30
E-mail: [email protected] Website: www.trungtammucvudcct.com XIN CHÚA THƯƠNG GÌN GIỮ… Chiều qua, như đã hứa với lòng mình, tôi sắp xếp giờ đi thăm cha Cố, ngài là bác của tôi. Nhiều năm qua ngài nghỉ hưu ở một Tu Viện, tuổi đã quá già ( 98 tuổi ) nhưng Chúa lại ban cho ngài còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ngài nói với tôi rằng: “Chúa quên bác rồi” ! Có lúc khác ngài nói đùa với người ta: “Mấy ông thiên thần vui chơi đánh mất sổ nên Chúa không biết đâu mà gọi” ! Mỗi ngày ngài vẫn dùng cơm với cộng đoàn anh em trong Tu Viện, còn ăn được một mình, không cần người khác trợ giúp nhiều, người giúp chỉ cần gắp thức ăn vào chén của ngài, còn ngài có thể múc đồ ăn bằng muỗng để tự ăn, riêng phần sữa chua thì cần người đút, vì tay đã run nên thường bị rớt ra ngoài. Dùng cơm xong, ngài ngồi chơi với anh em, cũng còn nghe được đôi chút nên thỉnh thoảng vẫn còn nói đùa góp vui. Sau giờ cơm ngài chống gậy đi bộ chung quanh Nhà Thờ đúng một vòng rồi về phòng nghỉ. Mỗi ngày ngài vẫn dâng Thánh Lễ đồng tế trong Tu Viện và tham dự một giờ chầu Thánh Thể, không bỏ sót một giờ kinh nguyện chung nào trừ khi đau yếu. Có một người giúp việc cho ngài, ngài vẫn chậm rãi đọc những suy niệm Lời Chúa cho ghi lại, đọc thư muốn viết cho con cháu và những người thân quen, thậm chí lấy sổ tay xem địa chỉ con cháu và nhờ người đi gọi lại để ngài gặp, giúp đỡ những đứa cháu nào khó khăn nghèo hèn. Tôi hỏi tiền ở đâu mà giúp, ngài nói: “Xin Bề Trên”. Chiều qua tôi đến thăm, ngài mừng lắm, dĩ nhiên trong số các cháu, tôi là đứa cháu được ngài thương quý và tôn trọng nhất, vì tôi là Linh Mục thế thôi. Ngài cuống quýt nói cười, hỏi thăm đủ điều, ngài bảo: “Lúc thường nhớ đến cha có nhiều sự muốn nói lắm, sao bây giờ gặp chẳng còn nhớ gì ?!?” Người giúp việc mách “tội” của ngài cho tôi nghe, cụ cúi gầm mặt xuống lắng nghe không cãi một lời nào. ( Ảnh chỉ có tính minh họa ). Cách đây mấy tuần, cha Bề Trên gọi điện thoại hỏi ý tôi một việc của cụ. Có một người tự xưng là cháu của ngài, đến thăm đôi ba lần rồi bảo sẽ đón ngài về nhà thăm con cháu, cụ nghe bùi tai đòi đi, cha Bề Trên bối rối vì sợ mất lòng ngài nên cho người giúp việc gọi điện hỏi ý tôi, cha Bề Trên tế nhị không muốn trực tiếp với tôi vì cũng ngại tôi khó xử. Tôi nói với người giúp việc là không cho ngài đi vì ngài quá lớn tuổi. Sau đó tôi được biết ngài đã quyết định không đi, nhưng người cháu trở lại gặp Bề Trên nói quá khẩn thiết, Bề Trên đành gọi cho tôi, tôi cũng trả lời không nên để cho ngài đi và xin Bề Trên dùng quyền Bề Trên mà khuyên ngài, từ đó ngài mới thôi không thao thức nữa. Người giúp việc đưa cho tôi xem một cuốn vở, trong đó viết đủ thứ mà ngài muốn viết, lật một trang đưa tôi xem, trang chia làm hai cột, một bên là “nên đi”, bên kia là “không nên đi”. Ngài yêu cầu người giúp thực hiện hai hàng cột và cùng ngài phân định vấn đề. Bên “nên đi”, ngài đưa ra hai lý lẽ để nên đi, bên “không nên đi”, ngài đưa ra 6 lý lẽ để không nên đi. Tôi ngạc nhiên về cách làm việc của ông cụ, rất rõ ràng và chuẩn mực. 1 NĂM THỨ 15 – SỐ 624 – CHÚA NHẬT 7.9.2014

Ephata 624

Embed Size (px)

Citation preview

E-mail: [email protected] Website: www.trungtammucvudcct.com

XIN CHÚA THƯƠNG GÌN GIỮ…Chiều qua, như đã hứa với lòng mình, tôi sắp xếp giờ đi thăm cha Cố, ngài là bác của tôi. Nhiều

năm qua ngài nghỉ hưu ở một Tu Viện, tuổi đã quá già ( 98 tuổi ) nhưng Chúa lại ban cho ngài còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ngài nói với tôi rằng: “Chúa quên bác rồi” ! Có lúc khác ngài nói đùa với người ta: “Mấy ông thiên thần vui chơi đánh mất sổ nên Chúa không biết đâu mà gọi” !

Mỗi ngày ngài vẫn dùng cơm với cộng đoàn anh em trong Tu Viện, còn ăn được một mình, không cần người khác trợ giúp nhiều, người giúp chỉ cần gắp thức ăn vào chén của ngài, còn ngài có thể múc đồ ăn bằng muỗng để tự ăn, riêng phần sữa chua thì cần người đút, vì tay đã run nên thường bị rớt ra ngoài. Dùng cơm xong, ngài ngồi chơi với anh em, cũng còn nghe được đôi chút nên thỉnh thoảng vẫn còn nói đùa góp vui. Sau giờ cơm ngài chống gậy đi bộ chung quanh Nhà Thờ đúng một vòng rồi về phòng nghỉ.

Mỗi ngày ngài vẫn dâng Thánh Lễ đồng tế trong Tu Viện và tham dự một giờ chầu Thánh Thể, không bỏ sót một giờ kinh nguyện chung nào trừ khi đau yếu. Có một người giúp việc cho ngài, ngài vẫn chậm rãi đọc những suy niệm Lời Chúa cho ghi lại, đọc thư muốn viết cho con cháu và những người thân quen, thậm chí lấy sổ tay xem địa chỉ con cháu và nhờ người đi gọi lại để ngài gặp, giúp đỡ những đứa cháu nào khó khăn nghèo hèn. Tôi hỏi tiền ở đâu mà giúp, ngài nói: “Xin Bề Trên”.

Chiều qua tôi đến thăm, ngài mừng lắm, dĩ nhiên trong số các cháu, tôi là đứa cháu được ngài thương quý và tôn trọng nhất, vì tôi là Linh Mục thế thôi. Ngài cuống quýt nói cười, hỏi thăm đủ điều, ngài bảo: “Lúc thường nhớ đến cha có nhiều sự muốn nói lắm, sao bây giờ gặp chẳng còn nhớ gì ?!?” Người giúp việc mách “tội” của ngài cho tôi nghe, cụ cúi gầm mặt xuống lắng nghe không cãi một lời nào. ( Ảnh chỉ có tính minh họa ).

Cách đây mấy tuần, cha Bề Trên gọi điện thoại hỏi ý tôi một việc của cụ. Có một người tự xưng là cháu của ngài, đến thăm đôi ba lần rồi bảo sẽ đón ngài về nhà thăm con cháu, cụ nghe bùi tai đòi đi, cha Bề Trên bối rối vì sợ mất lòng ngài nên cho người giúp việc gọi điện hỏi ý tôi, cha Bề Trên tế nhị không muốn trực tiếp với tôi vì cũng ngại tôi khó xử. Tôi nói với người giúp việc là không cho ngài đi vì ngài quá lớn tuổi.

Sau đó tôi được biết ngài đã quyết định không đi, nhưng người cháu trở lại gặp Bề Trên nói quá khẩn thiết, Bề Trên đành gọi cho tôi, tôi cũng trả lời không nên để cho ngài đi và xin Bề Trên dùng quyền Bề Trên mà khuyên ngài, từ đó ngài mới thôi không thao thức nữa.

Người giúp việc đưa cho tôi xem một cuốn vở, trong đó viết đủ thứ mà ngài muốn viết, lật một trang đưa tôi xem, trang chia làm hai cột, một bên là “nên đi”, bên kia là “không nên đi”. Ngài yêu cầu người giúp thực hiện hai hàng cột và cùng ngài phân định vấn đề. Bên “nên đi”, ngài đưa ra hai lý lẽ để nên đi, bên “không nên đi”, ngài đưa ra 6 lý lẽ để không nên đi. Tôi ngạc nhiên về cách làm việc của ông cụ, rất rõ ràng và chuẩn mực.

1

NĂM THỨ 15 – SỐ 624 – CHÚA NHẬT 7.9.2014

Tôi đặt vấn đề lại với chính tôi và những anh em cộng sự, đứng trước các vấn đề nan giải, có bao giờ chúng ta làm một cuộc phân định rõ ràng và trong sáng như cụ đã làm ? Không chỉ làm một mình nhưng xin người khác giúp mình biện phân vấn đề cho chính xác, khách quan và minh bạch ? Không để cho tình cảm lấn át, những cảm xúc nhất thời làm lung lạc.

Điều còn làm tôi tâm đắc hơn nữa, đó là trong cuộc phân định, ngài đã đưa tiêu chuẩn Tin Mừng vào trong các lý lẽ. Để những giá trị Tin Mừng thấm đẫm vào các kênh sống, mọi ngóc ngách cuộc đời, là trách nhiệm hôm nay của việc Tân Phúc Âm hóa. Ông cụ đã 98 tuổi, không còn lên tòa giảng để nói Lời Chúa, nhưng Lời Chúa đã thầm thấu và chiết xuất ra trong từng hành vi của cụ. Ước gì chúng ta mỗi người cũng chọn lựa cho mình cách sống như vậy trong thế giới hôm nay.

Bây giờ tôi không còn trẻ, nhưng chưa hẳn là đã già, nhưng nếu một mai “Chúa quên tôi” như đã quên bác tôi, liệu tôi có được những ngày sống bình an, thanh thản và thánh thiện như bác tôi ? Xin Chúa thương gìn giữ con.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 6.9.2014

MỤC LỤC TÌM BÀI:"XIN CHÚA THƯƠNG GÌN GIỮ…" ( Lm. Vĩnh Sang ) .......................................................................... 01SỬA LỖI ANH EM ( Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt ) ............................................................................... 02KHI ANH EM SỬA LỖI CHO NHAU ( AM. Trần Bình An ) .................................................................... 03NGHỆ THUẬT SỬA LỖI ( Lm. Giuse Nguyễn Hữu An ) ........................................................................ 05LIÊN ĐỚI ( Trầm Thiên Thu ) ................................................................................................................ 06SỐNG BÁC ÁI, HIỆP THÔNG ĐỂ CÙNG NHAU THĂNG TIẾN ( Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ ) ............. 09PARAGUAY, MỘT KINH NGHIỆM MỚI ( Lm. Trần Xuân Sang ) .......................................................... 10NƯỚC TRỜI, THIÊN ĐÀNG, LÀ MỘT HAY HAI ? ( Phùng Văn Hóa ) .................................................. 12VĂN HÓA ƠN GỌI ( Bản dịch của Trầm Thiên Thu ) ............................................................................ 15PHONG CÁCH PHANXICÔ – BÀI 18: CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC GIÁO HOÀNG ( Nguyễn Trung ) ..... 16MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI SỐNG ( Lm. Mark Link ) ..................................................................................... 20ĐẠI HỌC KHÔNG PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT TỐT ĐẸP ( Nguyễn Trung ) ............................ 21TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC, TÂN CỬ NHÂN GIAN NAN TÌM VIỆC ( Thiên An, báo Người Việt ) .............. 22NHỮNG ĐIỀU DỄ THƯƠNG LÀM NÊN NHÂN CÁCH NHẬT ( Khuyết Danh ) ..................................... 24CÂU NÓI CUỐI CÙNG ( Khuyết Danh ) ................................................................................................ 25NHỊP CẦU BÁC ÁI PHANXICÔ VÀ VÀ QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ( Trung Tâm Mục Vụ DCCT ) ........... 25

SỬA LỖI ANH EMCon người ai cũng có lầm lỗi. Vậy

mà thái độ ứng xử trước lầm lỗi của người khác lại không giản đơn. Đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.

Giáo Hội là một cộng đoàn những con người. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế muốn cộng đoàn phát triển, việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.

Tuy nhiên sửa lỗi là việc khó. Không khéo thì lợi bất cập hại. Lời Chúa hôm nay đưa ra những hướng dẫn cần thiết giúp việc sửa lỗi có kết quả.

Muốn sửa lỗi phải quan tâm. Chúa nói: Khi anh em ngươi sai lỗi. Vâng, người sai lỗi đó không phải ai xa lạ. Đó là anh em tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời tôi. Nếu lầm lỗi giống như một cơn bệnh, làm sao tôi không lo lắng chạy chữa cho người thân, nhất là cho chính bản thân khi

2

CÙNG SUY NIỆM

bị mắc bệnh ? Nếu lầm lỗi giống như mất mát người thân, làm sao tôi không đau xót lên đường đi tìm ngay tức khắc ?

Muốn sửa lỗi cần can đảm. Càng ngày người ta càng muốn tránh đụng chạm, mích lòng. Dại gì nói những chuyện không vui để mua thù chuốc oán vào thân. Vì thế, để sửa lỗi, cần phải can đảm. Can đảm đến với người lầm lỗi. Can đảm nói sự thật về lỗi lầm của họ. Can đảm chấp nhận những rủi ro do việc sửa lỗi đưa đến như sự giận ghét, sự công kích, chấp nhận bị phê bình ngược lại.

Muốn sửa lỗi phải trân trọng. Trân trọng vì người lầm lỗi đó là người anh em tôi, là đáng quí trọng đối với tôi. Trân trọng vì người anh em tuy có lầm lỗi, vẫn có khả năng sửa đổi. Sửa lỗi là tin vào thiện chí, vào mầm mống tốt đẹp Chúa gieo vào lương tâm mỗi người. Sự khinh miệt, lên mặt kẻ cả sẽ chỉ chuốc lấy thất bại.

Muốn sửa lỗi phải rất tế nhị. Tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh. Vừa đầy tự ái vừa đầy mặc cảm. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách. Vì thế Chúa dạy tôi phải rất tế nhị khi sửa lỗi. Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn, kính trọng và yêu thương. Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, khai thông bế tắc. Sự tế nhị sẽ trở thành chiếc cầu đưa người lầm lỗi trở về cộng đoàn.

Sau cùng, muốn sửa lỗi phải kiên trì. Việc sửa lỗi không giản đơn. Không phải làm một lần là thành công ngay. Vì thế phải rất kiên trì và có nhiều phương án. Kiên trì để vẫn tiếp tục dù đã một lần thất bại. Có nhiều phương án để cương quyết đi đến thành công. Hôm nay Chúa đưa ra cho ta ba phương án để chinh phục người anh em: Gặp riêng, gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn.

Như thế, việc sửa lỗi hoàn toàn là một việc làm được thúc đẩy do tình yêu. Chính bầu khí tin yêu đó sẽ khiến cộng đoàn phát triển. Ai cũng mong được sống trong một cộng đoàn yêu thương như thế. Vì khi lầm lỡ ta biết mình không bị loại trừ nhưng sẽ được quan tâm giúp đỡ, một sự giúp đỡ chân thành, tế nhị và đầy yêu thương.

Lạy Chúa, xin ban cho con tâm hồn bác ái đầy tế nhị của Chúa.

Tgm. Giuse NGÔ QUANG KIỆT

KHI ANH EM SỬA LỖI NHAU"Chập tối, tôi trèo tường, lẻn ra Ciné Nha

Trang coi phim "Vết thù trên lưng ngựa hoang". Mãi đến 23g30 tôi mới trở về Chủng Viện. Tới góc đường Võ Tánh – Duy Tân ( Trần Phú bây giờ ), phía bên trong là dãy nhà tắm lộ thiên, tôi nhẹ nhàng trèo vào. Núp cạnh phòng học lớp 12, ( nay đã dỡ bỏ, xây mới ) phóng tầm nhìn vào trong sân Tòa Giám Mục, hoàn toàn trống vắng ! Tất cả im lặng như tờ, chắc mọi người đều đã yên giấc. Dẫu vậy, tôi vẫn cẩn thận đi nhón móng cò, lom khom bước qua khoảng sân rộng.

Bỗng ai đó hắng giọng, rồi sang sảng cất giọng: “Ai đấy ?” Tôi giật nảy mình. Thì ra… Ông Nội, vận một bộ đồ thung đen, đang tập thể dục, kề bên khóm cây cảnh tối hù, ngay bên ngoài căn phòng của ngài còn sáng đèn. “Dạ thưa, con tên

là…” Như thế Nội đã nhìn thấy tôi ngay khi tôi leo tường trở về, vì ngài đứng trong bóng tối, nhìn ra phía ngoài sáng trưng ánh đèn. Nhưng nét mặt ngài vẫn bình thản, trìu mến, như chẳng có điều gì bất thường. Tôi lại càng lo sợ hơn nữa. Sáng mai Ông Nội sẽ trao áo chùng thâm cho 21 anh em chúng tôi.

“Con đi đâu về khuya vậy ?” “Dạ, con đi… đi dạo ngoài bãi biển !” “Giờ này khuya khoắt, mà con còn đi dạo nữa sao ? Vậy có ghé ăn chè Võ Tánh không ? Con cứ kể rõ cha nghe. Đừng có ngại !” Tôi không thể nói dối được nữa, vì Ông Nội còn biết chúng tôi hay tranh thủ ăn chè, mỗi khi có dịp ra bên ngoài. Chắc ngài biết hết trơn rồi, nên đành phải thú thật. “Dạ, con đi xem phim…” “Con cứ kể rõ cha nghe. Đừng có ngại !” “Dạ, con đi xem phim.” “Phim gì hở con ?” “Dạ. Phim Vết thù trên lưng ngựa hoang.” “Hay không ? Con kể cho cha nghe xem.” “Bộ phim kể về…” Thu hết can đảm, tôi tóm tắt thuật chuyện phim. Ông Nội có vẻ vui vui, khuyến khích tôi kể tiếp.

3

Vừa dứt chuyện, Nội hỏi tôi có nhớ đến việc ngày mai chăng ? Tôi lý nhí đáp, cúi đầu ăn năn sám hối lỗi lầm. Một lát sau, Nội liền ban việc đền tội: Một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh, rồi còn dịu dàng dặn dò: “Con đã tỏ ra biết hối lỗi, vậy hãy về ngủ và nhớ đừng tái phạm nữa. Ngày mai cha vẫn cho phép con lên lãnh nhận áo dòng.” “Con xin cám ơn cha.”

