là lúc hạ màn. Thiên Chúa sẽ tái chiếm thế gian, phải rồi: nhưng liệu có nghĩa lý gì khi nói ta ở về phía Ngài, khi bạn thấy toàn vũ trụ tan chảy như một giấc mơ và một cái gì đó – cái chưa từng có trong tâm trí bạn – xảy đến nghiền nát nó; cái gì đó tuyệt vời biết bao đối với một số người và khủng khiếp biết bao đối với một số khác mà chúng ta chẳng hề

Page 41: Kitô giáo đơn thuần (Quyển I-II)

41

có lựa chọn? Bởi lần này Thiên Chúa không hề giả dạng; cái gì đó bao trùm toàn diện đến nỗi nó đem đến yêu thương không gì cưỡng nổi hoặc khiếp sợ không gì cưỡng nổi cho mỗi tạo vật. Lúc đó sẽ là quá trễ để mà chọn lựa. Chẳng lợi ích gì khi nói rằng bạn đã chọn cách yên lặng chờ đợi bởi tình thế lúc trước đã không cho phép bạn đứng lên. Đó không phải là lúc để chọn lựa: đó là lúc ta phát hiện rằng thực sự ta đã chọn bên nào, dù trước đó ta có nhận ra hay không. Chính hôm nay, chính bây giờ là cơ hội cho ta chọn lựa. Thiên Chúa sẽ lấy lại cơ hội đó. Nó sẽ không còn đó mãi cho ta. Hoặc ta phải chọn, hoặc ta phải bỏ qua nó.