Tôi thoát nạn nhẹ cả người, vội chạy lên lầu về phòng ngủ, tuy vẫn còn thình thịch con tim... Sáng hôm sau, trong Nhà Nguyện Tòa Gíam Mục Nha Trang, người ta vẫn thấy đầy đủ 21 anh em lớp Đi Gieo IV, hân hoan xếp hàng, lên nhận lãnh áo soutane từ chính bàn tay Đức Cha FX. Nguyễn Văn Thuận trao ban. Tôi thầm tạ ơn Chúa và nhớ mãi tấm lòng bao dung thánh thiện của Ông Nội" ( Một vụ cá độ, Kể chuyện Nội, LâmBich.net ).

Trình thuật Tin Mừng theo Thánh Matthêu hôm nay, Đức Giêsu giảng dạy làm thế nào để sửa lỗi anh em. Với ba bước ứng xử với người lỗi lầm, Người muốn chiêu hồi con chiên lạc quay trở về với đàn.

Mỗi khi phạm tội là tự tách mình ra khỏi cộng đoàn, ra khỏi tình yêu thương, hồng ân của Thiên Chúa. Vậy các thành viên cộng đoàn đều có bổn phận và trách nhiệm quan trọng giúp người vấp phạm sám hối, tin cậy vào Lòng Thương Xót Chúa. Bởi vì “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất" ( Mt 18, 14 ). Kẻ bé mọn ám chỉ những người bình dân, nghèo nàn, yếu đuối, bị bỏ rơi, bị xua đuổi, hư hỏng, tội lỗi, những con chiên lạc loài, đi hoang đáng thương.

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” ( Mt 18, 15 ). Như thế giúp tha nhận sửa lỗi là mệnh lệnh, một đòi hỏi cấp bách của Đức Giêsu dành cho những ai chấp nhận đi theo Người. Không thể vô cảm, bình chân như vại, mặc kệ anh em. Tuy vậy, để thực hành việc tế nhị, khó khăn và nhiều thách đố này, cần đến tình huynh đệ, lòng khoan dung và tâm tình cầu nguyện, mà Đức Giêsu vạch ra cho người thiện tâm.

Tình huynh đệ

"Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái. Vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật" ( Rm 13, 8 ). Thánh Phaolô còn khuyên nhủ mọi người sống bác ái huynh đệ, thực tình giúp đỡ nhau, không vờ vịt, đóng kịch với nhau, cũng như không vênh váo rẻ rúng, khinh miệt, chế giễu, mà trái lại, chân thành hỗ tương nhau mọi lúc. “Lòng bác ái không được giả hình, giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình, nhiệt thành không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” ( Rm 12, 9 – 11 ). Với thái độ yêu thương, khiêm nhường, kính trọng, Kitô hữu mới có thể chân tình ngỏ lời khuyên nhủ, giác ngộ hữu hiệu kẻ lỗi phạm.

“Nếu Ta bảo đứa gian ác: “Tên gian ác kia, nhất định mi phải chết”, mà ngươi không nói để cảnh cáo nó phải từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó, đứa gian ác ấy, sẽ chết vì tội của nó, nhưng còn máu của nó, Ta sẽ đòi ngươi” ( Ed 33, 8 – 9 ). Việc sửa lỗi cho nhau không chỉ là trách nhiệm huynh đệ liên đới, mà còn nghĩa vụ của Kitô hữu đối với chính Thiên Chúa: "Tất cả những gì anh em làm cho những kẻ bé mọn nhất của Ta là anh em làm cho chính Ta" ( Mt 25, 40 ).

Lòng khoan dung

Thiên Chúa đầy lòng khoan dung, nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi con người để cải hóa, Ngài lần hồi sửa trị họ, nhắc nhở và cho biết đã phạm lỗi ở chỗ nào, để họ tin tưởng vào Ngài mà được cứu rỗi. “Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” ( Kn 11, 23 ).

Kitô hữu cũng noi theo lòng khoan dung của Thiên Chúa, mà cư xử với tha nhân, bởi chưng ai mà không phạm tội. Đức Giêsu đã từng công khai thách đố mọi người: "Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" ( Ga 8, 7 ). Sau này Thánh Gioan cũng xác quyết vô cùng mạnh mẽ về thân phận yếu đuối của con người: ”Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” ( 1Ga 1, 8 ).

Như thế, với sự soi sáng khôn ngoan của Đức Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu cần chân thành khiêm tốn, khoan dung, hiền hòa, dịu dàng, thông cảm, khuyên nhủ, sửa dạy tha nhân. “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ. Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” ( Gl 6, 1 – 2 ).

Tâm tình cầu nguyện

"Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” ( Mt 18, 19 – 20 ).

4

Khi hai người đối thoại, thuyết phục nhau, gặp nhau vì Thánh Danh Chúa, thì đương nhiên có Chúa hiện diện. Hãy nhớ cầu xin Người giúp đỡ cảm hóa người vấp phạm biết phục thiện. Chắc chắn Chúa không nỡ từ chối nguyện vọng chánh đáng này.

“Người hy sinh biết rộng lượng trước khuyết điểm người khác và nghiêm khắc trước khuyết điểm của mình” ( Đường Hy Vọng, số 169 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban chúng con ơn can đảm nhắc nhở nhau, cũng như biết nghe lời khuyên răn, chỉ dẫn khi lỗi lầm, để chúng con luôn thương yêu, khắng khít, đoàn kết trong đàn chiên Chúa.

Lạy Mẹ Maria, Đấng vô nhiễm tinh tuyền, xin giúp chúng con nhận biết tội lỗi vấp phạm, mà ăn năn sám hối, cũng như khiêm tốn lắng nghe người khác nhắc nhở, hướng dẫn, sửa sai, để luôn được sống mãi trong Lòng Thương Xót vô hạn của Chúa. Amen.

AM. TRẦN BÌNH AN

NGHỆ THUẬT SỬA LỖITuân Tử, một hiền triết Trung Hoa đã nói

rằng: "Kẻ khen ta mà khen thật mới chỉ là bạn ta, kẻ chê ta mà chê thật là thầy ta, còn kẻ nịnh hót tâng bốc ta là những kẻ chỉ làm hại ta mà thôi."

Chê mà chê thật là sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ. Là con người ai mà chẳng lầm lỗi. Không ai trên trần thế có thể tự hào mình vô tội. Chính Thánh Gioan đã quả quyết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta” ( 1 Ga 1,

8 ). Thú nhận mình tội lỗi không có nghĩa là chấp nhận thất vọng. Ngược lại, ý thức được sự yếu đuối của mình sẽ giúp con người mạnh tin hơn. Thánh Gioan cũng viết: “Nếu ai phạm tội thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” ( 1 Ga 2,1b ). Sửa lỗi huynh đệ là cần thiết để giúp nhau thăng tiến và trưởng thành. Vì thế sửa lỗi cho nhau là một nghệ thuật đòi hỏi người ta phải tuân theo một số kỹ thuật.

Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy nghệ thuật từng bước sửa lỗi cho anh em và mời gọi hãy cùng nhau cầu nguyện.

1. Sửa lỗi cho nhau:

- Bước 1: “Nếu anh em ngươi phạm tội hãy đi sửa lỗi một mình ngươi với nó”. Một mình với anh em là rất kín đáo. Sửa lỗi cá nhân, tôn trọng và giữ thể diện, biểu lộ sự tin tưởng giữa hai người không để người thứ ba đựoc biết. Đây là cuộc nói chuyện riêng tư, không phải hạ nhục người có lỗi nhưng là giúp người ấy nhận ra lỗi lầm của mình. Phải nói sự thật, nhưng có những sự thật không nên nói hết.

Sự góp ý huynh đệ này đòi hỏi phải tế nhị, xây dựng:

Người góp ý: Nhẹ nhàng, nói đúng lúc, đúng chỗ, khôn khéo, thiện chí, nếu không sẽ phản tác dụng, khi đó góp ý chỉ còn là chỉ trích, phê phán.

Người được góp ý: Khiêm nhường nhận lời khuyên, không nóng nảy tự ái, sẵn sàng đón nhận, nhận ra sai lầm, không cố chấp cứng đầu nhưng can đảm sửa đổi. Có như thế việc sửa đổi cho nhau mới có kết quả.

- Bước 2: “Nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng”. Như thế, nếu bước một không đem lại kết quả mong đợi, sẽ đến bước hai là gặp gỡ có hai hoặc ba nhân chứng. Đây không phải là gây áp lực. Sự hiện diện của các chứng nhân bảo đảm cho tính khách quan và tính cộng đoàn. Luật Môsê dạy: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào, phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” ( Đnl 19, 15 ). Tuy nhiên chỉ thị của Chúa Giêsu nói đây không phải là nhân chứng buộc tội nhưng là những người trợ lực có uy tín để giúp tội nhân dễ dàng sửa lỗi. Cần kiên nhẫn đối vơi người cố chấp.

Người sửa lỗi chú ý hình thức xây dựng và bác ái. Có nhiều khuyết điểm có thể tự nhiên được sửa chữa qua tính trung gian, nhất là những khuyết điểm nhỏ.

Người được sửa lỗi chú ý nội dung được góp ý.

5

- Bước 3: “Nếu nó không chịu nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh”. Hai bước không đạt kết quả, đưa ra trước cộng đoàn Hội Thánh địa phương vì Hội Thánh được Chúa ban cho quyền cầm buộc tháo cởi ( x. Mt 18, 18 ). Đưa ra Hội Thánh không phải để bị xét xử nhưng để tỏ lòng sám hối và sẽ được ân xá. Nhưng nếu kẻ đó vẫn cố chấp không chịu sửa lỗi thì tự loại mình ra khỏi Hội Thánh không còn thuộc về cộng đoàn.

- Bước 4: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại”. Cộng đoàn mà không chịu nghe thì phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ. Họ cố chấp không muốn ở trong Hội Thánh thì họ sống trong lầm lạc về đức tin và luân lý. Hội Thánh không còn trách nhiệm trực tiếp phải lo cho họ nữa, chỉ còn phó thác họ cho lòng nhân từ của Chúa mà thôi.

2. Hiệp lời cầu nguyện:

Nếu nhìn cách sửa lỗi anh em của Chúa Giêsu là một cách diễn tả tình yêu thì hiệp thông trong lời cầu nguyện lại là một diễn tả khác của tình yêu “Khi hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ”.

Khi yêu ai, chúng ta không dửng dưng để mặc người ấy lún sâu vào sự dữ. Ta sẽ tìm dịp cảnh tỉnh, nhắc nhở, khuyên bảo, không “makeno”, không “đèn nhà ai nấy sáng”. Tương quan bác ái huynh đệ này rất cần trong cộng đoàn, trong Giáo Xứ. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mục đích của việc sửa lỗi. Đó là chinh phục, cứu lấy anh em để nó đừng hư mất, liên đới trách nhiệm sữa lỗi cho nhau để nhờ đó cộng đoàn “lợi thêm một người anh em”. Thánh Giacôbê nhấn mạnh tới tình bác ái đáng khen của việc sửa sai huynh đệ “Ai đưa một người tội lỗi ra khỏi sai lầm của họ là đã cứu được linh hồn người ấy khỏi chết và đã bù đắp được vô số tội lỗi”.

Chúa Giêsu còn xác định rằng: “Thầy bảo thật các con: nếu ở dưới đất hai người trong anh em hiệp ý cầu xin bất cứ sự gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho họ”. Đây không đơn thuần là một giải quyết giữa anh em loài người, nhưng là cùng nhau đến trước tình yêu Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa sẽ xóa giải mọi bất hòa giữa anh em. Chúng ta tin và can đảm sống điều đó: “Vì ở đâu có có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.

Trong Đạo Phật người ta thường nói “Phật tại tâm”. Trong Đạo Thiền, người ta sống cuộc sống con người cách đơn sơ thanh thản, không chấp mê, sống tự nhiên như bông hoa nở, như dòng suối chảy, như áng mây bay, như làn gió thổi. Sống an bình với chính mình an hoà với tha nhân, là “phá chấp ngã” nghĩa là không chấp, không chấp cả cái không chấp.

Đạo lý Chúa Kitô tự bản chất sâu xa là Đạo nhân, Đạo của lòng nhân ái, Đạo của tình thương. Tình thương không phải là một tư tưởng, cũng chẳng phải là một học thuyết. Tình thương là con đường ta phải đi, một tình yêu để ta sống, để chia sẻ với người khác. Không yêu thương chân thật thì mọi cách sửa lỗi đều vô hiệu. Không có tấm lòng sẽ gây nên phản kháng và chống báng. Càng yêu thương nhau thì việc sửa lỗi cho nhau càng hữu hiệu.

Đức Kitô đã làm người để chia sẻ tình yêu của Chúa Cha cho chúng ta. Người mời gọi chúng ta chia sẻ lại tình yêu ấy cho anh em. Tất cả đạo lý của Chúa Kitô hàm chứa trong điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em”, và lời mời gọi nên thánh: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”. Sự hoàn thiện nào cũng đòi hỏi phải sửa đổi và điều chỉnh liên tục mới đạt đến nhân đức và sự thánh thiện.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn can đảm để con nhận sự sửa lỗi của anh em, và ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chân thành sửa lỗi cho nhau, nhờ đó con xứng đáng nhận được lòng nhân từ Chúa xót thương.

Lạy Chúa Giêsu, trước khi sửa lỗi ai, xin Chúa nhắc con nhớ rằng con cũng là tội nhân, cũng yếu đuối và hay lầm lỗi, có khi còn nặng nề hơn họ. Nếu vì bổn phận, con phải sưả lỗi cho người khác, xin cho con biết lấy tinh thần bác ái và tôn trọng nhân vị mà cư xử, nâng đỡ hơn là chỉ trích thoá mạ anh em. Xin cho cúng con luôn biết rộng lượng, bao dung với người khác vì con biết chắc rằng Chúa vẫn tha thứ cho con từng ngày. Amen.

Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN

LIÊN ĐỚILiên đới là sự ràng buộc lẫn nhau về trách nhiệm và nghĩa vụ. Bất cứ cái gì cũng có tính liên đới,

ngay cả tội lỗi cũng có tính liên đới. Thật vậy, khi một chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô phạm tội, tất cả chúng ta đều chịu đau khổ, một số người ảnh hưởng trực tiếp. Tội của mình có ảnh hưởng tới người khác, tội của người khác có thể “dính líu” tới mình.

6

Là phàm nhân, tất cả chúng ta đều yếu đuối. Do đó, khi chúng ta muốn hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta cũng phải giải hòa với Giáo Hội, không chỉ với người này hay người nọ mà có thể chúng ta đã làm tổn thương. Vì thế, “cấu trúc tội lỗi” cũng có “chiều kích xã hội”. Tại sao ? Vì nó nằm trong cách mà chúng ta có thể phạm tội – không chỉ là hành động trực tiếp của mình, mà còn là động thái gián tiếp liên can các tội lỗi do người khác phạm trực tiếp.

Nói chung, dù là điều tốt hay xấu cũng đều có tính liên đới với nhau. Về tính liên đới, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo ( gọi tắt là Giáo huấn Xã hội Công Giáo – GHXHCG,

Compendio della Dottrina Sociale della Chiesa, Compendium of the Social Doctrine of the Church ) gọi liên đới là một nguyên tắc cốt lõi của GHXHCG [1]:

“Liên đới nhấn mạnh đặc biệt đến bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá, các quyền và con đường chung của các cá nhân và các dân tộc hướng đến một sự hợp nhất ngày càng gắn bó hơn... Việc gia tăng tương thuộc giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được kèm theo những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đưa bất công lên tầm mức toàn cầu. Việc tăng tốc tình trạng tương tác giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải

được đi kèm với những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đem bất công lên phạm vi toàn cầu”. [2]

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tình liên đới phải góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa trên bình diện cá nhân lẫn bình diện của xã hội quốc gia và quốc tế” ( Sollicitudo Rei Socialis, 1987, số 40 ).

Ngày xưa, Thiên Chúa đã nhắn nhủ với con người: “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ítraen. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết” ( Ed 33, 7 ). Đó là trách nhiệm của chúng ta, không của giới nào hoặc giai cấp nào.

Không chỉ vậy, Ngài còn cảnh báo: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết’, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” ( Ed 33, 8 – 9 ). Rõ ràng chúng ta có trách nhiệm và bổn phận đối với nhau. Điều đó vừa là TÍNH liên đới vừa là TÌNH liên đới. Thấy điều sai trái thì phải lên tiếng ( bằng cách này hay cách nọ, trực tiếp hoặc gián tiếp ). Ai thấy điều sai trái mà im lặng, đó là đồng lõa hoặc hèn nhát. Thật vậy, chỉ muốn lên thiên đàng một mình là ích kỷ !

Thiên Chúa là Tình Yêu và Chân Lý: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” ( Ga 8, 32 ). Thật hạnh phúc khi chúng ta biết tôn thờ chính vị Thiên Chúa duy nhất này. Hạnh phúc đó không thể giữ trong lòng mà phải thể hiện ra cho mọi người khác cùng biết: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” ( Tv 95, 1 – 2 ).

Bổn phận của chúng ta không chỉ là chúc tụng Ngài, mà chúng ta còn phải tôn thờ Ngài và vâng theo Thánh Ý Ngài: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” ( Tv 95, 6 – 7a ).

Phàm nhân yếu đuối nhưng rất “chảnh” và bướng bỉnh. Xơ gan là chứng bệnh quái ác. Xơ cứng bất cứ cơ phận nào cũng nguy hiểm. Xơ cứng lòng tin còn nguy hiểm hơn nhiều. Cứng lòng là cố chấp. Cố chấp là phạm tới Chúa Thánh Thần. Mà tội phạm tới Chúa Thánh Thần thì không được tha cả đời này lẫn đời sau ( x. Mc 3, 28 – 29; Mt 12, 31 – 32 ). Thật đáng sợ vì cực kỳ nguy hiểm ! Vâng lời Chúa thì phải canh tân đời sống, không thể trì hoãn, thay đổi cách sống càng sớm càng tốt. Rất cấp bách !

Vì yêu thương, vì thương xót, Thiên Chúa lại tiếp tục nhắn nhủ mỗi chúng ta, Ngài thực sự không muốn ai cố chấp mà phải hư mất đời đời: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng

7

thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” ( Tv 95, 7b – 9 ). Hoán cải ngay hôm nay, ngay bây giờ, thì hiện tại, chứ không là “sẽ” của thì tương lai – dù là tương lai gần nhất.

Trong tương quan của tình liên đới, Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật” ( Rm 13, 8 ). Yêu thương là chu toàn luật Chúa. Rất đơn giản và ngắn gọn, xem chừng dễ nhưng lại khó lắm, vì khi “xòe” chiếc-quạt-yêu-thương ra, chúng ta thấy cả một bầu trời bao la lắm, chỉ trong “hình quạt” đó thôi cũng chứa biết bao vấn đề liên quan chữ YÊU. Đó là sự liên quan, cũng là tính liên đới vậy.

Thật vậy, Thánh Phaolô đã giải thích: “Các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” ( Rm 13, 9 – 10 ). Cụm từ “không làm hại” cũng ẩn chứa biết bao điều liên quan thể lý và tinh thần, liên quan đức ái. Khó lắm, nhưng ai thực sự có lòng yêu thương của Đức Kitô thì có thể làm được.

Chúa Giêsu nói về tính liên đới tâm linh giữa những con người đối với nhau: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” ( Mt 18, 15 – 17 ).

Thấy điều sai trái thì phải lên tiếng. Có bốn giai đoạn: Nói riêng ( nói nhỏ ), nói bán công khai, nói công khai, loại bỏ. Dạng “cấp bốn” là “hết thuốc chữa” vì cố chấp, nói theo ngôn ngữ thời @ là BoTay.com, không còn hy vọng gì nơi họ nữa !

Vì muốn cứu tội nhân, Chúa Giêsu đã trao quyền tha tội cho các môn đệ qua thiên chức Linh Mục: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên Trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” ( Mt 18, 18 ).

Chúa Giêsu nói “cầm buộc” hoặc “tháo cởi” ở đây không có nghĩa là ưa thì “cởi”, ghét thì “buộc”, mà là phải luôn cố gắng tìm cách “tháo cởi” cho người khác. Ngài thiết lập chức Linh Mục là để thay Ngài yêu thương và tha thứ, để phục vụ chứ không để hưởng thụ hoặc “chảnh” ( Mt 20, 28 ), thật buồn khi vẫn có một số Linh Mục lại “thích” làm ngược lại điều Chúa dạy: Phục vụ ít, hưởng thụ nhiều ! Linh Mục chỉ là các phàm nhân bình thường, nhưng được Thiên Chúa tuyển chọn và được hành động nhân danh Đức Giêsu Kitô, là bình sành nhưng chứa đựng kho tàng của Thiên Chúa ( 2 Cr 4, 7 ).

Kỳ diệu quá ! Ước mong sao các Linh Mục phải thực sự nghiêm túc với ý thức đó, đừng tự tôn mà làm đau lòng Đức Kitô !

Về việc hiệp lời cầu nguyện, Chúa Giêsu nói: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, giữa họ” ( Mt 18, 19 – 20 ).

Cầu nguyện là điều cần thiết và tốt lành, nhưng việc cầu nguyện chung được Chúa Giêsu đề cao. Việc cầu nguyện chung luôn cần thiết là “giờ kinh gia đình”, nhất là buổi tối, nhưng việc làm tốt lành này

lại đang bị “xói mòn” vì người ta đưa ra nhiều lý do để biện hộ cho cái sự “quên lãng” của mình !

Dĩ nhiên chúng ta vẫn có thể và cần phải cầu nguyện riêng. Tuy nhiên, có điều cần lưu ý: Có lẽ chúng ta thường chỉ cầu xin nhiều hơn cầu nguyện, và chúng ta cũng thường “quên” nhân danh Đức Giêsu Kitô, đúng như Ngài đã trách các môn đệ: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy” ( Ga 16, 24 ). Một lời trách nhẹ nhàng mà đau điếng. Và đó cũng là lời trách mà Đức Giêsu Kitô đang nói với mỗi chúng ta hôm nay vậy !

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết thật lòng yêu thương và thứ bằng cả tấm lòng như chính Ngài đã nhân hậu với chúng con, hành động bằng cả con người của chúng con,

8

không chút gì vì danh lợi của riêng mỗi chúng con, tất cả chỉ vì sáng danh Ngài mà thôi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

[1] Bảy nguyên tắc trong GHXHCG: ( 1 ) Tôn trọng con người, ( 2 ) Cổ vũ gia đình, ( 3 ) Bảo vệ quyền tư hữu, ( 4 ) Lao động vì công ích, ( 5 ) Tuân giữ nguyên tắc bổ trợ, ( 6 ) Tôn trọng lao động và người lao động, ( 7 ) Theo đuổi hòa bình và chăm nom người nghèo. Rút gọn là bốn nguyên tắc chính: ( 1 ) Nhân phẩm, ( 2 ) Công ích, ( 3 ) Bổ trợ, ( 4 ) Liên đới.

[2] Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công Giáo ( 2005 ), số 192.

SỐNG BÁC ÁI, HIỆP THÔNG ĐỂ CÙNG NHAU THĂNG TIẾN

Bước vào Chúa Nhật 23, chủ để nổi bật hơn cả là "bác ái huynh đệ trong cộng đoàn tín hữu".

Sống trong Giáo Hội Chúa Kitô

"Hiệp nhất nhân danh Chúa Giêsu", bác ái, tha thứ cho nhau và giúp nhau thăng tiến là điều ai cũng muốn và cần làm. Đây không đơn giản chỉ là tương quan xã hội trong cuộc sống hàng ngày. Việc sửa lỗi huynh đệ đã có trong sách Lêvi: "Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó" ( Lv 19, 17 ). Vì bác ái với dân Israel, Chúa đã làm cho Êdêkien "trở nên người lính canh nhà Israel", và truyền ông phải nói cho "kẻ gian ác bỏ đường lối mình", để được sống, nếu không "thì chính kẻ gian ác sẽ chết" ( x. Ed 33, 7 – 9 ).

Thánh Phaolô nói: "Anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau" ( Rm 13, 8 ). Thì ra chúng ta phải mắc nợ nhau về tình mến. Cùng một thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, Thánh Phaolô mời gọi ta mặc lấy tâm tình của Đức Kitô, sống hiền lành, khiêm nhường và liên đới với nhau. Bởi tất cả đều do Thiên Chua tạo dựng, được Đức Giêsu Kitô cứu chuộc, chúng ta là anh em với nhau trong Chúa, nên hãy đối xử với nhau bằng tình yêu và lòng mến, vì toàn bộ luật của Thiên Chúa được nên trọn trong tình yêu, kể cả Mười Điều Răn "và nếu có điều luật nào khác, thì cũng tóm lại trong lời này là: Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình" ( x. Rm 13, 8 – 10 ).

Tình yêu và sự kiên nhẫn

Lời Thánh Phaolô trong bài ca đức ái: "Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác" ( 1Cr 9 ), cho thấy Giáo Hội được quy tụ làm thành Thân Thể Chúa Kitô, lãnh nhận sứ mạng bày tỏ Thân Thể này theo ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta là những chi thể của cùng một Thân Thể, tuy khác nhau, nhưng cùng qui về Giáo Hội, liên đới với nhau như một bản giao hưởng tình bác ái. Nên ai phạm lỗi, người ấy thiếu tình bác ái không chỉ với một người, mà con đối với toàn thân thể.

Cứ sự thường ai xúc phạm đến ta, ta không can thiệp gì hết. Viện cớ nó đã xúc phạm đến tôi ! Tôi sẽ không nói gì hết, dứt khoát là không. Vậy làm gì bây giờ ? Nó đã xúc phạm đến tôi: Mắt đền mắt, răng đền răng ư ? Đây không phải là giải pháp, làm thế sự xấu sẽ xấu hơn. Tôi sẽ đi gặp anh em và nói: Anh đã làm tổn thương tôi, không được ! Anh được Thiên Chua tạo dựng, vì tình bác ái, tôi phải kéo anh về. Chúng ta không loại trừ vì lỗi cá nhân họ, nhưng giúp họ sửa mình để trở nên xứng đáng trong cộng đoàn mà họ là thành viên.

Chúa Giêsu đưa ra các cấp độ hành xử với anh em trong cộng đoàn, dựa trên sự tôn trọng và yêu thương lẫn nhau miễn sao lợi được người anh em. Tin Mưng ( Mt 18, 15 – 20 ) cho thấy, tình yêu huynh đệ chất chứa trách nhiệm hỗ tương, nếu anh em có lỗi, tôi phải thể hiện tình yêu với họ, trước hết, nói chuyện riêng với anh về sai lầm mà anh đã nói hay làm là không tốt. Hành vi này được gọi là sửa lỗi huynh đệ: đây không phải là phản ứng đối với hành vi người phạm lỗi, nhưng là cử chỉ yêu thương dành cho người anh em.

Thánh Augustinô nói: "Anh ấy đã xúc phạm bạn, và khi xúc phạm, anh ấy đã làm cho bạn tổn thương: bạn không quan tâm đến thương tích của người anh em bạn sao ? ( ... )

9

Vậy, hãy quên đi những sai lầm họ đã xử với bạn, chứ không phải là vết thương bạn phải chịu vì người anh em" ( Discours 82, 7 ).

Và nếu nó không chịu nghe ngươi ? Cấp tiếp theo, hãy nói chuyện về anh ta với hai hoặc ba người để giúp anh ý thức hơn về những gì anh đã làm; nếu anh ta vẫn bỏ ngoài tai, bất chấp điều này, phải nói cho cộng đoàn; và nếu anh ta không nghe cộng đoàn, thì phải làm cho anh ta nhận ra rằng chính anh tự tách biệt khỏi cộng đoàn Hội Thánh. Đặt ra khỏi cộng đoàn thành viên không chịu hối cải, không có nghĩa là lên án. Chúng ta cần phải giữ liên hệ với nhau, vì đây là mối liên hệ do Thánh Thần thêu dệt.

Chúng ta bước vào trong cộng đoàn và xây đắp bình an để mang lại cho sức sống cho cộng đoàn. Dù giới hạn cũng như khuyết điểm cá nhân ta, chúng ta vẫn được mời gọi đón nhận sửa lỗi nhau trong tình huynh đệ và giúp đỡ người khác qua việc tế nhị này. Đây là trách nhiệm sống của chúng ta với nhau.

Hoa quả của Đức Ái

Khi áp dụng hết mọi cách, vẫn không có hiệu quả, chúng ta hãy phó thác người anh em cho lòng nhân hậu của Thiên Chua: "Lòng yêu thương không làm hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả lề luật" ( Rm 13, 10 ).

Hoa quả của Đức Ái trong cộng đoàn là cầu nguyện: "Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy" ( Mt 18, 19 – 20 ). Chúng ta quả quyết: Ở đâu có tình yêu, ở đó có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngự trị. Cầu nguyện cá nhân chắc chắn là quan trọng, cần thiết, nhưng Chúa bảo đảm sự hiện diện của mình trong cộng đoàn ngay cả cộng đoàn nhỏ, vì nó quy chiếu vào sự hiệp thông hoàn hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi. Origen nói rằng "chúng ta phải thực hiện bản giao hưởng này" nghĩa là sự hòa hợp trong cộng đoàn tín hữu.

Có người sẽ nói: chúng tôi đang tụ họp với nhau trong cùng một khuôn viên Nhà Thờ, đang lắng nghe tiếng của mục tử chúng tôi, cùng hát thánh ca và hiệp nhất trong lời cầu nguyện, chúng tôi chẳng đang nhân danh Chúa mà tụ họp với nhau đó sao ? Làm gì có sự bất hòa ?

Đúng, chúng ta là một gia đình đang được cùng một mục tử hướng dẫn, không có chia rẽ, nếu bình tĩnh lại, thinh lặng ra khỏi Nhà Thờ, những lời chỉ trích, xúc phạm người khác, kèm theo là ghen tị, đố kỵ và tham lam, hận thù, dối trá và gian lận sẽ phải nhường chỗ cho tình bác ái. Vì vậy, chúng ta hãy tôn trọng Bàn Tiệc Thánh, Chúa Kitô đã hy sinh vì chúng ta, chúng ta hãy thông hiệp với nhau.

Giờ đây chúng ta hướng lòng lên Chúa và dâng lên Ngài lời tha thiết nguyện xin cho cộng đoàn tín hữu khắp nơi được hiệp nhất trong Chúa Kitô, nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chua và là Mẹ chúng ta.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ

PARAGUAY – MỘT KINH NGHIỆM MỚIHội Thảo Quốc Tế về “VIVAT”

Tháng 8, tháng cao điểm của mùa Đông trước khi bước qua mùa Xuân với những cơn mưa bất chợt và dai dẳng khiến các cha xứ ở vùng quê luôn nơm nớp lo lắng cho các hoạt động trong Giáo Xứ vì tháng 8 là tháng cao điểm của các ngày lễ bổn mạng trong các Giáo Họ và Giáo Điểm.

Đúng ngày Lễ Quan Thầy các cha xứ Gioan Maria Vianney, chúng tôi tham dự một cuộc Hội Thảo Quốc Tế về “VIVAT” trọn một tuần lễ tại một co sở của Dòng ở Paraguay với sự tham dự của hơn 100 thành viên gồm Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân đang làm trong các tổ chức phi chính phủ đến từ nhiều nước, trong đó có người đến từ Mỹ, từ Thụy Sĩ, Brazil, Chilê, Argentina và dĩ nhiên là Paraguay vì là nước chủ nhà. Gần 100 tham dự viên ấy gồm có 15 quốc tịch khác nhau và đa số là các nhà truyền giáo. Từ Chilê, một Linh Mục gốc Việt cũng thuộc Dòng Ngôi Lời cũng đến tham dự nên chúng tôi có dịp gặp được đồng hương.

Thuật ngữ “VIVAT” có nguồn gốc từ tiếng Latinh ‘vivire’ có nghĩa là “trao ban sự sống”. Điều này muốn diễn tả một ước vọng sâu xa về những gì hiện hữu là tất cả được sống, mọi người được quyền sống, mọi vật đều được sống. Đây là lời nguyện trên môi miệng hàng ngày của Thánh Arnold Jassen, Đấng Sáng Lập Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời lúc sinh thời ngài thường hát: “Vivat Deus Unos et Trinus in Cordibus Nostris” ( Nguyện xin Chúa Ba Ngôi luôn ngự trị trong tâm hồn chúng con ).

10

CÙNG TRUYỀN GIÁO

Nhìn biểu tượng đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa của Logo VIVAT chúng ta cũng thấy được điều đó. Dưới chữ V là hình ba người đang ôm chầm lấy nhau, đón nhận và nâng đỡ nhau, và cả ba đều hướng nhìn về thế giới bên ngoài. Điều này diễn tả ước nguyện sự đồng hành và hiệp nhất. Trên chóp của chữ I là ba nhánh Ôliu nở hoa muốn nói lên sự hy vọng và ước muốn một thế giới thay đổi.

Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời ( SVD ) và Dòng Nữ Tỳ Thánh Linh Truyền Giáo ( SSpS ) là hai Hội Dòng tiên phong sáng lập phong trào VIVAT quốc tế từ những năm 1995 và đến năm 2000 thì VIVAT đã chính thức trở thành một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại New York.

Mục tiêu của VIVAT là thăng tiến về nhân quyền, phát triển bền vững, sự hiểu biết và sống hài hòa với các dân tộc, các nền văn hóa, các giai tầng xã hội và các tôn giáo cũng như tạo ra một xã hội mang tầm vóc quốc tế và các cộng đồng địa phương để tất cả mọi người cùng tham gia. Chính Liên Hiệp Quốc cũng đã công nhận đây là một tổ chức dân sự, là một diễn đàn quan trọng trong việc hợp tác với các tổ chức dân sự khác nhằm chia sẻ những mục tiêu chung của cộng đồng thế giới.

Tính đến năm 2013 đã có hơn 10 Hội Dòng đã tham gia vào tổ chức này và VIVAT được xem là một tổ chức dân sự quốc tế phi chính phủ có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong việc bảo vệ nhân quyền, những bất công xã hội và quyền thăng tiến phụ nữ.

Trong những ngày Hội Thảo này chúng tôi được các diễn giả đến từ New York ( Mỹ ), từ Ginebra ( Thụy Sĩ ) cũng như các chuyên viên trong nước trình bày về nhân quyền, về các hoạt động của Liên Hiệp Quốc, về các tổ chức dân sự… và được đối đáp tranh luận rất cởi mở vì các diễn giả sự dụng rất thông thạo nhiều thứ tiếng. Trước đây chúng tôi hiểu rất mù mờ về những điều trên đây vì nghĩ rằng Linh Mục truyền giáo không cần biết những chuyện được cho là “chính chị, chính em” mà chỉ biết rao giảng Lời Chúa và cử hành các bí tích là đủ. Tuy nhiên, Linh Mục truyền giáo trong thế kỷ 21 cần phải biết và học hỏi những điều như thế này để có thể áp dụng vào các Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo cho đúng và giúp cho những người giáo dân Công Giáo biết sống đúng với tinh thần Tin Mừng mà không phải lúc nào tâm lý cũng sợ sệt vì “sự thật sẽ giải phóng chúng ta” ( Xc. Ga 8, 32 ). Quả thực chúng tôi đã học nhiều điều mới mẻ từ khóa Hội Thảo này.

Vài suy nghĩ qua các dịp lễ

Sau những ngày Hội Thảo đầy căng thẳng vì phải làm việc tối đa từ sáng đến tối cho hoàn thành sớm hơn dự định, chúng tôi lại trở về chốn xưa để làm việc.

Tháng 8 có nhiều dịp lễ đặc biệt của người dân Paraguay. Trong một Thánh Lễ Bổn Mạng của một cộng đoàn, có một cặp bô lão mừng Ngọc Khánh 60 năm hôn phối cùng với con cái cháu chắt quay quần, và hai người này còn rất phong độ mặc dầu đã bước qua tuổi 84. Chúng tôi đã mời cặp bô lão này đọc Sách Thánh, và sau bài giảng lại mời họ lặp lại lời tuyên hứa mà cách đó 60 năm họ đã thề hứa chung thủy suốt đời.

Thật cảm phục những cặp vợ chồng đến tuổi gần đất xa trời mà sống với nhau thật ấm êm hạnh phúc. Trong khi đó, giới trẻ ngày nay bị tác động bởi nền công nghệ hiện đại nên họ yêu nhau tốc độ, cưới

nhau tốc độ và ly dị nhau cũng tốc độ vì họ quên đi nền tảng luân lý và tính cách bất khả phân ly của hôn nhân mà ngay từ đầu Tạo Hóa đã đặt vào tâm khảm của từng người khi nói về bí tích hôn phối. Chúng tôi rất cảm phục những đôi vợ chồng khi họ có những dịp kỷ niệm Kim Khánh, Ngân Khánh hay Ngọc Khánh Hôn Phối và chúng tôi luôn tranh thủ những dịp này để nói về đời sống hôn nhân gia đình nhằm khuyến khích giới trẻ biết noi theo những bậc ông bà vì chính ngay trong gia đình ruột thịt của chúng tôi đã xảy ra những chuyện không hay giữa những người thân của mình trong đời sống hôn nhân gia đình.

11

Ngày 15 tháng 8 vừa qua là ngày lễ lớn của Paraguay vì đây là ngày lễ Bổn Mạng của Tổng Giáo Phận Thủ Đô Nuestra Señora de la Asunción ( Đức Mẹ Lên Trời ) và cũng là quốc lễ của đất nước vì người dân ở đây rất sùng kính Đức Mẹ. Quốc kỳ được xem là biều tượng thiêng liêng trong tất cả các dịp lễ, nhất là lễ như thế này với 3 màu Xanh ( Tự Do ), Trắng ( Hòa Bình ) và Đỏ ( Công Lý ).

Dù Paraguay có nhiều đảng phái chính trị và mỗi đảng phái đều có cờ và bài hát riêng, nhưng một khi đảng nào lên cầm quyền thì luôn đặt lợi ích quốc gia trên hết và Quốc Kỳ cũng như Quốc Ca là hồn thiêng sông núi bất di bất dịch để các đảng phái cùng nhau hướng đến.

Nhìn về quê hương Việt Nam mình mà cảm thấy đau lòng dù người Việt Nam có một lịch sử hơn 4.000 năm văn hiến, một dân tộc cần cù, thông minh nhưng trên trường quốc tế chúng ta chưa thể ngẩng cao đầu vì vẫn còn một điều gì đó cản trở chúng ta không thể đến gần nhau được.

Cũng chính trong ngày lễ Mẹ Lên Trời này chúng tôi đến dâng lễ đồng tế vào buổi trưa cho một Nữ Tu Dòng Chúa Thánh Thần ( là Dòng em của Dòng Ngôi Lời ) qua đời trước đó một ngày, và luật Paraguay chỉ cho phép 24 tiếng đồng hồ sau khi chết phải chôn cất. Vị Nữ Tu này từng là một trong những người tiên phong của Dòng Chúa Thánh Thần ở Paraguay khi đã thành lập nhiều trường học, nhiều công trình phúc lợi và được vinh danh như là một nữ anh hùng của Paraguay.

Dù là ngày lễ và người Paraguay rất ít chú trọng đến chuyện ma chay nhưng chúng tôi thấy rất nhiều Giáo Dân tham dự và trong số những người phúng viếng và tri ân vị Nữ Tu quá cố này có những người đang là hiệu trưởng các trường đại học danh tiếng của Paraguay, có những người đang làm việc

trong chính phủ, có những người là cấp tướng, tá trong quân đội vì từng là học trò của vị Nữ Tu này. Những lời tri ân ngắn ngủi của họ giúp chúng tôi hiểu hơn về những gì mình đang làm.

Sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta sống niềm tin. Chúa Giêsu từng đề cao lòng tin của người đàn bà xứ Canaan, tức là một người ngoại giáo. Trong một hoàn cảnh mà cái nhìn của con người có thể cho là tuyệt vọng, người Kitô hữu hơn bao giờ hết được mời gọi để nêu cao niềm tin của mình. Một trong những điều hẳn sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng, đó là trên Thiên Đàng, chúng ta sẽ gặp gỡ những người chúng ta chưa từng quen biết, ngay cả những người chưa một lần mang danh hiệu Kitô hay đặt chân đến Nhà Thờ. Xin Chúa gia tăng Đức Tin

cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn TRẦN XUÂN SANG, Dòng Ngôi Lời, Paraguay, 17.8.2014

NƯỚC TRỜI, THIÊN ĐÀNG LÀ MỘT HAY HAI ?Câu hỏi thoạt nghe có vẻ khơi khơi nhưng xét kỹ thì thấy đây là vấn nạn Thần Học rất lớn. Trả lời

cho câu hỏi “Nước Trời là gì và ở đâu ?”, Thần Học có khi nói là Đức Kitô, có khi lại nói đó là Giáo Hội. Tuy hai lối giải thích có vẻ khác nhau nhưng tựu chung đều đưa đến một thứ Nước Trời Tục Hóa có nghĩa Đức Kitô đến không phải để rao giảng Tin Mừng nhưng là để xây dựng Nước Trời ở nơi cõi trần. Một khi Đức Kitô đến để xây dựng Nước Trời thì đương nhiên Nước Trời ấy không thể là Thiên Đàng !

Vậy “Nước Trời là gì và ở đâu ?” Thưa, có thể nói ngay rằng Nước Trời chính là Giáo Hội của Chúa Kitô ngay tại trần gian này. Vì nếu nói Nước trời là Thiên Đàng thì không đúng. Vì sao ? Thưa vì nếu nói Nước Trời là Thiên Đàng thì không thể có ba Dụ Ngôn kể ra dưới đây, hay nói cách khác rằng, nếu Nước Trời là Thiên Đàng thì Chúa Giêsu không dùng Dụ Ngôn mà giảng dạy. Điều này được dẫn chứng ngay là: “Nước Trời ví như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào lúa rồi đi mất.

Rõ ràng nếu Nước Trời là Thiên Đàng thì quỷ không thể vào được mà gieo điều xấu. Chúa Giêsu nói: Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. vậy theo đó, Nước Trời chính là Hội Thánh của Chúa Kitô ngay tại trần thế này, điều này không thể phủ nhận” ( Nguồn: Legio Mariae ĐBĐM, 17.7.2014 Phêrô Trần Đình Phan Tiến – Nước Trời ).

12

CÙNG PHÂN TÍCH

Trong cách hiểu có tính truyền thống của người Công Giáo Việt Nam thì Thiên Đàng luôn là một nơi chốn cụ thể và nơi chốn ấy là ở… trên trời ! ? ! Được lên Thiên Đàng có nghĩa là được… lên trời. Mừng kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là mừng Đức Mẹ được Thiên Chúa ban thưởng Nước Thiên Đàng. Đồng hóa

Thiên Đàng với cõi trời như thế chẳng những chẳng có gì sai, trái lại còn khiến Đức Tin của người Công Giáo chúng ta có được Đức Tin kiên vững hầu có thể vượt qua biết bao nguy khó của đường đời.

Thế nhưng, xét trên phương diện Thần Học thì sự đồng hóa ấy lại không thể chấp nhận. Lý do bởi vì Thiên Đàng khi được đồng hóa với cõi trời như một nơi chốn như thế lại hoàn toàn trái với Nước Trời mà Đức Kitô rao giảng. Thật vậy, Đức Kitô mỗi khi rao giảng về Nước Trời đều dùng Dụ Ngôn, hơn nữa Ngài chỉ dùng Dụ Ngôn: “Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán mọi điều ấy cùng quần

chúng. Ngoài dụ ngôn, Ngài chẳng phán gì cùng họ hầu được ứng nghiệm lời tiên tri nói rằng: Ta sẽ mở miệng mà nói dụ ngôn. Ta sẽ thốt ra những điều đã giấu kín từ buổi Sáng Thế” ( Mt 13, 34 – 35 ).

Sở dĩ Chúa chỉ dùng Dụ Ngôn để nói về điều giấu kín từ buổi Sáng Thế, bởi vì “điều giấu kín” ấy chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại. Nói đến Nước Trời, người ta ai cũng cho rằng đó là một thứ “Nước” tương tự như một thứ… quốc gia ở trên Trời. Thế nhưng với Chúa Giêsu thì Nước Trời hoàn toàn khác, bởi đó là Thực Tại Tâm: “Người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước Thiên Chúa không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia. Vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 – 21 ). “Đây này, đó kia” ám chỉ không gian và thời gian. Nước Trời không thể nói “đây này, đó kia” bởi vì nó siêu vượt cả không gian lẫn thời gian. Nước Trời siêu vượt không, thời gian ấy, mầu nhiệm thay, lại sẵn đủ ở nơi mỗi người, chỉ cần quay về là gặp.

Chúa rao giảng Nước Trời nhưng đó lại không phải là một thứ lãnh thổ hay quốc gia nào đó. Đối với quần chúng, điều ấy thật khó hiểu và cũng chính vì sự khó hiểu ấy nên sau mỗi lần rao giảng Tin Mừng, Chúa đều kết thúc bằng câu: “Ai có tai để nghe, hãy nghe”. Tai biết nghe ở đây là tai nghe vô phân biệt. Phải nghe bằng tâm vô phân biệt thì mới có thể nhận biết Nước Trời ở nơi chính mình, đồng thời cũng chỉ khi ấy mới thấy Nước Trời và Thiên Đàng tuy hai mà một tuy một mà hai. Nước Trời và Thiên Đàng là một bởi đó cùng là một Thực Tại Tâm. Còn là hai bởi vì Nước Trời cần phải đạt được ngay trong cõi sống này: Ở đây, lúc này ( Hic et Nunc ). Còn Thiên Đàng lại chỉ có thể đạt tới trong cuộc sống đời sau. Chính bởi Nước Trời cần đạt tới ngay trong cuộc sống thế nên Đức Kitô nói: “Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng Nước Thiên Chúa được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

Phải nỗ lực mà vào thì “vào” ở đây không thể có cách hiểu nào khác ngoài ra là vào trong Tâm của chính mình. Chúa nói luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết, có nghĩa đã đến lúc cần kết thúc Đạo Cũ ( Cựu Ước ) để bước sang Đạo Mới ( Tân Ước ). Sự kết thúc đây không có nghĩa hủy bỏ nhưng để kiện toàn và sự kiện toàn ấy đã được báo trước bởi Thánh Gioan Tiền Hô về Đấng Cứu Thế: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” ( Ga 1, 29 ). Cái tội mà Đấng Cứu Thế đến để xóa ấy là tội gì nếu không phải là Tội Nguyên Tổ ? Thực vậy chính vì Tội Nguyên Tổ ấy mà đã khiến cho cả loài người chịu án phải chết: “Cho nên như bởi một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết và như vậy sự chết đã lan khắp mọi người vì mọi người đều đã phạm tội” ( Rm 5, 12 ).

Cái chết do nguyên tổ đưa đến đó là tội gì ? Xin thưa tội ấy là tội phân biệt. Thiên Chúa phán: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết phân biệt thiện ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 ). Nguyên nhân sâu xa khiến Tội Nguyên Tổ đưa đến sự chết bởi đó là sự phân biệt Ta và Người. Nói cách khác, Tội Nguyên Tổ khiến cho thấy có một Cái Ta độc lập tự tánh là nguồn cội của ba thứ độc dữ: Tham Sân Si. Một khi đã thấy có Ta ( Ngã chấp ) thì không thể nhận ra mình là Hình Ảnh Thiên Chúa là Con Thiên Chúa nữa ( St 1, 26 ).

Đức Kitô xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời tất cả cũng không ngoài mục đích để cho con người nhận biết và sống với Bản Tính Con Thiên Chúa ở nơi mình. Có nhận ra như thế mới hiểu được Tin Mừng của Đức Kitô là một cái Tin khiến cho kẻ nghe có được sự Vui Mừng lớn lao. Có cái tin nào khiến cho ta có thể vui mừng lớn cho bằng biết được Nước Trời là nước vinh quang đời đời lại vốn hằng hữu ở trong ta như thế ? Chúa rao giảng Tin Mừng và Ngài cũng truyền dạy cả phương pháp để

13

cho ta có thể vào ( Ngộ Nhập ) được nơi đó: “Quả thật Ta nói cùng các ngươi hễ ai chẳng nhận lấy Nước Thiên Chúa như một con trẻ thì hẳn chẳng được vào đó” ( Lc 18, 17 ).

Nhận lấy Nước Trời như một con trẻ tức phải bỏ đi cái tâm phân biệt Ta – Người. Con trẻ ở đây ám chỉ cho cái tâm vô phân biệt ( Xích Tử Chi Tâm ). Tâm phân biệt khiến ta không thể nhận biết Nước Trời ở nơi mình. Có tâm phân biệt khi nào thì Nước Trời bị che lấp khi đó. Ngược lại, bỏ đi tâm phân biệt khi nào thì Nước Trời hiện thực khi ấy. Chính bởi cần bỏ đi tâm phân biệt để Nước Trời hiện thực nên Chúa mới truyền dạy: “Ta nói cùng các ngươi: hãy yêu kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi trên Trời bởi vì Ngài khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho kẻ công chính cùng kẻ bất chính” ( Mt 5, 44 – 45 ).

Với cái tâm hạn hẹp, khi nghe nói Cha ở trên Trời thì liền nghĩ hẳn Thiên Chúa phải ở tít trên trời cao. Tuy nhiên nếu hiểu như thế thì không bao giờ có thể nhận ra ý chỉ sâu xa của Đức Kitô về Thiên Chúa vô phân biệt, cho mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho kẻ công chính cùng kẻ bất chính. Chỉ với Đấng Thiên Chúa Vô Phân Biệt như thế mới có thể là Đấng Cha của muôn loài sinh linh vạn vật. Tôn giáo đích thật phải là con đường dẫn đưa nhân loại về với Đấng Cha qua trung gian duy nhất là Đức Giêsu Kitô: “Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

Chúa Giêsu Kitô là trung gian duy nhất đến với Đấng Cha. Thế nhưng để đi trên con đường trung gian ấy cũng có nhiều phương thế khác nhau. Với những ai có căn cơ đặc biệt được mạc khải ( Giác Ngộ ) thì Chúa chỉ thẳng ( Trực Chỉ ) về Chúa Cha: “Những điều ấy Ta đã nói cùng các ngươi bằng Dụ Ngôn. Giờ đến Ta chẳng còn nói cùng các ngươi bằng dụ ngôn nữa nhưng sẽ nói tỏ tường về Cha cho các ngươi” ( Ga 16, 25 ).

Chúa nói Dụ Ngôn khi rao giảng Nước Trời với quần chúng đám đông, còn với các môn đệ thì nói trực tiếp về Đấng Cha của Ngài và cũng là Cha của mỗi một người trong chúng ta. Mặc dầu Chúa chỉ nói bằng Dụ Ngôn cho đám đông nhưng không vì thế mà không cứu vớt họ. Trái lại, đây chính là đối tượng chủ yếu của Ơn Cứu Độ: “Ta muốn sự thương xót chứ không muốn hy tế. Vì Ta đến không phải để kêu gọi người công chính bèn là kẻ có tội” ( Mt 9, 13 ).

Kẻ có tội giống như người có bệnh cần được cứu chữa. Thế nhưng điều kiện trước hết để người bệnh được cứu là phải biết mình có bệnh, do đó tìm đến với thầy chữa bệnh. Ngược lại, có bệnh lại không cho là mình bệnh thì chẳng làm sao có thể chữa được. Người có tội được cứu đầu tiên và có tính điển hình nhất chính là kẻ trộm... lành: “Một trong hai phạm nhân đồng bị treo cũng nhạo báng Ngài rằng: Ngươi không phải là Đấng Kitô sao ? Hãy tự cứu mình ngươi và cứu chúng ta với. Nhưng tên kia trách nó rằng: “Ngươi cũng đồng chịu như vầy thật là công bình lắm. Vì ta chịu báo ứng xứng với việc ta làm. Nhưng người này chẳng hề làm điều gì trái cả”. Đoạn lại nói rằng: “Giêsu ôi ! Khi Ngài đến trong nước Ngài xin nhớ đến tôi cùng”. Ngài đáp cùng người ấy rằng: “Quả thật ta nói cùng ngươi, ngay hôm nay ngươi sẽ được ở cùng Ta trên Nước Thiên Đàng” ( Lc 23, 39 – 43 ).

Cái việc tên trộm cướp mà chúng ta quen gọi là kẻ trộm... lành ấy xin được cứu hoàn toàn không giống như tên trộm dữ ở chỗ một đàng tỏ ý sỉ nhục, “hãy tự cứu mình và cứu chúng ta với”, một đàng nhận biết mình xứng với tội lỗi đã làm. Dẫu vậy, nếu chỉ nhận mình có tội thì cũng chưa đủ để được cứu. Vấn đề thiết yếu trong đời sống tâm linh là phải xin. Có tìm mới gặp, có xin mới được. Người trộm lành trong lúc cấp thiết nguy tử nhất đã xin, và điều mà anh ta xin ấy không phải để được thoát khỏi cái chết kinh hoàng trong giờ khắc sắp đến, nhưng là cho được vào Nước của Chúa. Sở dĩ người này có được điều xin vô giá ấy vì anh có một niềm tin chắc chắn rằng người bị đóng đinh cùng với mình đây đã làm biết bao điều tốt lành cho người khác thì hẳn nhiên phải có được kết quả tương xứng là làm vua trong Cõi Trời vinh hiển.

Tôn giáo không phải Triết Học nhưng cũng chẳng phải mê tín dị đoan. Lấy Triết, lấy Thần Học để đem ra phê phán này nọ là chẳng hiểu biết gì về Đạo Chúa. Tại sao ? Bởi vì chủ trương rốt ráo của Đạo Chúa là tạo lập nhân lành tối thượng để hưởng quả lành tối thượng chứ không phải là để chứng minh Thiên Chúa thế này thế khác. Đức Kitô xuống thế rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đòi buộc: Ai nấy phải nỗ lực mà vào thì cái sự “vào” ấy là vào ( Ngộ Nhập ) với Bản Tánh Vô Phân Biệt ở nơi chính mình. Quay về ( vào ) với Bản Tánh Vô Phân Biệt và sống với Bản Tánh đó là nguyên lý cứu cánh của Đạo đồng thời đó cũng là mục đích tạo lập nhân lành cao cả nhất.

14

Chính bởi cứu cánh của Đạo là sống với Tâm Vô Phân biệt thế nên Đức Kitô mới truyền dạy chúng ta cần thực hiện đạo lý ấy trong việc làm cũng như cầu nguyện: “Khi các ngươi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm… Khi các ngươi cầu nguyện hãy vào phòng kín đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 2 – 6 ) v.v…

Nhân nào quả đó, hành động với Tâm Vô Phân Biệt là nhân lành tối thượng tất sẽ được hưởng quả lành tối thượng là Nước Thiên Đàng đời đời. Nước Thiên Đàng cũng là Sự Sống Đời Đời, là Chốn Nghỉ Ngơi, là cõi Lạc Viên mà Thánh Phaolô đang khi còn sống với thân xác đã được đưa lên: “Tôi biết thể nào người đó hoặc trong thân xác hoặc ngoài thân xác tôi cũng chẳng biết. Có Đức Chúa Trời biết đã được cất lên đến Lạc Viên, nghe những lời không thể nói mà người nào cũng không được phép nói ra” ( 2 Cr 12, 3 – 4 ).

Thiên Đàng rõ ràng là một nơi chốn chứ không phải chỉ là tình trạng lúc có lúc không, hoặc tệ hơn, lại còn phủ nhận nó, thì làm sao con người có thể tin được lời hứa của Đức Kitô với các Tông Đồ trước khi Ngài đi nộp mình chịu chết: “Ta đi

để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đi mà sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi thì Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta, hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó” ( Ga 14, 2 – 3 ).

Chúa nói Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ thì một chỗ đó chính là Nước Thiên Đàng vĩnh cửu đời đời. Có lòng tin vững chắc vào Thiên Đàng thì mới thiết tha ước nguyện về đó. Ngược lại, không tin thì không xin, mà đã không xin thì không cách chi có thể về nơi chốn đó được. Trong thời Tục Hóa cao độ này, lòng tin vào sự hiện hữu của Nước Thiên Đàng hầu như đã mất và cũng chính bởi thế mà con người tuy phải sống trong một thế giới chứa đầy đảo điên, điên đảo, nào là chiến tranh khủng bố khốc liệt, nào là dịch bệnh tràn lan không thuốc chữa, thiên tai đói kém triền miên, nhưng không hề có nơi bám víu nương tựa, bởi lẽ thời này là thời Đức Tin chân chính hầu như đã hoàn toàn biến mất.

Chúa Giêsu nói với những kẻ không có lòng tin: “Các con không tin ở cuộc sống vĩnh cửu ư ? Vậy các con hãy nói cho Cha xem các con đã sống hoàn toàn hạnh phúc nơi trần thế rồi ư ? Các con chẳng cảm thấy cần một cái gì mà các con không thể tìm gặp nơi cõi tạm này ư ?” ( Josefa Menandez ( 1890 – 1923 ) Thông Điệp của Trái Tim Chúa Giêsu gửi cho thế giới ).

PHÙNG VĂN HÓA

VĂN HÓA ƠN GỌIChắc hẳn nhiều người lớn Công Giáo còn nhớ về Giáo Xứ và trường học do các Linh Mục và Tu

Sĩ điều hành. Điều này không phổ biến ở Bắc Mỹ. Thanh thiếu niên Công Giáo lớn lên ít có kinh nghiệm hoặc không có kinh nghiệm như người tu trì ( Linh Mục hoặc Tu Sĩ ). Ngày nay, thách đố của chúng ta là tạo một văn hóa ơn gọi tại gia đình, Nhà Thờ và trường học để ĐỘNG VIÊN và GIÚP ĐỠ thanh thiếu niên đáp lại tiếng Chúa gọi. Ngoài việc nuôi dưỡng đời sống hôn nhân và đời sống độc thân, các gia đình và các giáo xứ làm sao nuôi dưỡng ơn gọi làm Linh Mục và Tu Sĩ ?

HỌ Ở ĐÂU ?

Có nhiều lý do để giao tiếp với các Tu Sĩ và Linh Mục, nhưng ngày nay có vẻ ít có cơ hội. Ơn gọi tu trì giảm sút ở nhiều nơi. Thập niên 1960, sau Công Đồng Vatican II, Giáo Hội đã có kinh nghiệm về sự canh tân. Sau đó, Giáo Dân được “chú ý” hơn và có thể là người lãnh đạo ở các trường học, bệnh viện và Giáo Xứ, cũng có nhiều Tu Sĩ biết dấn thân hơn trong việc phục vụ người nghèo, người bệnh, và người già.

Ngày nay, ơn gọi thiếu, có thể có nhiều lý do. Ngoài ba lời khấn ( vâng lời, nghèo khó, khiết tịnh ), có Dòng Tu còn thêm các lời khấn khác, đồng thời còn phải biết lắng nghe lời mời gọi phục vụ vô điều kiện. Nhiều Tu Sĩ nói rằng họ có thể đi tới bất cứ nơi nào theo nhu cầu và vâng lời bề trên, có thể làm mọi thứ vì yêu mến Đức Kitô. Ngày nay, mặc dù ơn gọi giảm sút, nhưng vẫn có những người theo tiếng gọi của Chúa Giêsu để sống lời khuyên Phúc Âm mà phục vụ những người đau khổ: vô gia cư, trẻ em mồ côi, bệnh nhân HIV/AIDS, phong cùi... Sự tự nguyện của họ nâng đỡ những người nghèo khổ nhất, vì Đức Ái Kitô giáo: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” ( 2 Cr 5, 14 ).

15

LÝ DO

Xuyên suốt lịch sử Giáo Hội, số Linh Mục và Tu Sĩ vẫn tăng dù có những lúc giảm sút. Những năm trước Công Đồng Vatican II là “thời hoàng kim” về ơn gọi. Trong mọi thời, luôn có những người cảm nghiệm lời mời gọi của Thiên Chúa và quảng đại đáp lại.

Đặc tính nào cần có đối với các Linh Mục và Tu Sĩ ? Ai có thể sống theo các lời khuyên Phúc Âm ? Họ cần có sức khỏe tốt về thể lý và tâm thần để phục vụ và trung thành với Đức Kitô. Lời hứa là khả năng giữ các giá trị như sống độc thân, sống giản dị và sẵn sàng hy sinh vì mục đích chung. Linh Mục và Tu Sĩ ngày nay cần linh động để thích nghi với những cách thay đổi của Giáo Hội và thời đại.

Cuối cùng, những người theo tiếng gọi làm Linh Mục, làm Phó Tế vĩnh viễn hoặc làm Tu Sĩ cần vượt qua những động thái tiêu cực bởi các vụ "bê bối" trong Giáo Hội, những điều ảnh hưởng xấu tới ơn gọi. Có thể họ thiếu kinh nghiệm về việc sự khuyến khích của cha mẹ, gia đình và cộng đồng – kể cả các Linh Mục và Tu Sĩ.

NHẬN THỨC

Nghiên cứu cho thấy rằng cần phải gieo trồng và vun xới “hạt giống ơn gọi tu trì”. Nhận thức ơn gọi cần phải là phần căn tính của việc đào tạo Đức Tin cho giới trẻ ở bất cứ nơi nào. Sự ảnh hưởng quan trọng đối với việc thể hiện Đức Tin của giới trẻ phải khởi đầu từ cha mẹ. Từ việc chọn trường tới việc chọn nghề, sự ảnh hưởng của cha mẹ là chủ yếu. Thái độ của cha mẹ đối với ơn gọi tu trì như màn hình theo dõi, có thể xác định cách chọn lựa của giới trẻ. Nhận thức vấn đề là một

quá trình tiệm tiến. Những người hướng dẫn ơn gọi phải cung cấp thông tin tổng quát giúp giới trẻ lắng nghe và đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, ngay cả khi chúng được mời gọi theo hướng khác.

Chúng ta hãy nói về việc đào tạo ở Chủng Viện và Dòng Tu. Sự nhận thức tiếp tục trong vài năm trước khi được truyền chức Linh Mục hoặc khấn trọng ( vĩnh thệ ). Sự nhận thức đúng đắn giúp giới trẻ không lo sợ khi quyết định – dù đúng hay sai. Khi đi tu, vẫn có sự lo lắng tự nhiên của con người. Chúng ta cũng nên thoải mái với những người “ta-ru” ( tu ra ), gọi là tu xuất. Người ta vẫn có cái nhìn khắt khe với họ khiến họ khó vươn lên.

VĂN HÓA ƠN GỌI

Thế nào là “văn hóa ơn gọi” trong Giáo Xứ ? Làm sao tiếp nhận giới trẻ ? Có những “vật cản” làm nản lòng giới trẻ khi khám phá ơn gọi tu trì ? Cần đào tạo thế nào để giáo dục giới trẻ ? Đặt ra vấn đề này ở Giáo Xứ là điều đúng. Đây là niềm hy vọng đối với ơn gọi tu trì. Nhu cầu càng ngày càng nhiều, và Thiên Chúa vẫn luôn mời gọi mọi người mở rộng lòng đáp lại để có thể trở thành Linh Mục và Tu Sĩ.

Giáo Hội cần các bậc cha mẹ, các giáo dục viên, và mọi người cùng cộng tác, cùng khuyến khích giới trẻ dấn than vì Đức Kitô bằng cách trở nên Linh Mục, phó tế vĩnh viễn, và Tu Sĩ.

Cậu bé Samuel là tấm gương để chúng ta noi theo, vì cậu đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa gọi trong đêm khuya: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” ( 1 Sm 3, 10; x. Dt 10, 7 và 9 ).

TRẦM THIÊN THU, chuyển ngữ từ OblateVocations.com

PHONG CÁCH PHANXICÔBài 18. Cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng

Lúc lên năm sáu tuổi tôi thường hát to vào các buổi Chầu Thánh Thể: "Này con là Đá ! Trên viên đá này Cha xây Giáo Hội muôn đời kiên trung ! Này con là Đá ! Xatan sức hùng mưu ma vẫy vùng không hề chuyển rung. Ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng Gioan. Chúa gìn giữ người, tăng gấp sinh lực và ban cho người đời này hạnh phúc. Đừng trao người cho ác tâm quân thù, đừng trao người cho ác tâm quân thù."

Lớn lên có thêm một tí trí khôn, ngẫm đi nghĩ lại thì lại bàng hoàng nhận ra khẳng định Giáo Hội muôn đời kiên trung và không hề chuyển rung cũng như xin cho Đức Giáo Hoàng đời này hạnh phúc có

16

CÙNG NHẬN ĐỊNH

lẽ không hoàn toàn đúng. Chúa Giêsu Khổ Nạn-Phục Sinh luôn ở cùng Giáo Hội nhưng vì tôn trọng tự do và quyền quyết định của các Tín Hữu, sự có mặt của Người chìm khuất và sâu lắng đến độ ta thường tưởng rằng Người đang ngủ quên. Hiện trạng muôn đời của Giáo Hội luôn là:

Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi !” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao ?” ( Mc 4, 35 – 38 ).

Giáo Hội luôn như một con thuyền chòng chành trên biển cả vì sóng to gió lớn. Cuồng phong chưa hẳn là các thế lực ngoại giáo vô thần muốn tiêu diệt ta cho bằng chính những sai lệch của chính ta đi ra khỏi con đường của Chúa. Giữ đạo hình thức, sống xa hoa, lạm dụng tình dục trẻ em, đi đêm với quyền lực đen tối, rao giảng về một Đức Kitô thiếu bóng thập giá… chính là những cuồng phong lớn nhất. Trong khi tưởng rằng Chúa đang ngủ thì thật ra chính ta mới đang ngủ quên.

Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: “Simon, anh ngủ à ? Anh không thức nổi một giờ sao ? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.” Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người. Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao ? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi” ( Mc 14, 37 – 41 ).

Ta phải cầu xin ra sao cho Đức Giáo Hoàng ? Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa ( x. Ga 21, 15 – 19 ).

Như thế, cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng là cầu xin cho ngài có lòng yêu mến Chúa Giêsu mãnh liệt hơn hẳn các người khác. Chỉ lòng yêu mến mới giúp ngài chăm sóc đàn chiên của Chúa Giêsu được tốt đẹp, rồi các ngài còn phải đổ máu ra ( như Thánh Gioan-Phaolô II đã bị bắn vào người ). Ý cầu nguyện này có thể áp dụng cho mọi thành phần Dân Chúa. Ai cũng cần có lòng yêu mến Chúa Giêsu, đó là nền tảng duy nhất cho mọi việc ta làm, và có khi ta còn cần phải tôn vinh Thiên Chúa bằng chính mạng sống ta như các Kitô Hữu tại Iraq trong mùa hè 2014.

Chúa Giêsu đã là người đầu tiên tha thiết cầu nguyện cho Phêrô. Rồi Chúa nói: “Simôn, Simôn ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” ( Lc 22, 31 – 32 ).

Trong các Thánh Lễ hàng ngày, lời cầu nguyện cho Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng luôn được kính cẩn dâng lên trước tiên trong Lời Nguyện Thánh Thể.

Việt Ngữ Anh Ý Tây Ban Nha Latin

Lạy Chúa, xin nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, để kiện toàn Hội Thánh trong đức mến, cùng với Đức Giáo Hoàng... Đức Giám Mục... chúng con, và toàn thể hàng giáo sĩ.

Remember, Lord, your Church, spread throughout the world, and bring her to the fullness of charity,

together with N. our Pope and N. our Bishop and all the clergy.

Ricordati, Padre, della tua Chiesa diffusa su tutta la terra: rendila perfetta nell'amore

in unione con il nostro Papa N.,

il nostro Vescovo N.,

e tutto l'ordine sacerdotale.

Acuérdate, Señor, de tu Iglesia extendida por toda la tierra; y con el Papa N., con nuestro Obispo N. y todos los pastores que cuidan de tu pueblo, llévala a su perfección por la caridad

in primis, quæ tibi offérimus pro Ecclésia tua sancta cathólica: quam pacificáre, custodíre, adunáre et régere dignéris toto orbe terrárum: una cum fámutuo Papa nostro et Antístite nostro N. et ómnibus orthodóxis atque cathólicæ et apostólicæ fídei cultóribus.

17

Bách Khoa Tự Điển Wikipedia nhận định từ Giáo Hoàng của người Việt Nam ( rập khuôn từ

tiếng Hoa 教皇 Jiàohuáng ) là không chính xác.

( Trích ) Chữ “pope” trong tiếng Anh xuất phát từ chữ “papa” trong tiếng Latin. Tuy nhiên, đây là từ Hy Lạp cổ, dùng để chỉ người cha trong gia đình. Ban đầu, “papa” để gọi các vị Giám mục, Linh Mục trong Giáo Hội, thể hiện sự tôn trọng, kính cẩn. Ngày nay, Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, Chính Thống Nga và Serbia vẫn dùng cách gọi như thế, tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo Rôma chỉ sử dụng từ ngữ này dành cho vị Giám mục Rôma. Giáo hoàng Grêgôriô VII ( 1073 – 1085 ) là người đã quy định giới hạn dùng từ “papa”. “Giáo hoàng” trong tiếng Việt thực ra không dịch sát từ gốc Latinh, nó được dịch theo cảm tính đối với vị lãnh đạo tinh thần đáng kính. "Giáo" nghĩa là Giáo Hội, "hoàng"

nghĩa là ông vua, người lãnh đạo Giáo Hội. Thông thường, các giáo dân Công Giáo Việt Nam hay sử dụng danh xưng Đức Giáo hoàng và Đức Thánh Cha để tôn kính Giáo hoàng. Trước thế kỷ 20 tự điển tiếng Việt còn dùng "Đức Giáo Tông"' và "Đại phụ Thánh hội tông" để chỉ ngôi vị Giáo hoàng.

( Nguồn http://vi.wikipedia.org/wiki/Giáo_hoàng )

Vào lúc trang trọng nhất trong mọi Thánh Lễ dâng lên hàng ngày trên khắp thế giới, Nhà Thờ Toàn Cầu vẫn chỉ dùng một từ là Nhà Thờ để cầu cho chính mình. Nhà Thờ tức là Thánh Điện của Chúa Giêsu, Đấng Tử Nạn và Phục Sinh.

"Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí" ( Ep 2, 19 – 22 )

Người là thân cây nho và ta đều là những cành nho ( x. Ga 15, 4 ). Chúa Giêsu là đầu và mọi Tín Hữu đều là chi thể ( x. Rm 15, 5 ). Thân Thể Chúa Giêsu đâu có phải là một cái hội mà ta cứ quen gọi

một cách máy móc bắt chước theo tiếng Hoa ( 教會Jiàohuì ) là Giáo Hội.

Cũng trong Thánh Lễ trên khắp thế giới, vị Đại Diện Chúa Kitô luôn được gọi là Papa, từ thân thương mà vẫn tôn kính chứ không phải là Đức Giáo Hoàng hay Đức Thánh Cha theo cách Việt Nam.

Người Việt vẫn luôn dùng Ma Soeur để gọi các Nữ Tu. Từ gốc Pháp chỉ có nghĩa là “người chị em của tôi. Ma Soeur vẫn hay hơn các từ Việt hóa như Bà Sơ, Bà Dòng, Bà Mụ, Dì Phước, Tiểu Muội.

"Em hiền như Ma Soeur, vết thương ta bốn mùaTrái tim ta bệnh hoạn, em yêu này em yêu..Ta nhờ em ru ta, hãy ru tên vô đạo,Hãy ru tên khờ khạo, em yêu này em yêu..." ( Nguyễn Tất Nhiên – Phạm Duy )

Phật Giáo cũng có khó khăn khi cố gắng Việt hóa về các từ ngữ.

( Trích ) Ở Việt Nam từ Ni Cô thường dùng cho người phụ nữ xuất gia. Ở Ấn Độ, người ta dùng chữ ni để chỉ phụ nữ, với ý tứ tôn kính, chứ không dùng chữ ni để chỉ riêng người phụ nữ xuất gia. Trong Phật Giáo, phụ nữ mới xuất gia gọi là “Sadini” xuất gia lâu năm, thụ giới tỳ kheo ni, gọi là Tỳ kheo ni. Dân Trung Quốc, người con gái chưa lấy chồng gọi là cô, vì vậy gọi Sadini và Tỳ kheo ni là ni cô, gọi như vậy cũng không có gì là coi thường. Vì vậy mà trong sách Truyền Đăng Lục, các bậc đạo đức gọi các sư cô là ni cô.

Thế nhưng, từ khi ông Đào Tôn Nghi, đời nhà Minh viết cuốn Huế Canh Lục xếp ni cô vào hàng “Tam cô lục bà” thì từ ni cô mới có ý tứ khinh miệt. Do đó, thời gian gần đây, ni chúng không muốn người tại gia gọi họ là ni cô. Dựa vào chữ Phạn, ni nghĩa là nữ. Nếu thêm chữ cô nữa, thành ra nữ cô. Theo văn mà hiểu nghĩa thì dùng từ như vậy là không thông rồi. Nữ là phân biệt với nam. Có nữ cô thì phải có nam cô chăng ? Đã dùng chữ cô thì phải có đối từ, như gọi nữ đạo sĩ là nữ đạo cô; tỳ kheo ni gọi là Phật cô; Nữ Tu Sĩ của đạo Gia Tô cũng nên gọi là Gia cô nếu không thì xem nặng bên này, xem

18

nhẹ bên kia là không phải. ( Nguồn http://kienthuc.net.vn/hoc/hieu-hoa-thuong-ni-co-cu-si-the-nao-moi-dung-185575.html )

Tôi vẫn thích gọi các Tu Sĩ La Salle ( Fratres Scholarum Christianarum, F.S.C ) là Frères. Tiếng Pháp có nghĩa là người anh em. Hiện nay nhiều người vẫn gọi như thế. Nếu đổi thành Tu Huynh, Sư Huynh, Thầy Dòng thì lại làm mất đi rất nhiều tinh thần La Salle.

Tại sao ta không dám hội nhập với Nhà Thờ Toàn Cầu để gọi các vị Đại Diện Chúa Kitô là Papa ? Ai có thể cấm cản ta ?

Thánh Phanxicô Assisi được đa số nhân loại thuộc bất kỳ tín ngưỡng nào nhìn nhận là vị Thánh Công Giáo đã phản ánh một cách trung thực nhất khuôn mặt của Chúa Giêsu. Đâu là đặc điểm nổi bật nhất của anh. Cuộc đời và con đường Phanxicô nếu được cô đọng lại nơi một từ duy nhất là NGHÈO. Chúa Giêsu đã ban cho anh cái nghèo của chính Người. Đó là sự vĩ đại nhất của Chúa Giêsu. Người được sinh ra nơi một chuồng súc vật, sống đời không có một hòn đá gối đầu, chết ô nhục trần truồng trên thập giá. Các Kitô Hữu tiên khởi trong 300 năm đầu tiên cũng giống như Người, họ thuộc tầng lớp bần cùng khốn khổ nhất của xã hội, nghèo đói, thất học, sống đời lang bạt kỳ hồ, du thử du thực, thường xuyên bị ngược đãi, bách bớ, giết chóc, họ không hề xây lên một Đền Thờ nào cả. Đại biểu nổi bật của họ là Phaolô.

Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi ! … gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng ( x. 2 Cr 24 – 27 ).

Đến thế kỷ 13, thời đại của Phanxicô, Nhà Thờ trở thành một thế lực giầu có và hùng mạnh nhất ở Âu Châu, xây dựng lên vô vàn vô số Đền Thánh huy hoàng lộng lẫy, các Tu Viện bề thế, hàng Giáo Sĩ là thành phần học thức nhất trong xã hội, sống trong nhung lụa, triền miên dính líu vào chính trị và các cuộc chiến tranh dành quyền lực, tổ chức các Pháp đình tôn giáo để xử tử những thành phần bị cho là lạc đạo, các sinh hoạt trong đạo mang nặng hình thức, ân xá được treo giá để mua bán.

Phanxicô phục hồi và trả lại thân phận nghèo của Đức Kitô bằng chính lối sống nghèo đến mức tận cùng của anh. Anh thích nhận mình là kẻ dốt nát, chất phát và vô học ( THD 39; Dc19 ). Có những bí nhiệm của Thiên Chúa mà Thánh Phanxicô đã am tường; tuy vô học, Ngài đã được ơn thông hiểu cao minh ( x. 2 Cel 7 ). Phanxicô thường phải đọc cho các anh em khác viết các tư tưởng của anh vì anh thường viết sai tiếng Latin và viết một cách rất khó nhọc.

( Trích ) Nguyện ước cuối cùng viết cho chị Clara. Tôi, Tu Sĩ Phanxicô hèn mọn, tôi muốn bước theo Đức Giêsu Kitô là Chúa chí tôn, và Thánh mẫu Người bằng cách sống nghèo khó và muốn bền vững trong lối sống ấy cho đến cùng. Tôi xin chị em là các Bà chúa của tôi và khuyên chị em hãy luôn luôn giữ lấy lối sống nghèo khó rất thánh thiện ấy. Chị em hãy coi chừng, đừng để ai dạy bảo hay khuyến khích chị em vĩnh viễn xa rời lối sống ấy bằng cách này hay cách khác ( Ultima voluntas scripta s. Clarae, x. Opuscula, tr. 318 ).

Nơi Papa Phanxicô hiện nay, toàn thể Dân Chúa cũng như người bên ngoài được vô cùng thích thú và thán phục trước phong

cách nghèo của vị Đại Diện Chúa Kitô theo gương Thánh Phanxicô. Do đó, bài hát Cầu cho Giáo Hoàng ( cũng là cho tất cả mọi người khác ) có thể là:

Này con là Đá ! Trên viên đá này Cha xây Thánh Điện muôn đời kiên trung !Này con là Đá ! Satan sức hùng mưu ma vẫy vùng không hề chuyển rung. Ta hãy nguyện xin cho Papa PhanxicôChúa gìn giữ người, tăng gấp sinh lực và ban cho người đời này nghèo khó. Đừng trao người cho ác tâm quân thù, đừng trao người cho các tâm quân thù.

NGUYỄN TRUNG, 21.8.2014 ( Còn tiếp nhiều kỳ )

19

MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI SỐNG Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 17.9.1999, một

trong những trận động đất kinh hoàng nhất đã xảy ra trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Nó đã san bằng hàng trăm công trình kiến trúc và làm thiệt mạng hàng ngàn người. Khi động đất xảy ra, một kế toán viên 40 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ là Yuksel Er vừa mới đi ra từ phòng vệ sinh ở lầu ba trong khu chung cư sáu tầng lầu.

Bỗng dưng, mọi thứ bắt đầu quay cuồng. Chính ông cũng lảo đảo và bị rơi vào dòng thác cuốn của đồ vật. Trong 45 giây tiếp đó tai ông như điếc vì tiếng động mạnh. Và rồi, bỗng dưng mọi sự im lặng một cách ghê sợ.

Khi Yuksel tỉnh dậy, ông thấy mình bị kẹt dưới đống gạch vụn trong một vùng thật tối. Trong khoảng cách nhỏ bé đó, ông không thể nào cựa quậy được, chỉ có thể nằm yên ở đó. Trên mình ông và chung quanh ông là những vụn vỡ của tòa chung cư sáu tầng lầu. Lúc đầu ông tưởng là tận thế. Nhưng khi nghe thấy tiếng rên rỉ ở xa xa, ông biết là một điều gì khác đã xảy ra.

Trong bốn ngày liền, ông không ăn uống gì. Ông dùng thời giờ để cầu nguyện, suy nghĩ về đời sống và tự hỏi đời sống sau khi chết sẽ như thế nào. Lúc đầu, ông còn la lớn kêu cứu. Nhưng thấy vô ích ông im lặng dưỡng sức. Ông bắt đầu nhớ đến gia đình, và nhất là đứa con trai 13 tuổi mà ông vừa mới la rầy nó chỉ vài giờ trước trận động đất – vì nó cứ dành máy computer của gia đình để chơi "game".

Sau đó vào ngày thứ tư, khoảng một giờ sáng, ông nghe có tiếng gọi quen thuộc. Chỉ trong vài phút, ông nhận ra tiếng của đứa cháu và thằng con 13 tuổi. Chúng đào xới đống vụn để lôi ông lên. Khi đứa con trai lôi được ông ra khỏi đống gạch vụn, điều đầu tiên nó nói là: "Bố ơi, con sẽ không bao giờ làm bố giận nữa". Ông Yuksel trả lời: "Bây giờ thì chuyện ấy không còn quan trọng nữa, con ơi, vì bây giờ mọi sự đều đã khác trước đây !" ( Ảnh chụp ông Yuksel và con trai ).

Sau này, khi ở trong bệnh viện, Yuksel nói với gia đình và bạn hữu: "Đây là cuộc đời thứ hai của tôi. Tôi sẽ cố gắng tận dụng cuộc đời ấy." Và rồi ông khóc, khóc y đứa bé khóc lúc mới lọt lòng mẹ. Trước trận động đất, Yuksel sống với những ưu tiên và mục đích, không khác gì những ưu tiên và mục đích của chúng ta. Sau cảm nghiệm ấy, các ưu tiên và mục đích của ông thay đổi cách đáng kể.

Điều này đưa chúng ta đến lời Chúa Giêsu bảo: "Nếu ai trong các con muốn đến với Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá của con và theo Thầy." Ở đó chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ về sự ngu dại khi giành được thế gian nhưng đánh mất điều quan trọng nhất trong tất cả: là sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Sau cùng, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu nói: "Con Người sẽ thưởng cho họ tùy theo hành động của họ."

Hãy trở về với câu chuyện của Yuksel. Khởi đầu tưởng rằng là một thập giá nặng nề, nhưng sau cùng lại là một phước lành lớn lao. Nó đã dạy cho ông và thúc giục ông sống thời gian còn lại theo một phương cách xứng hợp với Chúa, và với suy nghĩ của Thiên Chúa chứ không phải của Satan.

Cũng giống như trận động đất đã thay đổi cuộc đời ông Yuksel, bài Phúc Âm hôm nay cũng nhắm đến một kết quả tương tự cho chúng ta – tối thiểu cho một số người trong chúng ta. Có lẽ, như Phêrô, lối suy nghĩ về đời sống của chúng ta trở nên nguy hiểm hơn và càng giống với kiểu cách suy nghĩ của Xatan hơn là của Thiên Chúa.

Có lẽ, giống như Phêrô, chúng ta đang mất dần ý nghĩa của đời sống. Một đời sống không hoàn toàn vì vui thú và không muốn tránh càng nhiều thập giá càng tốt. Đúng ra, đó là một đời sống để được phần thưởng là sự sống đời đời. Đó là lối sống trong những năm còn lại của chúng ta ở đời này để giúp chúng ta gặt được phần thưởng là sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Rõ rệt hơn nữa là vác thập giá hằng ngày của chúng ta và chấp nhận các thập giá ấy trong tinh thần mà Chúa Giêu đã chấp nhận thập giá của Người.

20

CÙNG NGHIỆM SINH

Và đây là phần đáng kể. Một khi chúng ta bắt đầu sống như Chúa Giêsu đã dạy, chúng ta sẽ khám phá ra điều mà Yuksel đã tìm thấy. Nó sẽ thay đổi mọi sự, và bỗng dưng, điều tưởng như một thập giá to lớn lại trở nên một ơn sủng lớn lao trong đời này và đời sau.

Hãy kết thúc với câu chuyện để nói lên điều chúng ta muốn nói:

Một vài năm trước đây, Gene Stallings đã huấn luyện đội banh trường đại học Alabama để thắng được 22 trận và được coi là trường đứng hạng hai về "football". Nhưng không phải biến cố này, mà là một biến cố khác, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời của ông. Đó là việc sinh hạ đứa con trai, Johnny. Khi bác sĩ nói với ông Stallings rằng Johnny sẽ bị hội chứng Down ( chậm phát triển ) và có lẽ không sống lâu hơn bốn năm, ông đã ngất xỉu.

Ba mươi năm sau, Johnny vẫn còn sống. Nói về ảnh hưởng của Johnny trong cuộc đời, ông Stallings cho biết: "Cháu rất đặc biệt ! Tất cả sự yêu thương của cháu thì vô điều kiện. Cháu không đạt thành tích gì. Cháu hoàn toàn vị tha." Trong rất nhiều dịp, ông Stallings tuyên bố rằng cho dù có thể đảo ngược mọi sự và bắt đầu lại với một đứa con không bị bệnh Down thì ông cũng không muốn như vậy. Ông nói, "Tôi cảm nhận được rất nhiều ơn lành."

Điều mà ông Stallings nghĩ rằng sẽ là một thập giá lớn lao trong đời thì lại trở nên một ơn sủng lớn lao – cả ở đời này và ngay cả ở đời sau.

Đây là Tin Mừng khi chúng ta vác thập giá của mình và theo Chúa Giêsu, có thể thay đổi cuộc đời chúng ta. Nhưng nó sẽ đem lại một bình an và phước lành mà chưa bao giờ chúng ta tưởng tượng ra hay hy vọng tới – và ngay cả dám mơ tưởng đến.

Lm. MARK LINK, Dòng Tên

ĐẠI HỌC KHÔNG PHẢI LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT TỐT ĐẸP

Mỗi năm đến mùa thi đại học tại Việt Nam là có nhiều cảnh nhiễu nhương như theo ( Dân Trí ) - Thí sinh có 2 giấy báo dự thi giả, trốn trong nhà vệ sinh; lỡ cả kỳ thi vì đi muộn; thí sinh gặp rắc rối vì có... hai tên; tẩy nốt ruồi để dự thi vào Học Viện An ninh Nhân Dân… là những sự cố hi hữu trong 2 đợt thi đại học vừa qua ( 2014 ).

Trúng tuyển đại học hay không có thể thay đổi cả hướng đi của một người. Nếu trúng tuyển, thanh niên ở những miền quê hẻo lánh có thể đổi đời, không còn phải tiếp tục công việc đồng áng nặng nề thu nhập thấp, bước vào giảng đường đại học ở thành phố học một ngành nghề chuyên môn, tìm được việc làm có lương bổng cao, có cơ hội giao lưu với nhiều thành phần ưu tú, lập gia đình và ở lại thành phố. Các bạn sống tại thành phố mà không trúng tuyển thì lại phải ru rú ở nhà với cha mẹ, không biết làm gì cho hết thời gian nhàn rỗi buồn chán, dễ gì mà tìm được việc làm.

Thực tế rất đáng buồn là không phải ai đi thi đại học cũng trúng tuyển và không phải hễ tốt nghiệp là có việc làm như ý. Những ngành dễ kiếm việc như Nha Y Dược Kinh Tế Kỹ Thuật có tỷ lệ trúng tuyển rất thấp. Thí dụ, tỷ lệ chọi ở đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, khoa xét nghiệm là 1/50.

( Trích ) Dạo một vòng chợ đêm, rất dễ bắt gặp nhiều tân cử nhân đang bán đủ các mặt hàng ở đây, từ quần áo, giày dép đến các đồ phụ kiện máy tính xách tay, đồ điện tử… Có người làm công việc này vì không thích chuyên ngành mình được đào tạo, có người vì chưa xin được việc làm.

Tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Công Nghệ Thủ Đức, nhưng đã hai năm nay Nguyễn Thu Thảo vẫn chưa tìm được một việc làm vừa ý, thất vọng với hành trình tìm việc, Thảo đành góp tiền cùng với bạn mở một gian hàng bán dép ở chợ đêm. Bản thân muốn làm đúng với chuyên ngành đã học nhưng vì xin việc nhiều lần vẫn chưa được nơi ưng ý,

21

CÙNG BÌNH LUẬN

chỗ tuyển thì lương quá thấp nên quyết định đi bán hàng được Thảo xem là lựa chọn duy nhất. “Mình không thể cứ bám víu vào gia đình nữa nên quyết định làm việc này. Việc này có thể giúp mình nuôi sống bản thân, thậm chí dư dả chút ít gửi về cho gia đình” – Thảo tâm sự.

Khuôn mặt dễ thương, nụ cười hiền lành dễ gây thiện cảm đã khiến Nguyễn Thanh Hưng được lòng các khách hàng sinh viên. Chàng cử nhân bán dụng cụ ốp lưng điện thoại, kiêm luôn thợ dán màn hình điện thoại đã gắn bó với chợ đêm từ khi còn là sinh viên và vẫn tiếp tục công việc này cho đến giờ. Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên ở Sàigòn nhưng Hưng vẫn quyết định bám trụ với công việc buôn bán đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Lý giải về việc này Hưng tâm sự: “Mình đã đi xin việc nhiều công ty nhưng mức lương không như mong muốn. Vì vậy, mình vẫn tiếp tục công việc này vì nó mang lại cho mình thu nhập ổn định hơn, thời gian ban ngày mình có thể dành để làm nhiều việc khác nữa”. Hưng cũng cho biết nhiều bạn bè của mình ra trường cũng đang thất nghiệp, tuy nhiên nhiều người không có đủ vốn để mở gian hàng nên đành làm những công việc trái ngành với mức lương vô cùng thấp. ( Nguồn: http://dubaonhanluchcmc.gov.vn/print.aspx ?type=content & id=6818 )

Những năm gần đây có một lối thoát mới rất đáng mơ ước cho một số bạn trẻ là đi du học tại những nước tiên tiến đặc biệt là Hoa Kỳ. Bất chấp phí tổn vô cùng lớn chỉ cho một năm như:

Học phí: 22,500USD/năm ( 30 – 34 tín chỉ, tùy theo ngành học )Ký túc xá: 9,257 USDTiền ăn: 3,600 USDBảo hiểm: 1,500 USDHọc phí tiếng Anh: 5,500 USD/1 HKỳ/14 tuần

Nhiều gia đình vẫn làm hết mọi cách mong cho con sau đó tìm được việc làm và định cư tại Hoa Kỳ. Thực tế cũng không phải là như thế theo bài viết dưới đây. Con số 33,655 tiến sĩ Mỹ phải sống nhờ trợ cấp ( foodstamp ) có đáng cho ta suy nghĩ không ?

Ông Charles Murray, thành viên American Enterprise Institute, nói: “Rất nhiều sinh viên thực ra không nên đi học đại học,” và ông khuyên “nên học những trường dạy nghề để học cách làm việc thực tế.”

NGUYỄN TRUNG

TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC, TÂN CỬ NHÂN GIAN NAN TÌM VIỆC Kế hoạch “học đại học bốn năm – ra trường – rồi đi làm” của hàng triệu sinh viên có thể không

đơn giản như họ nghĩ. Sau những năm học hành trên giảng đường đại học, ngày càng có nhiều thanh niên chấp nhận những công việc không liên quan gì đến ngành học. Từ giữ trẻ đến lao công hay sửa điện, số tân cử nhân cho biết “làm gì cũng được miễn đủ sống” ngày một tăng.

Gian nan tìm việc

Trên những trang mạng tuyển nhân viên hoặc tìm việc làm, các nhà tuyển dụng có thể dễ dàng đọc được những hồ sơ lý lịch sau: “Tôi mới tốt nghiệp UC Santa Cruz, tìm việc làm toàn thời gian, việc gì cũng được,” hay: “Tôi mới tốt nghiệp từ CSU Fullerton với bằng cử nhân về Theater Education. Tôi làm việc gì cũng được, nhưng hy vọng rằng lương đủ sống”, hoặc “Tôi có bằng cử nhân về Life Science nhưng tôi có thể nhận việc trong bất kỳ lĩnh vực nào...”

Và thậm chí là những phần tự giới thiệu không ngại than thở, như: “Quý vị từng là một sinh viên mới ra trường và không ai tin tưởng quý vị. Nay xin hãy cho tôi một cơ hội để tôi chứng minh rằng tôi làm được việc,” hay “Tôi từng lái xe hai giờ đồng hồ để đi phỏng vấn nhưng bao nhiêu lần vẫn không có kết quả. Xin hãy cho tôi biết tôi phải làm sao để qua được vòng sơ tuyển...”

Họ, những người vừa ra trường với tấm bằng cử nhân, thuộc những ngành khác nhau, từ những đại học lớn nhỏ với học phí hàng chục ngàn mỗi năm, nay cho biết là chấp nhận làm bất kỳ việc gì “miễn đủ sống.” Trong hơn hai triệu sinh viên Mỹ mới tốt nghiệp đầu năm nay, số người đang phải gian nan tìm việc là không nhỏ.

22

Việc làm trái ngành học

Từ trước đến nay, việc học đại học một ngành nào đó rồi ra đi làm cho một ngành hoàn toàn khác không có gì lạ. Tuy nhiên, hiện tượng này ngày càng phổ biến và đi theo chiều hướng đáng lo ngại.

Theo Bộ Lao Động Hoa Kỳ, hiện có khoảng 17 triệu người làm những việc yêu cầu trình độ thấp hơn trình độ thực sự của họ. Cụ thể, khoảng 18.000 người coi chỗ đậu xe, 37.000 tiếp tân khách sạn, 50.000 thợ sửa điện, 150.000 lao công... có ít nhất một tấm bằng cử nhân đại học. Riêng về nghề lao công, hơn 5.000 người có bằng tiến sĩ hoặc cao học.

Cũng theo thống kê của bộ, con số việc làm tuy tăng lên khi kinh tế vượt qua cơn suy thoái, nhưng thực ra, việc làm toàn thời gian tiếp tục giảm hơn 500.000 đơn vị. Mức tăng chung có được là nhờ số việc bán thời gian tăng thêm 800.000 việc. Số người làm bán thời gian dù không muốn ( involuntary ) tăng từ 4.4 triệu vào năm 2007 nay là 7.5 triệu. Những công việc trước đây chỉ dành cho học sinh sinh viên, nay là nguồn thu nhập chính của nhiều cử nhân đại học.

Đặc biệt trong những công việc nhận mức lương tối thiểu, số nhân viên có bằng cử nhân tăng gần gấp đôi. Năm 1968, 48% nhân viên dạng này có bằng trung học và 17% có bằng đại học. Năm 2012, 79% có bằng trung học và, 46% có bằng đại học. Theo tờ Mic, dù số nhân viên “có bằng cấp” tăng lên, nhưng nếu trừ đi các chỉ số lạm phát, lương tối thiểu hiện nay thực ra thấp hơn lương năm 1968 đến 23%. Dù sao thì các sinh viên mới ra trường khi cố tìm được việc, “làm gì cũng được miễn đủ sống”, họ vẫn nằm trong thành phần đang lao động. Họ không chấp nhận cảnh thất nghiệp của một số cử nhân hay tiến sĩ còn lại.

Theo số liệu thống kê, nạn thất nghiệp đang ở trong "mức kỷ lục", "nạn nhân" nhiều nhất là vào độ tuổi thanh niên mới ra trường và những người sắp nghỉ hưu. Số liệu cũng cho thấy, người có bằng tiến sĩ và thạc sĩ nhưng phải xin trợ cấp "foodstamp" tăng gấp ba lần trong ba năm, từ 2007 đến 2010, với 33.655 tiến sĩ và 293.029 thạc sĩ.

Vì đâu nên nỗi

Giái thích một cách đơn giản theo luật cung – cầu, thì người vừa tốt nghiệp đại học khó tìm được việc xứng đáng cũng chỉ vì cung vượt quá cầu. Số tân cử nhân thì nhiều mà số việc làm thì ít.

Phân tích sâu hơn, các bình luận gia đưa ra một số giả thiết để lý giải tình hình. Ông Richard Velder, một nhà kinh tế học của Ohio University, nói nguyên nhân là do chính phủ cố mời gọi những người tuổi từ 18 đến 22 đi học đại học bằng cách cho tiền trợ cấp. Tờ Forbes trích lời ông, và ví hiện tượng số sinh viên ngày nay vào đại học rất đông, cùng hy vọng dễ kiếm việc, cũng như là “một người muốn xem trận banh rõ hơn nên đứng lên, rồi cả khán đài đứng lên...”

Ông Charles Murray, thành viên American Enterprise Institute, nói tương tự: “Rất nhiều sinh viên thực ra không nên đi học đại học,” và ông khuyên “nên học những trường dạy nghề để học cách làm việc thực tế.”

Khẳng định giả thiết “thanh niên hãy đi làm, không cần bằng cử nhân” một cách khá đặc biệt, ông Peter Thiel, sáng lập viên và là chủ của công ty PayPal, lập nên một giải học bổng có tên “Thiel Fellowship.” Học bổng này chọn ra 20 sinh viên đại học dưới 20 tuổi và cho họ 100.000 USD để nghỉ học, bước vào lãnh vực kinh doanh.

Một phân tích gia của The Economist thì nói vấn đề không phải là quá nhiều người đi học, hay trợ cấp của chính phủ, hay do mượn tiền đi học, mà là do nhiều sinh viên chọn ngành học không thực tế so với nhu cầu việc làm của thị trường.

Tạp chí Wall Street Journal thì có bài phân tích quy việc số tân sinh viên nói riêng và người lao động Mỹ nói chung phải làm việc bán thời gian nhiều hơn trước là hệ quả của luật cải tổ y tế Affordable Care Act ( Obamacare ). Lý do được đưa ra là luật này buộc các công ty phải mua bảo hiểm cho nhân viên làm việc từ 30 tiếng/ tuần trở lên, khiến họ giới hạn số công việc toàn thời gian.

Dù nguyên nhân thực sự là gì đi nữa, thì trước mắt, khi các đại học Hoa Kỳ tiếp tục tăng số sinh viên mới mặc cho tỉ lệ công việc yêu cầu bằng đại học trong tổng số 50 triệu công việc chỉ 27% và bị dự đoán tới 2020 sẽ giảm còn 23%, giới trẻ ngày nay nên chuẩn bị tinh thần cho một thị trường việc làm sẽ tiếp tục vô cùng khắc nghiệt.

Lời khuyên nào cho các tân cử nhân đang vừa hào hứng với tấm bằng đại học “còn nóng hổi”, vừa lo lắng vì tìm việc làm quá “gian nan” ?

Giáo Sư Phạm Thị Huê, trưởng Khoa Cố Vấn, Đại Học Cộng Đồng Orange Coast College, chia sẻ: “Các em nên kiên nhẫn tìm một công việc 'part-time', không hợp với ngành học cũng không sao. Đồng thời, tìm cách để mình vẫn giữ được mối liên hệ với ngôi trường mình mới tốt nghiệp. Liên lạc với trung tâm tìm việc làm của trường, Job Placement Center hoặc Career Center. Làm việc tình nguyện trong cộng đồng.”

23

“Điều cần thiết là phải giữ tâm hồn trong sáng, sống vui, biết làm việc thiện nguyện, giúp đỡ cha mẹ, vận động, chơi thể thao, giúp các em nhỏ học..,” bà nói tiếp. “Lứa tuổi từ 21 đến 29 là lứa tuổi mà các nhà nghiên cứu cho là quãng thời gian rất khó khăn.”

THIÊN AN, báo Người Việt

NHỮNG ĐIỀU DỄ THƯƠNG LÀM NÊN NHÂN CÁCH NHẬT

Ở Nhật, bạn khó có cơ hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài. Vì sao ? Các bác tài sẽ tự chở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng dẫn “Hãy đi tàu điện ngầm cho rẻ”.

Sự trung thực của người Nhật, in đậm nét ở những "mini shop không người bán” tại Osaka. Nhiều vùng ở Nhật không có nông dân. Ban ngày họ vẫn đến công sở, ngoài giờ làm họ trồng trọt thêm. Sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán giá và để thùng tiền bên cạnh. Người mua cứ theo giá niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng. Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà. Nhẹ nhàng và đơn giản. Các con đường mua sắm, các đại siêu thị ở Hokkaido, Sapporo hay Osaka... cũng không nơi nào bạn phải gửi giỏ, túi xách.

Quầy thanh toán cũng không đặt ngay cổng ra vào. Người Nhật tự hào khẳng định động từ "ăn cắp vặt" gần như đã biến mất trong từ điển. Nếu bạn đến Nhật, toàn bộ các cửa hàng sẽ tự động trừ thuế, giảm 5 – 10% khi biết bạn là khách nước ngoài.

Nguyên tắc không gây tiếng ồn được áp dụng triệt để tại Nhật. Tất cả đường cao tốc đều phải xây dựng hàng rào cách âm, để nhà dân không bị ảnh hưởng bởi xe lưu thông trên đường. Osaka bỏ ra 18 tỷ USD xây hẳn 1 hòn đảo nhân tạo để làm sân bay rộng hơn 500ha ngay trên biển. Lý do đơn giản chỉ vì “người dân không chịu nổi tiếng ồn khi máy bay lên xuống”.

Tại các cửa hàng mua sắm, dù đang vào mùa khuyến mãi, cũng không một cửa hàng nào được đặt máy phát ra tiếng. Tuyệt đối không được bật nhạc làm ồn sang cửa hàng bên cạnh. Muốn quảng cáo và thu hút thì cách duy nhất là thuê một nhân viên dùng loa tay, quảng cáo với từng khách.

Vì sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc nguyên, không thu hoạch ? Không ai bảo ai, những nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ luôn để phần 5 – 10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên.

Mọi đứa trẻ đều được dạy về sự bình đẳng. Để không có tình trạng phân biệt giàu nghèo ngay từ nhỏ, mọi trẻ em đều được khuyến khích đi bộ đến trường. Nếu nhà xa thì xe đưa đón của trường là chọn lựa duy nhất. Các trường không chấp nhận cho phụ huynh đưa con đến lớp bằng xe hơi.

Việc mặc đồng phục vest đen từ người quét đường đến tất cả nhân viên, quan chức, cho thấy một nước Nhật không khoảng cách. Những ngày tuyết phủ trắng nước Nhật, từ trên cao nhìn xuống, những công dân Nhật như những chấm đen nhỏ di chuyển nhanh trên đường. Tất cả họ là một nước Nhật chung ý chí, chung tinh thần lao động.

Văn hóa xếp hàng thấm đẫm vào nếp sinh hoạt hàng ngày của người Nhật. Không có bất cứ sự ưu tiên. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một ngày bạn thấy người xếp hàng ngay sau lưng mình chính là Thủ Tướng.

Ở Nhật, nội trợ là một nghề. Hàng tháng chính phủ tự trích lương của chồng đóng thuế cho vợ. Do đó, người phụ nữ ở nhà làm nội trợ nhưng vẫn được hưởng các tiêu chuẩn y như một người đi làm. Về già, vẫn hưởng đầy đủ lương hưu. Độc đáo hơn nữa là nhiều công ty áp dụng chính sách, lương của chồng sẽ vào thẳng tài khoản của vợ. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình vì thế luôn được đề cao, tôn trọng.

Bài nhận được từ Đồng Xanh Thơ Sàigòn Tựa đề của Ephata

24

CÙNG TRÂN TRỌNG

CÂU NÓI CUỐI CÙNG…Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn mới lên đến

trước mũi thuyền cứu hộ, trên thuyền cứu hộ chỉ còn thừa duy nhất một chỗ ngồi. Lúc này, người đàn ông để vợ mình ở lại, còn bản thân nhảy lên thuyền cứu hộ.

Người phụ nữ đứng trên con thuyền sắp chìm, hét lên với người đàn ông một câu…

Kể đến đây, thầy giáo hỏi học sinh: “Các em đoán xem, người phụ nữ sẽ hét lên câu gì ?”

Tất cả học sinh phẫn nộ, nói rằng: “Em hận anh, em đã nhìn nhầm người rồi.”

Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh mãi vẫn không trả lời, liền hỏi cậu bé. Cậu học sinh nói: “Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ nói: Chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé !” Thầy giáo ngạc nhiên hỏi: “Em nghe qua câu chuyện này rồi ư ?” Học sinh lắc đầu: “Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy.” Thầy giáo xúc động: “Trả lời rất đúng !”

Người đàn ông được cứu sống trở về quê hương, một mình nuôi con gái trưởng thành. Nhiều năm sau, anh ta mắc bệnh qua đời, người con gái lúc sắp xếp kỷ vật, phát hiện quyển nhật ký của bố. Hóa ra, lúc mẹ và bố ngồi trên chiếc tàu ấy, người mẹ đã mắc bệnh nan y, trong giây phút quyết định, người chồng đã dành lấy cơ hội sống duy nhất về phần mình. Trong nhật ký viết rằng: “Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì con gái chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm. Anh xin lỗi.”

Kể xong câu chuyện, phòng học trở nên im ắng, các em học sinh đã hiểu được ý nghĩa câu chuyện này: Thiện và ác trên thế gian, có lúc lắm mối rối bời, khó lòng phân biệt, bởi vậy đừng nên dễ dàng nhận định người khác.

Người thích chủ động thanh toán tiền, không phải bởi vì người ta dư dả, mà là người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc.

Trong công việc, người tình nguyện nhận nhiều việc về mình, không phải bởi vì người ta ngốc, mà là người ta hiểu được ý nghĩa trách nhiệm.

Sau khi cãi nhau người xin lỗi trước, không phải bởi vì người ta sai, mà là người ta hiểu được trân trọng người bên cạnh mình.

Người tình nguyện giúp đỡ người khác, không phải vì nợ người đó cái gì, mà là vì người ta xem người đó là bạn.

KHUYẾT DANH

CHƯƠNG TRÌNH NHỊP CẦU BÁC ÁI PHANXICÔ

TRỢ GIÚP CHÁU VƯƠNG ĐẮC VŨ Ở LÂM ĐỒNG, BỊ U NÃO

Lm. Giuse Lê Quang Uy, Trung Tâm Mục Vụ DCCT, giới thiệu cháu VƯƠNG ĐẮC VŨ, sinh 24.6.1999, con ông Vương Đắc Sơn và bà Trần Thị Bích, ngụ tại thôn Mỹ Hà, xã Hoà Đức, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, điện thoại: 0972.459.427. Gia đình cháu được 2 sào đất làm rẫy trồng đậu, bắp, cà phê. Cháu là con thứ hai trong gia đình có hai anh em. Cháu Vũ bị u não, đã điều trị đã 11 năm nay. Chi phí được miễn giảm do thuộc diện khó khăn, nhưng gia đình vẫn phải lo các chi phí khám bệnh và thuốc ngoài danh mục. Chúng tôi xin trợ giúp 500.000 VND, số tiền được trích từ Chương Trình Nhịp Cầu Bác Ái Phanxicô ( có 3 biên lai, trong đó có 1 biên lai từ năm 2013 ).

25

CÙNG TƯƠNG TRỢ

TRỢ GIÚP BÀ HOÀNG THỊ THIÊNG Ở KHÁNH HÒA, BỊ TAI NẠN

Lm. Giuse Phan Cường, Giáo Xứ Vĩnh Thái, Giáo Phận Nha Trang, giới thiệu bà Martha HOÀNG THỊ THIÊNG, sinh năm 1970, chồng là ông Nguyễn Sơn Lâm, hiện ngụ tại thôn Vĩnh Thái, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, điện thoại: 01696.866.695, gia đình làm nông, có 4 người con. Bà Thiêng bị tai nạn năm 2013, gãy tay và chân, đã mổ bắt vít, nay phải mổ lại để lấy vít ra. Chúng tôi xin trợ giúp 4.000.000 VND, số tiền được trích từ Chương Trình Nhịp Cầu Bác Ái Phanxicô ( có 2 biên lai ).

TRỢ GIÚP BÀ LÊ ÁNH TUYẾT Ở VĨNH LONG, BỊ UNG THƯ VÀ BƯỚU CƯỜNG GIÁP

Lm. Phêrô Phạm Đức Thanh, DCCT, Họ Đạo Mỹ Thuận, điện thoại: 070.3816.673, giới thiệu bà LÊ ÁNH TUYẾT, sinh năm 1977, chồng là ông Nguyễn Ngọc Anh, hiện ngụ tại 94c ấp Mỹ Thuận, xã Tân Hội, thành phố Vĩnh Long, điện thoại: 01683.852.526 hoặc 01659.441.419. Ông bà có 3 người con, chồng bà bẻ dừa mướn, bà bán vé số và trái cây. Bà Tuyết bị bướu cường giáp và ung thư vú, bà đang điều trị bướu cường giáp tại Bệnh Viện Gia Định và ung thư vú tại Bệnh Viện Ung Bướu. Bà đã được phẫu thuật và hiện đang xạ trị. Chúng tôi xin trợ giúp 5.000.000 VND, số tiền được trích từ Chương Trình Nhịp Cầu Bác Ái Phanxicô ( có 18 biên lai ).

TRỢ GIÚP LẦN 2 CHO CHÁU ĐINH THÚC LOAN Ở ĐỒNG NAI, BỊ TIM BẨM SINH

Lm. Giuse Lê Quang Uy, TTMV DCCT, giới thiệu cháu ĐINH THÚC LOAN, sinh 2003, con ông Đinh Ngọc Cường và bà Lê Thị Nga, hiện ngụ tại xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Cháu Loan bị tim bẩm sinh, kênh nhĩ thất, phát bệnh năm 2009, phải thường xuyên nhập viện để cấp cứu. Ngày 21.7.2014, cháu được nhập viện Bệnh Viện Đại Học Y Dược để mổ thông nhĩ. Chúng tôi xin trợ giúp 1.000.000 VND, số tiền được trích từ Chương Trình Nhịp Cầu Bác Ái Phanxicô ( có 1 biên lai ).

TRỢ GIÚP BÀ HỒ THỊ TUYẾT VÂN Ở SÀIGÒN, BỊ VIÊM TIẾT NIỆU

Lm. Giuse Lê Quang Uy, Trung Tâm Mục Vụ DCCT, giới thiệu bà HỒ THỊ TUYẾT VÂN, sinh năm 1970, hiện ngụ tại 40/17 Nghĩa Hòa, P. 6, Q. Tân Bình, Sàigòn, điện thoại liên hệ: 0937.453.645. Bà Vân làm tạp vụ, chồng làm thợ hồ. hai ông bà không có con, nhưng đang nuôi 2 người cháu mồ côi là con của chị ruột bà Vân. Bà Vân bị viêm tiết niệu, lại them gai cột sống. Chúng tôi xin trợ giúp 100.000 VND, số tiền được trích từ Chương Trình Nhịp Cầu Bác Ái Phanxicô ( có 1 biên lai ).

TRỢ GIÚP BÀ NGUYỄN THỊ ĐẸP Ở VĨNH LONG, BỊ UNG THƯ TỬ CUNG

Lm. Phêrô Phạm Đức Thanh, DCCT, phụ trách Họ Đạo Mỹ Thuận, Giáo Phận Vĩnh Long, giới thiệu bà NGUYỄN THỊ ĐẸP, sinh năm 1961, hiện ngụ tại 264a ấp Tân An, xã Tân Hội, thành phố Vĩnh Long, điện thoại: 01638.077.347. gia đình bà Đẹp không có đất đai, ông bà đi làm mướn, có một con trai 26 tuổi đang làm việc ở Củ Chi. Bà Đẹp bị ung thư tử cung, đang điều trị tại Bệnh Viện Ung Bướu, khoa ngoại 1, đã mổ cắt bỏ tử cung, hiện vẫn đang tiếp tục xạ trị. Chúng tôi xin trợ giúp 10.000.000 VND, số tiền được trích từ Chương Trình Nhịp Cầu Bác Ái Phanxicô ( có 9 biên lai ).

TRỢ GIÚP ANH NGUYỄN VĂN QUỐC Ở RẠCH GIÁ, BỊ TÂM THẦN

Lm. Giuse Lê Quang Uy, Trung Tâm Mục Vụ DCCT, giới thiệu anh NGUYỄN VĂN QUỐC, mẹ là Nguyễn Thị Đầy, hiện ngụ tại 173/7 Võ Thị Toàn, P. Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Anh Quốc có gia đình nhưng vợ đã bỏ đi. Anh Quốc bị rối loạn tâm thần do tổn thương và rối loạn chức năng não, đang điều trị tại Bệnh Viện Nhiệt Đới Sàigòn. Chúng tôi xin trợ giúp 350.000 VND, số tiền được trích từ Chương Trình Nhịp Cầu Bác Ái Phanxicô ( có 1 biên lai ).

26

TRỢ GIÚP EM BÙI NGÔ QUỐC PHÁT Ở SÀIGÒN, BỊ ĐAU RUỘT THỪA

Lm. Giuse Lê Quang Uy, Trung Tâm Mục Vụ DCCT, giới thiệu em BÙI NGÔ QUỐC PHÁT, sinh năm 2000, con ông Bùi Quốc Phú và bà Ngô Thị Thúy Hồng, hiện ngụ tại 257/40/42A ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, Sàigòn, điện thoại: 01645.361.312. Phát là con út trong gia đình có 3 anh em, Bố Mẹ em bán vé số. Em Phát bị đau ruột thừa, phải cấp cứu tại Bệnh Viện Hóc Môn để mổ. Chúng tôi xin trợ giúp 4.500.000 VND, số tiền được trích từ Chương Trình Nhịp Cầu Bác Ái Phanxicô ( có 4 biên lai ).

TRỢ GIÚP LẦN 2 CHỊ PHẠM THANH THẢO Ở SÀIGÒN,BỊ GAN VÀ LAO PHỔI

Chị Maria Nguyễn Thị Thủy, Cộng đoàn Điểm Tim Sàigòn, giới thiệu chị PHẠM THANH THẢO, sinh năm 1983, hiện ngụ tại 977/39 Hương Lộ 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Sàigòn. Chồng đã bỏ đi khi chị đang mang thai, con chị năm nay 14 tuổi, chị Thảo đang sống cùng với mẹ và em gái. Chị làm mướn, công việc không ổn định. Chị Thảo bị viêm gan và tràn dịch màng phổi, điều trị tại Bệnh Viện Phạm Ngọc Thạch từ ngày 3.7.2014 đến ngày 13.7.2014, chị được xuất viện về nhà uống thuốc. Ngày 18.8.2014 Chị Thảo lại nhập viện để tái khám. Chúng tôi xin trợ giúp 2.000.000 VND, số tiền được trích từ Chương Trình Nhịp Cầu Bác Ái Phanxicô ( có 4 biên lai ).

TRỢ GIÚP ÔNG NGUYỄN VĂN HẠNH Ở SÓC TRĂNG, BỊ UNG THƯ XƯƠNG

Nữ Tu Maria Nguyễn Thị Phương Nga, Dòng Đa Minh Tam Hiệp, giới thiệu ông NGUYỄN VĂN HẠNH, sinh năm 1969, hiện ngụ tại ấp An Phú, thị trấn Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, điện thoại: 01204.781.109. Vợ chồng ông làm thợ hồ. Ông Hạnh bị ung thư xương, đã cắt bỏ 1 chân, đang điều trị tại Bệnh Viện Ung Bướu, Sàigòn. Chúng tôi xin trợ giúp 400.000 VND, số tiền được trích từ Chương Trình Nhịp Cầu Bác Ái Phanxicô ( có 2 biên lai ).

506. QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ĐIỀU TRỊ UNG THƯ VÒM HỌNG

CHO BÀ SÙNG THỊ DUNG Ở ĐĂKLĂKTu Sĩ Giuse Sùng A Tịnh, Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, điện thoại: 01644.414.446, giới

thiệu bà SÙNG THỊ DUNG, người dân tộc H’Mông, sinh năm 1973, hiện ngụ tại thôn Giang Đông, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk, thuộc Giáo Xứ Phú Lộc, Giáo Phận Buôn Ma Thuột, điện thoại: 01698.902.944 – 01634.165.448. Gia đình bà làm nông, có 4 người con ruột và 2 người con nuôi.

Bà Dung bị ung thư vòm họng giai đoạn 4, lại thêm bệnh tiểu đường type 2 , hiện đang được điều trị tại Bệnh Viện Ung Thư Đà Nẵng, chi phí đến nay đã hết 100 gần triệu đồng. Gia đình đã phải bán hết những gì đáng giá trong nhà và vay mượn khắp nơi để lo chí phí cho bà chữa trị. Hiện tại bà Dung vẫn đang được tiếp tục theo dõi bệnh trạng và sẽ phải xạ trị tất cả 40 đợt.

Ngày 14.8.2014, chúng tôi xin mở Quỹ Trợ Giúp điều trị ung thư vòm họng cho bà Sùng Thị Dung với số tiền là 30.000.000 VND. Mọi liên hệ trợ giúp xin gửi về cho Lm. Giuse Lê Quang Uy, TTMV DCCT, 38 Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, Sàigòn. Email: [email protected]

Danh sách các ân nhân gần xa:

Hội Bác Ái Phanxicô ( Hoa Kỳ ): 4.000.000 VNDÔng bà Nguyen Thanh Thiery ( Hoa Kỳ ): 50 USDCô Trần Thị Minh Xuân ( Sàigòn ): 5.000.000 VNDCác bạn Nhóm Fiat ( các tỉnh ): 1.600.000 VNDCô Lê Thị Kim ( Sàigòn ): 3.000.000 VNDBa người dự Lễ Xa Quê DCCT ( Sàigòn ): 950.000 VNDCô Jennifer Ha Dinh ( Hoa Kỳ ): 400 USDMột người ẩn danh ở Q. 8 ( Sàigòn ): 800.000 VNDAnh Dũng ( Sàigòn ): 1.000.000 VNDBốn người dự Lễ Xa Quê ( các tỉnh ): 3.700.000 VNDBa người ẩn danh ( Sàigòn ): 1.000.000 VND

27

Tổng kết đến 8g40 sáng thứ hai 25.8.2014: 21.050.000 VND + 450 USD = 30.000.000 VND

Như vậy sau 11 ngày quyên góp, chúng ta đã có được 30 triệu đồng giúp bà Sùng Thị Dung. Xin tạ ơn Chúa, biết ơn Mẹ và cám ơn quý ân nhân gần xa.

507. QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP MỔ TIM CHO ÔNG NGUYỄN MỤC Ở PHÚ YÊN

Lm. Giuse Lê Quang Uy, Trung Tâm Mục Vụ DCCT, giới thiệu ông NGUYỄN MỤC, sinh năm 1963, hiện ngụ tại thôn Phước Bình Bắc, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, điện thoại: 0975.744.003, hoặc con trai là anh Cường: 0925.987.960. Gia đình ông bà có 4 sào đất trồng lúa, có 3 người con, người con lớn đã lập gia đình, 2 người còn lại đi làm thuê, không có nghề nghiệp ổn định.

Ông Mục bị hẹp van tim 2 lá, hở 3 lá nặng, tăng áp phổi. Chi phí ca mổ là 97.860.000 đồng, chưa tính chi phí chụp mạch vành trước khi mổ. BHYT thanh toán được 30% chi phí, số tiền còn lại gia đình phải chạy lo khắp nơi nhưng vẫn còn thiếu.

Ngày 25.8.2014, chúng tôi xin mở Quỹ Trợ Giúp mổ tim ông Nguyễn Mục với số tiền là 30.000.000 VND. Mọi liên hệ trợ giúp xin gửi về cho Lm. Giuse Lê Quang Uy, Trung Tâm Mục Vụ DCCT, 38 Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, Sàigòn. Email: [email protected]

Danh sách các ân nhân gần xa:

Hội Bác Ái Phanxicô ( Hoa Kỳ ): 4.000.000 VNDMột người ẩn danh dự Lễ Xa Quê ( ? ): 100 USDÔng bà Nguyễn Xuân Thu ( ? ): 1.000.000 VNDCô Jennifer Ha Dinh ( Hoa Kỳ ): 200 USDTrích chia sẻ của Quán Vương ( Sàigòn ): 5.000.000 VNDChị Quyên, Garden Grove, Cali ( Hoa Kỳ ): 100 USDGia đình bạn Fiat Đăng Quang ( Sàigòn ): 500.000 VNDMột người ẩn danh dự Lễ Xa Quê ( Long An ): 600.000 VNDChị Hoài Thương ( Canada ): 100 CADDr. Karl Lang, Reichertshofen ( Đức ): 300 EUR

Tổng kết đến 18g chiều thứ ba 26.8.2014: 11.100.000 VND + 400 USD + 100 CAD + 300 EUR = 30.000.000 VND

Như vậy chỉ sau 1 ngày quyên góp, chúng ta đã có được 30 triệu đồng giúp ông Nguyễn Mục. Xin tạ ơn Chúa, biết ơn Mẹ và cám ơn quý ân nhân gần xa.

508. QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP HÓA TRỊ UNG THƯ MÁU CHO CHỊ ĐOÀN THỊ HUYỀN Ở HUẾ

Lm. Giuse Hồ Đắc Tâm, Giáo Xứ ĐMHCG, DCCT Sàigòn, giới thiệu chị ĐOÀN THỊ HUYỀN, sinh năm 1982, chồng là anh Hồ Quốc Ngân, hiện ngụ tại xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, điện thoại liên hệ: 0935.592.200. Gia đình chị làm nghề chằm nón lá, anh chị có hai con, bé lớn được 7 tuổi, bé út chỉ mới được 19 tháng tuổi.

Chị Huyền bị bệnh bạch cầu cấp dòng hạt ( ung thư máu ), hiện đang điều trị tại Bệnh Viện Trung Ương Huế, khoa Huyết Học Lâm Sàng. Chị sẽ phải hóa trị tất cả 3 đợt, hiện tại đang là đợt 1, mỗi đợt sẽ kéo dài 1 tháng, chi phí khoảng từ 80 đến 100 triệu đồng, gia đình lại không có BHYT nên không có khả năng lo liệu.

Ngày 26.8.2014, chúng tôi xin mở Quỹ Trợ Giúp hóa trị ung thư máu cho chị Đoàn Thị Huyền với số tiền là 45.000.000 VND. Mọi liên hệ trợ giúp xin gửi về cho Lm. Giuse Lê Quang Uy, TTMV DCCT, 38 Kỳ Đồng, P. 9, Q. 3, Sàigòn. Email: [email protected]

Danh sách các ân nhân gần xa:

Hội Bác Ái Phanxicô ( Hoa Kỳ ): 4.000.000 VNDHai bạn Nghị – My ( Sàigòn ): 500.000 VNDCô Jennifer Ha Dinh ( Hoa Kỳ ): 400 USDTrích chia sẻ của Quán Vương ( Sàigòn ): 5.000.000 VNDCô Têrêsa Uyên, Cali ( Hoa Kỳ ): 100 USD

28

Gia đình anh Như Long, Paris ( Pháp ): 200 EURBà Hoàng Thị Hồng ( Đức ): 200 EURBà Nguyễn Thị Thuận, Q. 12 ( Sàigòn ): 5.500.000 VNDBà Sĩ ( Canada ): 100 CADCô Quỳnh Chi ( Canada ): 50 CADBà Vinh ( Canada ): 50 CADCô Hoàng ( Canada ): 100 CADBà Phong ( Canada ): 50 CADAnh Nam ( Canada ): 50 CAD

Tổng kết đến 11g15 trưa thứ bảy 30.8.2014: 15.000.000 VND + 500 USD + 500 EUR + 400 CAD = 46.500.000 VND

Như vậy sau 6 ngày quyên góp, chúng ta đã có được 45 triệu đồng giúp chị Đoàn Thị Huyền. Số tiền 1.500.000 VND dôi ra xin chuyển sang cho trường hợp ngặt nghèo kế tiếp là bà Huỳnh Ngọc Hiệp ở Sàigòn, bị ung thư tử cung. Xin tạ ơn Chúa, biết ơn Mẹ và cám ơn quý ân nhân gần xa.

509. QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ĐIỀU TRỊ UNG THƯ TỬ CUNG CHO BÀ HUỲNH NGỌC HIỆP Ở SÀIGÒN

Bà Nguyễn Thị Thu Sương, Trưởng Xóm Giáo 5, giới thiệu bà HUỲNH NGỌC HIỆP, sinh ngày 21.2.1958, hiện ngụ tại số 240/44 CMT 8, P. 10, Q. 3, Sàigòn, bán bún riêu, bún bò, hủ tíu để mưu sinh và nuôi thêm một đứa cháu nội đang tuổi đi học.

Bà Hiệp phát bệnh u nang buồng trứng và ung thư nội mạc tử cung độ 3, phải vào cấp cứu Bệnh Viện An sinh để phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung, sau đó tiếp tục uống thuốc kháng sinh điều trị tại nhà. Chi phí xét nghiệm, mổ và thuốc men tất cả hết 22 triệu đồng. Để có đủ tiền đi mổ, chị đã phải vay mượn thêm 15 triệu đồng. Sau khi mổ, chị còn quá yếu, không thể bán hàng ăn như trước nên vẫn chưa trả được món nợ lớn.

Ngày 30.8.2014, chúng tôi xin mở Quỹ Trợ Giúp điều trị ung thư tử cung cho bà Huỳnh Ngọc Hiệp với số tiền là 20.000.000 VND. Mọi liên hệ trợ giúp xin gửi về cho Lm. Giuse Lê Quang Uy, TTMV DCCT, 38 Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, Sàigòn. Email: [email protected]

Danh sách các ân nhân gần xa:

Hội Bác Ái Phanxicô ( Hoa Kỳ ): 4.000.000 VNDChuyển từ Quỹ giúp chị Đoàn Thị Huyền ( Huế ): 1.500.000 VNDAnh Công, Giáo Xứ Mẫu Tâm ( Sàigòn ): 500.000 VNDChị Kim Uyên, quận 10 ( Sàigòn ): 4.000.000 VNDCô Maria Hồ Mỹ Linh ( Sàigòn ): 1.000.000 VNDCô Hoàng Mai ( Sàigòn ): 800.000 VNDMột người ẩn danh ( Malaysia ): 200.000 VNDGia đình anh Khánh ( Sàigòn ): 2.000.000 VNDCô Trần Ngọc Nga, Texas ( Hoa Kỳ ): 1.000.000 VNDNhiều ân nhân, qua cha Đắc Tâm ( Sàigòn ): 6.700.000 VND

Tổng kết đến 11g45 trưa thứ hai 1.9.2014: 21.700.000 VND

Như vậy sau 2 ngày quyên góp, chúng ta đã có được 20 triệu đồng giúp bà Huỳnh Ngọc Hiệp. Số tiền 1.700.000 VND dôi ra xin chuyển sang cho trường hợp ngặt nghèo kế tiếp là chị Rahlan H'Mrim ở Gia Lai cần được mổ tim. Xin tạ ơn Chúa, biết ơn Mẹ và cám ơn quý ân nhân gần xa.

510. QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP MỔ TIM CHO EM RAHLAN H'MRIM Ở GIA LAI

Lm. Giuse Lê Quang Uy, Trung Tâm Mục Vụ DCCT, giới thiệu em RAHLAN H'MRIM, sinh 1987, người dân tộc J'rai, hiện ngụ tại buôn K'ting, xã Ia Rsai, huyện Krôngpa, tỉnh Gia Lai. Nhiều năm qua, em H'Mrim bệnh tật yếu đau, không có sức để lao động, mọi sự đều nhờ vào cố gắng bươn trải mưu sinh của người chồng, thu nhập rất thấp và bấp bênh.

Em H'Mrim bị bệnh tim đã 5 năm nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không đủ điều kiện để được mổ tim. Gia đình đã nhiều lần đưa em đi khám bệnh và mua thuốc tại Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh

29

Gia Lai. Đến nay bệnh tình càng nặng, em được đưa về Sàigòn khám đi bệnh viện Tim Tâm Đức, các bác sĩ cho biết phải phẫu thuật gấp, chi phí ca mổ là 40 triệu đồng. Ân nhân Lương Trung Thành, với tư cách cá nhân, đã trợ giúp 10 triệu đông, cha Nguyễn Vân Đông, trưởng ban Caritas Giáo Phận Kontum, hỗ trợ thêm 10 triệu đồng, vẫn còn thiếu 20 triệu đồng, chưa kể các khoản tiền phát sinh sau khi mổ.

Ngày 1.9.2014, chúng tôi xin mở Quỹ Trợ Giúp điều trị ung thư tử cung cho bà Huỳnh Ngọc Hiệp với số tiền là 20.000.000 VND. Mọi liên hệ trợ giúp xin gửi về cho Lm. Giuse Lê Quang Uy, TTMV DCCT, 38 Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, Sàigòn. Email: [email protected]

Danh sách các ân nhân gần xa:

Hội Bác Ái Phanxicô ( Hoa Kỳ ): 4.000.000 VNDChuyển từ Quỹ giúp chị Huỳnh Ngọc Hiệp: 1.700.000 VNDHai người, qua cha Hồ Đắc Tâm ( ? ): 100 USD + 100 EUR Trích chia sẻ của cô Tuyết Lê ( Hoa Kỳ ): 400 USDÔng bà Khanh – Nhung ( Hoa Kỳ ): 5.000.000 VNDCô Maria Hòa, Q. Phú Nhuận ( Sàigòn ): 300.000 VNDMột người làm ở Hotel Movenpick ( Sàigòn ): 1.000.000 VNDAnh Ngô Văn Quảng ( Sàigòn ): 500.000 VNDChị Lý Mỹ Yến ( Sàigòn ): 2.100.000 VNDBà Nguyễn Thị Bích Nguyệt ( Úc ): 2.000.000 VND

Tổng kết đến 16g45 chiều thứ năm 4.9.2014: 16.600.000 VND + 500 USD + 100 EUR = 30.000.000 VND

Như vậy sau 4 ngày quyên góp, chúng ta đã có được 30 triệu đồng giúp chị Rahlan H'Mrim. Xin tạ ơn Chúa, biết ơn Mẹ và cám ơn quý ân nhân gần xa.

DANH SÁCH CÁC ÂN NHÂN TRỢ GIÚP CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ SỰ SỐNG THÁNG 8.2014

Ba người ẩn danh ( Sàigòn ) góp 5.8 ................................................................................... 600.000 VNDGia đình hai bé Thương và Tâm ( Sàigòn ) góp 6.8 ............................................................. 500.000 VNDAnh Phan Xuân Bửu, Nhóm BVSS ( Sàigòn ) góp 7.8 .......................................................1.500.000 VNDGia đình cháu Phan Hồng Ân ( Sàigòn ) góp 8.8 .............................................................. 2.000.000 VNDHội Lòng Chúa Thương Xót ( Hòa Lan ) gửi về 11.8 .................................................................. 650 EURHai người ẩn danh ( Sàigòn ) góp 12.8 ............................................................................. 1.200.000 VNDGia đình bé Bùi Anh Trung ( Sàigòn ) góp 12.8 .................................................................... 500.000 VNDMột người ẩn danh ( Sàigòn ) góp 13.8 ............................................................................... 200.000 VNDGia đình Trần Đoàn ( Sàigòn ) góp 15.8 .............................................................................. 200.000 VNDAnh Ba Đen ( Sàigòn ) góp 20.8 ....................................................................................... 1.000.000 VNDMột người ẩn danh ( Hoa Kỳ ) qua cha Quốc Giang, gửi 24.8 ..................................................... 60 USD Hai bạn Phúc Thạch – Thúy Hạnh, Agape 32 ( Sàigòn ) góp 31.8 ................................... 1.000.000 VND

Tổng kết ân nhân giúp trong tháng 8 ......................................... 650 EUR + 60 USD + 8.700.000 VND

30